KỲ 2 : DI SẢN… NỞ HOA
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá chưa bao giờ là dễ dàng và đơn giản. Song, với một thái độ trân trọng và niềm tự hào được sinh tụ ở nơi vốn được mệnh danh là “vùng đất thuần báu vật” cùng với quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Bắc Ninh luôn biết tự ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá theo bản sắc riêng. Nhờ vậy, những di sản văn hóa ở Bắc Ninh đang từng ngày nở hoa, toả hương góp phần làm nên sự phong phú trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và nhân loại.
Chăm lo di sản từ gốc
Di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn phát huy giá trị phụ thuộc rất nhiều vào cử chỉ, hoạt động trình diễn của các nghệ nhân dân gian - những chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu các di sản. Chính nghệ nhân dân gian là nhân tố quyết định đến việc bảo tồn, phương cách bảo tồn, sử dụng và khai thác di sản. Vì vậy, nghệ nhân được ví như “gốc” của di sản văn hoá phi vật thể. Mỗi nghệ nhân chứa một “bộ gen của di sản”. Muốn phát huy giá trị di sản cần phải chăm sóc, gìn giữ những bộ gen quý ấy. Xác định đúng vai trò, tầm quan trọng đó, Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong thực hiện chính sách tôn vinh nghệ nhân Dân ca Quan họ với một chế độ chăm sóc chu đáo về cả vật chất lẫn tinh thần.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều nét đẹp trong văn hóa Quan họ được gìn giữ, phát huy.
Về quê hương Thuỷ tổ Quan họ làng Diềm (xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh), chúng tôi được gặp Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Phụng năm nay đã 94 tuổi. Chồng mất, không có con nên cụ Phụng hiện đang sống một mình dựa vào “tiền lương” hàng tháng của tỉnh đối với Nghệ nhân Dân ca Quan họ. Cụ Phụng kể: “Tháng nào, cán bộ xã cũng mang “tiền lương” đến tận nhà. Ngoài đong gạo, mua rau, thịt để sinh hoạt hàng ngày, tôi dành dụm tiết kiệm để lo 11 cái giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ bên nhà chồng, còn thừa thì nhờ con cháu lát sân, tôn nền nhà, sửa công trình vệ sinh, mua sắm giường, tủ, ti vi, quạt điện. Thỉnh thoảng con cháu trong họ, trong xóm có đứa nào đau yếu, sinh đẻ tôi cũng cho vài đồng gọi là lộc của cụ… Xưa tôi thường hát cặp với cụ Nhi nhưng tiếc là cụ ấy giờ đã đi theo tiên tổ. Chúng tôi biết ơn Nhà nước nhiều lắm. Được như bây giờ, tôi thấy mãn nguyện rồi, chỉ mong khoẻ để được phục vụ Quan họ...”.
Không chỉ quan tâm tôn vinh xứng đáng về vật chất và tinh thần đối với những nghệ nhân cao tuổi đang gìn giữ di sản, Bắc Ninh còn tập trung phát triển đội ngũ kế cận bằng việc hỗ trợ mở lớp truyền dạy tại cộng đồng, đưa di sản văn hóa Quan họ vào trường học. Đặc biệt, tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng cho Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh”; tăng cường hoạt động tổ chức biểu diễn quảng bá Quan họ trong và ngoài nước; phục dựng không gian diễn xướng truyền thống trong các “Nhà chứa Quan họ”, gần đây nhất là hoạt động biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan mỗi tháng 1 lần… Với sự quan tâm nhiều mặt và quá trình đầu tư chăm sóc đúng hướng của các cấp, ngành tỉnh Bắc Ninh, sức sống của di sản Quan họ đã vượt biên đến với bạn bè khắp 5 châu. Còn ở trong nước, Quan họ cũng đang “bén rễ” trong cộng đồng khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh Tây Nguyên…
Quan tâm, tôn vinh nghệ nhân góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân Dân ca Quan họ tại làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
Rõ ràng, di sản sống được là nhờ cộng đồng nhưng sự tồn tại bền vững và sức lan tỏa thì phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền các cấp. Ngoài di sản Dân ca Quan họ, tỉnh Bắc Ninh còn chỉ đạo ngành Văn hóa lập hồ sơ khoa học cho hàng chục di sản văn hóa phi vật thể và tham mưu xây dựng nhiều đề án, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Ca trù, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như hát Trống quân, Tuồng, Chèo, múa rối nước Đồng Ngư… Song song với đó là tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các lễ hội tiêu biểu; rà soát, tư liệu hoá những làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu và các làng nghề đang có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh. Công tác sưu tầm, kiểm kê, xác định địa điểm, chủ thể thực hành và đánh giá giá trị các di sản khác như trò chơi dân gian truyền thống, những nghi lễ, phong tục tập quán liên quan tới chu kỳ vòng đời con người… cũng luôn được chú ý bằng việc phân bổ kinh phí phù hợp.
