Bài 3: Tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh
Trước những tồn tại, hạn chế và cả những bất cập trong quản lý TMĐT hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả của các ngành có liên quan, các lực lượng chức năng; sự chủ động, minh bạch của đơn vị kinh doanh sản phẩm, dịch vụ và cả sự thông thái của người tiêu dùng nhằm tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, thúc đẩy TMĐT phát triển.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
Theo các chuyên gia trong nước thì TMĐT hiện nay đang phát triển mạnh mẽ nhờ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số nên khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này đã không theo kịp, nhiều nội dung, vấn đề được xây dựng ở giai đoạn đầu của TMĐT chưa được đề cập hoặc chỉ chung chung, mang tính nguyên tắc nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Điều này cho thấy việc phải sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động TMĐT là rất cần thiết và cấp bách.

Ngành Thuế tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, đưa các đối tượng kinh doanh online vào quản lý thuế.
Điển hình là đến nay ở Việt Nam có nhiều văn bản luật liên quan điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự… Theo các Luật này và các văn bản dưới luật quy định thì các công ty có website bán hàng, sàn giao dịch điện tử phải có trách nhiệm quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang của mình. Mọi hoạt động kinh doanh TMĐT phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương. Người bán hàng trên mạng phải tuân thủ đầy đủ những quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử… Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các website kê khai đăng ký không đáng kể; không ít doanh nghiệp, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ… Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý website không có quy định về chế tài bắt buộc, trong khi đó trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định còn rất chung chung, không có phân cấp rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục QLTT chia sẻ: “Hiện nay hầu hết giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng không có hóa đơn, chứng từ; thông tin người bán hàng thì không được đăng ký hay công khai, nhất là hoạt động mua bán trên các nền tảng xã hội… trong khi quy trình, hướng dẫn cách thức về quản lý, kiểm tra các hoạt động này chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, hành lang pháp lý để xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT chưa theo kịp với tình hình thực tế, chế tài xử lý còn nhẹ… gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các lực lượng chức năng”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục QLTT thì để hạn chế tình trạng gian lận, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, trong năm 2021, Cục QLTT đã thành lập tổ TMĐT trực tiếp triển khai và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 9 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Trong đó, phạt hành chính 4 vụ với số tiền gần 200 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 130 triệu đồng; 5 vụ tạm giữ hàng hóa gồm: 60 chiếc đàn Guitar nhãn hiệu YAMAHA; hơn 4.200 đôi giầy thể thao và hơn 30 đôi dép giả các nhãn hiệu và đang chờ xử lý… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực TMĐT vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra các hoạt động bán hàng online kể cả trên các sàn TMĐT và trên các nền tảng xã hội thông qua việc nâng cao các kỹ năng thu thập thông tin, tìm kiếm thông tin người bán hàng, truy xuất đến cùng nguồn gốc hàng hóa vi phạm để xử lý triệt để… góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất điểm tập kết hàng hóa của một cá nhân kinh doanh TMĐT tại phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn.
Tương tự như vậy, trong năm 2021 Cục Thuế tỉnh cũng đã thành lập tổ thí điểm thực hiện kế hoạch tăng cường quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT; phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp các tổ chức đăng ký dịch vụ chuyển phát thu hộ trên địa bàn tỉnh; Bưu điện tỉnh, Chi nhánh bưu chính Viettel Bắc Ninh cung cấp các tổ chức, cá nhân bán hàng online; các ngân hàng hỗ trợ cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức cá nhân hoạt dộng TMĐT mở tại ngân hàng; Sở Công Thương hỗ trợ cung cấp danh sách các Website có hoạt động… Qua đó, Cục Thuế đã có danh sách, tài khoản của gần 3.180 cá nhân bán hàng online, trong đó đang rà soát gần 1.500 cá nhân có tài khoản bán hàng (nhiều hộ doanh thu 2 - 5 tỷ đồng/năm, thậm chí lên đến cả chục tỷ đồng/năm) đưa vào quản lý thuế; riêng quản lý thuế hàng tháng là 83 hộ. Đặc biệt, 11 tháng qua đã truy thu thuế từ hộ kinh doanh TMĐT được 950 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước. Năm 2022, ngành Thuế tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý thuế hoạt động TMĐT nhằm tạo sự không công bằng giữa các loại hình kinh doanh, trong đó tập trung vào việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đối với các cá nhân không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế sẽ tổng hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố theo quy định của pháp luật…
Có thể khẳng định, trong bối cảnh hành lang pháp lý còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của TMĐT thì sự vào cuộc quyết liệt cùng những biện pháp mạnh của các cơ quan chức năng chính là nhân tố góp phần để răn đe các đối tượng vi phạm, bảo đảm cho hoạt động TMĐT trên địa bàn dần đi vào nền nếp, hiệu quả và phát triển lành mạnh.
Tạo động lực cho TMĐT phát triển
Kế hoạch số 229 về phát triển TMĐT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 mở ra nhiều hướng đi, nhiều giải pháp đồng bộ để hoạt động TMĐT trên địa bàn thực sự hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp kinh doanh trực tuyến đa kênh, ứng dụng công nghệ mới, phầm mềm quản lý nhân sự, tài sản, giám sát công việc trong hoạt động kinh doanh; tích hợp đồng bộ hệ thống bán hàng trên website, mạng xã hội, sàn TMĐT. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán bảo đảm an ninh, an toàn; xây dựng các mô hình TMĐT doanh nghiệp-người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp- doanh nghiệp (B2B), Chính phủ-người dân (G2C), Chính phủ- doanh nghiệp (G2B). Phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn và mở rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT thông qua các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng triển khai TMĐT cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về lập kế hoạch marketing, khai thác thông tin, tìm kiếm khách hàng, thiết kế và quản trị website…
Với định hướng và những giải pháp đồng bộ nêu trên, vấn đề quan trọng nhất lúc này là sự vào cuộc tích cực và chủ động của các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh TMĐT và cả người tiêu dùng. Theo đó, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho hoạt động TMĐT thì các cơ quan chức năng cần khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách, tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý, hướng dẫn hoạt động TMĐT phát triển theo đúng định hướng, giúp các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia và thúc đẩy TMĐT phát triển. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT cần chủ động trong việc xây dựng uy tín, tín nhiệm kinh doanh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua việc công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quá trình giao dịch, vận chuyển hàng hóa cũng như chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt doanh kinh doanh. Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao kiến thức, tìm hiểu kỹ về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, thông tin về các gian hàng kinh doanh online; chỉ mua tại các trang hàng, cá nhân uy tín và kiên quyết đấu tranh, chống lại các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT…
Tất cả cùng chung tay vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển bền vững, thực sự phát huy vai trò và tiềm năng, thế mạnh của TMĐT trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước thời kỳ đẩy mạnh nền kinh tế số hiện nay.
Lê Thanh-Huyền Thương -Thanh Ngân
Ý kiến ()