Tiếp tục chường trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, chiều 20-5 Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về 3 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Các tổ chức tín dụng. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ 13.
Cân nhắc, bổ sung cơ chế giám sát trong việc thu giữ tài sản bảo đảm

Góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính đang đối mặt với nhiều áp lực, nhất là trong công tác xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng. Sau hơn một thập kỷ thi hành, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bộc lộ nhiều điểm chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn thị trường, đặc biệt là những khoảng trống pháp lý trong việc xử lý tài sản bảo đảm, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong quan hệ tín dụng dân sự. Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền thu giữ, xử lý và hoàn trả tài sản bảo đảm không chỉ góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong thực tiễn xử lý nợ, mà còn là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu và quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các bộ luật liên quan.
Đại biểu Nguyễn Như So phân tích: Trong thực tế tại Việt Nam, nhiều tài sản bảo đảm không đơn thuần là vật thế chấp, mà còn gắn liền mật thiết với đời sống dân sinh như nhà ở có người cư trú lâu dài, tài sản thừa kế đang tranh chấp, hay phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình… Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ trực tiếp, dù có thông báo trước vẫn có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn giữa bên bảo đảm và người đồng sở hữu hoặc cư trú thực tế. Điều này không chỉ làm phát sinh xung đột xã hội, mà còn tiềm ẩn khả năng vi phạm quyền lợi của các bên liên quan vốn không có tiếng nói trong hợp đồng bảo đảm ban đầu. Trong khi các cơ quan thi hành án vẫn đang đảm nhiệm vai trò trung gian, đảm bảo tính khách quan và hòa giải trong quá trình cưỡng chế tài sản, thì việc trao toàn quyền thu giữ cho bên nhận bảo đảm (bên có lợi ích trực tiếp trong giao dịch), có thể làm mất đi yếu tố công bằng, làm nghiêng cán cân giữa quyền lực tài chính và quyền dân sự. Do đó đề nghị: Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cơ chế giám sát độc lập, hoặc bắt buộc có sự tham gia của cơ quan tư pháp, nhằm tránh lạm dụng quyền thu giữ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt trong các trường hợp tài sản bảo đảm có yếu tố cư trú, sinh kế hoặc tranh chấp phát sinh.
Về quy định tại khoản 5 Điều 198a, đại biểu đề nghị cần xem xét lại tính khả thi trong việc giao trách nhiệm cho UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã tham gia quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Làm rõ ranh giới trách nhiệm của các cơ quan này, giới hạn vai trò ở mức bảo đảm trật tự an toàn khu vực theo đúng chức năng quản lý hành chính, tránh trao quyền hoặc buộc phải thực hiện trách nhiệm pháp lý vượt quá phạm vi chuyên môn và thẩm quyền được giao.
Để bảo đảm khách quan, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ dân sự, phù hợp với các nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tại Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan, Ban soạn thảo cần bổ sung cơ chế xử lý rõ ràng và có tính phân loại. Cụ thể: Cần yêu cầu tổ chức tín dụng khi đề nghị hoàn trả phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, tình trạng pháp lý của tài sản và thông báo cho các bên cùng nhận bảo đảm (nếu có); Trong trường hợp có nhiều bên cùng nhận bảo đảm, cần có sự đồng thuận hoặc văn bản xác nhận thỏa thuận giữa các bên, hoặc quyết định của cơ quan tài phán nếu có tranh chấp; Trường hợp giá trị tài sản vượt quá nghĩa vụ, cần có quy trình xác định giá trị tương ứng để tránh việc một bên nhận bảo đảm đơn phương chiếm hữu toàn bộ tài sản gây thiệt hại cho các bên còn lại.
Cấp thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vấn đề dẫn độ

Cơ bản nhất trí với nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, sửa đổi một số vấn đề cụ thể sau:
Nên sửa đổi tên gọi là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2025”, bởi trong dự thảo luật này có nhiều lần có tên “Luật sửa đổi bổ sung một số điều”. Vì vậy, tên gọi nên quy định rõ năm 2025, tránh hiểu lầm dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ tìm.
Về vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã. Đại biểu khẳng định: Công an cấp xã không phải một cấp điều tra mà ở đây Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã. Điều tra viên này thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng hình sự dưới chức danh tư pháp là Điều tra viên, không phải chức danh hành chính là “Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã”. Việc bố trí Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã thẩm quyền trong công tác cán bộ, không phải hình thành “Cơ quan điều tra” cấp xã hay nói cách khác là Công an cấp xã là một cấp điều tra.
Vì vậy, để Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ các thẩm quyền. Đề nghị sửa đổi các quy định tại Điều 110 (giữ người trong trường hợp khẩn cấp), Điểu 113 (Bắt bị can, bị cáo để tạm giam) để bổ sung các thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác cho Điều tra viên của Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã).
Về vấn đề số hóa hoạt động của Cơ quan điều tra: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chủ trương này, góp phần số hóa các hoạt động của các cơ quan điều tra, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), cụ thể: Bổ sung thêm 1 khoản vào Điều 131 (Hồ sơ vụ án) quy định có thể số hóa hồ sơ vụ án; 1 khoản vào Điều 132 (Văn bản tố tụng) quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ký số trong các văn bản tố tụng và chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký trực tiếp.
Về các vấn đề liên quan đến dẫn độ, hiện nay, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dẫn độ để Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Việc bổ sung một số quy định mới về dẫn độ tại dự thảo Luật Dẫn độ, nhất là quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ có liên quan trực tiếp đến quy định về các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự là hết sức cấp thiết: Thứ nhất việc sửa đổi, bổ sung quy định này là phù hợp với Thông báo số 1128/TV-VPQH ngày 18-4-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng “Nghiên cứu, cân nhắc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ ngay trong Luật Dẫn độ hoặc đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự để có cơ sở thực hiện”. Báo cáo thẩm tra số 349/BC-UBPLTP15 ngày 17-5-2025 của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội khóa XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nêu rõ “tán thành sự cần thiết bổ sung bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ” trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ là một chính sách quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Do đó, việc quy định biện pháp này trong Bộ luật Tố tụng hình sự là phù hợp.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ là để triển khai chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ đã được thông qua.
Thứ tư, việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ trong Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ khắc phục được ngay các hạn chế, bất cập trong thực hiện giải quyết yêu cầu dẫn độ, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ ngay sau khi nhận được yêu cầu của phía nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đối tượng phạm tội có xu hướng di chuyển nhanh, thường xuyên giữa các quốc gia, giữa các địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định pháp luật hiện hành, để có thể bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ phải mất nhiều tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức. Phải sau khi Tòa án ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ mới có thể thực hiện bắt tạm giam. Nhiều trường hợp, đối tượng đã bỏ trốn sang một quốc gia khác, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, Luật Dẫn độ dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Nếu không sửa đổi, bổ sung quy định này trong Bộ luật Tố tụng hình sự (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9) sẽ dẫn đến vướng mắc, bất cập trong Luật Tương trợ tư pháp trước đây (phần về dẫn độ, nhất là phần về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ) sẽ không được kịp thời giải quyết, dẫn đến khó khăn trong hợp tác quốc tế về dẫn độ.
Thứ năm, việc bổ sung quy định này là để nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về dẫn độ, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Tất cả các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam ký kết đều có quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.
Thái Uyên
Ý kiến ()