Vương Quốc Tuấn
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bắc Ninh-Kinh Bắc, một vùng quê văn hiến và cách mạng, nơi huyền sử quyện vào lịch sử, rực rỡ những lễ hội nên con người nơi đây mang vẻ đẹp tài hoa, thanh lịch, với lối sống trọng nghĩa vẹn tình. Trong kho tàng dân ca Việt Nam, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, thể hiện truyền thống và bản sắc văn hóa Kinh Bắc, phát triển đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn… Với những giá trị đặc sắc và độc đáo, ngày 30-9-2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Bắc Ninh mà là của cả nước và của cả thế giới.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn. |
Xuất phát từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, lấy chủ thể và cộng đồng nắm giữ di sản làm trung tâm, đồng thời tôn trọng quy luật vận động phát triển tất yếu của văn hóa Quan họ, ngay sau khi được UNESCO ghi danh, tỉnh Bắc Ninh triển khai đồng bộ chuỗi chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy toàn diện di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nổi bật là việc ban hành cơ chế, chính sách và triển khai các Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2010-2012”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020”; Quy chế xét tặng và chế độ đãi ngộ nghệ nhân; chế độ hỗ trợ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Đáng chú ý, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế liên quan như công trình Nhà hát Dân ca Quan họ, các chòi hát trên đồi Lim, phục dựng thiết chế “nhà chứa Quan họ” (nay là nhà thực thành quan họ). Đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa hoạt động truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng và nhà trường… Công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản được tổ chức phong phú với nhiều hoạt động được đầu tư quy mô lớn, hoành tráng, tiêu biểu như chương trình “Về miền Quan họ”, “Festival Bắc Ninh”, lễ hội vùng Lim, các hội thi hát Dân ca Quan họ, hát Quan họ trên thuyền, các hoạt động trình diễn giới thiệu quảng bá Quan họ ở trong nước và quốc tế... Công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa được chú trọng thông qua các hội thảo khoa học, xuất bản và tái bản các sách nghiên cứu về văn hóa Quan họ, ký âm bài cổ, phục dựng hình thức diễn xướng truyền thống...
Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên và hiện là duy nhất trong cả nước ban hành chính sách tôn vinh và có cơ chế hỗ trợ “tiền lương” hằng tháng cho nghệ nhân với các mức: Nghệ nhân Nhân dân là 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Nghệ nhân Ưu tú là 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Nghệ nhân Dân ca Quan họ được tỉnh phong tặng là 1 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Sau 15 năm, Bắc Ninh không những khơi dậy sức sống ở 44 làng Quan họ gốc mà còn ghi nhận thêm 150 làng Quan họ thực hành và phát triển được hơn 400 CLB Quan họ với hàng vạn người tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó hàng trăm người có khả năng truyền dạy. Số câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các tỉnh, thành phố và nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ngừng gia tăng... Chứng tỏ Quan họ không chỉ có sức sống mãnh liệt trên đất Bắc Ninh-Kinh Bắc mà còn lan tỏa, trở thành món ăn tinh thần thân thuộc của người Việt khắp 5 châu.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh hôm nay danh thơm nức tiếng, là một phần đặc sắc của di sản thế giới và quan trọng hơn, Quan họ đang mang một sức sống mới, diện mạo mới, giá trị mới, hòa nhập sâu rộng trong nhịp sống đương đại cùng với những sắc cốt lấp lánh, giá trị cổ truyền vẫn được bảo tồn, thực hành gìn giữ. Đáng quý là ý thức của cộng đồng về di sản ngày càng sâu sắc. Phẩm hạnh, cốt cách trọng nghĩa trọng tình của người Bắc Ninh được ngợi ca và nhắc đến như một ý thức về bản sắc, nét đẹp riêng của vùng văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Có được thành quả hôm nay, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong tỉnh và cộng đồng Quan họ. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tham vấn, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước, của những chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Quan họ và đặc biệt là ý thức trách nhiệm, niềm đam mê, lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân Dân ca Quan họ - những “Báu vật nhân văn sống” đã thực hiện tốt sứ mệnh bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa độc nhất vô nhị của quê hương Kinh Bắc.
