Sông Đuống, tên chữ là Thiên Đức Giang - Sông Thiên Đức, dài 68km, nối sông Hồng với sông Thái Bình. Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng tách ở vùng phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, chảy về phía Đông qua tỉnh Bắc Ninh, đổ vào sông Thái Bình ở Lục Đầu. Cũng tại đây, sông Đuống (Thiên Đức) gặp sông Cầu (Nguyệt Đức) từ Thái Nguyên chảy xuống và sông Thương (Nhật Đức) từ Lạng Sơn chảy về. Cả ba sông này hội lại ở Phả Lại thành sông Lục Đầu, còn gọi là sông Thao Giang.
Điểm đầu là từ ngã ba Dâu (Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội tại địa giới giữa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm (thành phố Hà Nội), điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc (Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh). Thời nhà Đường đô hộ nước ta, sông Đuống có tên là sông Nam Định, đến thời Lý, được đổi tên là sông Thiên Đức.
Sông Đuống cũng là điểm giao thông đường thuỷ quan trọng của khu vực Hà Nội và Bắc Ninh. Các loại tàu thuyền, xà lan tải trọng từ 100 tấn đến 450 tấn có thể vận tải trên sông được trong cả hai mùa.Đoạn chảy qua Bắc Ninh dài 42 km, chia tách tỉnh thành hai phần. Phía Nam có 3 huyện là Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài. Phía bờ Bắc là vùng đất phát tích vương triều Lý - triều đại mở đầu thời kỳ hưng thịnh của nước Đại Việt ta. Nhà Lý lên ngôi cũng là lúc đổi tên Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức (lấy tên dòng sông Thiên Đức).
Đoạn đầu dòng sông Đuống thuộc địa phận Hà Nội, có cầu Đuống bắc qua trên quốc lộ 1A cũ, nối quận Long Biên với thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) và cầu Phù Đổng, trên quốc lộ 1A mới đoạn qua Gia Lâm. Sông Đuống đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh, có 3 cây cầu bắc qua: Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, nối Tiên Du với Thuận Thành, Bắc Ninh; Cầu Hồ trên quốc lộ 38; nối thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành với xã Tân Chi, huyện Tiên Du; Cầu Bình Than trên quốc lộ 18B (Tỉnh lộ 282 cũ), nối xã Đức Long thuộc huyện Quế Võ với xã Vạn Ninh thuộc huyện Gia Bình.
Vào năm 1987-1988, tác giả may mắn được tháp tùng Giáo sư Trần Quốc Vượng nhân dịp ông về chỉ đạo công cuộc khảo cổ vùng Dâu - Luy Lâu và khảo sát điền dã ở huyện Thuận Thành. Trong chuyến đi ấy, Giáo sư Trần Quốc Vượng rất để tâm nghiên cứu dọc bờ nam sông Đuống, tìm tòi kỹ những tầng văn hóa, những trầm tích, đồi gò, làng mạc, đồng bãi... ven sông. Ông cho biết, các làng mạc ven đê ở huyện Thuận Thành, xưa kia đều nằm kề sát bờ sông Đuống, sau vì lũ lụt gây hại nên mới di chuyển về bên đồng như ngày nay. Làng nào di chuyển muộn, cũng chỉ khoảng 80 - 90 năm (theo văn bia và thư tịch cổ còn lưu giữ được tại đình, chùa... ở các làng/thôn năm dọc theo bờ nam sông Đuống đã minh chứng cho nhận định này).
Sông Đuống đoạn cuối thuộc phần đất thành phố Hà Nội, điểm tiếp giáp giữa huyện Gia Lâm và huyện Thuận Thành là ở xóm Chi Đông, xã Lệ Chi (Gia Lâm, thành phố Hà Nội) đoạn đầu qua đất huyện Thuận Thành (thuộc bờ nam) là ở xóm Sông, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xóm Sông, xưa kia là một điểm tụ cư của dân sông nước, làm nghề chài lưới trên sông đến lập xóm, lúc đầu chỉ một vài nóc nhà, chủ yếu là dân ngụ cư... Nơi đây cũng là vị trí cửa sông Dâu cổ xưa, sau bị phù sa và những đụn cát bồi lấp, nên sông Dâu dần mất dòng chảy, khô cạn và thu hẹp lại, chỉ còn những dấu tích mờ nhạt (như ở khu vực chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu ngày nay).
Sông Đuống - Bên bờ sông uốn lượn, đến đoạn trang Phúc Khang - Á Lữ (bờ nam - huyện Thuận Thành) với khu di tích đền thờ “Nam tổ miếu”/“Nam bang thủy tổ” ở giữa làng Á Lữ ngày nay, nơi thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ và lăng thủy tổ của người Việt-Kinh Dương Vương, lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ngoài đê Đại Hà trên một khu đất cao, rộng, thoáng, giữa một rừng cây đại thụ xanh tươi màu lá. Cảnh đẹp thiên nhiên, trải dài thăng trầm lịch sử đã dệt nên biết bao câu chuyện huyền thoại và truyền tích lịch sử văn hóa suốt nghìn năm dựng nước và giữ nước,
Làng Đông Hồ ở ven sông Đuống, còn gọi là làng Mái, có nghề làm tranh dân gian nổi tiếng gần xa. Từ xưa làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mát có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”
“Nghề tranh” gắn với “đình tranh” còn bởi xưa kia đình là nơi diễn ra “chợ tranh” - Nơi trao đổi mua bán tranh dân gian Đông Hồ (Bức ảnh, cảnh bày bán tranh đã được nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại tại đình tranh trước năm 1945) thể hiện khá rõ không gian văn hóa khu vực bày bán, giới thiệu các sản phẩm của làng Tranh Đông Hồ, một hình thức “hội chợ” của một làng nghề truyền thống xưa.
