Sớm nay, mồng 4 tháng Giêng, khi người người, nhà nhà vẫn còn đang nồng nàn trong "men Tết" thì mùa lễ hội Xuân miền Kinh Bắc đã thức dậy rộn ràng, giục giã bởi tiếng trống vọng vang tưng bừng...của lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), hội rước pháo Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn), lễ hội kéo co Hữu Chấp (thành phố Bắc Ninh). Đây là những lễ hội mở đầu cho mùa lễ hội của Bắc Ninh với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, trong đó có các lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội Lim, lễ hội Kinh Dương Vương, hội Diềm, lễ hội Đền Đô, hội Cao Lỗ Vương, hội chùa Bút Tháp, hội chùa Dâu... Mùa lễ hội miền Kinh Bắc cứ như vậy rộn ràng suốt mấy tháng xuân.
Dòng người nườm nượp trảy hội chùa Phật Tích
Trong tiết xuân phới phới, khắp các ngả đường nườm nượp du khách hướng về chùa Phật Tích chiêm bái, lễ phật và trảy hội khán hoa mẫu đơn. Chùa Phật Tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014 và nức tiếng khắp cả nước với 2 nhóm Bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ là 10 linh thú đá và tượng Phật A-di-đà bằng đá có niên đại từ thời Lý. Lễ hội khán hoa mẫu đơn diễn ra trang nghiêm với nghi thức dâng hương, tế lễ do nhà chùa và hội phật tử địa phương thực hiện. Phần hội có nhiều hoạt động đậm bản sắc miền Kinh Bắc như: Hát Quan họ trên núi, trên thuyền, hát Quan họ sân khấu, thi tổ tôm điếm, đấu vật...
Hát Quan họ tại lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích
Lễ hội chùa Phật Tích Xuân Ất Tỵ 2025 gồm hai phần Lễ và Hội với nhiều nội dung hoạt động. Theo đó, tham gia vào phần Lễ, đông đảo phật tử và du khách dâng hương tại các nơi thờ tự, tín ngưỡng. Tối ngày 2-2-2025 (tức mồng 5 Tết Ất Tỵ), Chùa Phật Tích tổ chức Pháp hội Đại bi cầu quốc thái dân an trên Quảng trường Đại Phật tượng. Phần Hội sôi nổi với các hoạt động biểu diễn tại sân khấu, hát Quan họ dưới thuyền do đội văn nghệ của các làng Quan họ thực hành biểu diễn, các trò chơi dân gian do các câu lạc bộ trong huyện, xã thực hiện.
Dòng người nô nức trảy hội chùa Phật Tích
Lần đầu tiên đến chùa Phật Tích, chị Nguyễn Thị Phượng ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có ấn tượng tốt đẹp bởi ngay từ lối cổng vào công tác an ninh trật tự được bảo đảm. Trong cảm nhận của chị, ngoài những giá trị đặc biệt của một di tích lâu đời, chùa Phật Tích còn có cảnh quan đẹp, mọi người đi lễ chùa văn minh, không ồn ào, chen lấn. Đặc biệt, theo chị Phượng, đôi linh vật Rắn được kết bằng hoa đặt hai phía lối lên Tam bảo là cách thức trang trí hiện đại mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của di tích. Điểm nhấn này được gia đình chị Phượng và đông đảo du khách chọn làm nơi chụp ảnh để lưu lại kỉ niệm về điểm đến du xuân đầu năm.
Du khách thành tâm kính Phật tại chùa Phật Tích
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Phật Tích, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích cho biết, với mục tiêu tổ chức lễ hội truyền thống tạo được ấn tượng tốt đẹp về quê hương Phật Tích, địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tổ chức lễ hội, nghiêm cấm mọi hoạt động lợi dụng tâm linh hoạt động mê tín dị đoan, các hình thức đánh bạc trá hình... làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm, linh thiêng tại lễ hội.
Đại phật tượng A-di-đà trên đỉnh núi Phật Tích
Để bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và ngăn chặn các tệ nạn nảy sinh trên địa bàn xã, khu vực diễn ra lễ hội, huyện Tiên Du và xã Phật Tích huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực lễ hội còn thực hiện nhiệm vụ trực tại các chốt. Để hạn chế tối đa trường hợp bị móc túi do đối tượng xấu lợi dụng sự đông đúc, Ban Tổ chức lễ hội liên tục phát loa tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác của người dân.
Tưng bừng lễ hội rước pháo Đồng Kỵ
Là một trong những lễ hội lớn được tổ chức sớm nhất mùa lễ hội miền Bắc Ninh - Kinh Bắc, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) có nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc. Truyền rằng, lễ hội pháo Đồng Kỵ có từ đời Hùng Vương thứ 6, Thành Hoàng làng là tướng Thiên Cương cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Xích Quỷ, thắng trận trở về được dân làng mở hội khao quân, trong hội có đốt pháo. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước hai quả pháo Nhất, pháo Nhị dài 6m sơn son thếp vàng, gắn tứ linh, được hàng trăm thanh niên trai tráng rước đi dọc trục đường chính của làng Đồng Kỵ. Nghi thức rước pháo nhằm tái hiện âm vang tiếng pháo lệnh xuất quân đánh giặc và ngợi ca chiến công anh dũng của đức thánh Thiên Cương.
