Trâm cài tóc mang lại tính thẩm mỹ cao với nhiều mẫu mã đặc sắc đã gắn bó với đời sống sinh hoạt người Việt từ hàng ngàn năm. Nó là kỷ vật cha mẹ tặng cho con cái ở tuổi 15 “xuân xanh vừa độ tới tuần cập kê” và nó cũng là món quà đính ước của chàng trai với cô gái mình yêu “Kim thoa một đóa, khăn hồng trao nhau”. Không chỉ tôn vẻ đẹp óng nuột, gọn gàng cho mái tóc, trâm còn là thần lực cho người vợ cứu vị hôn phu qua khỏi cơn nguy kịch khi bị “thượng mã phong”.
Trong các cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy: ngay thời văn hóa Đông Sơn rực rỡ (thuộc thời đại kim khí cách đây 2000-3000 năm) trâm cài tóc bằng đồng đã hiện diện với tất cả sự phong phú đa dạng. Chúng được sáng chế nhiều loại to nhỏ, kiểu cách khác nhau. Đơn giản là trâm hai chân giống như một cái kim nhọn hai đầu được uốn thành hai góc vuông kiểu chữ U. Phổ biến hơn cả là loại trâm mỏng dẹt 3 chân có khung gắn hình người và chim. Kỷ lục về kích thước có lẽ thuộc về loại trâm hình vợt hai nhánh, trên có đeo lục lạc. Còn loại trâm 1 chân trông thật bắt mắt: cán dài 8,3 cm rộng 2 cm xẻ đuôi cá không đều bằng nhau, màu xanh xám, hình khung rộng 9cm như chiếc vợt hở, trên khung đeo một số lục lạc khiến cho người sử dụng mỗi khi di chuyển tạo ra nên những âm thanh réo rắt, vui tai. Những loại trâm kể trên đều xuất xứ từ vùng Hà Tây cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

Trâm (bằng sừng) hình chim.
Đặc kỳ là loại trâm to, hình vòng cung có các chẽ 2 - 3 chân, cài nối với vòng tâm dẹt và loại trâm hình trái tim gắn chim - hoa, ở giữa có hình người nhảy múa. Tuyệt mỹ và sống động là những chiếc trâm cài đầu có 3 nhánh lược dài, đầu trâm cài có hình cong như dáng chim bay, ở giữa là hình người nhảy múa. Loại trâm này được chế tác cầu kỳ dùng cho tầng lớp quý tộc, như trâm trong ngôi mộ Phú Lương (Thanh Oai, Hà Nội).
Thời Lý - Trần: “Vua mặc áo long cổn, quần tía, răng đen, búi tóc cài trâm vàng, cung điện sơn son thếp vàng. Quan lại, sĩ tử mặc áo dài thâm, cổ áo vòng khít, áo 4 vạt (tứ thân), quần thâm, búi tóc cài trâm sắt”. Như vậy, sự phân biệt địa vị, đẳng cấp còn được thể hiện qua cây trâm cài tóc. Đến thời hậu Lê, đặc biệt thời Lê - Trịnh thì vua chúa và Hoàng hậu vương phi cài trâm vàng hoặc nạm ngọc. Các quan thì cài trâm bạc.
Năm 1984 khi khai quật khu mộ cổ Đống Thếch của dòng họ Đinh Công - dòng họ Quan lang có quyền lực rất lớn ở Mường Động (Kim Bôi, Hòa Bình) đã thu được nhiều hiện vật trong đó có 11 hiện vật bằng bạc gồm trâm cài tóc… Thời Nguyễn, sự phân bổ, định chế số lượng cũng như nghệ thuật tạo tác Trâm trong chốn cung đình hết sức rõ ràng: Trâm ngọc của vua thân dát một con rồng khảm trân châu, dây buộc bằng tơ vàng, hai mặt rồng có khảm hột trân châu nhỏ. Hai bên có dây vàng rủ xuống đeo ngọc trân để giắt vào tai.
Gia Long năm thứ 6 (1807) châu phê: Hoàng hậu trâm phượng 8 chiếc, Cung tần bậc nhì: trâm hoa 10 chiếc; Cung tần bậc 3 và bậc 4: trâm hoa 8 chiếc. Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) châu phê: Cung tần bậc nhất và bậc nhì được ban mũ phượng bằng vàng đều 3 bác sơn. Cung tần bậc 3 trên búi tóc có trâm phượng. Cung tần bậc 4 và 5 trên búi tóc không có trâm như thế để phân biệt. Gia Long năm thứ 6 ban cấp cho Công chúa: trâm hoa 12 chiếc. Minh Mạng năm thứ 5 chỉ chuẩn cho Công chúa: trâm hoa 4 chiếc.
Về kỹ nghệ chế tác thì Bộ trâm hoa gồm 12 chiếc của một vương phi từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát còn lưu giữ đến nay là bằng chứng điêu luyện, tinh mỹ của nghệ nhân kim hoàn triều Nguyễn. Mỗi cây trâm dài từ 9,4cm đến 12cm, tạo dáng như những cành hoa. Phần đầu của chiếc trâm là những cụm hoa lá bằng vàng, được tô điểm bởi những viên đá quý màu ngọc bích. Có 4 loài hoa được thể hiện trên bộ trâm, trong đó có hai loài hoa được nhận diện là hoa Mai và hoa Cúc. Phần chuôi để cài vào mái tóc của 12 chiếc trâm hoa này được làm bằng bạc.
