Có những người không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng đá bóng vào cầu môn ở khoảng cách khá xa, chạy thi ở cự ly 100m. Có những người không thể nghe thấy âm thanh nhưng lại múa rất đẹp, rất đúng nhạc… Họ làm tôi nhớ đến lời nói của chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic: “Những thách thức trong cuộc sống là để làm vững mạnh thêm niềm tin của chúng ta. Chúng không phải để vùi dập chúng ta”.
Xoa dịu nỗi đau, bồi dưỡng tâm hồn
Hội diễn Tiếng hát người khuyết tật tỉnh lần thứ II, năm 2024 diễn ra cuối tháng 10 vừa qua với chủ đề “Tiếng hát từ trái tim”. Hơn 100 diễn viên là người khuyết tật trong tỉnh tham gia Hội diễn, mang đến nhiều tiết mục đặc sắc, được chuẩn bị chu đáo thể hiện rõ tinh thần lạc quan yêu đời, yêu quê hương, đất nước. Nếu chỉ nhìn những điệu múa, nghe tiếng hát mà không nhìn những người hỗ trợ họ ra sân khấu biểu diễn thì khán giả sẽ không nghĩ đó là những người khuyết tật.
Tiết mục múa “Một vòng Việt Nam” của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả với tràng pháo tay không ngớt, nhiều người livestream cho bà con, cô, bác cùng xem. 14 em học sinh biểu diễn tiết mục múa đồng đều với những động tác rất đẹp, biểu cảm. Người xem khó nhận ra các em là những người khuyết tật, không thể nghe, nói. Điểm duy nhất dễ nhận thấy là ngay dưới khán đài, cô giáo của các em say sưa múa theo nhạc. Đây là nội dung tất yếu trong tiết mục bởi học sinh phải nhìn vào cô để bảo đảm độ đồng đều trong biểu diễn. Để tạo dựng được một tiết mục như vậy là không hề dễ dàng. Thế nhưng, bằng tình yêu với trẻ, các thầy cô tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh vượt qua khó khăn, tích cực bồi dưỡng, tập luyện để các em có cơ hội biểu diễn giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần, từ đó lạc quan, yêu đời hơn.
Học sinh Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh biểu diễn tiết mục “Một vòng Việt Nam”.
Còn nhớ đầu tháng 12, nhận được thông tin về Hội thao dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức, tôi thầm nhủ có lẽ họ sẽ thi những môn không cần dùng đến thị lực, ví dụ như chống đẩy, nhảy dây chẳng hạn? Nhưng khi đến hội thao, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe thông báo nội dung thi đấu gồm 7 môn: Kéo co, nhảy bao bố, đá bóng cầu môn, chạy 100m, chống đẩy, cờ vua, kéo xà đơn. Ngoài các vận động viên, lực lượng tình nguyện viên, cổ động viên khá đông đảo làm cho nhà thi đấu trở nên náo nhiệt. Đặc điểm dễ phân biệt nhất là khu vực thi đấu của những nội dung cần xác định phương hướng luôn có một chiếc loa gần vạch đích để các vận động viên dễ dàng xác định phương hướng. Trên đường chạy 100m và đường nhảy bao bố, mỗi vận động viên khiếm thị có một tình nguyện viên mắt sáng song hành giúp đỡ để bảo đảm đúng phương hướng. Có lẽ vì thế mà các nội dung thi đấu của người khiếm thị rất sôi động. Tiếng cổ vũ, động viên của khán giả xen lẫn tiếng chỉ dẫn, điều hướng của tình nguyện viên, niềm vui vỡ òa của vận động viên khi cán đích.
Khi vận động viên Nguyễn Năng Bính của đoàn Yên Phong thực hiện được 70 lần chống đẩy, nhiều khán giả, trong đó có cả tôi nghĩ rằng Bính giành giải Nhất nội dung này. Thế nhưng, thành tích của Bính đã bị phá bởi một vận động viên khác, đó là em Lê Công Khanh ở xã Bình Dương (Gia Bình) với 79 lần chống đẩy thành công. Khanh mắc chứng thoái hóa đáy mắt từ nhỏ nên khả năng nhìn suy giảm dần nhưng em không buông xuôi, đầu hàng số phận mà tự học cách thích nghi, làm chủ cuộc sống, tự chủ tối đa những việc phục vụ bản thân từ nấu cơm, rửa bát, tắm giặt... Em đi học kỹ thuật massage và hiện mở một cơ sở massage tại nhà, có thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân. Đặc biệt, chàng trai này là người rất có kỷ luật, chăm luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe.
Mẹ của Khanh, chị Vũ Thị Tùy nói về con trai với niềm tự hào, xúc động: “Cháu rất tự lập, kiên trì, lại tình cảm, biết quan tâm đến bố mẹ. Tham gia vào Hội, cháu có điều kiện giao lưu, học hỏi những người đồng cảnh ngộ, động viên nhau vươn lên. Một số lần đồng hành với con tham gia các hoạt động tập thể, tôi rất xúc động. Cảm ơn tổ chức Hội đã cho cháu mái nhà chung để cùng sinh hoạt, xua đi mặc cảm tật nguyền, ngày càng tự tin, yêu đời hơn.”
