Từ ô cửa máy bay nhìn xuống, Côn Đảo hiện ra trong tầm mắt với những vạt rừng xanh thẳm, nước biển trong vắt, rì rào sóng vỗ như một thiên đường mộng mơ và dịu dàng. Thật khó có thể nghĩ rằng nơi đây từng là “địa ngục trần gian” giam cầm những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Còn nhớ, trong một lần dự đưa tin hội nghị của Hội Cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày của các tỉnh phía Bắc được tổ chức tại thành phố Bắc Ninh, tôi vinh dự được gặp những chiến sỹ kiên trung, anh dũng, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Khi ấy, bà được người dẫn chương trình mời lên phát biểu với tư cách nguyên Phó Chủ tịch nước. Câu đầu tiên tại diễn đàn, bà đính chính: “Tôi xin tự giới thiệu tôi là cựu tù chính trị tại Côn Đảo. Quý vị có thể quên những chức danh khác của tôi nhưng xin đừng quên danh xưng cựu tù chính trị Côn Đảo bởi nó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.”

Một góc Côn Đảo xinh đẹp ngày nay.
Những lời gan ruột của chiến sỹ Cộng sản kiên trung Trương Mỹ Hoa đã khắc sâu vào tâm trí của tôi. Để rồi, khi đặt chân đến Côn Đảo, tôi quyết tâm đi hết các di tích xưa kia là nhà tù để hiểu thêm về nơi được ví như là “Trường học Cộng sản” - là nơi rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1862 chính quyền Pháp thuộc lựa chọn Côn Đảo làm nơi xây dựng ngục tù bởi lẽ nơi đây cách xa đất liền, không có phương tiện lưu thông, người tù không thể trốn thoát. Sau đó, nơi đây tiếp tục được chính quyền Việt Nam Cộng hoà lựa chọn là nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng. Tổng cộng, có 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (hay còn gọi là chuồng cọp) tại Côn Đảo. Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 chiến sĩ yêu nước thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam bị giam cầm, tra tấn và hi sinh tại “địa ngục trần gian”. Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh... cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... từng bị giam giữ nơi đây.
Nơi giam giữ biệt lập với đất liền cùng với các thủ đoạn hành hạ dã man, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mong muốn mài mòn, bẻ gãy ý chí của những người Cộng sản. Thế nhưng, vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần, các cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức: tuyệt thực, viết kiến nghị... đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt,... Các phong trào đấu tranh của tù nhân chống ly khai Đảng Cộng sản, chống chào cờ ngụy... diễn ra liên tục với sự tham gia của hàng ngàn người. Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng, khi thoát cảnh ngục tù, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước.
Cái nắng của tháng Tư nơi đây chưa thực sự gay gắt như giữa mùa hè nhưng cũng đủ làm cho con người ta cảm thấy mệt mỏi. Bước vào khu Chuồng cọp do Mỹ xây dựng lại càng cảm thấy mệt mỏi hơn bởi ám ảnh với những sự khắc nghiệt từng dành cho tù nhân nơi đây. Nhìn những bức tượng sáp được dựng lên tái hiện cảnh các tù binh trong những gian phòng giam chật hẹp, bẩn thỉu, những cai ngục đi phía trên đầu tù nhân dùng sào nhọn đầu bịt đồng chọc xuống để tra tấn, dùng vôi bột ném xuống phần da thịt lở loét của họ... tôi bỗng thấy rùng mình, ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Tại buồng giam số 35, cô hướng dẫn viên dừng lại lâu hơn để giới thiệu kỹ về nơi từng giam giữ tù nhân đặc biệt, sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Mỹ Hoa. “Với những tù nhân nam đã khổ cực nhưng với những nữ tù chính trị còn cơ cực gấp bội phần. Phòng giam tối tăm, chật hẹp, thức ăn đầy cát, bụi, chỗ ngủ ẩm, ướt... Một phòng giam chỉ có một thùng lưu động dùng để đựng chất thải của tất cả tù nhân khiến phòng giam không chỉ ẩm thấp mà còn hôi thối. Mỗi ngày cai ngục chỉ cho một người ra ngoài đổ và vệ sinh thùng chất thải trong thời gian giới hạn cùng sự quản giáo khắc nghiệt. Các bữa ăn không những bị cắt xén khẩu phần, lương thực bị mốc, ôi thiu cộng với cát do gió táp vào nên các cô phải gạt lớp cát trên bề mặt và chấp nhận ăn thức ăn thiu mốc để bảo đảm sức đấu tranh. Bọn gác ngục tra tấn tù nhân nói chung, các nữ tù nói riêng vô cùng tàn khốc. Chúng nhiều lần đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng; đồng thời lợi dụng đặc điểm sinh lý để kìm kẹp, khống chế các nữ tù. Hình phạt tồi tệ mà chúng thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Không có đồ dùng vệ sinh, các nữ tù phải xé quần áo ra dùng mỗi khi đến “ngày” của phụ nữ”.