Hội rước pháo Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) tưng bừng với các nghi thức truyền thống
Trong tiết xuân ấm áp vọng vang tiếng trống, chiêng thúc giục, hàng nghìn du khách náo nức hòa mình vào đoàn rước pháo rộn ràng, rực rỡ. Chị Đồng Thị Thu Hoài, du khách đến từ Đông Anh, Hà Nội phấn khởi: “Lễ hội rước pháo ở Đồng Kỵ thật đông vui, đặc sắc. Mọi năm tôi đi muộn nên chỉ được xem nghi thức Dô ông đám. Năm nay, gia đình sửa soạn trảy hội từ sáng sớm để kịp xem lễ rước pháo sôi động, cả gia đình đi theo đoàn rước từ Nhà truyền thống về đình làng. Mùa xuân ở miền Kinh Bắc thật sự thu hút, sắc hương lộng lẫy. Nơi đây làng đã lên phố nhưng vẫn bảo lưu, gìn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống quý báu, vừa khá giả về kinh tế vừa giàu về bản sắc văn hóa”.
Pháo Nhất, pháo Nhì được rước vào Đình Đồng Kỵ
Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với phong phú các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao như: Hát Quan họ trên thuyền, diễn xướng Tuồng cổ, hát Văn, thi đấu vật cổ truyền, tổ tôm điếm, bóng chuyền, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, hội thơ xuân, trưng bày sinh vật cảnh, các trò chơi dân gian…
Như thường lệ, lễ hội Đồng Kỵ năm nay diễn ra trong ba ngày từ 1-2 đến 3-2 (tức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng) với phần lễ trang nghiêm, phần hội tưng bừng, rực rỡ. Lễ rước pháo với sự tham gia của khoảng hơn 600 người. Đúng giờ lành, hai quả pháo lớn được rước vào sân đình, sau đó chính thức tái hiện tục "Dô ông đám". Đây là phần được người dân mong đợi nhất. Bốn ông đám mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, ngồi trên tay các trai làng cởi trần đóng khố, hô vang, lúc xoay đi, lúc xoay lại, lúc lại chạy vòng quanh như một bông hoa. Vì vậy, tích này còn được gọi là múa hoa.
Không khí đông vui, sôi nổi khi tục “Dô ông đám” được tái hiện tại Hội rước pháo Đồng Kỵ
Ông Vũ Anh Hào, Thư ký dân đồng Ban Khánh tiết, Ban Tổ chức lễ hội Đồng Kỵ Xuân Ất Tỵ 2025 chia sẻ: Trong tâm thức người dân Đồng Kỵ, lễ hội rước pháo là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước, tưởng nhớ sự kiện Đức thánh Thiên Cương đánh giặc Xích Quỷ. Lễ rước pháo với ý nghĩa là pháo lệnh của đức Thánh để chuẩn bị xuất quân đánh trận. Lễ hội là dịp để bà con nhân dân bày tỏ lòng biết ơn với đức thánh, đồng thời phản ánh vẻ đẹp văn hóa đa dạng, sự sáng tạo và tinh thần cố kết cộng đồng được kế tục qua nhiều thế hệ để giúp nhau trong đời sống thường ngày cũng như phát triển kinh tế.
Câu Quan họ ngọt mùa xuân Kinh Bắc
Với sức sống bền bỉ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Đó cũng là báu vật tinh thần trong lòng mỗi người dân Bắc Ninh và là di sản của mùa xuân Kinh Bắc.
Đi dọc mùa xuân Kinh Bắc dễ dàng thấy được lễ hội truyền thống nơi đây không bao giờ thiếu vắng các hoạt động diễn xướng dân ca Quan họ. Bởi, Quan họ chính là thứ "men say" hút hồn, làm mềm lòng bao du khách gần xa…
Du xuân về làng Diềm và hòa mình trong không khí xuân rộn ràng của chương trình diễn xướng dân ca Quan họ trên thuyền tại hồ Vua Bà, anh Nguyễn Hoàng Anh (Tân Yên, Bắc Giang) hồ hởi: "Mùa xuân nào cũng thế, cứ sau Tết là tôi lại ngóng về trảy hội vùng Kinh Bắc để được say trong những câu ca điệu hát Quan họ ngọt mượt thiết tha. Tôi mê Quan họ mà mê nhất là những điệu Quan họ ngày xuân lại càng nồng nàn, quyến rũ. Được nghe Quan họ tại quê hương Thủy tổ Quan họ có điều gì đó rất đặc biệt, rất cảm xúc mà cũng rất khó diễn đạt thành lời".
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa chắt lọc những tinh túy nhất của đất trời. Trảy hội xuân miền Quan họ, người dân, du khách được tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị văn hóa mà các thế hệ trước sáng tạo, gìn giữ, trao truyền cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.
Ghi nhận qua một số lễ hội đầu xuân năm nay, người dân lễ chùa, trảy hội mang tính chất du xuân vãn cảnh nhiều hơn hành lễ. Những nguyện cầu vì thế dường như cũng trở nên nhẹ nhàng, thanh tịnh hơn. Thay vì thắp nhiều hương, sửa biện lễ to, lễ nhỏ cầu kỳ thì nhiều người dân chỉ thành tâm cầu nguyện. Ban Quản lý di tích các địa phương cũng chú trọng trang hoàng cảnh quan, bố trí địa điểm check-in cho du khách. Tại các di tích thu hút đông du khách như đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh), chùa Dâu (Thuận Thành), đền Đô (thành phố Từ Sơn)... chính quyền các địa phương tăng cường lực lượng, triển khai linh hoạt nhiều biện pháp, tổ chức phương án phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người dân và du khách trong quá trình di chuyển, du xuân.
Ghi nhanh của nhóm PV VH-XH
Ý kiến ()