Thân gửi ngài Antonio Guterres – Tân tổng thư kí Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2017-2022! Được tin mình sẽ trở thành cố vấn mới cho ngài trong nhiệm kì này, tôi rất hạnh phúc và tự hào. Nhưng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình là không nhỏ. Tôi nguyện luôn sát cánh cùng ngài trong thời gian tới với mong ước mang màu áo mới cho thế giới.
Thưa ngài!
Tôi biết, ngài nhận chức trong tình hình thế giới đang có nhiều biến động: cuộc chiến Syria chưa hồi kết, người tị nan chưa giải quyết xong, biến đổi khí hậu…và đặc biệt là xung đột trên Biển Đông vẫn tiếp tục nóng. Thế giới đang cần lắm những người như ngài: trí tuệ, công minh. Nhân loại đang mong lắm một người như ngài có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải những xung đột và kêu gọi các cường quốc hãy cùng đứng ra giải quyết các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay.
Ở cương vị mới, ngài sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề nóng nào trước nhất? Tôi tin ngài đã có những quyết sách riêng cho mình. Tôi mong rằng, một trong những quyết sách ấy của ngài sẽ ưu tiên cho giải quyết vấn đề xung đột trên Biển Đông hiện nay. Tại sao ư?
Ngài biết đấy, trước khi đến với ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc, tôi và ngài sống ở vùng đất khác nhau. Ngài đến từ trời Âu. Tôi đến từ vùng đất đậm chất Á Đông. Nhưng cả tôi và ngài đều mang trong mình vị mặn mòi của biển cả với tình yêu biển mãnh liệt. Cả tôi, ngài và nhân loại đều cảm nhân được những giá trị mà mẹ biển mang đến cho con người. Biển là “cầu nối” cực kì quan trọng để giao lưu kinh tế, hội nhập, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Biển góp phần điều hòa khí hậu, cung cấp cho các lục địa lượng hơi nước rất lớn sinh ra mây mưa, duy trì sự sống của con người và sinh vật trên Trái Đất. Biển và đại dương còn là những kho tài nguyên, thực phẩm vô cùng quý giá. Biển cho con người cá, tôm…với các loài rong, tảo đủ màu sắc, là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hóa chất. Biển là nguồn vô tận muối ăn. Mặt biển và đại dương là tuyến đường giao thông thủy rất thuận lợi, là nhịp cầu nối liền giữa các lục địa. Không những thế, biển và đại dương còn là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, giải trí.
Sau những ngày làm việc căng thẳng, vất vả, chúng ta-nhân loại làm gì? Nghỉ ngơi? Du lịch? Ở đâu? Đến với Baia do Sancho của Bra-xin nổi tiếng với khung cảnh thần tiên, bãi cát thoai thoải và nước biển xanh trong như thiên đường? Đến với Playa Paraiso của Cu-ba với bãi cát trắng muốt? Hay đến với Nacpan, EnNido của Phi-lip-pin nổi tiếng với rặng dừa duyên dáng, bãi cát mịn màng và nước biển trong vắt?...Thật tuyệt phải không ngài? Còn ngài? Có lẽ,ngài sẽ tìm sự bình yên ở nơi có bãi biển được bao bọc bởi các vách đá đủ hình thù do thiên nhiên chạm khắc tỉ mỉ vẫn còn nét hoang sơ. Ngài sẽ đến hòn đảo xinh đẹp Azorena quê hương ngài-nơi từng được bầu chọn là điểm du lịch sinh thái tốt nhất Châu Âu vì nét hoang sơ của môi trường, bản sắc, văn hóa, sự chuyên nghiệp và dịch vụ thân thiện an toàn.
Như ngài, những phút giây ấy tôi muốn trở về với dải đất hình chữ S thân yêu. Tôi sẽ đi, đi dọc chiều dài đất nước. Đến với Hạ Long để lắng nghe hơi thở của biển lúc đêm về.Đến với Đà Nẵng, Nha Trang hay “viên ngọc quý” Côn Đảo và Phú Quốc-nơi có bãi cát trắng trải dài theo bờ biển hẻo lánh xanh lam đặc trưng. Thích nhất là khi được ngồi trên thuyền theo chân các ngư dân ra khơi trải nghiệm công việc đánh bắt cá của họ. Họ ra khơi cất cao tiếng hát. Tiếng hát ấy hòa cùng ánh trăng trên cao cùng những ánh sao đêm đến lùa nước biển trong xanh. Biển rì rào theo sóng tấp vào bờ như đang ca hát. Đêm. Trời yên, biển lặng. Tiếng cá quẫy tũng toẵng. Chỉ một lát nữa thôi là chúng nằm gọn trong lưới bắt đầu một hành trình mới-hành trình dựng xây những cuộc đời mới. Giữa không gian biển đêm tĩnh lặng tôi như nghe thấy tiếng vọng về từ ngàn xưa.Đó là tiếng của đồng chí, đồng bào đã yên nghỉ nơi đầu sóng ngọn gió.Nơi đó có bao người cha,người anh,biết bao chuyến tàu không số ra đi mãi mãi để bảo vệ cho Trường Sa,Hoàng Sa,bảo vệ cho chủ quyền biển đảo quê nhà...
