Không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống của người nghèo, lao động tự do thời điểm này đang gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh cần sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có đối tượng người nghèo, lao động tự do mất việc làm. Đây được xem là “phao cứu sinh” kịp thời giúp nhiều lao động thu nhập thấp có thêm điều kiện vượt qua đại dịch.
Chị Nguyễn Thị Huế bán quần áo, giầy dép ở chợ Nhớn (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Kinh doanh hơn 10 năm ở đây, khách mua quen nên mỗi tháng trừ chi phí, tôi có thu nhập ổn định ở mức khoảng 10 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, người mua thưa dần, thậm chí có hôm không có khách, lượng hàng bán ra chỉ bằng 1/10 so với trước, đặc biệt là gần 1 tháng nay thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo của BCĐ tỉnh phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biện pháp thực hiện cách ly toàn xã hội, vì vậy lượng tiêu thụ càng giảm mạnh. Cùng chung cảnh ngộ, nhiều tiểu thương kinh doanh hàng khô tại chợ Nhớn cũng rơi vào tình trạng bế tắc. Bà Trần Thị Thuật giãi bày: “Trước đây khi chưa có dịch mỗi ngày cũng bán được từ 1 đến 2 triệu đồng, thế nhưng từ khi dịch bùng phát, mỗi ngày quầy hàng của tôi chỉ còn khoảng vài trăm nghìn đồng. Trừ phí thuê địa điểm, tiền nhập hàng, tiền ăn uống… cũng chẳng còn được bao nhiêu, có khi còn không đủ vốn”.
Anh Trần Xuân Tân, xã Đình Tổ (Thuận Thành) làm dịch vụ vận tải tâm sự: “Trước kia tôi làm công nhân ở nhà máy kính Đáp Cầu, sau đó tôi nghỉ việc ở nhà chạy xe ôm được mấy năm. Từ nguồn tiết kiệm cộng với vay mượn, mới đây tôi mua 1 chiếc ô tô làm dịch vụ vận tải hành khách cho đỡ vất vả. Cứ nghĩ có việc đều thì mấy năm sẽ trả hết nợ tiền vay mua xe, ai ngờ diễn biến dịch ngày càng phức tạp, nên từ ngày 1-4 đến nay phải tạm nghỉ. Nếu dịch bệnh kéo dài, cuộc sống sẽ rất khó khăn, bởi tôi là lao động chính trong gia đình ngoài nuôi hai con nhỏ còn có bố mẹ già không có thu nhập, còn vợ làm công nhân khu công nghiệp, đợt này ít việc nên phải nghỉ luân phiên ở nhà lương cũng thấp, mọi sinh hoạt của gia đình rất eo hẹp”.
Nguyễn Thị Thoa, là giáo viên một Trường mầm non ngoài công lập tại phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh với mức lương 5 triệu đồng/tháng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học dài ngày, nhà trường không thu được học phí nên giáo viên không có lương khiến cuộc sống khó khăn hơn.
Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó hộ nghèo, tiểu thương, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động tự do bị tác động mạnh. Thời điểm này mặc dù việc thực hiện giãn cách xã hội đã được nới lỏng ở một số lĩnh vực, tuy nhiên thực tế sắp tới, vẫn có thể có những ổ dịch nhỏ, cần cố gắng khống chế, không để “đốm lửa bùng thành đám lửa lớn”. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ở một số lĩnh vực vẫn chưa hoạt động trở lại, chỉ có các cơ sở kinh doanh mặt hàng, dịch vụ thiết yếu được mở cửa song với tâm lý lo sợ dịch, hầu hết người dân không ra đường, việc mua sắm cũng giảm mạnh, kéo theo thu nhập giảm sút, cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó gói hỗ trợ an sinh xã hội là 62 nghìn tỷ đồng sẽ dành cho 7 nhóm đối tượng là: Lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo; lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Điểm đặc biệt và khác biệt nhất của gói hỗ trợ an sinh xã hội này là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động - lao động phi chính thức, bởi đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19. Để trợ giúp nhóm đối tượng yếu thế này nhanh chóng thoát khỏi khó khăn, ổn định cuộc sống, tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương nhanh chóng vào cuộc sớm “kích hoạt” gói hỗ trợ an sinh xã hội; rà soát các đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm công khai minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách bảo đảm sự công bằng xã hội.
Phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh có 6 khu với hơn 15.000 nhân khẩu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đang tích cực rà soát các đối tượng là lao động tự do mất việc làm để kịp thời hỗ trợ. Bí thư Đảng ủy phường Kinh Bắc Nguyễn Thúy Tình cho biết: “Sau khi có công văn hướng dẫn của tỉnh và thành phố, phường thành lập các Tổ công tác thực hiện rà soát trực tiếp các đối tượng trong khung theo quy định để kịp thời hỗ trợ. Theo thống kê sơ bộ toàn phường có khoảng hơn 1.000 lao động tự do và kinh doanh không ổn định, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Để việc rà soát các đối tượng được khách quan chính xác, Ban chỉ đạo yêu cầu các khu thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch để kịp thời hỗ trợ…”
Theo ông Đàm Lê Văn, Giám đốc NHCSXH tỉnh, NHCSXH là đơn vị được giao nhiệm vụ hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, thời hạn không quá 12 tháng. Trên tinh thần đó NHCSXH tỉnh bám sát chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, UBND tỉnh căn cứ nguồn vốn Trung ương giao chỉ tiêu kế hoạch của các chương trình, để triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, nhằm hỗ trợ khắc phục một phần khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đơn vị đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện thống kê, rà soát những lao động ngừng việc trong 3 tháng để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ.
Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ này, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Song với tinh thần sớm đưa nguồn lực trợ giúp đến với các đối tượng được thụ hưởng, các ngành, địa phương trong tỉnh cần nỗ lực vào cuộc triển khai nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng. Các địa phương, nhất là MTTQ, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, tạo sự đồng thuận và thực hiện đúng mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền, tổ chức các hội, đoàn thể ở cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm rà soát, đánh giá, khoanh vùng, xác định rõ những người bị mất việc làm, những lao động tự do, người nghèo cần trợ giúp, lập danh sách các đối tượng dự kiến được thụ hưởng thông báo, niêm yết công khai để mọi người biết và giám sát.
Thái Uyên - Hà Linh
Ý kiến ()