Hôm nay 21-1-2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Thủ đô Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự tham dự của 1510 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên cả nước trọng thể khai mạc.
Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đại hội
Tham dự Đại hội, đại biểu khách mời có: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, cán bộ lão thành cách mạng, đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại biểu các tôn giáo, đại biểu tiêu biểu của thế hệ trẻ.
Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XII của Đảng tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới. Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội vui mừng đón Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng, mang tới Đại hội những đóa hoa tươi thắm, tình cảm thắm thiết và niềm tin lớn lao của đồng bào Thủ đô và nhân dân cả nước đối với Đảng, mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tiến hành mạnh mẽ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới; đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng và phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Bác Hồ căn dặn.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô; gửi đến đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cả nước và nhân dân Thủ đô lời cảm ơn chân thành và bày tỏ quyết tâm tổ chức Đại hội XII thành công tốt đẹp; chúc Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và đồng bào cả nước đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng Thủ đô 1000 năm văn hiến, thành phố Anh hùng, trái tim thân yêu của cả nước.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Báo cáo có tiêu đề:“Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tổng Bí thư khẳng định 30 năm đổi mới đánh dấu sự trưởng thành của Đảng và nhân dân, đất nước đạt được nhiều thành tựu song cũng còn nhiều yếu kém cần khắc phục. Những thành tựu của 30 năm qua khẳng định đường lối của Đảng ta là “đúng đắn, sáng tạo, tạo tiền đề để đất nước tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ.
Báo cáo chỉ rõ năm năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng, quyết tâm tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đối mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…
Báo cáo khẳng định mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...
Về công tác xây dựng Đảng, báo cáo nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng.
Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tạo được chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới phong cách và lề lối làm việc; nghiêm khắc với mình hơn, giữ gìn đạo đức, lối sống; bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong công tác và trong cuộc sống của mình, của gia đình và người thân. Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn…
Báo cáo cũng chỉ rõ công tác xây dựng Đảng nói chung cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm thể hiện trên các mặt, các nội dung, các khâu công tác, nổi bật là việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn yếu….
Báo cáo đề cập 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội 12. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Bên cạnh đó xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…
Cũng trong phiên khai mạc Đại hội, thay mặt Đoàn thư ký Đại hội, đồng chí Trương Thị Mai đọc danh sách các chính Đảng, tổ chức quốc tế có thư, điện chúc mừng Đại hội.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
Buổi chiều, các đại biểu dự Đại hội thảo luận tại đoàn về các Báo cáo chính trị trình tại Đại hội.
Ý kiến ()