Tín ngưỡng thờ tự được thể hiện trong khuôn viên các ngôi chùa làng ở Bắc Ninh là một trong những cách thể hiện niềm tin tôn giáo của tăng sĩ và tín đồ Phật tử. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, tín ngưỡng đó hầu như không thay đổi nhiều. Nhưng, để phù hợp với thời cuộc và đặc điểm của mỗi làng, tín ngưỡng thờ tự của một số chùa cũng có sự thay đổi chút ít về quy mô và đối tượng.
Trong các ngôi chùa ở Bắc Ninh, tại toà tam bảo: trên bậc cao nhất, sát tường có thờ bộ tượng Tam thế, gồm: tượng Phật Thích ca Mâu ni (ngồi giữa, biểu tượng cho Phật thời hiện tại), tọa bên phải là tượng Phật A Di đà (biểu tượng cho Phật thời quá khứ), tọa bên tay trái là Phật A Di đà (biểu tượng cho Phật thời vị lai). Các vị đều tọa trên toà sen, đầu có hình tướng như quả na, nét mặt từ bi, trang phục màu già, nếp áo mềm mại. Tại bậc thứ 2, ngồi giữa là đức Phật A Di đà, hai bên là đức Quan âm và Thế chí. Cũng có chùa tạc hai vị này ở tư thế đứng, cũng có chùa tạc hai vị cưỡi voi và cưỡi sấu. Ở bệ thứ 3, chính giữa là đức Phật Thích ca Mâu ni, hai bên là A Nan (con trai của đức Phật Thích ca) và Ca Diếp (là người đầu tiên lĩnh hội được ý chỉ của đức Phật). Ở bệ thứ 4 là toà Cửu long. Toà Cửu long thể hiện thời điểm đức Phật đản sinh có sự chứng kiến của chư Phật, chư Thiên và có 9 con rồng phun nước tắm rửa cho ngài. Trong toà Tam bảo còn có tượng Ngọc Hoàng thượng đế, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu hoặc Đế Thích và hai thị giả. Hai bên tường là tượng Thập điện diêm vương (mỗi bên 5 vị), đội mũ bình thiên, tay cầm hốt.
Tại toà tiền đường và nhà tổ: nổi bật nhất trong toà tiền đường là hai vị Hộ pháp. Các vị đều mặc võ phục, cưỡi trên mình sấu hoặc mình voi. Một vị cầm viên ngọc trên tay, được gọi là ông Khuyến Thiện, một vị cầm thanh kiếm, vẻ mặt dữ dằn, được gọi là ông Trừng Ác. Hai bên có tượng thờ Đức Thánh Hiền, vẻ mặt từ bi, tay cầm chén cháo và Diệm Khẩu vương, mặt xanh, trông vẻ dữ tợn. Một bên là tượng thần Thổ địa với mặt đỏ, tóc trắng, râu trắng, lông mày trắng, bên cạnh là Đức Ông. Ở ban thờ đầu hồi là tượng đức Địa Tạng vương Bồ tát, tay cầm cây tích trượng, đội mũ thất phật, được thể hiện ở tư thế đứng. Trong nhà tổ chỉ thờ tượng các vị tổ qua các đời đã từng trụ trì chùa.
Trong toà hành lang và nhà hậu: toà hành lang thờ 18 vị La hán. Toà nhà hậu thờ các vị đã cúng tiền ruộng vào chùa để được làng bầu hậu.
Mô hình thờ tự mà chúng tôi trình bày ở trên là chung nhất và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, một số ngôi chùa, trên cơ sở mô hình thờ tự chung, còn có một vài khác biệt. Xin đơn cử một vài ngôi chùa tiêu biểu:
Tại chùa Dâu (thị xã Thuận Thành): ngoài những nét chung trong truyền thống của các ngôi chùa Phật giáo miền Bắc, chùa Dâu còn có một số yếu tố khác biệt. Đó là: Tại toà tiền đường, nhiều chùa chỉ thờ Tứ Kim cương thì chùa Dâu thờ Bát bộ Kim cương (8 vị Kim Cương). Tại cuối tường bên phải (từ ngoài vào), chùa Dâu còn thờ tượng thái tử Tam Châu (Vi Đà tôn thiên). Tại toà Thượng điện, chùa Dâu có thờ các pho tượng mà ở nhiều chùa không có. Đó là tượng Bà Trắng, tượng Bà Đỏ, khám thờ Thạch Quang Phật, tượng 2 vị Thánh Tải. Tại hai bên tường toà thượng điện, có thờ nhóm tượng Lục bộ Công Tào. Các vị đứng cạnh bộ tượng Tứ Bồ tát, mỗi bên có 3 vị. Cả 6 vị đều hướng vào giữa điện, nơi có tượng Pháp Vân. Ở sát tường sau toà thượng điện có tượng tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tại toà thiêu hương, có tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272- 1361).
Tại chùa Hàm Long (thành phố Bắc Ninh): Ở toà Tam bảo có cụm tượng bằng đồng. Đó là: tượng đức Thế Tôn, tượng Ca Diếp, tượng Ma za phu nhân đứng ở phía tay phải của đức Thế Tôn, mình khoác tấm pháp, vai bên phải để trần, hai tay nắm trước ngực; tượng A Nan mình mặc áo tăng, đứng bên trái đức Thế Tôn, mình khoác tấm pháp, vai bên phải để trần, hai tay chắp trước ngực.Tượng đức Thế Tôn, A Nan và Ca Diếp đứng trên bệ hình lục lăng, mỗi cạnh 0,42 mét, cao 0,15 mét. Các pho tượng trên đều cao 2,40 mét, được đúc vào năm 1928. Tại Ly trần viện: tín ngưỡng thờ tự ở đây có một số chi tiết không giống với nhiều ngôi chùa khác. Cụ thể: tượng Địa Tạng vương Bồ tát, nhiều chùa đặt tại gian đầu hồi bên trái (ngoài nhìn vào) của toà tiền đường, nhưng chùa Hàm Long lại được đặt tại đây. Ngoài ra còn có tượng cụ Đốc học Đỗ Trọng Vĩ ngồi trên ngai thờ.
Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Tại chùa Bút Tháp (mô hình thờ từ trước năm 1945): Tín ngưỡng thờ tự ở chùa Bút Tháp (thị xã Thuận Thành) có cấu trúc đặc biệt và tín ngưỡng thờ tự cũng đặc biệt. Gác chuông có 2 tầng, tầng trên có tượng chúa Trịnh, hai bên là tượng thị nữ, quan hầu và 2 thị giả. Tầng dưới có Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu, ngày nay chỉ còn quả chuông trên tầng 2. Tại nhà bái đường có 2 vị Hộ pháp, Đức ông và 2 thị giả; Thánh tăng và hai thị giả. Tại toà nhà nối toà bái đường với toà chính điện, ở giữa có tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Hai bên có 10 vị Diêm vương (nay không còn). Tại toà chính điện có các cụm tượng: một cụm có tượng Tam thế; một cụm có Quan Âm toạ sơn, hai bên là Thiện Tài và Long Nữ; có tượng Tứ Bồ tát; Quan âm Thiên thủ thiên nhãn, tượng Tuyết Sơn, có tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm tống tử, Quan Âm toạ sơn; 18 vị La hán, Thánh tổ Ấn Độ, Thánh tổ Đông Thổ, động Thập điện. Tại toà Tích Thiện am (có tháp Cửu phẩm liên hoa) có tượng A Di đà. Tại nhà thờ hậu có khám 2 bà Trịnh Thị Ngọc Trúc và Lê Thị Ngọc Nghinh và tượng 2 ông hoàng. Tại nhà thờ tổ có thờ tượng các vị tổ.
Những yếu tố mới trong tín ngưỡng thờ tự tại nhiều ngôi chùa ở Bắc Ninh xuất hiện từ sau khi Bác Hồ từ trần và nhất là từ sau năm 1991, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 69 “Quy định về các hoạt động tôn giáo” ra đời, đánh dấu sự đổi mới về nhận thức về tôn giáo của Nhà nước ta.
Sau khi Bác Hồ từ trần, rất nhiều làng ở miền Bắc thờ Bác. Làng thì thờ Bác ở đình, làng thờ ở chùa, làng có điều kiện thì xây đền thờ Bác. Tượng thờ Bác Hồ rất khác với các loại tượng khác trong chùa: màu trắng, bằng chất liệu thạch cao hoặc bằng đá hoa cương, phục sức hiện đại, tượng bán thân, không có ngai. Đối với tín ngưỡng thờ các anh hùng liệt sĩ của các làng qua các thời kỳ, cũng mỗi làng mỗi khác, làng thì thờ ở đình, làng thờ ở chùa, làng thờ ở miếu. Nhưng tất cả đều thờ danh sách các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ.
Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: K.T
Quan sát nhiều ngôi chùa ở Hà Bắc (cũ) thời kỳ trước năm 1975, không chùa nào có tín ngưỡng thờ Quan âm ngoài trời. Nhưng từ sau năm 1975 cho đến gần đây thì hầu như chùa nào cũng thờ tượng Quan Âm ngoài trời. Hình tướng Quan Âm là một người đàn bà đẹp, có kích thước lớn hơn người thật, ở tư thế đứng, tay cầm bình nước cam lộ, chất liệu bằng thạch cao hoặc bằng các loại đá (cẩm thạch, thạch anh, hoa cương,...
Trải qua nhiều trăm năm, mặc dù có nhiều triều đại thay nhau trị vì đất nước, nhưng nhìn chung, tín ngưỡng thờ tự trong các ngôi chùa không có nhiều sự thay đổi, đi liền với đó là sự duy trì các tiết lệ truyền thống của Phật giáo và cách duy trì nếp sống thiền gia của các tăng sĩ. Điều đó chứng tỏ sự ổn định của Phật giáo trong tâm thức của các nhà tu hành, của tín đồ Phật tử nói riêng và trong làng xã ở Bắc Ninh nói chung là điều hằng mong muốn của giới tăng sĩ và tín đồ Phật tử.
Tính khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự của một số chùa thể hiện đặc điểm riêng trong đời sống tâm linh Phật giáo ở làng đó. Nó thể hiện sắc thái riêng trong đời sống tín ngưỡng của làng, từ đó góp phần làm phong phú trong tín ngưỡng thờ tự của vùng miền. Ở một số chùa (chùa Dâu, chùa Bút Tháp,…) sự khác biệt trong tín ngưỡng thờ tự góp phần làm nên thương hiệu của chùa và tạo dấu ấn sâu sắc cho khách thập phương khi có dịp đến tham quan chùa, chiêm bái Phật.
Những yếu tố mới được thể hiện trong tín ngưỡng thờ tự của nhiều ngôi chùa ở Bắc Ninh trong vài chục năm trở lại đây nói lên bản chất nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Nhìn chung, để tồn tại và phát triển, tôn giáo nào cũng có những khẩu hiệu và hành động thể hiện nhu cầu nhập thế của mình, nhưng đối với Phật giáo, điều này thể hiện sâu đậm hơn, có tính thời sự hơn.
Nguyễn Quang Khải
Ý kiến ()