Trong kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia vừa qua, Bắc Ninh vinh dự có 64/72 học sinh đoạt giải. Trong số đó, có một học sinh đặc biệt, em không phải là học sinh trường Chuyên Bắc Ninh và là thí sinh bị khuyết tật bại não (thể vận động). Nhưng với sự nỗ lực của mình cậu học trò Nguyễn Đức Thuận, lớp 11A8 Trường THPT Quế Võ số 1 đã giành giải Ba môn Tin học trong cuộc thi này.
Gập ghềnh đi tìm con chữ
Một buổi sáng cuối tuần, vừa hay tin vui Nguyễn Đức Thuận vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi tìm về thôn Công Cối (xã Đại Xuân- huyện Quế Võ) nơi gia đình em sinh sống. Trong căn nhà 5 gian nhỏ đơn sơ, cậu học trò khuyết tật vẫn đang miệt mài bên bàn phím cùng cô bạn thân Trần Đông Hoa hoàn thành một số bài tập về nhà. Giọng ngọng nghịu, Thuận vui vẻ phát âm thật chậm câu chào còn Hoa nhanh nhảu làm phiên dịch viên để giúp cuộc trò chuyện của chúng tôi được diễn ra thuận lợi hơn.

Bên cạnh gia đình, Thuận luôn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè.
Thấy có khách, mẹ của Thuận, cô Đỗ Thị Hoài San tạm dừng công việc cẩn thận dìu Thuận bước tập tễnh ra phòng khách. Khi được hỏi về niềm đam mê môn Tin học của con trai, cô San bồi hồi nhớ lại: “Năm 2002, sau 10 năm sinh đứa con đầu tiên, tôi biết mình có bầu Thuận, cả gia đình hân hoan chờ đợi ngày con chào đời. Nhưng thật không may, khi sinh ra Thuận bị bại não, người con mềm oặt, chân tay bị co rúm, không thể duỗi được, cháu chỉ nằm một chỗ, không có khả năng vận động. Từ lúc Thuận hơn 5 tháng tuổi, do chồng vẫn đang công tác để lo cho cuộc sống gia đình nên tôi đồng hành cùng con rong ruổi khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong tỉnh và ngoài Hà Nội để tìm cách chữa trị. Sau khoảng 6 năm phục hồi chức năng ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, sức khỏe của Thuận có phần ổn định, 6/10 ngón tay có thể hoạt động và con có thể ngồi được nếu có điểm tựa”…
Với những đứa trẻ bình thường thì tuổi thơ của chúng là những ngày tháng rong chơi bên bạn bè, cùng những hoạt động thể chất trò chơi vui nhộn, nhưng với Thuận cả tuổi thơ là những ngày đi các bệnh viện. Khi sức khỏe đỡ hơn thì em phải ngồi chơi một mình trong căn phòng nhỏ để mẹ làm thêm việc may kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình.
Nhưng dường như số phận không lấy đi của ai tất cả mọi thứ, cô San lau vội giọt nước mắt tiếp câu chuyện: “Thuận tuy gặp vấn đề về thể chất nhưng bù lại trí não vẫn phát triển bình thường. Khi được 4 tuổi, Thuận xin mẹ cho đi học. Nghĩ rằng con sinh hoạt khó khăn như vậy thì chẳng ai nhận và cũng không thể theo kịp bạn bè nên tôi vẫn dùng dằng chưa muốn. Nhưng thấy con mong mỏi, háo hức được đến trường tôi lại không thể cầm lòng”.
Lên 6 tuổi, Thuận được tới trường, vậy là một hành trình mới lại bắt đầu – hành trình đưa con đến lớp. Bố Thuận đi công tác xa nên đều đặn mỗi ngày cô San đều đưa em đến lớp, ngồi cùng con đến khi kết thúc buổi học. Để tiện di chuyển, cô đặt Thuận lên xe, dùng khăn mềm buộc con ôm vào lưng để Thuận không bị ngã. Chẳng thể kể hết những dấu mưa dấu nắng trên chặng đường đưa Thuận hoà nhập với trường lớp và làm quen với những con chữ, thế nhưng dù bất cứ khó khăn nào, Thuận quyết không chịu nghỉ học. Có những hôm mẹ ốm không thể đưa em đi, cô San phải nhờ người thân, bạn bè đưa Thuận đến trường.
May mắn là các thầy cô giáo hết sức chia sẻ với hoàn cảnh, tạo điều kiện để Thuận được học tập hiệu quả nhất. Càng may mắn hơn khi cậu bé khuyết tật ấy không bao giờ mặc cảm tự ti vì những khiếm khuyết của mình mà chỉ một lòng say mê khát khao được đến trường, khám phá tri thức. Những năm học tiểu học Thuận khổ sở vô cùng với việc phát âm, với những nét chữ đầu tiên. Những nét chữ ngoằn ngoèo, nghuệch ngoạc được viết ra trong sự cố gắng, nỗ lực của cậu con trai đã khiến bố mẹ Thuận trào nước mắt. Biết đến môn Tin học từ năm lớp 4, cũng là lúc Thuận cảm thấy hứng thú với bàn phím, con chuột và những kiến thức bao la thông qua chiếc màn hình nhỏ. Hiểu niềm đam mê của con, bố mẹ Thuận mua cho em một chiếc máy tính cũ để có thêm thời gian tự học ở nhà. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp, Thuận dành một vài tiếng để học làm toán và đánh chữ trên máy tính để theo kịp bạn bè. Từ đây, một niềm tin mãnh liệt vào nghị lực của đứa con tật nguyền đã thôi thúc hai vợ chồng vững tâm tiếp bước cho con trên chặng đường tương lai đầy gian khó.