Tiếng cô hướng dẫn viên như mũi kim nhọn chạm vào nơi mềm yếu nhất của con tim. Cách xa đã mấy chục năm mà sao nghe lại vẫn thấy nhói đau đến thế? Càng cảm phục các bà, các mẹ đã từng anh dũng kiên trung, quên mình tất thảy vì nước vì dân.

Một góc Nghĩa trang Hàng Dương.
Một điểm đến ý nghĩa nữa tại Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo, nơi chôn cất các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975. Nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ được phủ kín cây xanh bốn mùa hoa nở, ríu rít tiếng chim ca, nhìn từ xa ngỡ như một khu công viên sinh thái. Hằng ngày, bà con nhân dân từ khắp mọi miền tổ quốc đến Côn Đảo, thành kính dâng hương hoa trước đài tưởng niệm các liệt sỹ. Tại khu B, trước mộ Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, bà con xếp hàng dài trật tự chờ đến lượt vào viếng. Nhiều người truyền tai nhau rằng Cô Sáu thiêng lắm, ngày xưa đến những cai ngục của chế độ cũ còn phải thờ cúng Cô thường xuyên, thế nên đã đến Côn Đảo thì nhớ vào viếng Cô, sẽ được Cô phù hộ độ trì.
Thành kính cùng đoàn người dâng hương trước đài tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương, sau đó chúng tôi đến dâng hương trước mộ Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Người con gái miền đất đỏ ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc, mãi mãi nằm lại nơi đây. Khí tiết của chị đã đi vào sử sách, sống mãi trong lòng người dân: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”; “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để đôi mắt của tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng!”.
Trên đường trở ra, cô bạn đi cùng tôi thủ thỉ: “Chị mới đi lễ Cô lần đầu, sang năm chị nhớ quay lại Côn Đảo nhé. Người ta bảo đi lễ Cô phải được 3 khoá liền mới đắc lễ, cầu được ước thấy.” Tôi chỉ cười mà không hứa. Nếu có điều kiện thì chắc chắn tôi sẽ quay lại hòn đảo xinh đẹp này nhưng không phải để đắc lễ như cái cách nhiều người kháo nhau. Cuộc sống hoà bình sung sướng ngày hôm nay của chúng tôi đã được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của triệu triệu người con anh dũng, kiên trung của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Thế nên, trước anh linh các liệt sỹ, tôi không dám cầu xin bất cứ điều gì cho riêng cá nhân mình, chỉ xin cúi đầu thành kính tri ân những hy sinh to lớn của họ với nước, với dân.
Không chỉ Nghĩa trang Hàng Dương, tại Côn Đảo còn nhiều địa điểm khác là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Di tích Nghĩa trang Hàng Keo có diện tích gần 100.000 m2, là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940-1941. Đi Hàng Keo là lối nói của người tù khi tiễn bạn về nơi an nghỉ. Có một câu ca ai oán đeo đẳng bao kiếp tù thuở ấy: “Côn Lôn đi dễ khó về/ Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”. Năm 1997, các phần mộ tìm thấy ở đây đã được cải táng di dời về khu D - Nghĩa trang Hàng Dương. Hiện nay chỉ còn lại rừng cây tự nhiên và những hài cốt của tù nhân còn nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy.
Đến nghĩa trang Hàng Keo, đi dưới rừng cây xanh mát, du khách nhẹ chân bởi dưới những lớp cát dày kia còn vương máu xương của hàng ngàn tù nhân thủa ấy. Bên cạnh đó, những bãi biển, những cầu tàu ở Côn Đảo đều có máu xương các chiến sỹ cách mạng, người nằm xuống khi đang lao dịch khổ sai, người vĩnh viễn vùi thân vào sóng biển khi tìm cách vượt ngục tìm lại tự do.
Biển Côn Đảo nước trong xanh, sóng vỗ rì rào quanh những ghềnh đá, chân kè. Gió biển thổi vào những hàng dương như khe khẽ hát bài ca về một thời bi hùng của dân tộc. “Địa ngục trần gian” đã lùi xa, Côn Đảo giờ là hòn đảo du lịch tâm linh xinh đẹp, cuốn hút. Đến Côn Đảo ngắm biển bao la, nghe hàng dương gió hát, càng thêm tự hào về tổ quốc thân yêu.
Ghi chép của Thanh Hương
Ý kiến ()