1. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh ra đời góp phần quan trọng cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong Chính cương vắn tắt (tháng 2-1930), Luận cương Chính trị (tháng 10-1930), Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành trong cả nước.
Ở Bắc Ninh, ngay từ năm 1926 những thanh niên, học sinh và trí thức yêu nước của Bắc Ninh đã sớm tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào địa phương, tiêu biểu như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt… và đã trở thành những lãnh tụ xuất sắc của Đảng qua các phong trào đấu tranh cách mạng.
Cuối năm 1936, đầu năm 1937, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trần Xuân Danh, Trương Văn Nhã, Vương Văn Trà, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Minh Lãng, Đàm Đức Hòa v.v... thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1938, tỉnh Bắc Ninh có 2 chi bộ Đảng: Chi bộ nhà máy Khuy, nhà máy xe lửa Gia Lâm ở Bắc Phần và chi bộ ghép ở Nam Phần.
Cuối năm 1940, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập chi bộ Đảng để lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh. Phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nhiều nơi đã thành lập đội tự vệ. Trước tình hình đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Chu Thiện thay mặt Xứ ủy thành lập Ban cán sự Đảng Bắc Ninh. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng trong toàn tỉnh phát triển rất mạnh.
Tháng 7-1941, Ban cán sự Đảng Bắc Ninh mở hội nghị cán bộ tại Liễu Khê (Thuận Thành). Đây là Hội nghị quan trọng đề ra chủ trương lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của Bắc Ninh từ kinh tế sang đấu tranh vũ trang, chuẩn bị lực lượng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 8-1941, các đơn vị tự vệ vũ trang được tổ chức ở nhiều nơi, nhất là những làng có cơ sở mạnh như Liễu Khê, Trung Mầu, Đình Bảng...
Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sẵn sàng khởi nghĩa” và nhận định thời cơ giành chính quyền sắp tới. Từ giữa năm 1944 đến đầu năm 1945, tỉnh mở hành chục lớp huấn luyện quân sự, bồi dưỡng về trình độ tác chiến, phương châm, phương pháp hoạt động và tổ chức ra lực lượng tự vệ của các huyện. Những vũ khí đầu tiên được sản xuất như lựu đạn, mã tấu, dao kiếm... và trang bị cho các đội tự vệ trong tỉnh.
Mặc dù tỉnh chưa có lực lượng vũ trang tập trung, nhưng các đội tự vệ được vũ trang đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho an toàn khu của Xứ ủy, các cuộc họp và căn cứ bí mật của Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh phá kho thóc của phát xít Nhật liên tục giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngọn lửa đấu tranh cách mạng của quần chúng trở thành cao trào cách mạng lan rộng trong toàn tỉnh Bắc Ninh.
Trước yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, ngày 5-4-1945, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập 2 đội vũ trang tuyên truyền xung phong. Nhiệm vụ của các đội vũ trang tuyên truyền xung phong là đi sâu vào các vùng nông thôn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của mặt trận Việt Minh, vạch trần tội ác của phát xít Nhật và đế quốc Pháp, tích cực gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho khởi nghĩa. Lực lượng được tăng cường cho hai vùng là: Thuận Thành , Gia Lâm, Từ Sơn và một đội tăng cường cho Quế Dương, Võ Giàng và Gia Bình. Hai đội vũ trang tuyên truyền xung phong là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Với sự ra đời của lực lượng vũ trang đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng có vũ trang phát triển.
Trong tháng 6-1945, tự vệ Liễu Khê cùng tự vệ Tam Á phối hợp với tự vệ Văn Lâm đánh vào huyện lỵ Văn Lâm, thu 31 súng, 2 máy chữ, 2 xe đạp và một số đồ dùng quân sự. Tiếp đó, tự vệ Liễu Khê đánh úp đồn Bần Yên Nhân thắng lợi và liên tiếp trừng trị nhiều tên tay sai phản động, làm cho chúng hoang mang cao độ. Ở Gia Bình, Việt Minh và tự vệ Gia Bình gọi lý trưởng các làng Hương Triện, Đại Lai, Khoái Khê đến để giải thích về chủ trương chính sách của mặt trận Việt Minh. Được giác ngộ, lý trưởng làng Hương Triện đã ném bằng, đập triện và hứa với Việt Minh là không thu thuế và sẽ vận động lý trưởng các làng khác làm theo. Tự vệ làng Lôi Châu chặn đánh tên lính Nhật đi từ Mỹ Lộc đến Kênh Than (đê sông Thái Bình). Tự vệ Long Khám, Đông Sơn (Tiên Du) tước súng của lính bảo an về đốc thuế.
