Trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số làng nghề đang ngày càng phức tạp, thậm chí có nơi trở thành điểm nóng thì ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Ninh, người dân đã ý thức và chung tay chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường, làm sạch từ trong nhà ra đến đường làng, đồng ruộng, hình thành ý thức, lối sống vì một môi trường không ô nhiễm.
Công trình “Đường cây phụ nữ” góp phần xanh hóa môi trường.
Từ mô hình “Làng 3 sạch”
Thôn Phương Lưu là một trong những địa phương được chọn làm điểm “Làng 3 sạch” và “Khu dân cư kiểu mẫu” đầu tiên của thị xã Quế Võ. Đây là niềm vui của người dân trong thôn, mang lại diện mạo mới cho quê hương, chị Nguyễn Thị Khanh, Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ thôn Phương Lưu cho biết: “Thôn được Hội LHPN thị xã Quế Võ và xã Yên Giả chọn làm điểm xây dựng “Làng 3 sạch”, “Khu dân cư không rác thải” để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Sau đó thôn tiếp tục được chọn làm điểm mô hình “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Tiêu chí của mô hình “Làng 3 sạch” gồm: Sạch nhà- sạch ngõ- sạch đồng nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Thực hiện các tiêu chí trên, Chi Hội phụ nữ đảm nhận xây dựng các tuyến đường tự quản, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Bắt đầu từ đó, Chủ nhật hàng tuần trở thành “ngày Chủ nhật xanh” của chị em phụ nữ thôn Phương Lưu ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng, chăm sóc đường hoa làm đẹp thôn xóm. Chi hội duy trì thực hiện tốt các mô hình: “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Ngõ sạch”, “Túi rác tiết kiệm”, “Gia đình 3 giỏ rác”… Đặc biệt, tổ thu gom rác thải do 47 thành viên là hội viên phụ nữ chịu trách nhiệm 3 lần/ tuần đi thu gom rác thải quanh thôn, không để rác thải ứ đọng. Nhờ đó mà đường làng luôn sạch sẽ, các địa điểm vui chơi công cộng của thôn thu hút đông đảo nhân dân tập trung sinh hoạt. Môi trường sống được cải thiện, làng xóm luôn đoàn kết, thuận hòa. Cảm nhận rõ sự thay đổi của làng quê hôm nay, chị Phùng Thị Hạ chia sẻ: “Những ngày đầu, cán bộ Hội phụ nữ đến vận động và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí “nhà sạch, sạch ngõ, sạch đồng” bà con đều tự giác làm theo. Các gia đình tiến hành phân loại rác ngay tại nhà, để rác đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh nhà cửa và tham gia vệ sinh ngõ xóm, đồng ruộng tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tinh thần đoàn kết cao”.
Nhận thức rõ được những lợi ích thiết thực của việc gìn giữ môi trường sống, hình thành nếp sống khoa học, văn minh trong cộng đồng dân cư. Với vai trò nòng cốt, trực tiếp thực hiện, Chi Hội phụ nữ thôn Phương Lưu có nhiều cách làm hay, sáng tạo để mô hình được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Trong đó, Ban chấp hành Chi hội chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới 100% các gia đình trong thôn nhằm cụ thể hóa các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Qua những hành động, việc làm thiết thực, mô hình cụ thể, vai trò, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn, bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên, góp phần hình thành lối sống, ý thức vì một môi trường không ô nhiễm. Toàn tỉnh có 188 “Làng 3 sạch” tại 112/126 cơ sở Hội với 55.315 hộ tham gia.
