1. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh ra đời góp phần quan trọng cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
1. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh ra đời góp phần quan trọng cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 7-1941, Ban cán sự Đảng Bắc Ninh mở hội nghị cán bộ tại Liễu Khê (Thuận Thành) đề ra chủ trương lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của Bắc Ninh từ kinh tế sang đấu tranh vũ trang, chuẩn bị lực lượng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 8-1941, các đơn vị tự vệ vũ trang được tổ chức ở nhiều nơi, nhất là những làng có cơ sở mạnh như Liễu Khê, Trung Mầu, Đình Bảng... Từ giữa năm 1944 đến đầu năm 1945, tỉnh mở hành chục lớp huấn luyện quân sự và tổ chức ra lực lượng tự vệ của các huyện.
Các đội tự vệ được vũ trang đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho an toàn khu của Xứ ủy, các cuộc họp và căn cứ bí mật của Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh phá kho thóc của phát xít Nhật liên tục giành thắng lợi ở nhiều nơi.
Trước yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, ngày 5-4-1945, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập 2 đội vũ trang tuyên truyền xung phong. Nhiệm vụ là đi sâu vào các vùng nông thôn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của mặt trận Việt Minh, vạch trần tội ác của phát xít Nhật và đế quốc Pháp, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho khởi nghĩa. Hai đội vũ trang tuyên truyền xung phong là lực lượng vũ trang (LLVT) đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng có vũ trang.
Trong vòng chưa đầy một tuần lễ (từ ngày 17 đến 23-8-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh Đảng bộ Bắc Ninh, lực lượng chính trị quần chúng với tự vệ vũ trang đồng loạt nổi dậy, xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, lập chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng.
2. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
a. Tham gia củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến (1945-1946).
Chính quyền cách mạng trong tỉnh vừa mới thành lập, còn rất non trẻ đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn. Đang diệt “giặc đói”, “giặc dốt” thì ngày 10-9-1945, quân Tưởng kéo vào Bắc Ninh, theo chân là bọn Quốc dân đảng phản động. Ngày 3-8-1946, quân Pháp chiếm đóng thị xã Bắc Ninh và gây hấn với LLVT của ta…
Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Ninh chú trọng kiện toàn Ủy ban hành chính các cấp, củng cố các đội tự vệ vũ trang, xây dựng các làng chiến đấu. Đồng thời, mở lớp quân chính, thành lập đội “Cảm tử quân” gồm 200 chiến sĩ và tiểu đoàn cảnh vệ gồm 225 chiến sĩ… Quân và dân đoàn kết bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, tăng gia sản xuất, ủng hộ kháng chiến… hình thành thế trận chiến tranh nhân dân ở Bắc Ninh.
b. Tham gia toàn quốc kháng chiến, góp phần làm thất bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” và phá chiến lược mới của địch (12-1946 - 7-1949).
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân Bắc Ninh nhanh chóng, ngoan cường bước vào cuộc chiến đấu. Tháng 2-1947, tỉnh quyết định tổ chức đại đội chủ lực của tỉnh và mỗi huyện thành lập một trung đội du kích tập trung với phương châm bám địa bàn, bám dân để hoạt động. Đại đội nghĩa quân - Đại đội chủ lực của tỉnh có 215 chiến sĩ, gồm 4 trung đội nam, 1 tiểu đội nữ.
Để tổ chức, kiện toàn và chỉ đạo hoạt động của LLVT, hạ tuần tháng 4-1947 cơ quan quân sự tỉnh được thành lập. Tỉnh ủy đề ra chủ trương tiếp tục xây dựng bộ đội địa phương tỉnh, huyện, kiện toàn đội ngũ cán bộ xã đội, tăng cường xây dựng đơn vị chủ lực tỉnh, vừa xây dựng vừa phân tán lực lượng để phát triển và củng cố cơ sở, củng cố phong trào. Tỉnh thành lập Đại đội Long Biên và Đại đội 862 (bí danh Thiên Đức) thay thế Đại đội Hồng Hà và Đại đội Nghĩa quân (chuyển thành bộ đội chủ lực). Tính đến cuối năm 1949, tỉnh Bắc Ninh có 8.247 du kích xã, 2.838 nữ du kích, 2.548 lão du kích, 1.164 thiếu niên du kích.