Ngày 5-8-1945, tự vệ Tam Á đột nhập đánh úp huyện Lỵ Gia Bình, thu 28 súng. Tự vệ các làng ven đê sông Thái Bình thuộc huyện Gia Bình, Lang Tài và Quế Dương chặn đánh 2 thuyền chở vũ khí của Nhật trên sông Thái Bình và sông Cầu. Tự vệ làng Kim Sơn (Gia Lâm) phá ga Phú Thụy, cắt dây điện thoại, giật mìn, phá cầu; tự vệ xã Nguyệt Đức (Thuận Thành) phá đường tàu ở ga Lạc Đạo lấy tà vẹt về rèn đúc vũ khí...
Trong vòng chưa đầy một tuần lễ (từ ngày 17 đến 23-8-1945), tất cả các đơn vị tự vệ ở các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đã tích cực hỗ trợ cho quần chúng vùng lên khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, lập chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Ninh thắng lợi là cuộc cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh Đảng bộ Bắc Ninh; là sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị quần chúng với tự vệ vũ trang, tạo sức mạnh tổng hợp đồng loạt nổi dậy của tất cả các huyện thị trong toàn tỉnh; thể hiện rõ vai trò quan trọng của LLVT trong khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng và thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối của LLVT Bắc Ninh với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của Đảng, của dân tộc.
2. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
a. Tham gia củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến (1945-1946).
Chính quyền cách mạng trong tỉnh vừa mới thành lập, còn rất non trẻ đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn, đang diệt “giặc đói”, “giặc dốt” thì giặc ngoại xâm tràn vào. Ngày 10-9-1945, quân Tưởng kéo vào Bắc Ninh khoảng 4.000 tên, theo chân là bọn Quốc dân đảng phản động. Chúng dùng mọi thủ đoạn chống phá cách mạng, phá cuộc bầu cử Quốc dân Đại hội, lật đổ chính quyền. Ngày 3-8-1946, quân Pháp chiếm đóng thị xã Bắc Ninh và gây hấn với LLVT của ta…
Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Ninh chú trọng kiện toàn Ủy ban hành chính các cấp từng bước, củng cố các đội tự vệ vũ trang, xây dựng các làng chiến đấu. Cùng với đó, tỉnh mở lớp quân chính đào tạo cán bộ để chỉ huy dân quân tự vệ, thành lập đội “Cảm tử quân” gồm 200 chiến sĩ và tiểu đoàn cảnh vệ gồm 225 chiến sĩ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn một năm đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhân dân và LLVT Bắc Ninh đã tích cực bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, phát hiện và truy quét bọn phản động, gián điệp chỉ điểm, trừng trị những tên tay sai phản động. Đồng thời tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đẩy lùi nạn đói, nạn dốt, từng bước xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chính quyền, đoàn thể, ủng hộ kháng chiến… thế trận chiến tranh nhân dân ở Bắc Ninh đã được hình thành.
b. Tham gia toàn quốc kháng chiến, góp phần làm thất bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” và phá chiến lược mới của địch (12-1946 - 7-1949).
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp đã bội ước hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và tạm ước 14-9-1946, thực hiện chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” hòng đánh úp các cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội, đánh chiếm các địa bàn chiến lược, trong đó có Bắc Ninh.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng phối hợp với tiếng súng kháng chiến toàn quốc, quân và dân Bắc Ninh nhanh chóng, ngoan cường bước vào cuộc chiến đấu.
Đáp ứng yêu cầu kháng chiến, trong tháng 2-1947, hội nghị cán bộ tỉnh đã họp và quyết định tổ chức đại đội chủ lực của tỉnh và mỗi huyện thành lập một trung đội du kích tập trung với phương châm bám địa bàn, bám dân để hoạt động. Đại đội nghĩa quân-đại đội chủ lực của tỉnh có 215 chiến sĩ, gồm 4 trung đội nam, 1 tiểu đội nữ. Trang bị vũ khí ban đầu có 51 súng trường, 690 lựu đạn, 7 bom ba càng, 28 gươm. Đến cuối tháng 4-1947, số du kích thoát ly đã lên tới 862 người. Để tổ chức, kiện toàn và chỉ đạo hoạt động của LLVT, hạ tuần tháng 4-1947 cơ quan quân sự tỉnh được thành lập.
