Kỳ 3: BỀN VỮNG TỪ XÂY DỰNG CON NGƯỜI BẮC NINH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Con người vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng chứa đựng văn hóa. Nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Việc xây dựng con người phát triển toàn diện được Bắc Ninh đặc biệt chú trọng vì đó là tiền đề căn cốt của mục tiêu phát triển bền vững.
Khơi dậy truyền thống quý báu
Thời kỳ nào, vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng có những người con ưu tú tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Kinh Bắc là mạn trên của nước ta… Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần…”. Lịch sử Bắc Ninh gắn bó chặt chẽ với lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam, con người Bắc Ninh là sự dung hòa, hội tụ tinh hoa người Việt.
Tiến sỹ Trần Đình Luyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh nhận định: “Con người Bắc Ninh là sự hội tụ và toả sáng tinh hoa của con người Việt Nam với 5 đặc trưng tiêu biểu là: Truyền thống yêu nước, thượng võ; truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, năng động; truyền thống hiếu học, khoa bảng; có ý thức cộng đồng cố kết gia đình, dòng họ, xóm làng; có năng lực sáng tạo những giá trị văn hóa, nghệ thuật… Những giá trị ấy được hun đúc, truyền từ đời nay sang đời khác, hội tụ và tiếp biến một cách chọn lọc để kết tinh thành những đức tính văn hoá tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam”.

Chương trình “Sữa học đường” góp phần nâng cao trí tuệ và tầm vóc cho học sinh Bắc Ninh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn biết cách gìn giữ và phát huy những đức tính quý báu của người Kinh Bắc trong truyền thống dân tộc để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là tiền đề quan trọng góp phần từng bước củng cố, hoàn thiện và phát triển các giá trị văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI), xác định những nhiệm vụ cụ thể về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh, trong đó đặt nhiệm vụ cụ thể là xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện: “Chăm lo xây dựng con người Bắc Ninh có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, yêu quê hương, nhân ái, trọng nghĩa, trọng tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước cộng đồng, hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống lịch sử văn hoá quê hương, dân tộc”.
Bắc Ninh đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, nhất là ban hành nhiều chính sách ưu việt liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh… Điển hình là việc đầu tư mạnh mẽ và toàn diện cho sự nghiệp giáo dục đào tạo ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, có chính sách thu hút và phát triển các trường Đại học, cao đẳng nghề, có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài và nhất là xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, Bắc Ninh đã triển khai đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” với 4 mục tiêu chủ yếu là: Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học (mức độ 2), giáo dục THCS và tiến tới đạt phổ cập giáo dục THPT; Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động; Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Để thực hiện mục tiêu đó, trong nhiều giải pháp kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân Bắc Ninh đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và trở thành một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng tỉnh học tập với sự phát triển rộng khắp của các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… trong tỉnh. Trong đó, riêng Quỹ khuyến học khuyến tài Phạm Văn Trà, được thành lập từ tháng 12-2010 đến nay cũng đã trao thưởng gần 10 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác, chắp cánh ước mơ cho biết bao tài năng Bắc Ninh toả sáng...
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 153.000 gia đình hiếu học; trên 3.600 dòng họ hiếu học; trên 1.500 chi hội khuyến học hoạt động trong các thôn, làng, khu phố, trường học, cơ quan với hơn 3.300 ban khuyến học. Trong đó có nhiều mô hình tiên tiến về phong trào xã hội học tập được nhân rộng như: Phong trào “Tiếng trống khuyến học ban đêm” ở huyện Yên Phong; “Tiếng trống học bài buổi tối” tại huyện Quế Võ; “Quy ước quản lý học sinh ngoài nhà trường” tại Hội Khuyến học thành phố Bắc Ninh… |
Bên cạnh thực hiện nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhiều tiến bộ, công nghệ và kỹ thuật trong y học được ứng dụng đã giúp nâng cao sức khỏe cho nhân dân; các hoạt động văn hóa, thể thao được đầu tư phát triển làm cho đời sống tinh thần người dân ngày càng phong phú. Nhiều chính sách ưu việt về an sinh xã hội được tỉnh ban hành và thực hiện tốt không chỉ hướng đến chăm sóc mọi mặt cho người dân mà còn tạo sự phát triển xã hội một cách bền vững.
Bắt đầu từ thế hệ trẻ
“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân/Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, tuổi trẻ là tương lai của quê hương, đất nước, vì thế nhiệm vụ xây dựng con người phát triển bền vững được coi trọng từ việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ. Bắc Ninh đã có hằng loạt những chính sách, chương trình chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Quy mô giáo dục được giữ vững, chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên đã góp phần nâng cao dân trí, tay nghề và trình độ cho người lao động. Nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về nhiều chỉ tiêu phát triển giáo dục-đào tạo như: Là tỉnh đi đầu cả nước về tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới đạt 91,44%; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 98,5%. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất...

