Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã bạc nhược trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và chính thức đầu hàng thực dân bằng Hiệp ước Pa - tơ - nốt năm 1884 nhưng phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ, liên tục, trong phạm vi cả nước với nhiều hình thức, nhiều khuynh hướng khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng đều bị thất bại do tự phát, khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo.
Vào cuối những năm 20 của Thế kỷ XX, phong trào cách mạng nước ta chuyển dần từ tự phát sang tự giác, dẫn đến sự ra đời của 3 tổ chức cách mạng ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn (9/1929). Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước vào quỹ đạo mới của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù chỉ mới thành lập được 15 năm nhưng với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi ba cao trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945), đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước của dân, do dân và vì dân - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối mặt với giặc đói; giặc dốt và giặc ngoại xâm; lực lượng mọi mặt của Nhà nước ta còn rất non yếu; vận mệnh của đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, dưới sự lãnh đạo Đảng với đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhân dân ta với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, chứ nhất định không chịu làm nô lệ”; trải qua hơn 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã giành thắng lợi vang dội với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/1954).
Sau Hiệp định Giơ - ne - vơ (20/7/1954), những âm mưu mới của Mỹ - Diệm đưa đất nước ta đứng trước nguy cơ bị chia cắt lâu dài, Đảng ta lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta giành được trong 89 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chúng ta mãi mãi có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh - Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1926, những thanh niên, học sinh, trí thức yêu nước Bắc Ninh với tố chất thông minh, mang trong mình truyền thống gia tộc và quê hương, sớm tiếp thu, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào địa phương. Qua các phong trào đấu tranh yêu nước, nhất là phong trào vô sản hoá, những người con quê hương như Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt đã trở thành lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng; Nguyễn Văn Cừ, Lê Quang Đạo trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng; cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối khác đã gieo những hạt giống cách mạng trên vùng đất Từ Sơn, thị xã Bắc Ninh, Tiên Du, Thuận Thành dẫn đến việc thành lập Chi bộ Cộng sản Bắc Ninh- Bắc Giang (7/1929) và Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang (8/1929), đánh dấu sự phát triển mới của phong trào cách mạng Bắc Ninh.
Trong cao trào cách mạng 1930- 1931, phong trào cách mạng Bắc Ninh có bước phát triển. Năm 1936, các chiến sĩ cộng sản Bắc Ninh lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách thu thuế, chống nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật. Trong cao trào cách mạng 1939 - 1945, Chi bộ Đảng Liễu Ngạn, Liễu Khê (Thuận Thành), Chi bộ ghép Đình Bảng- Cẩm Giang - Trang Liệt (Từ Sơn) đã thành lập. Nhiều cơ sở cách mạng ở Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành đã được chọn làm An toàn khu (ATK) của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong cao trào cách mạng 1939 - 1945, chưa đầy 1 tuần lễ (từ ngày 17 đến ngày 23/8/1945), Đông Dương Cộng sản Đảng đã lãnh đạo nhân dân Bắc Ninh cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công nhanh chóng và trọn vẹn.
Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, đấu tranh bất khuất, kiên cường, anh dũng, phá tan âm mưu bình định chiếm đóng của địch với 3 lần tổng phá tề, đánh tan nhiều trận càn quét lớn của địch, tiêu biểu như: Trận càn Pôlô-pocto-tuyêccô (4- 1952), trận càn Nít xơ (3 - 1953)…; đẩy mạnh chiến tranh du kích tiêu diệt địch, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
Hoà bình lập lại, Đảng bộ tỉnh lại lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kinh tế của chủ nghĩa xã hội, từng bước củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đánh thắng 2 lần chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân Bắc Ninh đã làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, đóng góp lương thực, thực phẩm; động viên, tiễn đưa hàng vạn lượt người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, hàng nghìn thanh niên xung phong tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 22 năm tái lập, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân Bắc Ninh đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương, cùng với cả nước thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH), hướng tới mục tiêu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách và thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ với quyết tâm Bắc Ninh phải đi nhanh hơn, đi trước một bước so với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đến năm 2018, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,6% so với năm 2017; đã có 91,75% số xã và 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 66,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước 34,85 tỷ USD; thu ngân sách tăng cao, đạt 27.591 tỷ đồng, vượt 15,9% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 21.641 tỷ đồng, vượt 20,5% dự toán.
Tỉnh tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch và hoàn thành Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 trình Trung ương; đẩy nhanh xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quản lý nhà nước được tăng cường; tích cực sắp xếp giảm đầu mối, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính. Các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; an sinh xã hội được chú trọng. Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư, nội chính, tư pháp đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng vững chắc.
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mừng mùa xuân mới của đất nước, mỗi người chúng ta nguyện tiếp tục đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đặng Khánh Toàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ý kiến ()