Những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng đã có chuyển biến tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã kiểm tra 855 tổ chức đảng và hơn 3.500 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 87 tổ chức đảng (tăng 61%) và hơn 6.000 đảng viên (tăng 16% số đảng viên so với cùng kì năm ngoái) (*). UBKT Trung ương đã công khai kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ tại Bộ Công Thương, Tập đoàn dầu khí quốc gia, Ban chỉ đạo miền Tây Nam bộ, Tập đoàn hóa chất, các địa phương Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Định, Đà Nẵng… được đảng viên, cán bộ, nhân dân đồng tình.
Công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp đã góp phần giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý kỷ luật, trong đó có một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và BCH Trung ương Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, không có vùng cấm, bất cứ cán bộ giữ cương vị nào, đương chức hoặc đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý theo đúng Điều lệ Đảng, không thể “hạ cánh an toàn”. Các cơ quan tư pháp đã đưa ra xét xử một số vụ án án lớn, với những mức án nghiêm khắc được dư luận đồng tình, góp phần khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT ở địa phương còn hạn chế, thiếu chủ động. Một số cấp ủy, UBKT và người đứng đầu thiếu bản lĩnh chính trị, bị chi phối bởi ý kiến cá nhân (nhất là người lãnh đạo, quản lý tiền nhiệm), không lắng nghe, xem xét những dị nghị của đảng viên, quần chúng và dư luận xã hội; ngại khó, ngại va chạm, nhất là đối tượng có dấu hiệu vi phạm là cấp ủy viên cùng cấp nên né tránh, để sự việc rơi vào im lặng, không kịp thời kiểm tra, kết luận công bằng, công khai, minh bạch. Các ban của Đảng từ trung ương đến địa phương đều bố trí cán bộ theo dõi ngành, địa phương nhưng vì bản lĩnh và năng lực nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ còn non yếu, cá biệt có người được ngành, địa phương “chăm sóc chu đáo” nên khi phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm nhưng không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Vừa qua, một số sai phạm ở ngành, địa phương bị lộ diện phần lớn do báo chí phát hiện và quần chúng phản ảnh, trong đó có những ý kiến tâm huyết của cán bộ lão thành cách mạng.
Một số vụ, việc không kiểm tra đến nơi, đến chốn, nên bỏ sót người có trách nhiệm liên quan đến sai phạm. Đảng viên, cán bộ được kiểm tra và xử lý kỷ luật gần đây phần lớn do sai phạm trong nhiệm kỳ đã qua hoặc ở nơi công tác cũ, khi đảm nhiệm chức vụ thấp, do đó khi xử lý chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật cách các chức vụ mà trên thực tế cán bộ đó không còn đảm nhiệm. Những sai phạm của một số cán bộ do UBKT Trung ương kiểm tra, xử lý kỷ luật, nếu tổ chức đảng và cấp ủy ở các đơn vị, địa phương nói trên tổ chức giám sát thường xuyên; nắm chắc tình hình, chủ động kiểm tra ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý thì sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội như vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền quyết định hình thức xử lý kỷ luật đối với một số đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao chưa thật sự thỏa đáng, chưa công bằng, chưa đủ sức thuyết phục, giáo dục, răn đe.
Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, là biện pháp quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên thật sự trong sạch vững mạnh.
Trong tình hình hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy các cấp cần xác định kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tập trung thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là: Ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo UBKT cùng cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và từng năm, từng quý; xác định rõ lĩnh vực và địa bàn trọng tâm, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện nghiêm túc việc giám sát cấp uỷ viên cùng cấp, cán bộ diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp uỷ và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Các đoàn kiểm tra giám sát không chỉ nghe báo cáo của đối tượng kiểm tra, giám sát mà điều quan trọng là cần tiếp xúc trực tiếp với đảng viên và quần chúng trong cơ quan đơn vị công tác và nơi cư trú; tập hợp, lắng nghe phản ảnh, nhận xét về tổ chức đảng, đảng viên, trên cơ sở đó tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ đúng sai.
Thường trực cấp ủy định kỳ nghe phản ảnh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và dư luận trên báo chí, kể cả mạng xã hội, phát hiện kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trên cơ sở đó đề xuất với ban thường vụ cấp ủy quyết định kiểm tra. Đối với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng thì ban thường vụ cấp ủy thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Hai là: Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và trong qua trình kiểm tra, bảo đảm thực sự là quyết định của tập thể, khắc phục tình trạng can thiệp của cá nhân, dù là người đứng đầu hoặc là cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm.
UBKT, trước hết là Chủ nhiệm UBKT cần kiên định bản lĩnh chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai nghiêm túc quyết định của tập thể cấp ủy, thực hiện đúng quy trình; khách quan, công tâm trong đánh giá các vi phạm, quy trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. UBKT cấp trên trực tiếp cần thường xuyên theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp dưới, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện làm sai lệch kết quả kiểm tra và biểu hiện can thiệp của cá nhân trong quá trình kiểm tra.
Trong trường hợp UBKT, nhất là chủ nhiệm UBKT có biểu hiện né tránh, không quyết tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thì UBKT cấp trên phải kịp thời uốn nắn; thậm chí xem xét, đề nghị cấp ủy cấp dưới thay thế chủ nhiệm UBKT và những cán bộ thiếu trách nhiệm, bảo đảm UBKT phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan và không vụ lợi cá nhân.
Ba là: Sau mỗi cuộc kiểm tra, UBKT nên tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm tra, hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra. Đây là biện pháp rất quan trọng không những tạo điều kiện để nhân dân, báo chí và dư luận xã hội giám sát, kiểm chứng công tác kiểm tra, tạo ra áp lực chính trị thúc đẩy tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm nghiêm túc sửa chữa, đồng thời có tác dục giáo dục, cảnh báo, răn đe trong Đảng và ngoài xã hội.
Bốn là, cấp ủy các cấp cần lựa chọn, bổ sung những cán bộ có phẩm chất, đạo đức và năng lực làm cán bộ kiểm tra, giám sát. UBKT các cấp tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, bảo đảm phát hiện kịp thời, chính xác các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
Nghị quyết Trung ương Bốn, khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng… xác định “kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng” là một trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn trong Đảng đồng thời là mong muốn chính đáng của đảng viên, cán bộ và nhân dân.
Ý kiến ()