Trong tháng 4-1947, thực dân Pháp căn bản chiếm đóng xong các huyện Nam phần Bắc Ninh, đến tháng 10 chúng lập được 285 ban tề trong vùng chiếm đóng.
Thu Đông năm 1947, địch tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc. Phối hợp với chiến trường chính, Tỉnh ủy chủ trương tổng giải tán hội tề ở các huyện Nam phần. Mục đích phá vỡ chính quyền tay sai của địch, củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến của ta, tước súng của các hội tề trang bị cho bộ đội và du kích. Kết quả chỉ trong một đêm đã giải tán tất cả các ban tề, hội tề và thu được 81 súng, vận động được 30 lính ngụy trở về với nhân dân.
Cuộc tổng phá tề và hoạt động du kích ở Nam phần đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh giá cao và coi đó là một căn cứ để đề xuất với Trung ương về chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Phong trào du kích ở Nam phần Bắc Ninh được biểu dương trên toàn quốc.
Sau gần một năm kháng chiến, quân và dân Bắc Ninh đã kìm chân địch ở Nam sông Đuống, góp phần với quân dân cả nước đánh bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Bị thất bại trong chiến dich vu seo Việt Bắc thu đông năm 1947, thực dân Pháp đã chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”.
Từ đầu năm 1948, chúng đẩy mạnh các hoạt động quân sự, càn quét, khủng bố, ra sức củng cố ngụy quyền, phát triển ngụy quân, đặt hệ thống lô cốt bảo an dày đặc ở khắp nơi (chỉ riêng ở Thuận Thành chúng đã đặt tới 73 lô cốt, huyện Gia Lâm có đến 127 đồn bốt địch). Không ngày nào là địch không khủng bố ở các huyện nằm trong vùng chiếm đóng.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đề ra chủ trương tiếp tục xây dựng bộ đội địa phương tỉnh, huyện, kiện toàn đội ngũ cán bộ xã đội, tăng cường xây dựng đơn vị chủ lực tỉnh, vừa xây dựng vừa phân tán lực lượng để phát triển và củng cố cơ sở, củng cố phong trào. Tỉnh thành lập đại đội Long Biên và đại đội 862 (bí danh Thiên Đức) thay thế đại đội Hồng Hà và Nghĩa quân (chuyển thành bộ đội chủ lực).
Cuối năm 1948, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi. Chớp thời cơ, Tỉnh ủy Bắc Ninh phát động cuộc “Tổng giải tán hội tề lần thứ 2”. Đêm 19-12-1948, tất cả các làng tề ở Nam phần đồng loạt nổi dậy. Kết quả, ta đã giải tán hầu hết các ban tề, làm tan rã 95% bộ máy ngụy quyền địch ở Nam phần.
Ngay sau khi ta tổ chức tổng phá tề, địch tăng cường kiểm soát các vị trí trọng yếu, ra sức phát triển “lô cốt chiến tranh”, tái lập tề và tổ chức càn quét. Ngày 30-1-1949, quân Pháp đã tổ chức một cuộc hành quân với quy mô lớn đánh vào vùng tự do ở Bắc phần. Sau 5 ngày bị quân ta đánh trả quyết liệt, buộc quân Pháp phải rút lui. Trong trận này, quân địch bị tiêu diệt gần 400 tên và bị thương hơn 100 tên khác, ta thu được nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Chiến thắng Bắc phần chứng tỏ sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích Bắc Ninh. Với sự hỗ trợ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích ta đã có thể chặn đứng được những đợt hành quân với quy mô lớn của địch.