Có thể tự hào khẳng định, thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong 15 năm qua đã vượt yêu cầu và cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO. Chúng ta vững tin rằng, với sự cộng cảm và cộng đồng trách nhiệm; tiếp nối thế hệ trước, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ phát huy tốt vai trò của chủ sở hữu di sản để Dân ca Quan họ Bắc Ninh mãi mãi trường tồn và lan tỏa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh các điều kiện thuận lợi, cũng nảy sinh các mối đe dọa đối với việc bảo tồn văn hóa, làm biến dạng các di sản văn hóa nói chung, không gian văn hóa Quan họ và hình thức diễn xướng Quan họ nói riêng. Những vấn đề đó đã, đang và sẽ tác động đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là sự nghiệp mang tính chiến lược lâu dài với sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Giai đoạn tới, Bắc Ninh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh theo cam kết với UNESCO gắn với thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; trọng tâm là bảo tồn văn hóa Quan họ, giá trị thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức xã hội và bản sắc riêng của Quan họ làm nền tảng vững chắc xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn lực cho sự phát triển bền vững; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến những người trực tiếp nắm giữ, thực hành, trao truyền Dân ca Quan họ...
Nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được đầu tư quy mô, hoành tráng, ấn tượng.
Thứ hai, đặt công cuộc bảo tồn, phát huy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự nghiệp phát triển các ngành Công nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, phát hiện, sáng tạo những giá trị mới phù hợp với đời sống đương đại, góp phần thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, du khách đến với Bắc Ninh; chú trọng xây dựng Quan họ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn riêng có của Bắc Ninh.
Thứ ba, quy hoạch bảo tồn tổng thể không gian các làng Quan họ gốc; phục dựng không gian văn hóa Quan họ cổ gồm toàn bộ những gì liên quan đến sự tồn tại của Quan họ, từ không gian tự nhiên đến xã hội, nơi Quan họ ra đời, diễn xướng. Bên cạnh đó, phát triển các làng Quan họ thực hành; tiếp tục xây dựng mới, hoặc phục dựng kiến trúc các “nhà thực hành Quan họ” để làm cơ sở cho các liền anh, liền chị, những người yêu Quan họ có được những không gian đích thực dành riêng cho việc thực hành diễn xướng.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền quảng bá, đưa nghệ nhân, nghệ sĩ đi trình diễn, giới thiệu quảng bá di sản ở trong nước và nước ngoài; quan tâm đầu tư hoạt động sưu tầm, biên dịch tài liệu nghiên cứu văn hóa Quan họ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; số hóa di sản, xây dựng trung tâm dữ liệu về văn hóa Quan họ...
Lấy chủ thể và cộng đồng nắm giữ di sản làm trung tâm trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Thứ năm, khai thác tiềm năng kinh tế của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nhiệm vụ không thể không đặt ra. Gắn bảo tồn Quan họ với phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh việc khai thác di sản văn hóa Quan họ với du lịch cộng đồng theo định hướng phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số hiện nay đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về phương thức vận hành, cách thức tạo ra sản phẩm văn hóa cũng như hoạt động truyền bá sản phẩm văn hóa. Chính vì vậy cần có sự đổi mới nhận thức, am hiểu kiến thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt coi trọng chủ sở hữu các sản phẩm văn hóa sáng tạo để không chỉ bảo vệ di sản mà còn hỗ trợ khai thác các lợi ích lâu dài từ tài sản trí tuệ do các chủ thể sáng tạo ra.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với cha ông, với lịch sử mà còn là giải pháp quan trọng biến các di sản này thành nguồn lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân đoàn kết sáng tạo, nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ý kiến ()