Thực hiện Chỉ thị số 40 -CT/TW của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” Bắc Ninh đạt được những kết quả tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhân tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị, Báo Bắc Ninh phỏng vấn ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
Phóng viên: Ông cho biết những kết quả nổi bật của Bắc Ninh sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội?
Ông Đàm Lê Văn: Sau khi Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định tín dụng chính sách là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thực tế qua 10 năm triển khai tại Bắc Ninh cho thấy, Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với tín dụng chính sách, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, giúp người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng của Nhà nước. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 575 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó giúp 98.119 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 65.933 hộ vay vốn học sinh sinh viên, 448.678 hộ vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, 53.328 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 3.645 hộ vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở theo QĐ 167/2008,QĐ 33/2015, Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 NĐ-CP), 112 hộ vay vốn chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù... Tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3,42% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 0,92% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều mới); hộ cận nghèo từ 3,60% xuống còn 1,27% .
Vốn tín dụng chính sách xã hội cộng hưởng cùng các chính sách khác góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế tại địa phương.
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ, phát triển làng nghề gốm Phù Lãng.
Phóng viên: Để đạt được kết quả đó, NHCSXH tỉnh có sự phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể như thế nào?
Ông Đàm Lê Văn: NHCSXH thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn và tìm ra các giải pháp thực hiện giảm nghèo đa chiều giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.Trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.
Các tổ chức Hội, đoàn thể thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác từ NHCSXH, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao; Hội đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; làm tốt công tác bình xét cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu... đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Phóng viên: Bài học rút ra trong công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách là gì, thưa ông?
Ông Đàm Lê Văn: Từ những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách như sau:
Thứ nhất: Được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và bảo đảm sinh xã hội.
Thứ hai: Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách trong ý thức trả nợ và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn, góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thứ ba: Tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Mô hình này huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thứ tư: Triển khai kịp thời, đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách tới cơ sở. Phương thức giao dịch trực tiếp đối với người vay tại Điểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thứ năm: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý tín dụng chính sách xã hội đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Giảm nghèo cấp xã, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH tâm huyết, tinh thông nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhân tố đưa đến thành công.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh thăm mô hình vay vốn tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh.
Phóng viên: NHCSXH Chi nhánh Bắc Ninh có những đề xuất, giải pháp gì để hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn?
Ông Đàm Lê Văn: Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị 40-CT/TW, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đưa các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện các quy định về tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.
Chỉ đạo gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định của từng chương trình tín dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các Tổ TK&VV. Chú trọng công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi quản lý vốn vay. Bám sát chỉ đạo của cấp trên và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn đặc thù. Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
NHCSXH tỉnh bảo đảm 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho người dân tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đi đôi với việc giáo dục chính trị tư tưởng xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết với ngành, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ theo phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Linh (thực hiện)
Ý kiến ()