Khám phá thế giới dưới những đầu ngón tay
Ánh mắt lấp lánh, cô San còn nhớ như in về thành tích đầu tiên mà Thuận đạt được: Năm lớp 4, Thuận có thể tự ngồi được, nhưng đã giành được giải thưởng đầu tiên sân chơi “Thi giải Toán qua mạng”. Thành tích cấp huyện khi ấy mở ra những chuỗi giải thưởng sau này, năm nào Thuận cũng đạt giải ở các cuộc thi”. Lang thang trên mạng nhiều, Thuận có thêm những người bạn mới và tự tìm tới các cuộc thi về tin học, toán học. Ngoài các cuộc thi chính thống, Thuận thuyết phục bố mẹ cho tham gia cuộc thi do các trường Đại học như FPT, Công ty phần mềm HVCG Software và một số khóa học ngắn về tin học tổ chức… hoặc tham dự trại hè, tập huấn tại các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… để cọ xát và mở rộng tầm hiểu biết.

Bố mẹ là người luôn song hành cùng Thuận trên con đường chinh phục ước mơ của mình.
Đồng hành cùng Thuận chinh phục những cuộc thi là người bố đang công tác tại Công ty 319 – Bộ Quốc phòng. Chú Nguyễn Văn Quỳnh luôn sắp xếp công việc đưa con tham gia các cuộc thi lớn-nhỏ, xa- gần. Người cha năm nay 54 tuổi phong trần của quân nhân, giọng nói sang sảng vừa cầm tay con vui vẻ kể với chúng tôi: “Vì sức khỏe của Thuận yếu, say xe, say sóng…nên các chuyến đi thường phải bằng xe máy. Còn nhớ năm 2018, Thuận đi dự thi Tin học trẻ toàn quốc tại Vũng Tàu. Điểm dự thi cách khá xa so với khu vực nghỉ của các thí sinh và tất cả các học sinh đều di chuyển bằng ô tô. Vì Thuận say xe nên tôi cùng cháu đi xe máy xuống gần điểm thi từ hôm trước, sau đó thuê nhà trọ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho cháu trong cuộc thi ngày hôm sau. Và trong cuộc thi đó, cháu giành giải Ba và giải “Thí sinh khuyết tật xuất sắc” tại hội thi này”. Trên những cung đường ngồi sau yên xe máy của bố, dưới mưa to, nắng đổ, Thuận được bố kể cho nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống, sự dũng cảm của những người lính cụ Hồ, giúp con thêm nghị lực, sức mạnh vượt qua khó khăn mà Bác Hồ dặn dò thế hệ mai sau.
Là một người khuyết tật, Thuận gặp không ít rào cản khi thực hiện được ước mơ của mình. Ngoài khó khăn tự thân về sức khỏe, kinh tế đã được khắc phục, nhiều cuộc thi có quy chế nghiêm ngặt, không cho phép học sinh sử dụng thiết bị hỗ trợ, máy tính.. Một số trường hợp Ban Tổ chức e ngại phải thành lập hội đồng coi thi riêng cho thí sinh khuyết tật… Vì vậy, ước muốn lớn nhất của gia đình Thuận, không phải là nhận những đặc ân, hỗ trợ về tiền bạc mà đơn giản chỉ là có thể đi học, đi thi như những người bình thường.
Dẫu vậy, với hành trang đong đầy tình yêu thương của bố mẹ, kiến thức của thầy cô truyền dạy, Thuận đứng lên bục vinh quang không ít lần. Khi chúng tôi hỏi về những thành tích đạt được, Thuận mỉm cười chia sẻ: Từ khi lên cấp 3, em nhận được sự tiếp sức lớn từ thầy Ngô Quốc Minh, giáo viên trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Biết được niềm đam mê và những khó khăn của em, thầy tận tình giúp đỡ, hướng dẫn và giới thiệu em tới các cuộc thi để em mạnh dạn, tự tin và nâng cao kiến thức của mình nhiều hơn. Thế rồi Thuận mở cho chúng tôi xem tấm giấy khen gần đây nhất và cũng giá trị nhất – Chứng nhận học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Với thành tích này, bạn bè thường bảo Thuận không còn lo thi đại học nữa nhưng Thuận vẫn ngày đêm ôn luyện, bởi mục tiêu trước mắt của Thuận là nâng hạng thành tích lên giải Nhất, trở thành sinh viên của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Xa hơn, Thuận có mơ ước được đi du học Singapore và trở thành lập trình viên giỏi: “Hiện nay, em đang học thêm tiếng Anh để có thể nghiên cứu các tài liệu về tin học, máy tính mới của thế giới. Em muốn lan tỏa niềm cảm hứng đi học với các bạn có khiếm khuyết cơ thể như em, để nhiều bạn có thể dùng kiến thức để tự tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn bởi em luôn ghi nhớ câu nói của Bác Hồ “ Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền””. Thuận bộc bạch.
Hóa ra, mọi điều kỳ diệu đều có thể xảy ra khi chúng ta không đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Hy vọng, Nguyễn Đức Thuận có đủ sức khỏe và vững vàng để viết tiếp ước mơ trên chặng đường đời có nhiều khó khăn phía trước và chứng minh rằng: Khi ước mơ lớn hơn sự sợ hãi thì bản thân mỗi người sẽ tự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chạm đến ước mơ ấy!
Ghi chép của Nguyễn Hoa- Huyền Thương
Ý kiến ()