Làng Phù Lưu hiện có hơn 800 hộ, hơn 3.000 dân, khoảng 40% làm kinh doanh, 20% làm hành chính công chức; số còn lại làm dịch vụ, các nghề thủ công và nông nghiệp.
Quán chè giữa phố Từ Sơn, nơi tôi dừng chân sau chặng chạy xe máy từ Bắc Giang về Hà Nội. Người đàn ông chừng 50 tuổi cùng uống nước đã say sưa kể về làng Phù Lưu, về ông chú-dich vu seo giả văn học Nga nổi tiếng Hoàng Thúy Toàn của mình. Thì ra đó là anh Hoàng Văn Bình, cháu của ông Thúy Toàn. Tôi bắt chuyện và hướng người bạn chè về các chuyện của làng Giàu-thường gọi là “chợ Giàu”, địa phương mà cứ mỗi lần tâm sự thì dịch giả thơ Nga nổi tiếng vốn trầm tính cũng trở nên say sưa, chuyên tâm nói chuyện. Tôi hứa với bác Thúy Toàn qua điện thoại cũng như hôm đến thăm ông tại nơi làm việc, tầng 3 Hội nhà văn Việt Nam số 9 đường Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội là thế nào cũng vào chợ Giàu để chụp ảnh kèm với bài viết.
“Quê hương mỗi người, ai mà chẳng muốn khen về quê mình, nơi đã sinh ra. Dịch giả mở đầu câu chuyện: “Làng tôi có con đường lát đá chạy khắp nơi, có cây bồ đề vài trăm năm, có giếng cổ nước trong vắt v.v… Ngôi làng quê đẹp ở đồng bằng Bắc Bộ. Là nhà nhiếp ảnh, hẳn anh sẽ thích nơi này”
Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn giới thiệu các hiện vật của làng có trong bảo tàng văn học Nga.
Đi nhiều nơi, tôi nhận ra điều rằng: Vẻ đẹp bất cứ nơi nào trên đất Việt là sự ẩn chứa của những câu chuyện đằng sau. Một đất nước trải bao thăng trầm với nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh kéo dài thì cái nhìn thấy chỉ là hiện hữu còn lại sau nhiều mất mát. Sự tìm hoài lý do của sự tồn tại khiến ta hình dung ra những tháng năm tôi đã đi qua. Đường vào các làng xóm ở Trung du Bắc bộ đang có sự đổi thay đến chóng mặt.
Sau nhiều năm phát triển bộn bề, nay như gạn ra, chắt ra để có diện tích làm lại cái mới (thực ra là xây dựng lại cái cổng làng, trùng tu lại các di tích gắn với đồng ruộng và nhiều thế hệ người đã tồn tại). Có một cổng rất đẹp, cao, nhiều màu sắc - nơi khách muốn vào chợ Giàu thường đi tắt qua. Cổng đẹp mà tôi chụp hóa ra là di tích mà nhà văn Thúy Toàn khoe với khách. Con đường trải đá tấm lớn màu xám tro dẫn tôi và cô phóng viên trẻ của Báo Bưu điện Việt Nam đến một cổng làng cổ được xây cách đây bao năm thì nay anh cháu của ông Thúy Toàn cũng không dám chắc. Tôi bất chợt nhìn ra một cửa hàng gội đầu và sơn sửa móng tay áp ngay bên cạnh. Hai hình khối kiến trúc có vẻ như không ăn nhập tồn tại chấp nhận nhau là nội dung của tấm ảnh theo lối ghi chép và phản ánh cái bên trong của cuộc sống.
Con đường đá, to rộng và dài như thế này hẳn còn rất ít ở Việt Nam, nó nhẵn bóng và ánh lên không chỉ vào ngày nắng mà ngay sau cơn mưa. Cứ theo con đường ấy, hết đá là vào đường gạch- là đi vào ngõ cụt, còn đá là còn đường thông quanh làng. Hai bên đường là dãy cột điện mới dựng.
Đường Làng Phù Lưu được lát đá tấm lớn.
Chợ Giàu mở ra ở cách đồng trước đây kẹp giữa làng Giàu và đường số 1A. Chẳng có cảm giác gì về một chợ quê nếu nhìn từ phía bên ngoài bởi đây là chợ mới xây dựng, chiều dài có tới hàng trăm mét, nhiều tầng được thiết kế hiện đại. Chợ Giàu xưa vốn là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình, còn chợ mới xây hôm nay thực chất là một Trung tâm thương mại được lập nên từ một mảnh đất khác. Quy mô và sự đồ sộ của một chợ quê hiện đại như kể lại câu chuyện về thành tựu kinh doanh lâu đời của làng Trầu năm xưa. Từ một làng trồng cây trầu đã sớm trở thành một khu chợ “trên bến dưới thuyền”, nơi giao thương các loại hàng hóa, nông sản, lâm sản, hàng gốm sứ, thuốc nam, thuốc bắc của cả vùng Kinh Bắc. Rất nhiều làng ở Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ có giao thương với các tỉnh miền núi phía Bắc, có cả thương nhân người Ấn Độ, người Hoa, người Malaisia mang hàng đến bán ở mỗi phiên chợ Giàu ngày xưa. Hàng tơ lụa cũng đổ về đây!