Dòng sông Đuống, chảy hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai (bờ nam - huyện Gia Bình) đột khởi giữa đồng bằng với phong cảnh hữu tình. Biết bao huyền sử được thêu dệt nơi đây.
Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai
Thấy đôi loan phượng ăn xoài bể đông...
Từ núi Thiên Thai đến Lục Đầu, hai bên bờ sông là tập hợp các đền thờ như lặp đi lặp lại bài học giữ nước: đền thờ An Dương Vương, Mị Châu... Điểm cuối của dòng sông Đuống là khu vực Lục Đầu Giang, theo quan niệm xưa, đây là nơi hội tụ của bốn dòng Đức lớn trong vũ trụ bởi bốn dòng sông lớn đổ về đây đều mang tên chữ “Đức”. Điều này đem lại sự bình yên, thịnh vượng cho nhân dân “nhân tâm trong thiên hạ được thu về một mối”.Giữa Lục Đầu Giang có một bãi nổi gọi là “Đại Than” (Bình Than) thuộc địa phận xã Cao Đức (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Về địa lý phong thủy dân gian cho rằng Lục Đầu Giang được xem như “Lục Long tranh châu” nghĩa là 6 con rồng (6 con sông) tranh một viên ngọc quý (bãi nổi Đại Than). Theo “Bắc Ninh địa chí” viết năm Tự Đức 29 (năm 1876) thì Lục Đầu Giang còn có tên gọi khác là: Sông Kênh Than, Bình Than, Bàn Than, Đại Than, Phù Lan, Bình Giang, Phao, Triền Dương. Nhưng cái tên Lục Đầu Giang vẫn mãi mãi ghi vào lịch sử.
Bãi nổi “Đại Than” hay “Bình Than” còn có tên gọi bãi “Nguyệt Bàn” gắn liền với chiến công ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt của quân và dân triều Trần. Năm 1282, trước thế mạnh của quân Nguyên tại bãi Đại Than diễn ra Hội nghị lịch sử của các Vương hầu, tướng lĩnh nhà Trần… “Hội nghị Diên hồng” bàn kế sách chống giặc Nguyên Mông, vua tôi nhà Trần đưa ra những quyết sách “quyết đánh” để toàn dân, toàn quân Đại Việt khắc lên tay hai chữ “Sát thát” đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, ghi chiến công lẫy lừng vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Thời vua Lê chúa Trịnh cho xây chùa Tĩnh Lư trên đỉnh núi An Quang làm một đại danh lam cho muôn đời. Linh khí sông núi cũng được chúa Trịnh Doanh ca ngợi trong bài thơ tặng Thượng thư Trần Danh Lâm khi về nghỉ hưu ở Bảo Triện:
Đức Giang thắng khái cung di dưỡng
Thai lĩnh kỳ bằng lạc dự châm.
Dịch nghĩa:
Cảnh đẹp sông Đuống thêm tuổi thọ
Bạn quý núi Thai mãi niềm vui.
Sông Đuống còn được biết đến nhiều qua bài thơ Bên kia sông Đuống nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm:
... Em ơi buồn làm chi
anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
…Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sông Đuống vẫn “trôi đi, một dòng lấp lánh”, là địa danh không thể thiếu trên bản đồ du lịch của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Bên đôi bờ sông Đuống có nhiều di tích lịch sử quý giá và lễ hội văn hóa lâu đời. Đây là nguồn tài nguyên du lịch vô giá để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bờ bắc sông Đuống được cho là nơi phát tích của triều Lý, còn phía bờ nam là thủ phủ Luy Lâu. Chính những yếu tố lịch sử này đã để lại cho hậu thế vô số di sản văn hóa cổ kính, thâm nghiêm, tiêu biểu như: Khu di tích lăng Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô, chùa Phật Tích…
Các huyện đôi bờ sông Đuống được xác định là không gian có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch không gian du lịch với loại hình du lịch sinh thái làng quê, đường sông (du thuyền trên sông Đuống), du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí… Hiện các cấp, ngành đang tích cực triển khai kế hoạch, dự án theo lộ trình quy hoạch đề ra. Và dòng sông Đuống, như hàng trăm năm nay luôn thế, vẫn uốn lượn, hiền hòa, nghiêng nghiêng, ôm trọn trong mình biết bao ký ức, góp phần bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng của miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, đang chuyển mình mạnh mẽ hướng về tương lai đẹp giầu và tươi sáng.
Nho Thuận
Ý kiến ()