Chào cờ hát Quốc ca là một nghi thức bắt buộc khi tổ chức các hoạt động thể thao tại Trung tâm hoạt động thể thao Bắc Ninh.
Không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, năng lực trình độ, Bắc Ninh còn luôn chú trọng và quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao thể lực, tầm vóc, thẩm mĩ, trí tuệ cho thế hệ trẻ nhằm xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện. Với sự huy động các nguồn lực, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của miền Bắc và tỉnh thứ hai trong cả nước triển khai chương trình “Sữa học đường” bắt đầu từ các trường Mầm non. Giai đoạn 2013-2017 đã có 512 lượt trường được triển khai, khoảng 257.588 trẻ thụ hưởng với tổng kinh phí hơn 194 tỷ đồng. Từ năm học 2017-2018, ngoài việc tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường đến tất cả học sinh Mầm non, trẻ em từ 6-11 tuổi đang học trong các trường Tiểu học cũng được thụ hưởng chương trình sữa học đường của tỉnh. Trước mắt, năm đầu tiên 2017-2018 sẽ triển khai ở khối lớp 1 và lớp 2. Năm 2018-2019 thực hiện ở khối 3 và 4 và đến năm 2019-2020 là khối lớp 5. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, chương trình sữa học đường không chỉ giảm đáng kể tỷ lệ học sinh thấp còi, suy dinh dưỡng mà còn góp phần trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề để tỉnh Bắc Ninh phổ cập giáo dục các cấp học theo đúng yêu cầu đặt ra…
Đặc biệt, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, được tỉnh xác định là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội. Ngày 31-8-2016, BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020” với những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là ngành Giáo dục đào tạo. Trong đó, 100% các trường học tổ chức cho học sinh, cán bộ, giáo viên hát Quốc ca khi chào cờ; thực hiện tốt văn hoá xếp hàng khi tham gia các hoạt động tập thể; các trường đề ra nội quy, quy định đối với học sinh, giáo viên, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học; triển khai dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và duy trì tốt hoạt động của các CLB Quan họ trong trường học… Điều đó đã góp phần tích cực trong hình thành nhân cách, từ giao tiếp ứng xử, thực hiện nội quy, quy định của các nhà trường đến nếp sống thường ngày, có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa…

Giáo dục truyền thống cho trẻ em luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện tại Bắc Ninh. Trong ảnh: Học sinh tìm hiểu truyền thống tại Đền Đô (thị xã Từ Sơn).
Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Vân, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo (thành phố Bắc Ninh) được biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, định hướng cho các em có ý thức chào hỏi lễ phép, biết thưa gửi, thân thiện với bạn bè, biết nói lời “cảm ơn - xin lỗi” đúng hoàn cảnh và có kỹ năng sống… Qua từng bài học, bằng nhiều phương pháp, giáo viên tạo điều kiện để học sinh từng bước hoàn thiện nhân cách và lối sống, giúp các em biết sửa chữa, khắc phục những hành vi chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để phát triển toàn diện mọi mặt, góp phần phát huy những tố chất văn hoá truyền thống của người Bắc Ninh-Kinh Bắc…”.
Đến hiện đại từ truyền thống luôn là một định đề khoa học lớn, không phải chỉ với lĩnh vực xây dựng con người văn hoá và chắc chắn cũng không phải là câu chuyện của riêng Bắc Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện từ nền tảng truyền thống, có chiều sâu văn hoá chính là cốt cách để cho dù có đi nơi đâu, mỗi khi xưng danh “người Bắc Ninh” sẽ luôn mang lại niềm tự hào khó đong đếm trong mỗi chúng ta…
Phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những gì mà Bắc Ninh đã và đang làm được trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thực sự đang tạo nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh trực tiếp để đưa Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Ý kiến ()