Kinh doanh và làm nghề dịch vụ nhiều đời là cơ sở để các gia đình có điều kiện cho con cái đi học xa, nhiều người đã thành đạt. Phù Lưu là một trong những làng ở Bắc Ninh có nhiều người đậu khoa bảng ngày xưa, mà họ Hoàng là một ví dụ điển hình. Ở thế kỉ thứ XIX đầu thế kỉ XX trong sách nghiên cứu về khoa bảng từng ghi họ Hoàng có cha, con, bác, cháu cũng thi đỗ.
Trên đường về nhà thờ họ Hoàng, ông Thúy Toàn chỉ cho tôi các nhà văn hóa tiêu biểu, có hai người được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chì; còn cụ Hoàng Văn Định-từng làm lên đến chức quan ngự xử Triều Đình, Hoàng Tích Phụ-Tri huyện tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàng Thụy Chi- Tổng đốc Bắc Giang là người đóng góp rất nhiều trong việc để lại những công trình xây dựng cho làng. Làng Phù Lưu cũng là nơi sinh của tác giả truyện “Làng’’,“ Vợ Nhặt”, “Con chó xấu xí” - nhà văn Kim Lân nổi tiếng; các nhà văn Nguyễn Địch Dũng với Trai Làng Quyền, nhà văn quân đội Chu Tam Thanh với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng; nhạc sĩ Hồ Bắc, đạo diễn nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy, v.v… Nối tiếp các ông là những thế hệ con cháu như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, nhà thơ Hoàng Hưng…
Đình làng Phù Lưu là nơi có cây bồ đề vài trăm năm. Đình không thật lớn nhưng vào trong quan sát, được giới thiệu mới biết ở đây có “hàng độc”. Đây là đình duy nhất ở vùng châu thổ Bắc Bộ có họa tiết điêu khắc trên các chạm cột, hình ảnh tiên dung cũng như hình ảnh đoàn người đua thuyền trên mặt sóng. Được trùng tu, đây là ngôi đình với kiệt tác đủ để ai sinh ra ở Phù Lưu cũng tự hào.
Bên Đình, phía giáp cây bồ đề là bức tranh hoành tráng phác họa lại đầm rộng đẹp của Phù Lưu. Chụp được cho hết diện tích của đầm chắc phải dùng khinh khí cầu, máy bay trực thăng hay tàu lượn. “Còn đẹp hơn cả đẹp” - đấy là nhận xét của nhà báo trẻ xinh đẹp Mai Phương. Vì sao nơi này không phải là điểm du lịch văn hóa nhỉ?
Nói cho cùng thì không chỉ Phù Lưu mà bất cứ nơi nào ở Bắc Ninh, nếu có ý tưởng, có đầu tư, có quy hoạch thì đều có thể làm du lịch, du lịch nhanh, du lịch chuyên cho một loại khách du lịch nào đó, ví thử như loại hình du lịch khám phá đường quê chẳng hạn.
So với những làng địa phương nơi sinh sống nhiều cộng đồng cư dân thì làng quê Việt Nam có nhiều thế mạnh nhờ tính đa dạng và phong phú của văn hóa và di tích, các câu chuyện huyền thoại hoặc lịch sử. Tôi nhớ đến chuyến đi Châu Âu vào năm 2012, ngoài các cô gái đẹp, ăn mặc đẹp và dàn nhạc ra đón khách thì làng không có câu chuyện hấp dẫn nào, chỉ có vài con đường với các ngôi nhà có kiến trúc giống nhau, có hương hoa của cỏ cây và nhịp sống hiện đại. Tôi lại nhớ đến cảm tưởng gần đây của nhiều khách du lịch khi sang trở lại Bản Lác - Mai Châu - Hòa Bình. Đường xá tuy có đẹp lên nhưng lại mất đi cái vẻ hoang sơ vốn có của một bản người dân tộc Thái. Khách du lịch Châu Âu đến Việt Nam thường rất thích được nói chuyện với dân bản xứ tại chỗ, thích đi tìm hiểu cuộc sống với các phong tục tập quán nơi đây.
Làng Phù Lưu cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc hẳn sẽ là nơi thu hút không chỉ với những ai đang làm ăn ở các huyện lân cận, hoặc ở Hà Nội? Nay mai nếu bảo tàng văn hóa Nga khai trương thì hẳn chí ít cũng sẽ có thêm những người đã từng tiếp xúc với văn hóa Nga, từng học ở Nga đến nơi này. Căn nhà khoảng 100m2 hai tầng màu vàng sẽ có biển ghi nội dung “Bảo tàng văn học Nga”. Là cơ ngơi được chính quyền phường ủng hộ và tạo điều kiện, bảo tàng không chỉ là nơi tập trung, bày các sách Việt dịch từ Nga, các lưu giữ cùng kỉ niệm của các nhà văn, thơ, dịch giả, văn hóa Việt liên quan đến nước Nga.
Đến thăm Phù Lưu-đến tham quan chợ Giàu - Từ Sơn - Bắc Ninh, một câu hỏi nêu ra: “Đây là Làng hay Phố”. Trả lời thế nào cũng được! Làng đã đô thị hóa nhưng vẫn không mất chất làng, giữa làng lại có phố, và giữa phố vẫn còn các câu chuyện về làng, vẫn còn cách ứng xử truyền thống ấm áp “kiểu nhà quê” mà không phải ở các đô thị sầm suất nào muốn có cũng được.
12- 2014
Ý kiến ()