Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là công cụ đắc lực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng, trở thành vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại cái xấu, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí còn có vai trò, sứ mệnh quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hội thảo khoa học: “Hệ thống báo Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xuất phát từ nhu cầu tuyên truyền đường lối cách mạng, về cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người luôn chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”[1].
Để thực hiện được sứ mệnh lớn lao đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải có ngòi bút sắc bén, nhiệt huyết, có trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[2]. Đây chính là sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng cũng như đội ngũ người làm báo nước ta trong những năm tháng đấu tranh giải phóng đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng có sứ mệnh tuyên truyền những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ và nhân dân, đấu tranh phản bác luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông, báo chí”. Đây là sự định hướng quan trọng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này.
Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí. Bên cạnh xu hướng hội nhập, cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; những trào lưu tư tưởng đua nhau trỗi dậy và cạnh tranh khốc liệt. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, sự tấn công của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng trở nên khó lường. Đặc biệt, “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”[3]. Chúng lợi dụng các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện để không ngừng công kích, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, truyền bá những luồng tư tưởng độc hại, kích động mâu thuẫn, hận thù dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Báo chí cách mạng hiện đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn của thời đại. Bên cạnh việc thực hiện sứ mệnh về tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lan tỏa những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí còn phải tăng cường hơn nữa vai trò đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, các trào lưu tư tưởng thù địch chống phá Đảng và Nhà nước đang hoạt động ngày càng quyết liệt, tinh vi. Điều đó đặt ra yêu cầu báo chí cách mạng phải không ngừng đổi mới, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thời đại để giữ vững vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bằng những thủ đoạn tinh vi, các thế lực thù địch đã lợi dụng khai thác lỗ hổng bảo mật ở các trang báo điện tử để chỉnh sửa nội dung, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải thông tin giả mạo, xấu độc, văn hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức và lối sống, làm xáo trộn tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Các thế lực thù địch còn tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người đứng đầu trong cơ quan báo chí; móc nối, khai thác, lợi dụng một số cơ quan báo chí, phóng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm kích động phát tán thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, từ đó thao túng việc đưa tin, bài có nội dung tuyên truyền chống phá cách mạng, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn thông qua một số cơ quan báo chí để hậu thuẫn các “hội”, “nhóm” núp danh “xã hội dân sự”, nuôi dưỡng và phát triển các nhóm để trao đổi, cung cấp thông tin qua mạng xã hội, định hướng viết bài, tổ chức hoạt động chống phá; phát tán những ấn phẩm có nội dung xấu độc, thù địch và một số tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản ở nước ngoài có nội dung sai trái về chính trị, lồng ghép những quan điểm trái chiều để tuyên truyền xuyên tạc, kích động. Các lực lượng cơ hội chính trị nước ngoài còn sử dụng mạng xã hội để tạo ra hệ thống “nhà báo công dân”, xây dựng các cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “tự do báo chí”, “phóng viên không biên giới” nhằm dẫn dắt, hướng lái dư luận xã hội theo mưu đồ chính trị phản động.
Sự chống phá tinh vi, quyết liệt đó đang đặt ra thử thách rất lớn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện sứ mệnh chính trị của mình, nhất là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trai, thù địch, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí
Báo chí là một loại hình truyền thông có tốc độ phát triển nhanh, mạnh nên Đảng ta cần có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, sát thực đối với các cơ quan báo chí trong từng giai đoạn cụ thể. Quan tâm, tạo điều kiện về môi trường làm việc hiện đại, năng động, bảo đảm cho các hoạt động báo chí diễn ra thuận lợi trên tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo. Các cơ quan chủ quản cần định hướng tốt công tác tuyên truyền; quản lý tốt thông tin, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, internet. Xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, xâm phạm và làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; đến uy tín, hình ảnh của Đảng, của các cơ quan, đoàn thể.
Hai là, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với các cơ quan báo chí
Để các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không xa rời sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vai trò giám sát, phản biện hoạt động của các cơ quan báo chí, kịp thời phát hiện, tố giác những sai phạm. Quần chúng nhân dân với tư cách là độc giả cũng cần phát huy vai trò là “tai mắt”, mạnh dạn cung cấp thông tin về những hạn chế, sai phạm của các cơ quan báo chí cho cấp có thẩm quyền xử lý hoặc kịp thời cung cấp những thông tin tích cực ghi nhận, biểu dương, tạo động lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Mỗi nhà báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những diễn biến, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa ở trong và ngoài nước; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động…để có những thông tin chính xác, kịp thời, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo báo chí, xuất bản truyền thông thông qua việc xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, xuất bản truyền thông chuẩn theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại. Khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí truyền thông, tạo môi trường học tập thực tiễn và cơ hội việc làm cho người học.
Chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng thể hiện bài chính luận với những cách diễn đạt phù hợp trên các loại hình báo chí như báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh; kỹ năng tác nghiệp trong bối cảnh truyền thông số hiện nay...
Năm là, đa dạng hóa phương thức tổ chức các hoạt động báo chí góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
Cần khuyến khích sự chủ động tham gia, tính tự giác, tinh thần trách nhiệm tham gia của đội ngũ những người làm báo, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong toàn xã hội đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để đổi mới nội dung, hình thức thể hiện trên báo chí, chú trọng xây dựng các sản phẩm báo chí hiện đại, đa phương tiện, có hình thức đẹp, bắt mắt để thu hút độc giả. Nêu cao tôn chỉ, mục đích trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách chính xác, nhanh chóng, hấp dẫn đến độc giả, nhất là với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có trình độ dân trí, mức độ phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, thiếu thông tin chính thống.
Thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã nêu ở trên góp phần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
TS. Đỗ Minh Tuấn, Khoa Xây dựng đảng Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ý kiến ()