Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô sinh ngày 4-7-1946 tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Ông nhập ngũ 13-9-1965, vào Nam chiến đấu ngày 31-12-1965. Ông kết nạp vào Đảng ngày 12-4-1969, chính thức ngày 12-4-1969. Ông hy sinh, ngày 12-4-1969. Đơn vị khi hy sinh: Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 302.

Quang cảnh hội thảo khoa học về thành tích liệt sĩ Nguyễn Đình Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tổ chức năm 2016.
Năm 1965, cả nước sôi sục khí thế kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Nguyễn Đình Xô hăng hái viết đơn tình nguyện bằng máu lên đường nhập ngũ. Ngày 13-9-1965, đồng chí nhập ngũ vào Đoàn 250 (Hiệp Hòa - Hà Bắc). Sau 3 tháng huấn luyện, đồng chí được biên chế về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Đồng chí vào Nam chiến đấu ngày 31-12-1965, thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88A (nay là Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7). Ngày 28-7-1966, đồng chí Nguyễn Đình Xô bị địch bắt trong trường hợp chiến đấu, bị thương rồi bị địch giam cầm tại các nhà tù của Mỹ, Ngụy.
Kể từ khi bị đế quốc giam cầm, đồng chí Nguyễn Đình Xô luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, giữ vững phẩm chất danh dự của người quân nhân cách mạng, liên tục được giao làm Bí thư chi đoàn, trực tiếp nhận Chỉ thị từ Đảng bộ nhà lao (do đồng chí Nguyễn Hữu Danh, Bí thư chi bộ phụ trách). Trong cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 “về cách đối xử với tù binh”, chống lại hai Huấn thị số 979 và 1130 của chế độ Việt Nam cộng hòa đồng chí luôn đi đầu bất chấp sự đàn áp đe dọa, sẵn sàng đối mặt với quân thù. Đồng chí nhiều lần bị đánh đập nhưng luôn tỏ ra khẳng khái, hiên ngang, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, không hề run sợ trước đòn roi tra tấn của kẻ thù.
Vào đầu năm 1969, khi có đoàn Hồng Thập Tự quốc tế ra đảo Phú Quốc thị sát trại giam tù binh cộng sản Việt Nam, kẻ địch đã che giấu tội ác bằng cách doạ nạt người tù không được tố cáo những thực tế vô nhân đạo đang diễn ra tại nhà tù mà phải nói chúng đối xử với tù binh là đúng theo Công ước Giơ-ne-vơ. Chúng răn đe nhắc lại nhiều lần: “Như mọi khi, phái đoàn đến rồi lại đi, chưa có người tù nào tố cáo mà lại có kết quả tốt đẹp cho bản thân và cho tập thể tù binh”. Song, khi phái đoàn Hồng Thập Tự tới tiếp xúc thì đồng chí Nguyễn Đình Xô đã động viên nhiều bạn tù khác và bản thân đồng chí đã đứng bật dậy nói những lời đanh thép, tố cáo sự thật dã man trong trại giam tù binh cộng sản Việt Nam.
Bộ chỉ huy trại giam đã trả đũa vô cùng độc ác tất cả các tù binh dám tố cáo chúng với phái đoàn; đồng chí Nguyễn Đình Xô đã bị chúng tra tấn dã man ngay sau khi phái đoàn Hồng Thập Tự quốc tế rời khỏi đảo. Bọn chúng đưa đồng chí từ phòng tra tấn trở lại trại giam với thân thể đầy những vết đòn roi, đặc biệt chúng cố tình hành hạ và trắng trợn cho tất cả tù binh trong trại giam thấy rõ: Sau này Nguyễn Đình Xô có sống trở về cũng không thể sinh được con cái.
Sau các lần bị tra tấn dã man, tàn bạo, bọn giám thị vẫn thường xuyên dõi theo hoạt động của Nguyễn Đình Xô. Chúng thấy rõ gương đấu tranh của Nguyễn Đình Xô đã trở thành ngọn lửa hun đúc phong trào đấu tranh của tù binh. Chúng liên tục lệnh bắt đưa ra khỏi trại giam một loạt tù binh mà chúng kết tội là đã cùng Nguyễn Đình Xô đấu tranh chống lại tiêu lệnh Trại giam hòng dập tắt tinh thần đấu tranh ở tất cả các khu giam trên đảo Phú Quốc.
Đầu tháng 4-1969, phong trào đấu tranh của tù binh chống lại chế độ nhà tù hà khắc lan rộng trên tất cả các khu giam. Bọn cai ngục đã áp dụng thủ đoạn đàn áp mới để đối phó. Chúng tập trung trừng trị thẳng tay những nhóm người chúng cho là chủ mưu. Tại trại B5 nơi giam giữ đồng chí Nguyễn Đình Xô, bọn giám thị đã lập danh sách 12 tù binh có ảnh hưởng lớn tới phong trào đấu tranh (trong đó có Nguyễn Đình Xô) do trại trưởng báo về Ban điều hành trại giam để thực hiện ý đồ đàn áp triệt để tù binh.