Nhưng thưa ngài!
Biển Đông hiện nay đang dậy sóng.Mẹ biển đau đớn khi nhìn những đứa con của mình “chia đàn sẻ nghé” tranh chấp nhau “một miếng bánh ngon”. Mặc dù luật biển quốc tế 1982 đã phân định rõ vùng biển đặc quyền của mỗi quốc gia nhưng trước những “mối lợi” từ biển cả mà có những quốc gia ỷ mạnh hiếp yếu,không ngừng gây hấn với những người bạn “láng giềng”.Đó là “người khổng lồ Trung Quốc”. Ở quê hương tôi,vụ việc được bắt đầu từ khi tàu Bình Minh 2 bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò diễn ra vào ngày 26.5.2011.Đây được xem là sự việc đánh dấu sự leo thang trong tranh chấp ở Biển Đông.Đặc biệt,năm 2014,Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong 75 ngày.Không những thế,họ còn cho xây dựng nhiều công trình phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn,đá Xu Bi, lắp đặt hệ thống phòng không và chống tên lửa trên cả bảy điểm đảo nhân tạo xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không chỉ với quê hương tôi.Để nắm quyền bá chủ Biển Đông, Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông với “đường chín đoạn”. Với yêu sách “đường lưỡi bò” – “đường chín đoạn” tự đưa ra,Trung Quốc đã cho tàu thuyền vào sát bờ của các nước: Phi-lip-pin, Brunei, Ma-lay-si-a, Nhật Bản ... Ở Nhật, Bắc Kinh tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Với Phi-lip-pin, họ tranh chấp bãi cạn Scarbragh ... Hành động hung hăng, bành trướng của Trung Quốc trên biển từng bị Tổng thống Phi-lip-pin,ngài Benigno Aquino ví như hành động của phát xít Đức trong thế chiến II. Hành động ấy là vi phạm công ước quốc tế, vi phạm DOC,hủy hoại môi trường sinh thái biển,làm phức tạp,căng thẳng tình hình,làm ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Những căng thẳng trên Biển Đông ấy khiến cho “chiếc ghế nóng” Liên Hợp Quốc của ngài sẽ “không có tuần trăng mật”. Nhân dân tôi, đất nước tôi cũng như nhân loại mong ngài sẽ có những giải pháp đúng và nhanh nhất cho vấn đề này. Riêng tôi,cố vấn của ngài,tôi xin mạn phép đề xuất một số hướng giải pháp. Trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các bên cùng xây dựng các quy tắc ứng xử để đảm bảo hành động của mình phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và không làm gia tăng va chạm tranh chấp tại Biển Đông. Cùng nhau kí cam kết thực hiện nghiêm minh luật biển quốc tế 1982.Mọi hành động của các bên cùng hướng tơi “hòa bình hữu nghị,hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Khi tranh chấp không thể tự giải quyết sẽ cần đến tòa trọng tài quốc tế. Tích cực đàm phán,tuyên truyền để các bên hiểu và tránh tranh chấp, không nên biến đất của “hàng xóm” thành sân sau nhà mình, nên thuận theo tự nhiên,tôn trọng chủ quyền vì đất nào sao nấy, sách trời đã định
Những giải pháp ấy chưa phải là tất cả nhưng tôi hi vọng cũng đủ sáng để soi tỏ cho con đường đầy khó khăn trước mắt của ngài. Tôi đặt niềm tin vào những quyết sách của ngài,tin rằng một thế giới mới sắp mở ra.
Mong một ngày không xa cánh thư mỏng này sẽ đến được với ngài!
| Cố vấn của ngài Nguyễn Thị Quỳnh Mai |
Ý kiến ()