Qua gần 3 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp (1946-1949), quân và dân Bắc Ninh đã tiêu diệt, bức rút hàng chục đồn bốt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Tính đến cuối năm 1949, tỉnh Bắc Ninh có 8.247 du kích xã, 2.838 nữ du kích, 2.548 lão du kích, 1.164 thiếu niên du kích. LLVT địa phương vừa kháng chiến vừa xây dựng đã phát triển lên một bước mới với xu thế càng đánh càng mạnh, càng thắng to. Thắng lợi đó góp phần đánh bại một bước kế hoạch bình định của địch, tạo điều kiện chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới.
c. Phát triển chiến tranh du kích, phối hợp chiến trường, đẩy mạnh kháng chiến toàn diện (1949-1953)
Cuối năm 1949 đầu năm 1950, thực dân Pháp ra sức bình định các vùng tạm chiếm ở Bắc Ninh, đồng thời thực hiện chiến thuật “vết dầu loang” lấn dần ra các vùng tự do nhằm tạo thế chiếm đóng, bao vây, chia cắt chiến trường. Chúng liên tục tổ chức các cuộc càn quét, mở rộng các vùng chiếm đóng, tái lập tề và xây dựng thêm một loạt đồn bốt.
Để tạo thêm sức mạnh của LLVT, phá vỡ thế kìm kẹp của địch, tạo thế trận mới trên chiến trường Bắc Ninh, không cho chúng tập trung lực lượng đánh vào mặt trận chính của ta, tạo điều kiện cho chiến trường chính diệt địch, tháng 7-1950, tỉnh thành lập thêm hai đại đội bộ đội chủ lực, lấy phiên hiệu là 601 và 603. Hai đơn vị này làm nhiệm vụ chiến đấu liên huyện để bảo vệ các khu du kích và phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch hậu. Tiểu đoàn Thiên Đức có nhiệm vụ cơ động trên khắp chiến trường của tỉnh và phối hợp với các đơn vị tổ chức đánh địch.
Từ đây cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Ninh chuyển sang một giai đoạn mới, phối hợp với các chiến dịch lớn, tấn công thu hút, kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt địch.
Tháng 9-1950, ta mở chiến dịch Biên giới. Để phối hợp với chiến trường chính, ngày 23-9-1950, bộ đội Thành Bắc phối hợp với Đại đội công binh Bắc Sơn đánh cầu Đáp Cầu; du kích các xã phá đường giao thông, đánh mìn trên các đường 1A, 18, 38 phá hỏng hàng chục xe, diệt hàng trăm tên... Kết thúc tuần lễ “giết giặc lập công”, LLVT của tỉnh tổ chức đánh trên 10 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch, phá 34 ban tề và bảo vệ an toàn cho lực lượng dân công vận chuyển hàng hóa phục vụ và góp phần cho chiến dịch Biên giới thắng lợi.
Trên đà thắng lợi, từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1951, ta liên tiếp mở 3 chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và Quang Trung, đánh vào phòng tuyến của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Qua ba đợt hoạt động phối hợp với các chiến dịch và hai lần khuếch trương chiến thắng, LLVT Bắc Ninh đã liên tục tiến công phá 82 đồn bốt, vị trí, tháp canh, đập tan hệ thống phòng thủ Nam sông Đuống của địch, mở rộng khu du kích và căn cứ du kích của tỉnh, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế bị động đối phó, góp phần tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi. Đây là một bước trưởng thành lớn của LLVT tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục giành nhiều chiến thắng quan trọng trong phối hợp với chiến dịch Hòa Bình (cuối năm 1951), chiến dịch Tây Bắc (1952).
Sau trận càn Poóc tô-Pô lô-Tuyếc cô (1952), địch co hẳn lại và thay đổi quy luật hoạt động, chúng tổ chức những trận càn nhỏ bất ngờ, chớp nhoáng ở những nơi xung quanh đồn bốt, tuần tra phục kích; bắt nhân dân dắt trâu bò đi trước để dò mìn nhằm chống phục kích độn thổ của ta.
Trước tình hình đó, Tỉnh đội đã đề ra phương châm: “đi sâu vào sát địch, tìm địch mà đánh”, “tạo ra chiến trường để diệt địch” và phát động phong trào “thi đua diệt thật nhiều sinh lực địch”, giành cờ của Liên khu. Phong trào thi đua “Giết giặc lập công”, “diệt địch cướp súng” được phát động và phát triển mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị.
