Bài 4: NÂNG TẦM CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Theo Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 10-2-2017, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện (cả nước có 34 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới). Thành quả này là “kết tinh” của những kinh nghiệm, cách làm tích cực, sáng tạo mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương phát huy trong phong trào “Bắc Ninh chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”.
Lựa chọn khâu đột phá, quy hoạch đi trước một bước
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm cụ thể hoá các mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đề ra. Mục tiêu tổng quát về xây dựng NTM là: Xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững. Đây là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, tạo được sự đồng thuận từ “ý Đảng, lòng Dân” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng đất nước ta giàu mạnh, văn minh.

Diện mạo nông thôn mới xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn được quy hoạch bài bản, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai gần.
Xuất phát từ nhận thức trên, cùng với các vản bản chỉ đạo của Trung ương; Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Huyện ủy Tiên Du, Thị xã Từ Sơn ban hành các Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 -2020. Theo đó, trong quá trình xây dựng NTM đều xác định phải bắt đầu từ sản xuất, chú trọng chuyển dịch nhanh, mạnh, có hiệu quả cao về cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường; áp dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiến trình đô thị hóa; Tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Xác định nông dân là nhân vật trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà quan trọng hơn, đây là đối tượng quyết định đến việc thực hiện hiệu quả, thành công của quá trình xây dựng NTM.
Tiên Du: Sau 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, từ một huyện còn nhiều khó khăn, đến nay, Tiên Du đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt được những kết quả toàn diện, trên các lĩnh vực. 13/13 xã đạt chuẩn NTM, vượt cả số lượng và thời gian so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Tổng số vốn huy động cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Tiên Du giai đoạn 2010-2016 là hơn 3.500 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp sửa chữa hàng trăm công trình: Trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, trạm y tế; đổ nhựa, bê tông hóa 37 km đường trục xã, 56,7 km đường trục thôn… Diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi mới, đời sống kinh tế, xã hội có sự phát triển vượt bậc, giải quyết việc làm cho 17.000 lao động… |
Khi bắt tay xây dựng NTM, thị xã Từ Sơn còn 5 xã nông thôn là Phù Chẩn, Tam Sơn, Phù Khê, Hương Mạc, Tương Giang. Đặc thù này đặt ra yêu cầu của lộ trình xây dựng NTM phải giải quyết “bài toán” đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng. Bí thư Thị ủy Từ Sơn Trần Quang Huy đúc kết: “Công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Đây chính là cơ sở để xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn; là xương sống để định hình chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, tránh chồng chéo, lãng phí, “tư duy nhiệm kỳ” khi triển khai thực hiện”.
Do có quy hoạch bài bản, chặt chẽ, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch nghiêm túc nên các tiêu chí về NTM mà các xã ở Từ Sơn đạt được đều có điểm số cao. Nhằm nâng tầm NTM, thị xã đề ra chủ trương củng cố, duy trì các tiêu chí đã đạt theo hướng phát huy lợi thế từng xã, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Từ Sơn: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, diện mạo các xã nông thôn của thị xã Từ Sơn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn nâng cao. Toàn thị xã huy động hơn 590 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo 177 công trình hạ tầng nông thôn, chủ yếu là trường học, đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa xã, thôn, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất. Kết quả rà soát thời điểm cuối năm 2016, thị xã có 5/5 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến; đến nay thị xã còn 524 hộ nghèo chiếm 1,38%; hộ cận nghèo 499 chiếm 1,32% (thấp hơn so với mức bình quân chung toàn tỉnh). |
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM của Huyện ủy Tiên Du, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn xác định, đề cao chủ thể của quá trình xây dựng NTM chính là người dân, thực hiện triệt để quan điểm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, lợi ích của dân chính là thước đo hiệu quả của chương trình xây dựng NTM. Có Nghị quyết đúng, trúng, phù hợp thực tế chưa đủ mà cần có bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của huyện. Tiên Du chủ động quy hoạch vùng, dồn điền đổi thửa là khâu “đột phá” trong sản xuất, nhằm tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn; lĩnh vực giao thông nông thôn được ưu tiên đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi được tập trung đầu tư; Quy chế Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đồng chí Lê Xuân Lợi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du khẳng định: “Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế địa phương; cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân nhiệt tình ủng hộ, thì ở đó kết quả xây dựng NTM đạt thành tích cao”.
Bài học từ huy động sức dân, dựa vào dân
Phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp công sức, tiền của, tạo được bước chuyển quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được nhân dân trực tiếp thi công, giám sát không chỉ có chất lượng tốt, chi phí thấp mà còn góp phần quan trọng tạo ra sự gắn kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Trình độ, năng lực, trách nhiệm và sự gắn bó của đội ngũ cán bộ với nhân dân được nâng lên. Không khí thi đua xây dựng NTM ở các địa phương ngày càng mạnh mẽ; nhân dân ngày càng thấy rõ thêm trách nhiệm của mình, hồ hởi, phấn khởi đóng góp ngày công, kinh phí. Thật cảm động biết bao khi có nhiều gia đình sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất, dỡ bỏ nhiều công trình kiến trúc của gia đình mình để làm đường giao thông thôn xóm; nhiều cá nhân sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng, nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ, đóng góp tiền của, vật tư, phương tiện thi công... để hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.

Chăn nuôi cá lồng trên sông Đuống là một mũi nhọn phát triển nông nghiệp hàng hóa của huyện Tiên Du.
Thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã minh chứng: Ở nơi nào các cấp uỷ đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo, tâm huyết, cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện chương trình xây dựng NTM thì nơi đó có phong trào mạnh và đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân về thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức tham gia đóng góp xây dựng NTM.
Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Cần nhận thức và hành động đúng về xây dựng NTM: 19 tiêu chí là chỗ dựa, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công. Từ đó, tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương để huy động các nguồn lực vừa đảm bảo được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác. Đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng lại (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy chế, hương ước phù hợp với phong tục tập quán từng vùng, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng NTM, làm căn cứ để nhân dân góp công, góp sức cùng tham gia. Như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình sẽ có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện vai trò nhiều hơn.
Kết quả: - Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 58/97 xã về đích NTM (chiếm 59,8%), trong đó: Huyện Tiên Du 13/13 xã; thị xã Từ Sơn 5/5 xã; thành phố Bắc Ninh 2/3 xã; huyện Yên Phong có 7/13 xã; huyện Quế Võ có 8/20 xã; huyện Thuận Thành có 10/17 xã; huyện Gia Bình có 8/13 xã và huyện Lương Tài có 5/13 xã. - Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 17,28 tiêu chí/xã (tính đến tháng 7-2017) Mục tiêu: - Phấn đấu đến hết năm 2020 có trên 80% số xã đạt chuẩn NTM; 6/8 huyện, thị xã, thành phố về đích NTM; số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân trên 1 xã đạt trên 18 tiêu chí. |
Những kết quả đạt được trong phong trào “Bắc Ninh chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn cũng như các xã trong tỉnh đạt được mới chỉ là bước khởi đầu. Vấn đề quan trọng hơn cả là phải tiếp tục nâng chất lượng thực chất, bền vững của các tiêu chí ở mức cao hơn, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ và tính chất phát triển giữa nông thôn và đô thị. Từng cán bộ, đảng viên và người dân cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo cùng chung sức chung lòng, bằng nhiều việc làm thiết thực hơn nữa, thể hiện tốt hơn nữa vai trò là lực lượng chủ thể trong phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới, đóng góp xứng đáng hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là Huyện Nông thôn mới kiểu mẫu và Quận kiểu mẫu khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Ý kiến ()