Phá kỷ lục bản thân
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh thời gian cán đích khi chạy 100m hay nhảy bao bố giữa người sáng mắt và người khiếm thị. Bởi, chỉ cần tự tin tham gia hội thao thì những người khuyết tật đã phá vỡ kỷ lục của chính mình khi vượt qua trở ngại của bản thân. Ấy mới là kết quả quý nhất của những hoạt động xã hội tổ chức cho người khuyết tật.
Thời gian qua, nhờ sự chung tay hỗ trợ tích cực của cộng đồng, nhiều người khuyết tật nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học giỏi, lao động giỏi. Tiêu biểu như em Lương Thị Trà My (ở Vạn An, thành phố Bắc Ninh) dù mất khả năng nhìn hoàn toàn từ khi còn học cấp 2 nhưng đã nỗ lực vươn lên học giỏi, đoạt học bổng và đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ thông tin của Đại học RMIT, tương lai sẽ là Kỹ sư Công nghệ thông tin. Anh Nguyễn Năng Bính, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong, Phó Ban Công tác hội viên trẻ Hội Người mù tỉnh làm chủ công nghệ thông tin, từng đoạt giải Nhất Hội thi Công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị toàn quốc do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Chị Phạm Thị Huế, Trưởng Ban công tác Hội viên trẻ Hội Người mù tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Lương Tài, vượt khó lấy bằng Cử nhân ngôn ngữ Anh, là cô giáo dạy tiếng Anh cho nhiều trẻ em ở địa phương.
Một người thi, hai người chạy-hình ảnh xúc động về lòng nhân ái.
Anh Nguyễn Đức Dưỡng (ở Đào Viên, Quế Võ) không may bị bệnh từ lúc 2 tuổi, một chân bị teo, khó khăn trong đi lại. Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, anh đã học hết THPT rồi vào làm công nhân Công ty Chân Thiện Mỹ. Sau đó, anh theo học nghề thiết kế đồ họa. Hiện anh thành lập Công ty TNHH Iprint chuyên sản xuất bao bì, tem, nhãn mác, có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Em Nguyễn Đức Thuận (ở Đại Xuân, Quế Võ) bị bại não từ khi mới sinh ra, chân tay co rúm. Mặc dù khó khăn về vận động nhưng em vẫn say mê tin học, giành giải Nhất kỳ thi Tin học trẻ quốc gia năm 2020, giải Nhì năm 2021 và là 1 trong 15 học sinh đại diện cho Việt Nam dự thi Olympic Tin học châu Á- Thái Bình Dương.
Kết nối những trái tim nhân ái
Người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi về cả tiện nghi sống lẫn cơ hội được tham gia, cống hiến cho xã hội. Với tinh thần nhân đạo cao cả, cả hệ thống chính trị luôn quan tâm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật thông qua tạo điều kiện học tập, việc làm phù hợp, giúp họ vượt qua khó khăn, vui sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những năm qua, cùng với nguồn ngân sách do nhà nước cấp, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh luôn chủ động tích cực vận động nguồn lực, kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo từ thiện, cơ sở tôn giáo… nhằm giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi giảm bớt khó khăn, tiếp cận đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, hòa nhập tốt với cộng đồng. Hội đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình về vật chất và tinh thần từ cộng đồng xã hội với giá trị trao tặng hỗ trợ hằng năm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi đạt bình quân từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, tổng số vận động được hơn 5,4 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hiện vật), trong đó Hội vận động được 3,4 tỷ đồng; phối hợp vận động được 2 tỷ đồng.
Vừa qua, cả Hội diễn Tiếng hát người khuyết tật tỉnh lần thứ II, năm 2024 và Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ 4, năm 2024 của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đều được tổ chức tại Trung tâm Du lịch Văn hóa Thể thao Phú Sơn. Đây là một trong những mạnh thường quân tiêu biểu thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật.
Bên cạnh các doanh nghiệp, những cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên cũng tích cực tham gia ủng hộ người khuyết tật cả về vật chất lẫn tinh thần. Tại Hội thao dành cho người khiếm thị vừa qua, hình ảnh một tình nguyện viên kèm một vận động viên hăng hái về đích trên đường chạy 100m đã nói lên rất nhiều điều về lòng nhân ái, sự sẻ chia. Rất nhiều tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các vận động viên thi đấu, trong đó có cô gái trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh. Cô là người điều phối và quản lý dự án của Tagom, một dự án môi trường được thành lập vào tháng 6-2022 với mục tiêu thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn thông qua thực hành liên tục, qua đó hướng tới xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và lối sống bền vững hơn cho cộng đồng. Linh cho biết, cô và các bạn trong nhóm Tagom luôn sẵn lòng dành thời gian để tham gia hỗ trợ các hoạt động của người khuyết tật bởi đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa với cộng đồng.
Biến điều không thể thành có thể, vượt qua trở ngại do những khiếm khuyết cơ thể gây ra, những người khuyết tật tỉnh ta đã vươn lên mạnh mẽ bằng nghị lực phi thường. Đồng hành hỗ trợ người khuyết tật phát huy ý chí, nghị lực vươn lên là sức mạnh cộng hưởng từ những trái tim nhân ái.
Phóng sự của Thanh Hương
Ý kiến ()