Những chuyển biến mới đó đã tạo thêm sức mạnh của LLVT. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, bộ đội chủ lực tỉnh, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích đã có bước trưởng thành rất lớn, tiêu diệt được rất nhiều quân địch, thu nhiều súng, làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương hoảng sợ. Trong trận tập kích Kim-Quan-Đông ta mới bắn một loạt súng tiểu liên, bọn địch đã hoảng sợ nhớn nhác ra hàng, quân ta bắt gọn một đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận tập kích Sân bay Gia Lâm do du kích Gia Lâm phối hợp với đặc công Hà Nội đã phá hủy18 máy bay địch…
d. Tiến công địch, cùng cả nước giành thắng lợi quyết định giải phóng quê hương (10 - 1953 - 10 - 1954)
Tháng 9-1953, ta mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Tỉnh ủy lãnh đạo LLVT tỉnh đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến trường chính diệt nhiều sinh lực địch, củng cố mở rộng cơ sở.
Các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng bộ đội chủ lực tỉnh hăng hái bước vào thời kỳ chiến đấu mới thực hiện các trận tập kích, đánh càn nhỏ, đẩy mạnh phục kích các đường giao thông. Những trận phục kích, độn thổ trên đường 18, 38, đường số 1, 20, 179 và trên sông Đuống đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, ta đánh 19 trận phục kích thắng lợi. Tiểu đoàn 18 (chủ lực tỉnh) là một trong những đơn vị hoạt động nổi bật với những trận đánh tiêu biểu. Đi đôi với những trận đánh địch trên địa bàn toàn tỉnh, phong trào đấu tranh chống bắt lính, làm công tác địch vận cũng phát triển mạnh mẽ .Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu. Lúc này, để huy động mọi lực lượng tập trung cho Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua: Diệt nhiều sinh lực địch ngay trên quê hương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” vừa đẩy mạnh các hoạt động quân sự vừa đảm bảo giao thông vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ ngày đầu chiến dịch.
Đêm 11-3-1954, ta tập trung tiến công địch ở quận Tiên Du đồng thời tổ chức một loạt trận đánh vào các vị trí địch ở Lim, Khám, Văn Trinh, Hạ Giang, thu hút địch ở thị xã Bắc Ninh bắn tới khiến cho địch bị ghìm chân trong các vị trí không thể chi viện được cho nhau. Trên các trục đường giao thông không ngày nào ta không tổ chức phục kích đánh địch.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Xốc tới, LLVT tỉnh đánh địch đều khắp ngay trên quê hương với khí thế mạnh chưa từng có. Tiểu đoàn 18 tiếp tục cùng với các đơn vị bộ đội và dân quân du kích phát huy thế tấn công tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương.
Đợt hoạt động phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ và mặt trận toàn quốc của quân và dân Bắc Ninh kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt 3.445 tên địch, làm bị thương 638 tên khác, bắt sống 515 tên, thu 652 súng các loại, phá hủy 16 xe (có 8 xe tăng) làm hư hỏng 5 xe, 1 tàu chiến, 27 toa xe lửa, 15 máy bay (phối hợp), 1 kho xăng, 1 máy khoan, thu nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự.
Hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết, quân và dân Bắc Ninh lại bước vào trận chiến mới đấu tranh với địch trong khu vực tập kết. Đến ngày 29-10-1954, quê hương Bắc Ninh sạch bóng quân thù.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT Bắc Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng đã từng bước trưởng thành. LLVT chiến đấu quyết liệt, tham gia đánh 4.526 trận, tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương 24.366 tên địch, vận động, giác ngộ 16.704 ngụy quân, ngụy quyền ra hàng và bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân, về với kháng chiến, phá tan nhiều cuộc dồn dân bắt lính, thu hàng vạn khẩu súng các loại, hàng chục tấn đạn dược, phá hủy nhiều kho tàng và phương tiện chiến tranh của địch, giữ vững vùng tự do, từng bước mở rộng căn cứ du kích, thu hẹp vùng tạm chiếm của địch và đứng lên tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương.
3. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
a. Củng cố hậu phương, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới (1954-1965)
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960) “tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại”, năm 1957, các tiểu đoàn chủ lực của tỉnh được điều động, bổ sung cho các đơn vị chủ lực của Bộ. Tỉnh còn 2 đại đội (621, 625) được chuyển thành đại đội bảo vệ.