Còn chiếc trâm phượng bằng vàng dài 14,25cm, nặng 15g dành cho Hoàng hậu sử dụng có thể nói là đạt đỉnh cao về tạo hình: thân chiếc trâm biến tấu tài tình thành thân và đuôi chim phượng cực kỳ ngoạn mục. Đầu chim phượng được thể hiện rất sắc sảo, với mỏ quặp, mắt dài, bờm trên đầu và dưới cằm, sau cổ. Mỏ chim phượng ngậm chiếc lồng đèn có tán che bên trên, khánh treo bên dưới và những chùm hoa văn treo xung quanh.
Nếu chốn cung đình dùng trâm vàng, trâm ngọc, trâm ngà thì trong dân gian các gia đình khá giả ưa chuộng trâm bạc, trâm đồi mồi, trâm ngọc mã não… Các gia đình bình dân ở vùng đồng bằng lại thích dùng trâm cài tóc bằng sừng trâu bởi nó có tác dụng ngừa bệnh, trị bệnh (bản thân sừng là một vị thuốc Đông y có khả năng phát tán chướng khí và lưu thông khí huyết)...
Người Việt ở mỗi sắc tộc đều có cách thức riêng trong xử lý chất liệu làm trâm cài tóc. Đồng bào các sắc tộc ở Tây Nguyên như Ê đê, Brâu, Xtiêng, Mạ, Mnông... thường làm trâm từ các nguyên liệu tre, gỗ, lông nhím, nanh lợn rừng, ngà voi. Chỉ có người giàu có mới có trâm ngà voi, trâm nanh lợn rừng. Họ cho ngà voi và nanh lợn rừng là của quý hiếm, đem lại sự may mắn, hưng vượng về sức khỏe, làm ăn. Các dân tộc ở vùng núi phía Bắc như Mường, Tày, Nùng, Thái, Lào, Lự… ưa chuộng nhất là trâm bạc vì nó kỵ gió độc, trừ tà khí. Thường đồng bào dùng các nguyên liệu như ngà, sừng, xương, gỗ hoặc lông công, lông nhím để làm trâm; ngày nay họ còn tạo trâm cài đầu bằng nhôm. Tùy theo quan niệm thẩm mỹ của mỗi sắc tộc mà nghệ thuật chạm khắc trâm cài tóc mang dấu ấn độc đáo.
Trên búi tóc của cô dâu Nùng Dín (khu vực phía Bắc) có bộ trâm cài, gồm một chiếc lớn và hai chiếc nhỏ được tạo dáng và trang trí giống nhau. Mỗi chiếc trâm đều được gò nổi có tạo hình từ quả sở nổi giống như các múi xếp liền nhau; Mỗi múi gắn một con chim và ba bông hoa hành. Xung quanh trâm có viền trang trí bằng cách thúc nổi các đốm tròn nhỏ. Khi buộc tóc gon tròn trên đỉnh đầu, các cô dâu sẽ cài trâm to ở chính giữa và hai trâm nhỏ ở phía sau để trâm che kín búi tóc.
Trâm cài tóc của phụ nữ Thái là một loại kim một đầu có mũ và một đầu nhọn. Trâm thường được làm bằng bạc và ngà voi. Mũ trâm là một miếng bạc hình tròn có đường kính trên 1cm. Các cô gái khi chưa lấy chồng thường búi tóc sau gáy và sử dụng trâm của mẹ làm cho. Đến khi lấy chồng, phụ nữ Thái búi tóc ngược trên đỉnh đầu. Từ đó họ sử dụng trâm cài của nhà chồng tặng trong lễ “Tăng cẩu” (Búi tóc ngược) trong dịp cưới.
Không phải ngẫu nhiên, từ xa xưa mẹ đẻ hay mẹ chồng của các dân tộc Việt đều tặng cho con gái, con dâu đôi trâm cài tóc trong dịp cưới. Bởi tổ tiên chúng ta rất am hiểu công dụng quan trọng của chiếc trâm: để thử chất độc trong thức ăn (dùng đầu trâm nhúng vào thức ăn, nếu có độc tố thì đầu trâm sẽ đổi màu) và dùng để cấp cứu “thượng mã phong” rất hiệu quả. Khi người chồng bị “Thượng mã phong” (thoát dương: vã mồ hôi, tay chân mềm nhũn... trong lúc đang giao hoan), người vợ sẽ một tay ôm chặt chồng mình đang nằm trên bụng, còn tay kia rút trâm cài tóc, dùng đầu nhọn châm thật mạnh vào huyệt trường cường (nằm ngay dưới xương cùng cụt) 3 lần sẽ cứu chồng thoát khỏi lưỡi hái tử thần, phục hồi dương khí.
Trải qua bao biến thiên thời cuộc, những chiếc trâm vẫn đồng hành cùng lịch sử trang sức và cũng là nét văn hóa truyền thống rất đỗi tinh tế của người Việt. Món quà này tặng mẹ và bà, bạn gái, người yêu vào các dịp hội hè, lễ Tết đầu xuân hẳn là vô cùng ý nghĩa.
Trương Thị Kim Dung
Ý kiến ()