Qua gần 3 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp (1946-1949), quân và dân Bắc Ninh đã thực hiện thắng lợi hai đợt tổng giải tán hội tề, làm thất bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, chặn đứng được những đợt hành quân với quy mô lớn, tiêu diệt, bức rút hàng chục đồn bốt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Thắng lợi đó góp phần đánh bại một bước kế hoạch bình định của địch, tạo điều kiện chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới.
c. Phát triển chiến tranh du kích, phối hợp chiến trường, đẩy mạnh kháng chiến toàn diện (1949-1953)
Cuối năm 1949 đầu năm 1950, thực dân Pháp ra sức bình định các vùng tạm chiếm ở Bắc Ninh, thực hiện chiến thuật “vết dầu loang” lấn dần ra các vùng tự do nhằm tạo thế chiếm đóng, bao vây, chia cắt chiến trường.
Để tạo thêm sức mạnh của LLVT, phá vỡ thế kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho chiến trường chính diệt địch, tháng 7-1950, tỉnh thành lập thêm hai đại đội bộ đội chủ lực, lấy phiên hiệu là 601 và 603.
Từ đây, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Ninh chuyển sang một giai đoạn mới, phối hợp với các chiến dịch lớn (Chiến dịch Biên giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc…) tấn công thu hút, kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt địch.
Tỉnh đội đã đề ra phương châm: “Đi sâu vào sát địch, tìm địch mà đánh”, “Tạo ra chiến trường để diệt địch” và phát động phong trào “Thi đua diệt thật nhiều sinh lực địch”, giành cờ của Liên khu… Cuối năm 1953, đầu năm 1954, bộ đội chủ lực tỉnh, bộ đội địa phương huyện và dân quân, du kích đã có bước trưởng thành rất lớn, tiêu diệt được rất nhiều quân địch, thu nhiều súng, làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở địa phương hoảng sợ.
d. Tiến công địch, cùng cả nước giành thắng lợi quyết định giải phóng quê hương (10-1953 - 10-1954)
Tháng 9-1953, ta mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Tỉnh ủy lãnh đạo LLVT tỉnh đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến trường chính.
Các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng bộ đội chủ lực tỉnh thực hiện các trận tập kích, đánh càn nhỏ, đẩy mạnh phục kích các đường giao thông. Tiểu đoàn 18 (chủ lực tỉnh) là một trong những đơn vị hoạt động nổi bật với những trận đánh tiêu biểu. Phong trào đấu tranh chống bắt lính, làm công tác địch vận cũng phát triển mạnh mẽ.
Khi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu, Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua: Diệt nhiều sinh lực địch ngay trên quê hương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” vừa đẩy mạnh các hoạt động quân sự vừa bảo đảm giao thông vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho chiến trường. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ ngày đầu chiến dịch. Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Xốc tới, LLVT tỉnh đánh địch đều khắp ngay trên quê hương với khí thế mạnh chưa từng có.
Hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết, quân và dân Bắc Ninh lại bước vào trận chiến mới đấu tranh với địch trong khu vực tập kết. Ngày 10-10-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Gia Lâm. Quê hương Bắc Ninh sạch bóng quân thù.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT Bắc Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng đã từng bước trưởng thành. LLVT chiến đấu quyết liệt, tham gia đánh 4.526 trận, tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương 24.366 tên địch, vận động, giác ngộ 16.704 ngụy quân, ngụy quyền ra hàng và bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân, phá tan nhiều cuộc dồn dân bắt lính, thu hàng vạn khẩu súng các loại, hàng chục tấn đạn dược, phá hủy nhiều kho tàng và phương tiện chiến tranh của địch, giữ vững vùng tự do, từng bước mở rộng căn cứ du kích, thu hẹp vùng tạm chiếm của địch và đứng lên giải phóng quê hương.
(còn nữa)
Bảo Anh
(Theo Bắc Ninh lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, NXB Quân đội nhân dân năm 2000)
Ý kiến ()