Tháng 3-1959, các đơn vị bảo vệ của tỉnh chuyển thành các đơn vị công an nhân dân vũ trang. Trong toàn tỉnh không còn bộ đội địa phương và các đơn vị bảo vệ. Cơ quan quân sự của tỉnh, huyện, xã thống nhất gọi là tỉnh đội, huyện đội, xã đội. Giữa năm 1959, cơ quan quân sự tỉnh được kiện toàn và ổn định về mặt tổ chức.
Thực hiện kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ 2 (1961 - 1965), công tác xây dựng LLVT của tỉnh được nâng lên tầm cao mới, trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua, dân quân tự vệ xung kích trên mọi lĩnh vực công tác ở các địa phương trong tỉnh.
Năm 1962, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Công tác chấn chỉnh biên chế LLVT được tiến hành. Đến tháng 9-1963, toàn tỉnh có 22.958 dân quân I, 17.258 dân quân II và 4.102 tự vệ; 16 huyện thị xây dựng xong trung đội cơ động.
Từ năm 1954 đến 1965, Đảng bộ, nhân dân và LLVT trong tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong cải cách ruộng đất, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; xây dựng hậu phương, chi viện cho cách mạng miền Nam.
b. Tổ chức lực lượng vũ trang chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, góp phần đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968)
Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào chiến trường miền Nam, dùng không quân, hải quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Ngày 28-8-1965, Tỉnh ủy Hà Bắc đã ra nghị quyết lãnh đạo tỉnh chuyển hướng toàn diện tư tưởng, tổ chức và kinh tế quốc phòng sang thời chiến.
Tháng 5-1965, tỉnh xây dựng một đại đội bộ binh, các đơn vị phòng không, công binh. Trong vòng ba tháng, tỉnh xây dựng được 2 đại đội phòng không 37mm, 1 đại đội và 2 trung đội 14,5mm; 2 đại đội và 1 trung đội công binh. Toàn tỉnh đã thành lập 1.117 tổ dân quân tự vệ bắn máy bay với 8.731 người (chiếm 9,1% tổng số dân quân tự vệ). Ở các địa phương, lực lượng tại chỗ sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông, vận tải, cứu chữa thương binh... khi địch đánh phá. Công tác phòng không nhân dân cũng được tổ chức triển khai tích cực.
Cùng với LLVT của tỉnh, các đơn vị phòng không, không quân của Bộ đã được triển khai, cơ động và hiệp đồng đánh địch.
Cuối tháng 8-1965, máy bay Mỹ bắt đầu đột nhập vùng trời Hà Bắc. Địch mở nhiều đợt đánh mạnh nhằm phá hủy giao thông vận tải, cầu đường, nhà ga, sân bay và đê đập. Trong 4 năm (1965-1968), trên địa bàn tỉnh, địch đã đánh 2.207 lần vào 1.154 mục tiêu, có 31 lần đánh đêm, ném xuống Hà Bắc gần 23 triệu kg bom đạn, làm chết 1.448 người, làm bị thương 1.816 người.
Nhân dân và LLVT trong tỉnh không hề nao núng, sát vai cùng bộ đội hiên ngang đánh trả quân thù. Sáng ngày 17-10-1967, 20 máy bay Mỹ chia làm hai tốp từ hướng Phả Lại bay vào đánh phá cầu Đáp Cầu. Chỉ trong vòng hai phút, ta bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Trong lịch sử chiến đấu của quân dân ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trận đánh trả máy bay địch trên bầu trời Đáp Cầu của tiểu đoàn 18 phối hợp với dân quân tự vệ Bắc Ninh là một chiến thắng điển hình, một kỷ lục về số máy bay địch bị tiêu diệt trong thời gian ngắn nhất.
Vượt lên những khó khăn, gian khổ, quân và dân trong tỉnh đã anh dũng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị phòng không-không quân bắn rơi 140 chiếc máy bay; trong đó bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã độc lập bắn rơi 7 chiếc. Song song với nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân dân Hà Bắc đồng thời làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông, công tác phòng không nhân dân, tuyển quân chi viện chiến trường, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với các kiểu chiến tranh của giặc Mỹ.
