Bài 2: NGHỊ QUYẾT TRÚNG “Ý DÂN”, VIỆC KHÓ VẪN THÀNH
Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong xây dựng NTM, huy động sức dân để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, làm lợi cho dân là mục tiêu của Nghị quyết các tổ chức cơ sở Đảng hướng tới.
“Hợp lực” dẫn nước sạch về làng
Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Lãng Ngâm (Gia Bình) làm tốt công tác “dân vận”, huy động sức dân. Một trong những công trình để lại dấu ấn là huy động người dân địa phương chung tay, góp sức đầu tư hệ thống đường ống dẫn, cấp nước sạch, giải bài toán thiếu nước sạch do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng trong thời gian dài.

Người dân Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày
Ở hai thôn Ngăm Lương và Ngọc Tỉnh có khoảng 80% số hộ làm nghề in, nhuộm vải và may quần áo các loại. Trước đây, nước thải chưa qua xử lý chứa nhiều hóa chất độc hại xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát, ao hồ, khiến cho nguồn nước mặt và nước ngầm ô nhiễm nặng. Để có nước sinh hoạt, người dân tự xây hệ thống bể lọc, chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi, Trạm cấp nước thị trấn Gia Bình nằm ngay trên địa bàn nhưng người dân địa phương lại chưa được sử dụng do thiếu kinh phí lắp đặt hệ thống đường ống đến từng hộ gia đình.
Đồng chí Đỗ Trọng Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm cho biết: “Xác định đầu tư hệ thống dẫn nước sạch về từng thôn, xóm, đến từng hộ gia đình là việc khó, nhưng không thể không làm. Bàn đi, tính lại trong khi Nhà nước chưa có chủ trương đầu tư thì mình phải sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại và chúng tôi quyết định lựa chọn phương án huy động sức dân. Xã mời Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Bắc Ninh về họp bàn cùng nhân dân hai thôn Ngăm Lương, Ngọc Tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ”.
Chủ trương hợp lòng dân nên được người dân đồng thuận cao. Nhân dân 2 thôn tự nguyện đóng góp hơn 4 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ 4,5 triệu đồng để làm hệ thống đường ống dẫn nước sạch. Sau hơn 3 tháng triển khai, đường ống dẫn nước sạch được lắp đặt đến từng hộ gia đình, giải cơn “khát” nước sạch cho người dân bấy lâu nay. Ông Đỗ Đức Thoan, thôn Ngọc Tỉnh phấn khởi: “Từ khi được sử dụng nước sạch, người dân không còn tâm lý thấp thỏm, âu lo về bệnh tật”.
Năm 2016, xã Lãng Ngâm về đích NTM. Trong tổng số hơn 59 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM thì nhân dân đóng góp 22,29 tỷ đồng (chiếm 37,34%).
Xây dựng nghĩa trang tập trung, không lãng phí tài nguyên đất
Điểm sáng trong xây dựng NTM ở xã Song Hồ (Thuận Thành) được các địa phương đánh giá cao, tìm đến học tập, đó là việc cả 4/4 thôn, người dân tự nguyện đổi hơn 8 mẫu ruộng ở những khu chân ruộng cao xuống ruộng trũng để dành đất xây dựng khu nghĩa trang nhân dân tập trung.

Người cao tuổi xã Song Hồ luôn đi đầu xây dựng nếp sống văn minh, góp phần xây dựng NTM.
Xuất phát từ thực trạng, nhiều gia đình, dòng họ xây dựng mộ nằm rải rác ở các xứ đồng, với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau, vừa không bảo đảm mỹ quan, vừa lãng phí đất đai. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, ngày 20-8-2010, UBND xã Song Hồ đã có Hướng dẫn số 48/HD-UBND: Xây dựng quy định về thực hiện quy hoạch và xây mộ cát táng trên địa bàn xã giai đoạn 2010-2020 và định hướng những năm tiếp theo. Trong đó, quy định mẫu: Các mộ xây dựng theo hàng, có đánh số thứ tự, hàng cách hàng 0,7m, mộ cách mộ 0,3m; quy cách xây một ngôi mộ: Phần đế móng, chiều dài 1,55m, rộng 1,05m, cao 1,4m; nền xung quanh mộ đổ bê tông. Ngay sau khi có quỹ đất, địa phương triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mỗi thôn thành lập 1 Ban quản lý nghĩa trang nhân dân, tuyên truyền người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, góp phần bảo vệ môi trường sống, tránh lãng phí tài nguyên đất.
Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Điển hình là hàng trăm hộ dân ở thôn Đông Khê tự nguyện hiến 2.700m2 đất ruộng (hộ 1 thước, hộ 3 thước) để xây dựng nhà văn hóa của thôn. Hay chuyện người dân ở thôn Tú Tháp tự nguyện chuyển đổi một số diện tích ruộng của gia đình mình cho tập thể xây dựng nhà văn hóa và sân vận động, đảm bảo các thiết chế xây dựng NTM.
Tuy không phải là xã điểm xây dựng NTM, nhưng xã Song Hồ lại là một trong bẩy đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh về đích NTM trong năm 2014.
Chung sức lắp đặt camera bảo vệ an ninh thôn, xóm
Những năm 2008-2010, công nghiệp về làng, người dân xã Phượng Mao (Quế Võ) nhanh nhạy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ. Hiện nay, toàn xã có khoảng 243 hộ xây dựng 2118 phòng trọ cho hơn 4.300 công nhân, lao động thuê trọ với giá từ 800-900 nghìn đồng/phòng/tháng. Nhận thấy người lao động về tạm trú ngày càng gia tăng, tình hình an ninh sẽ phức tạp, tháng 5 năm 2017, huyện Quế Võ đầu tư khoảng 50 triệu đồng để lắp đặt 15 camera giám sát an ninh trật tự trên các tuyến đường, ngã tư, ngã ba… ở xã Phượng Mao, nhằm quản lý và giữ gìn an ninh trật tự.
Lãnh đạo xã Phượng Mao, huyện Quế Võ và lực lượng công an xã kiểm tra an ninh các khu nhà trọ.
Đồng chí Nguyễn Vân Phú, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Mao cho biết: “Cùng với sự quan tâm đầu tư của huyện, Đảng ủy xã giao cho Công an xã có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có phòng trọ lắp đặt camera an ninh, vừa để bảo vệ tài sản gia đình, vừa thuận tiện trong việc giám sát người thuê trọ…”. Đến nay, toàn xã có hơn 90% số hộ gia đình có phòng trọ tự đầu tư từ 5-10 triệu đồng để lắp đặt camera theo dõi 24/24h. Sau hơn 4 tháng đưa vào hoạt động, mô hình “Camera giám sát ANTT” ở xã Phượng Mao bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần ổn định tình hình ANTT, kiểm soát trật tự ATGT, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ông Nguyễn Khắc Huấn, Trưởng Công an xã Phượng Mao cho biết: “Từ khi có camera an ninh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được quản lý chặt chẽ hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, lực lượng Công an xã phải chia thành tổ, thường xuyên tuần tra cả ngày lẫn đêm, đến nay lực lượng công an chỉ việc cắt cử một công an viên trực ban tại phòng đặt hệ thống theo dõi camera. Khi phát hiện vấn đề mất an ninh trật tự sẽ có phương án xử lý nhanh và thuận tiện. Từ khi có camera an ninh, Công an xã Phượng Mao đã điều tra, xác minh, làm rõ được 8/10 vụ trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng…”.
Từ năm 2011 đến nay, trong phong trào xây dựng NTM, toàn tỉnh huy động được hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 631 tỷ đồng, huy động hơn 14.000 ngày công và hiến hơn 150.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. |
Đơn cử như khu trọ của gia đình ông Phạm Sỹ Văn (thôn Mao Dộc) trong vòng 1 tháng xảy ra 2 vụ trộm cắp tài sản (01 chiếc xe máy và 01 chiếc xe đạp điện). Sau khi nhận được thông báo, Công an xã Phượng Mao xuống hiện trường, kiểm tra hình ảnh, triển khai lực lượng nhanh chóng bắt được các đối tượng gây án trong 24 giờ.
Việc lắp đặt camera an ninh ở Phượng Mao không chỉ góp phần đẩy lùi tội phạm, an ninh trật tự được giữ vững, mà hơn cả là “Ý Đảng” đã hợp “Lòng Dân”, làm lợi cho người dân. Đây cũng là một trong những bài học kinh nghiệm về khơi dậy sức mạnh lòng dân, huy động sức dân trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không phải là khẩu hiệu suông mà nó luôn có sức sống từ cơ sở.
(Mời độc giả đón đọc bài 3: VỪA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VỪA CỦNG CỐ TỔ CHỨC ĐẢNG)
Ý kiến ()