Thêm một hành động nhỏ, bớt một lượng rác lớn
Tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào chống rác thải nhựa đến năm 2025, với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng, các tổ chức doanh nghiệp về tác hại của chất thải nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy đối với môi trường và ngăn chặn rác thải nhựa, chất thải rắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; từng bước thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuyên truyền phân loại rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy ở từng hộ gia đình, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và những nơi phát thải khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế; tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất các loại bao bì, túi xách và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh dần đi vào cuộc sống khi người dân ý thức hơn trong lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường như: dùng chai thuỷ tinh, ống hút, cốc hút bằng giấy, túi mua hàng bằng cói, giấy… thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sáng tạo với mô hình “Vườn hoa từ rác tái chế” ở các trường mầm non là cách Hội LHPN thị xã Thuận Thành phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân trong việc thu gom, phân loại, rác thải, bảo vệ môi trường. Sau một tháng phát động, mô hình “Vườn hoa từ rác tái chế” nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình từ hội viên, giáo viên và các bậc phụ huynh. Với hơn 3.000 vỏ chai nhựa và lốp xe cũ, dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ phường Gia Đông và các cô giáo trường Mầm non Gia Đông 1, khu vườn nhỏ trong trường được tô điểm đầy màu sắc, trở thành khu vực trải nghiệm thú vị cho học sinh. Hiện, thị xã có 5 đơn vị xây dựng mô hình, gồm các phường Hồ, An Bình, Song Hồ, Gia Đông và xã Đình Tổ, với hơn 10.000 chai, lọ nhựa được thu gom, sử dụng, tạo cảnh quan độc đáo cho khuôn viên các trường mầm non. Mô hình không chỉ độc đáo mà còn góp phần giáo dục các em nhỏ về trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa từ khi còn bé.
Các tầng lớp nhân dân Bắc Ninh đang hành động vì môi trường sạch với các phong trào thi đua hết sức sôi nổi, hiệu quả “Phụ nữ đi chợ bằng làn”, “Ngày Chủ nhật xanh”; “môi trường xanh, quầy hàng sạch, hành động đẹp”, mô hình “Mái nhà xanh”, sản xuất rau an toàn, mô hình 3 sạch “sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng”, tham gia thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường”... Qua các phong trào góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về bảo vệ môi trường thu hút 380.275 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Hiện nay toàn tỉnh đang có 498 tổ thu gom rác thải do Hội phụ nữ quản lý với 1.249 thành viên. Hội phụ nữ cơ sở đang duy trì quản lý và thường xuyên quét dọn 1.083 “Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Thành lập 15 Chi hội Phụ nữ, CLB phụ nữ đi chợ bằng làn, tặng 9.080 chiếc làn và 1.330 thùng rác cho hội viên, nhằm hạn chế túi nilon khi đi chợ gây ô nhiễm môi trường; Hội LHPN các cấp quản lý 387.069m đường hoa và trồng được 110.820 cây xanh lâu năm với các loại chủ yếu như sao đen, keo, sấu, hoa ban...
Các tổ chức Hội, đoàn thể phối hợp dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Giữ gìn cảnh quan gắn bảo vệ môi trường
Xác định môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, vì thế cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều làng quê đã chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Theo đó, các xã chú trọng xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để hình thành các thôn nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, quan tâm thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được triển khai nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương. Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các huyện, thành phố để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Đề án. Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh trồng 1,5 triệu cây phân tán các loại. Đồng thời quy định cụ thể về cây xanh sử dụng công cộng; chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát quỹ đất trồng cây theo địa bàn quản lý, trên cơ sở các quy định, quy trình kỹ thuật trồng cây xanh trong các khu vực đô thị và nông thôn, nhằm xây dựng kế hoạch trồng cây xanh sát thực tế. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng hơn 300.000 cây các loại. Thông qua đó, nhiều địa phương phát huy truyền thống Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trong từng khu dân cư. Qua đó, mỗi người dân đều nhận thấy việc giữ gìn cảnh quan, trồng cây xanh là hành động thiết thực để bảo môi trường sống cho chính bản thân mình nên tích cực tham gia.
Điều đáng quý là các chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... ở các thôn luôn hăng hái đăng ký trồng cây, chăm sóc cho những luống hoa hai bên thường xuyên tươi tốt; khơi thông cống rãnh, dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Ở nhiều xã duy trì đều đặn phong trào ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh, tuyến đường tự quản. Nổi bật như Hội LHPN các xã tích cực vận động hội viên tham gia trồng cây xanh, trồng hoa ven đường; phát động phong trào thu gom rác thải, chống rác thải nhựa, ra quân vệ sinh môi trường…
Bảo vệ môi trường-đơn giản chỉ là thay đổi những thói quen cá nhân hàng ngày một cách lành mạnh hơn mà mỗi người hoàn toàn có thể hành động ngay: Không xả rác bừa bãi, hạn chế dùng đồ nhựa, tích cực trồng thêm cây bóng mát, sử dụng nước sạch hợp lý, tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng… là một lối sống tích cực cho môi trường và cho tương lai của chính chúng ta.
Mai-Hà
Ý kiến ()