Thắng lợi to lớn của quân và dân ta buộc Mỹ chấp nhận hội nghị bốn bên ở Pa-ri, thừa nhận sự phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
c. Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1969 - 1972)
Tranh thủ thời gian miền Bắc tạm thời có hòa bình, các đơn vị bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ của tỉnh tiến hành kiện toàn tổ chức phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.
Trước nguy cơ sụp đổ của quân đội ngụy, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tổng thống Nich-xơn huy động trở lại lực lượng quân đội Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu năm 1972, tỉnh đã khẩn trương xây dựng thêm và từng bước kiện toàn 2 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 đại đội công binh và 1 trung đội thông tin. Lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu được tăng cường, toàn tỉnh có 314 trung đội và 23 tiểu đội với 8.122 người. Lực lượng cơ động gồm 16 đại đội công binh với 1.660 người; phòng không có 16 đại đội với 818 người. Toàn tỉnh triển khai thêm 39 trận địa bắn máy bay của dân quân tự vệ các huyện, vũ khí có thêm 14 khẩu 12,7mm, 65 khẩu đại liên, trung liên đón lõng máy bay địch ở các huyện miền núi. Ngoài các lực lượng chiến đấu tỉnh còn xây dựng 14 đại đội và 96 trung đội dân quân tự vệ sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải.
Trên địa bàn Hà Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10-1972, giặc Mỹ đã tập trung hơn 10.000 lần chiếc máy bay các loại để đánh phá. Chúng đã ném 2.273 bom phá, 233 bom từ trường, 193 bom xuyên và hàng nghìn bom bi và 233 quả thủy lôi từ trường.
Ngày 18-12-1972, Mỹ thực hiện kế hoạch tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội. Riêng tại Hà Bắc, trong đợt tập kích chiến lược này Mỹ đã sử dụng 1.263 lần chiếc máy bay các loại, trong đó có 48 lần chiếc B.52, thả xuống gần 9.000 quả bom các loại, bắn 124 tên lửa.
Năm 1972, miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, bắn rơi 732 máy bay (trong đó 54 chiếc B.52). Trong chiến công đó, tỉnh Hà Bắc bắn rơi 35 máy bay Mỹ.
Thắng lợi oanh liệt đó buộc Mỹ phải ngừng đánh phá phía bắc vĩ tuyến 20, trở lại Pa-ri tiếp tục đàm phán.
Vận dụng kinh nghiệm trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tỉnh đã phát động nhân dân lấy LLVT địa phương làm nòng cốt vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải và làm tốt nhiệm vụ chi viện chiến trường. Quân dân Hà Bắc đã góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
d. Chi viện tiền tuyến cùng cả nước giải phóng miền nam (1973 - 1975)
Hiệp định Pa-ri được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng gần thắng lợi. Từ đó càng đòi hỏi sự chi viện lớn về sức người, sức của cho chiến trường. Khẩu hiệu “Thóc đủ cân, quân đủ số” là khẩu hiệu hành động xuyên suốt đối với toàn Đảng bộ, nhân dân và LLVT của tỉnh.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”’, “Tất cả để đánh thắng”, cả ba đợt tuyển quân của năm 1974 đều vượt chỉ tiêu. Đợt tuyển quân đầu năm 1975 là đợt tuyển quân lớn nhất của tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (chiếm 11,1% dân số). Số lượng tuyển quân lớn gấp hai lần cả năm 1974 nhưng chỉ qua một đợt giao quân đầu xuân, toàn tỉnh Hà Bắc đã đạt 103,59% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 1 trung đoàn quân tăng cường lấy phiên hiệu là “Đoàn 9” quân số là 1.500 người gấp rút hành quân vào Tây Nguyên, kịp thời làm nhiệm vụ củng cố, xây dựng, bảo vệ vùng mới giải phóng.
Được sự động viên to lớn của miền Bắc, LLVT của ta ở miền Nam cùng với quân dân cả nước thực hiện thắng lợi tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
4. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 2015)
a. Chuyển các hoạt động của lực lượng vũ trang từ thời chiến sang thời bình
Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cách mạng nước ta chuyển từ chiến tranh sang hòa bình; từ hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa sang thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương tích cực củng cố, xây dựng LLVT của tỉnh vững mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
b. Phát triển lực lượng vũ trang, tích cực chi viện và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc
Tháng 4-1977, tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari phát động cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới Tây Nam. Năm 1977, tỉnh đã xây dựng Trung đoàn 857 để làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và các quân khu phía Bắc; đã bổ sung cho các đơn vị hơn 1 vạn chiến sĩ mới. Đồng thời xây dựng xong một khung trung đoàn làm kinh tế. Trong năm 1978, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức tiễn đưa gần 1.100 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 72 và Trung đoàn 196 lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7-1-1979, các LLVT cách mạng và quân dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêngxari, hồi sinh, tái thiết đất nước.
