Thời gian qua, Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (CN), người có thu nhập thấp, một số doanh nghiệp cũng có sự quan tâm đầu tư nhất định về xây dựng nhà ở cho CN trong các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, so với nhu cầu, khả năng đáp ứng nhà ở tập trung cho CN trên thực tế là quá ít ỏi.
Nhà ở trọ cho CN mạnh ai nấy làm
Các cụ ta có câu “An cư lạc nghiệp”. Điều này càng đúng với những CN xa quê, xa nhà đang lao động tại các KCN, CCN. Khảo sát thực tế tại huyện Yên Phong, được biết: Với gần 52.000 lao động làm việc tại các KCN, CCN, hầu hết đều có nhu cầu thuê nhà trọ tập trung nhưng hiện nay, trên địa bàn mới có 3 dự án: ký túc xá CN do Công ty TNHH Samsung Electronis chủ đầu tư; Khu nhà ở KCN Yên Phong do Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera - chủ đầu tư KCN Yên Phong và nhà ở CN CCN đa nghề Đông Thọ do Công ty Thịnh Nhất làm chủ đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng cho khoảng 11.200 lao động ở. Số còn lại buộc phải tự xoay xở tìm chỗ ở trong khu dân cư. Từ đó, dich vu seo vụ nhà trọ ở các địa phương gần KCN ra đời và nở rộ.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu nhà ở của lao động KCN, ông Nguyễn Hữu Nghị ở thôn Mẫn Xá, xã Long Châu mạnh dạn đầu tư xây nhà cho CN thuê ngay sau khi KCN Yên Phong I đi vào hoạt động. Ông Nghị cho biết: “Nhận thấy CN tìm nhà thuê trọ nhiều, tôi tận dụng diện tích sân vườn xây nhà cho CN thuê. Bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài, ban đầu chỉ một dãy 30 phòng, sau đó phát triển lên gần 70 phòng. Với ưu điểm dễ làm, cho lợi nhuận cao mà không tốn nhiều công sức, cuối năm 2015, tôi huy động các con góp vốn xây căn nhà chung cư mới hơn 200 phòng khép kín với nhiều kích cỡ khác nhau. Dự kiến, cuối năm nay hoàn thành vừa ở vừa cho CN thuê”. Cũng như ông Nghị, do nhu cầu tăng cao nên nhiều hộ dân ở đây đã ồ ạt xây nhà trọ cho CN thuê.

Căn nhà hơn 200 phòng khép kín của gia đình ông Nghị đang hoàn thiện, dự kiến cuối năm đưa vào sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Luyện, Phó Trưởng thôn Mẫn Xá, Long Châu cho hay: “Mẫn Xá có 90% số hộ cho thuê phòng trọ. Trong đó, hộ ít cũng có 5-7 phòng, hộ nhiều lên tới hàng trăm phòng. Dịch vụ nhà trọ phát triển, kinh tế người dân cũng khấm khá trông thấy”.
Theo ông Nguyễn Danh Lâm, Phòng Quản lý Nhà ở & Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) thì hầu hết nhà trọ ở Yên Phong đều hình thành trên cơ sở tự phát, không tuân thủ theo các tiêu chuẩn xây dựng. Sở đã gửi Công văn “Hướng dẫn thực hiện xây dựng nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng” và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền để nhân dân biết và thực hiện. Nhưng đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được bất kỳ một phản hồi nào từ các địa phương về việc xây nhà ở cho CN nên rất khó quản lý về chất lượng các công trình xây dựng cũng như việc đưa ra định hướng giúp người dân nắm bắt tình hình thực tế để có hướng phát triển dịch vụ nhà trọ, tránh xây dựng ồ ạt, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Nỗi niềm công nhân xóm trọ
Tại các xã Long Châu, Yên Trung, Đông Phong… nhiều “xóm trọ” đã hình thành, nằm xen kẽ trong khu dân cư gần KCN. Hầu hết các phòng trọ có 2 CN đơn thân thuê hoặc 1 gia đình CN gồm 2 vợ chồng và 1-2 con nhỏ chung sống. Trong căn phòng trọ chật hẹp, nóng nực, Nguyễn Thị Thảo, CN Công ty Samsung tâm sự: “Phòng trọ này em đang thuê với giá 500 ngàn đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, thiếu thốn đủ thứ vẫn phải ở, muốn thuê chỗ tốt hơn cũng không được vì thu nhập còn eo hẹp”. Còn Nguyễn Quang Nam, 28 tuổi, CN Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina chưa có gia đình tâm sự: “5 năm thuê phòng trọ ở Yên Trung và làm CN trong KCN Yên Phong I mà em không dám yêu ai, lương chỉ đủ nuôi sống bản thân, gia đình thì nghèo khó, muốn lấy vợ nhưng chẳng lẽ sinh con cứ đi thuê nhà mãi sao”.