Thực hiện cam kết với UNESCO về các biện pháp bảo vệ di sản, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo và triển khai nhiều chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Từ 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thêm 329 làng Quan họ thực hành. Tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phục dựng “Nhà chứa Quan họ”… |
Đối với các di sản văn hoá vật thể, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác di tích theo đúng quy định pháp luật; Quy định về chế độ thù lao đối với người trông coi, bảo vệ di tích lịch sử cách mạng… Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích luôn được cơ quan chuyên môn quan tâm. Những di tích lịch sử văn hoá trọng điểm được ưu tiên đầu tư tôn tạo và đưa vào khai thác, phát huy tốt giá trị, hàng năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, học tập và trải nghiệm như: Đền Đô, Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ… Đặc biệt, tỉnh còn chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành khởi công khai quật khảo cổ tổng thể và xây mới khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia chùa Dạm, xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh)... Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh cũng được thống kê theo từng giai đoạn, tiến hành chụp ảnh, in dập văn bia phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Một số di tích tiêu biểu đã được cắm mốc bằng chất liệu bền vững để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ di sản văn hóa.
Giữ di sản từ ý thức cộng đồng
Cộng đồng chính là cái nôi, là môi trường để bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần có nhiều thay đổi nhưng với những gì thuộc về truyền thống luôn được người dân Bắc Ninh gìn giữ với thái độ trân trọng. Sự tồn tại của nhiều di sản ở Bắc Ninh đã chứng minh điều đó.
Thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích, trong đó hơn 571 di tích đã được xếp hạng, có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 195 di tích cấp Quốc gia, 378 di tích cấp tỉnh và 5 nhóm bảo vật Quốc gia; 1 di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; 1 di sản văn hóa đa Quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… Kho báu di sản này còn được gìn giữ đến hôm nay, không ai khác, chính các thế hệ người dân Bắc Ninh thay nhau gìn giữ, nâng niu, trân trọng như một phần cơ thể sống của mình vậy. Lớp ông bà, cha mẹ không ngừng cổ vũ, khuyến khích, truyền cảm hứng cho con cháu tham gia giữ gìn di sản, bảo tồn bản sắc. Trong khi đó, thế hệ trẻ Bắc Ninh được đắm mình trong môi trường di sản văn hóa, họ không chỉ biết hưởng thụ mà đã và đang ra sức giữ gìn, sáng tạo, bồi đắp, nhân lên các giá trị, khơi thông mạch nguồn văn hóa đến với tương lai.
Từ những chính sách thiết thực, nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc được duy trì, phát huy. Trong ảnh: Đông đảo người dân đến xem múa rối nước tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh).
Trên quê hương Quan họ hôm nay không thiếu những người dân tâm huyết, đam mê, sẵn sàng tình nguyện bỏ của, bỏ công để gìn giữ di sản. Về bất cứ làng Quan họ nào trên đất Bắc Ninh đều có thể dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với những liền anh, liền chị. Họ sẵn sàng bỏ cả ngày công lao động, dành thời gian trang điểm, diện trang phục để đi hát giao lưu và phục vụ công chúng yêu mến Quan họ mà chẳng suy tính đến thù lao. Rồi như tình yêu dành cho Quan họ của những cặp vợ chồng Quýnh - Cách, Quyển - Thơm... mà hễ nhắc đến ai cũng thấy cảm mến, trân trọng. Như di sản Ca trù, tưởng rằng đã mai một thế mà nhờ những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như bộ ba cụ Thiệp, cụ Lộ, cụ Thỉnh ở Thanh Khương (Thuận Thành) không quản ngại tuổi cao, sức yếu đi truyền dạy khắp nơi nên Bắc Ninh đã khôi phục thêm những CLB Ca trù ở Tiểu Than (Gia Bình), Thượng Thôn (Yên Phong)... Các di sản khác như Tuồng, Chèo, Trống quân, Múa rối nước… cùng hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc và những trò chơi dân gian độc đáo vẫn đang được cộng đồng các địa phương trong tỉnh gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác bằng cả lòng nhiệt huyết và đam mê. Di sản vẫn đang “bén rễ, xanh cây” bền chặt trong lòng người dân Bắc Ninh - những chủ thể sáng tạo, thực hành, gìn giữ và tiếp biến các giá trị văn hóa của quê hương.
Trong thời kỳ hội nhập, khi mà thế giới đang “phẳng” hơn mỗi ngày nhờ sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật thì bản sắc văn hoá chính là “tấm thẻ căn cước” để khẳng định dấu ấn riêng, thể hiện rõ quan điểm hoà nhập mà không hoà tan của mỗi địa phương, dân tộc. Hiểu sâu sắc sức mạnh của văn hoá nên dù số lượng di sản của Bắc Ninh khá đồ sộ, sức bao quát rộng song những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn có những chủ trương, chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để khơi nguồn, tiếp sức cùng cộng đồng trong hoạt động gìn giữ và thăng hoa các giá trị văn hoá tinh tuý của quê hương.
ĐÓN ĐỌC KỲ 3: BỀN VỮNG TỪ XÂY DỰNG CON NGƯỜI BẮC NINH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Ý kiến ()