Từ đầu năm 1978, tình hình ở biên giới phía Bắc luôn căng thẳng và diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng cuối năm 1978, tỉnh đã xây dựng 1 trung đoàn, 2 tiểu đoàn bộ binh chiến đấu và 7 đại đội binh chủng; mở rộng Đoàn 157 và Trường Quân sự. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 1979 tỉnh đã xây dựng thêm 3 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn binh chủng.
Ngày 25-7-1978, tỉnh huy động 15.000 dân công làm nhiệm vụ xây dựng phòng tuyến chiến đấu ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Đầu năm 1979, tỉnh tiếp tục đưa gần 600 cán bộ, đảng viên và gần 6.000 chiến sĩ đi làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngày 17-2-1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân tấn công ồ ạt trên toàn biên giới phía Bắc nước ta. LLVT và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Toàn bộ LLVT của tỉnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 20-2-1979, Bộ CHQS tỉnh động viên 3 tiểu đoàn dự nhiệm hành quân lên biên giới chiến đấu. Ngay ngày hôm sau, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 196 cũng hành quân lên mặt trận Cao Bằng. Các tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 196 và Tiểu đoàn 124, 125 được lệnh phối hợp với Sư đoàn 338 thuộc Quân đoàn 14 chiến đấu phòng ngự ở Lạng Sơn.
Trong thời gian xảy ra chiến sự ở biên giới phía Bắc, Bộ CHQS tỉnh phối hợp chỉ đạo các địa phương huy động 32.484 dân quân tự vệ (vượt chỉ tiêu trên giao 108,28%), tổ chức biên chế thành 14 trung đoàn và 2 tiểu đoàn độc lập đi xây dựng phòng tuyến chiến đấu. Các đơn vị đã đào đắp được 734.385m giao thông hào, 9.062 hố chiến đấu cá nhân, 2.241 hầm các loại. Cùng với đó, tỉnh sử dụng các phương tiện vận chuyển 112 tấn quân trang, lương thực, thực phẩm; 342 tấn vũ khí; hơn 3.000 quả mìn, cấp gần 1.000 tấn xăng dầu cho các đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chi viện kịp thời cho các tỉnh phía trước.
Các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh đã trực tiếp chiến đấu và tham gia chiến đấu tại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần quan trọng cùng quân và dân các tỉnh chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
c. Lực lượng vũ trang tham gia lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự xã hội
Trong những năm 1980-1986, LLVT địa phương được xây dựng theo hướng tinh, gọn, với lực lượng dự bị hùng hậu được tổ chức và quản lý tốt. Đồng thời chấn chỉnh lại lực lượng dân quân tự vệ cho phù hợp với tình hình mới.
LLVT và nhân dân trong tỉnh đã cùng với quân và dân trong cả nước tích cực phấn đấu, hăng hái thi đua; phối hợp với lực lượng công an làm trong sạch địa bàn, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh trật tự; kết hợp chặt chẽ việc củng cố xây dựng LLVT việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo thế và lực cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
d. Lực lượng vũ trang tỉnh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong gần 30 năm đổi mới, LLVT Bắc Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh và đất nước. Đặc biệt từ ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập và chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, anh hùng, LLVT tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Từ đó, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
70 năm qua, LLVT Bắc Ninh không ngừng xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, viết nên những chiến công vẻ vang mãi ghi vào lịch sử. Trong các giai đoạn cách mạng, LLVT tỉnh luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hăng hái xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, LLVT và nhân dân đã tổ chức đánh địch 4.980 trận, tiêu diệt 16.459 tên địch, làm bị thương 4.750 tên, bắn rơi 162 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, phá hủy và thu nhiều phương tiện chiến tranh… Với những thành tích xuất sắc, nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Ninh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ý kiến ()