Ngày 12-4-1969 bọn giám thị đã gọi 12 người ra khỏi trại. Mọi người đều hiểu ra khỏi trại lần này là sẽ bị tra tấn tàn khốc, riêng đồng chí Nguyễn Đình Xô thì xác định rõ với đồng đội sẽ không có ngày trở lại, vì đồng chí biết chúng đang rất căm tức mình. Trước giờ ra khỏi trại giam, đồng chí Nguyễn Đình Xô đã trao lại chiếc áo lành cho đồng đội là Nguyễn Hữu Danh (là Bí thư chi bộ) đổi lấy chiếc áo rách và nói lời từ biệt đồng đội, đồng hương: “Anh em cứ yên tâm giữ vững lý tưởng, tôi sẽ chiến đấu với chúng đến hơi thở cuối cùng”. Bọn địch đã tra tấn 12 người bằng nhiều trận đòn hiểm độc và sau đó chúng đã tra tấn đồng chí trước mặt 11 tù binh. Đây là cuộc tra tấn tàn nhẫn, man rợ, chúng dùng đinh đóng vào 10 đầu ngón tay rồi buộc dây chỉ nối 10 đinh đó với 10 tờ giấy và bật quạt điện làm các tờ giấy bay kéo đinh xoay tròn toé máu khắp mặt bàn.
Đồng chí ngất đi tỉnh lại nhiều lần nhưng nhất định không khai; chúng đè đầu bắt Nguyễn Đình Xô liếm hết máu ở bàn. Đồng chí đã thản nhiên liếm hết rồi bất ngờ phun vào mặt bọn chúng và thét to: “Đồ lang sói, quân tay sai bán nước, mất tính người”, bọn chúng tiếp tục lao vào đánh đồng chí Xô bất tỉnh, chúng dùng đinh loại 8 phân đóng vào mắt cá chân, máu và tủy xương ứa ra, sau đó chúng dùng bao tải loại 100kg trùm kín người; dùng gáo múc nước sôi dội từ chân lên đầu vừa dội chúng vừa hỏi cung. Song, vang lên, giận dữ, đanh thép vẫn là lời sang sảng của đồng chí lên án bọn tay sai cai ngục cho tới khi nước sôi làm thân thể đồng chí bất động, đồng chí Nguyễn Đình Xô đã anh dũng hy sinh để giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, khi vừa tròn 23 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đình Xô hy sinh, kẻ địch lầm tưởng chúng đã làm cho 11 người cùng bị tra tấn cũng như toàn bộ tù binh trên đảo phải khiếp sợ. Song thực tế lại ngược lại, tinh thần đấu tranh của tù binh trên đảo càng lên cao. Ngày 15-4-1969 toàn trại giam B5 tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, Đảng ủy phân khu B5 quyết định kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy ngày 12-4-1969 là ngày kết nạp và cũng là ngày công nhận đảng viên chính thức đồng thời phát động đợt đấu tranh công khai trực diện phản đối hành vi man rợ của Bộ chỉ huy trại giam; nhiều trại giam khác đã phát động phong trào học tập tinh thần bất khuất của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Đỉnh điểm là cuộc đấu tranh của Trại giam C4 nhằm phá vỡ âm mưu “dùng tù trị tù” của Bộ chỉ huy trại giam, cuộc đấu tranh đã diễn ra vô cùng căng thẳng và ác liệt, kẻ thù đã dùng các ổ súng máy trên pháo đài canh xả thẳng vào hàng nghìn người tù tay trắng; cuộc đấu tranh làm trên 60 người bị chết và bị thương (trong đó có 2 lính quân cảnh, còn lại là anh em tù binh và một số tay sai của Bộ chỉ huy). Sau cuộc đấu tranh, Bộ chỉ huy trại giam đã chấp nhận những yêu cầu của anh em tù binh.
Những ngày tháng sau đó, noi gương liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc tiếp tục đấu tranh anh dũng, kiên cường với kẻ thù cho tới ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973) và được trao trả, Bộ Chính trị đã phong tặng danh hiệu “Những người chiến thắng trở về” cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Ngày 27-4-2012 cùng với các cựu tù Côn Đảo, Tập thể cựu tù Phú Quốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo quyết định số 622/QĐ-CTN ngày 26-4-2018 của Chủ tịch nước.
Ngọc Đăng (Tổng hợp từ các nguồn tài liệu)
Ý kiến ()