Khu nhà trọ của CN ở xã Yên Trung (Yên Phong).
Với mức thu nhập hằng tháng không cao, lại trong điều kiện phải thuê nhà trọ thì đời sống của nhiều CN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đối với những người đã lập gia đình, có con nhỏ, khó khăn nhân lên gấp bội vì thiếu hầu hết các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như nơi gửi trẻ, chỗ vui chơi hay đơn giản là an ninh trật tự nơi xóm trọ...
Ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần người lao động tại các doanh nghiệp trong các KCN tập trung tuy có bước cải thiện, nhưng nhà ở cho CN vẫn chưa được quan tâm đúng mức làm nảy sinh nhiều vấn đề nơi công CN thuê trọ như: Mâu thuẫn giữa chủ nhà và khách; sự tranh giành chủ với chủ, khách với khách... làm mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là vấn nạn rác thải sinh hoạt đang ở mức báo động… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống”.
Mơ về “ngôi nhà nhỏ”
Đề án “Phát triển dịch vụ nhà ở cho người lao động trong các KCN tập trung tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2014 - 2020” được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2020, đáp ứng chỗ ở cho hơn 105.000 CN. Riêng KCN Yên Phong I đáp ứng chỗ ở cho hơn 30.200 CN. Trên thực tế, để chính sách được hiện thực hóa không chỉ cần thời gian mà cả sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp, người dân.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hầu hết các KCN tập trung đều quy hoạch khu đô thị, nhà ở CN nhưng chậm triển khai do vốn đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm nên doanh nghiệp ít chú trọng đầu tư. Đến hết tháng 4, toàn tỉnh thu hút được 13 dự án nhà ở dành cho CN trong KCN với tổng số gần 6.380 phòng đáp ứng chỗ ở khoảng 61.800 lao động, trong đó, 7 dự án đã đầu tư xây dựng, 6 dự án chuẩn bị đầu tư. Tại KCN Tiên Sơn có 1 dự án với tổng số 216 phòng cho gần 1.730 chỗ ở nhưng mới hoàn thành đưa vào sử dụng 132 phòng; KCN Quế Võ có 5 dự án thì mới có duy nhất 1 dự án đưa vào sử dụng 271 phòng cho 1.800 lao động… Riêng Yên Phong có 6 dự án đáp ứng chỗ ở cho 33.000 lao động - Đây là địa phương có nhiều dự án nhất tỉnh. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 dự án đưa vào sử dụng đáp ứng cho 11.200 trong tổng số 52.000 lao động có nhu cầu về chỗ ở. Các dự án còn lại rất khó triển khai trong thời điểm hiện nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hết tháng 6 năm nay, toàn huyện Yên Phong có gần 1.400 hộ có nhà cho CN thuê với tổng số gần 17.800 phòng, diện tích trung bình từ 10 - 15m2/phòng, giá từ 500.000 - 700.000 đồng/phòng/tháng, tập trung tại các xã: Yên Trung, Long Châu, Đông Phong, Đông Tiến, Đông Thọ, thị trấn Chờ… Trong khi đó, KCN Yên Phong I đang triển khai giai đoạn 2 mở rộng diện tích 370 ha, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập CCN Yên Trung - Đông Tiến diện tích 23,05 ha, KCN An ninh 100 ha tại các xã Tam Giang và Hòa Tiến của Bộ Công an đang được triển khai... dự kiến sẽ thu hút thêm một lượng lớn lao động về Yên Phong sinh sống và làm việc. Vấn đề nhà ở cho CN càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết, đòi hỏi cấp chính quyền, các ban, ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách về nhà ở cho CN trong các KCN, CCN; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách nhà ở cho CN; tăng cường tuyên truyền rộng rãi chủ trương, những ưu đãi của Nhà nước và của địa phương đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người lao động để cùng tham gia vào lĩnh vực xây dựng nhà ở cho CN…
Dự án nhà ở cho CN mang nhiều ý nghĩa nhân văn với mục đích tạo điều kiện cho CN tại các KCN, CCN yên tâm lao động. Nhưng có thể thấy, cùng với việc thiếu mặn mà của các doanh nghiệp, chủ dự án do thiếu vốn, lợi nhuận thấp… và tình trạng CN lao động “chưa an cư” là khá phổ biến, khiến cho câu chuyện về nhà ở của CN vẫn đang tiếp tục “nóng” lên cùng với sự phát triển về quy mô, số lượng các khu, CCN trong tỉnh. Và “giấc mơ” về những căn nhà nhỏ trong khu chung cư dành cho người thu nhập thấp, ký túc xá CN tập trung, có đầy đủ các thiết chế văn hóa, chăm lo toàn diện đời sống người lao động vẫn chưa thành hiện thực?
Ý kiến ()