Bóng chuyền nữ Kinh Bắc giành vị trí thứ 3 ngay trong lần đầu tham dự giải vô địch bóng chuyền nữ Quốc gia PV Gass 2019 là một kỳ tích. Nói kỳ tích bởi từ trước tới nay chưa có đội bóng chuyền nữ nào của Việt Nam làm được. Ngay những đội bóng tên tuổi như Thông tin LienViet Post Bank, Ngân hàng Công thương, VTV Bình Điền Long An, Tiến Nông Thanh Hóa… cũng mất nhiều mùa giải mới chen chân vào được tốp đầu của giải vô địch. Điều này cho thấy bóng chuyền nữ Kinh Bắc đang được đầu tư mạnh mẽ và đúng hướng.
“Cái khó ló cái khôn”
Với bất cứ môn thể thao thành tích cao (TTTTC) nào, việc gặt hái thành công đã khó, duy trì và thăng hoa ở các giải đấu tiếp theo càng khó hơn, đặc biệt là với môn TTTTC tập thể. Từ trước tới nay, người ta vẫn nghĩ bản chất thành công của thể thao chuyên nghiệp tập thể chính là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Một đội bóng không có được bề dầy truyền thống lịch sử thì buộc phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế. Nếu không rất khó có sức hút với những HLV, VĐV giỏi về đầu quân. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi một đội bóng dù có tiềm lực kinh tế dồi dào cũng chỉ có thể duy trì thành tích nhất định ở một vài mùa giải. Còn nếu đặt tham vọng vươn xa thì đội bóng đó vẫn phải có chiến lược tuyển chọn, đào tạo nguồn kế cận chất lượng, mang tính ổn định lâu dài.
Với bóng chuyền nữ Kinh Bắc, việc đào tạo đủ cả ba tuyến đã được định hướng ngay trong Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển môn Bóng chuyền nữ thành tích cao của tỉnh từ cuối năm 2017. Vì thế ngay khi đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc và đội trẻ ra mắt (11-2017) cũng là thời điểm Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh bắt tay ngay vào việc tuyển chọn tuyến năng khiếu để đào tạo. Đây được coi là “chìa khóa vàng” mở ra hướng đi bền vững trong hành trình hội nhập và phát triển của bóng chuyền nữ Kinh Bắc.
Ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Trên thực tế, với bất cứ môn thể thao nào khi mới ra đời đều gặp phải khó khăn, trở ngại. Khó từ vận hành, đào tạo, định hình tới phát triển...Với bóng chuyền nữ Kinh Bắc, cái khó đầu tiên chính là thương hiệu. Bởi chưa có thương hiệu thì rất khó có sức hút với VĐV chất lượng đến đầu quân chứ chưa nói đến hợp đồng giằng buộc lâu dài. Nhận thức rõ vấn đề đó nên ngay từ những ngày đầu thành lập ngành thể thao tích cực phối hợp với nhà tài trợ, các sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng đầu tư nguồn lực, nơi sinh hoạt, tập luyện ổn định nhằm thu hút được những VĐV chất lượng trong cả nước. Mặt khác, Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo đủ số lượng, chất lượng ở cả ba tuyến: Năng khiếu, trẻ và đội tuyển làm tiền đề phát triển cho tương lai.
Đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hướng tới tương lai
Với tuyến đội tuyển thì gần như chỉ là xây dựng, định hình, kết dính lối chơi cho các VĐV. Bởi đa số họ đều có trình độ chuyên môn và từng khẳng định ở cấp độ khác nhau của bóng chuyền chuyên nghiệp trong nước. Ngược lại, với tuyến trẻ và năng khiếu thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Khác từ tuyển chọn cho đến đào tạo. Trong số hàng chục, hàng trăm em đăng ký cũng chỉ lựa được vài em đủ điều kiện, chưa kể nhiều em đủ điều kiện nhưng lại không nhận được sự hậu thuẫn của gia đình.

Ngoài thời gian tập luyện các VĐV trẻ và năng khiếu được đến sân cổ vũ, học hỏi kinh nghiệm thi đấu thực tế của đàn chị ở những giải đấu.
Mặc dù đầu vào gặp khó, song không vì thế mà Trung tâm dễ dãi trong tuyển chọn, từng khâu sàng lọc đều rất kỹ càng, khắt khe. “Phải là những em đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như tuổi, chiều cao, cân nặng. Ví như tuyến năng khiếu, Trung tâm chỉ tuyển các em nữ từ 12-15 tuổi, trong đó chiều cao của từng tuổi được qui định như sau: 12 tuổi cao 1m65, 13 tuổi 1m68, 14 tuổi cao 1m70, 15 tuổi cao 1m72. Ngoài ra phải là những em có tố chất thể thao như sức bật, cánh tay dài, đặc biệt là phải có đam mê cháy bỏng với bóng chuyền” - ông Quách Quang Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh cho hay.
Sau khi được tuyển chọn, bài học đầu tiên mà những tài năng trẻ này học được ở Trung tâm không phải là những kỹ thuật cao siêu mà bắt đầu từ học các kỹ năng sống nhằm giúp các em hòa nhập, đoàn kết và tự tin. Bởi những kỹ năng này không chỉ giúp các em biết chăm sóc bản thân, biết yêu thương, quý trọng gia đình, thầy cô, bạn bè, đồng đội; biết sắp xếp thời gian hợp lý trong tập luyện lẫn học văn hóa… Những kỹ năng này chính là chất keo gắn kết giúp các em từng bước trưởng thành, lớn mạnh cả trong chuyên môn cũng như cuộc sông sau này.
HLV Đặng Văn Hướng (Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh) chia sẻ: Giai đoạn đầu tiếp nhận và đào tạo các em bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Chúng tôi phải từng bước tiếp cận, trò chuyện, động viên, chia sẻ với các em như những người bạn. Có thế chúng tôi mới hiểu tính nết, năng khiếu của từng em, qua đó có phương án tập luyện riêng để phát huy hết tố chất của các em. Về chuyên môn thì đây cũng là giai đoạn vô cùng quan trọng, vì là giai đoạn đầu tiếp cận với các kỹ năng cơ bản của bóng chuyền để dần định hình chuẩn động tác. Nếu không uốn nắn kịp thời sẽ bỏ lỡ cơ hội “vàng” phát triển cho các em.
Hiện tại, Trung tâm đào tạo bóng chuyền tỉnh đang đào tạo 33 VĐV ở 3 tuyến (năng khiếu có 8 VĐV, trẻ có 11 VĐV, đội tuyển có 14 VĐV). Dưới sự dẫn dắt của những HLV tên tuổi và tâm huyết hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam, như: HLV Phạm Văn Long, HLV Phạm Thanh Hà… lại có sự liên kết đào tạo chặt chẽ với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh nên công tác đào tạo trẻ của bóng chuyền nữ Kinh Bắc có tiến bộ không ngừng. Qua công tác đào tạo cũng như tập huấn cọ xát với những đội bóng ở các nước Mỹ, Thái Lan hay Hóa chất Đức Giang (Hà Nội)… dần xuất hiện những VĐV trẻ có triển vọng, như chủ công Trần Thu Giang, Libero Cà Thị Tư hay chuyền hai Trần Ngọc Như Ý, Nguyễn Thị Lan… Những VĐV trẻ này hoàn toàn có khả năng thay thế vị trí của đàn chị trong tương lai gần.
Theo định hướng thì tới năm 2025, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc sẽ hoạt động theo cơ chế câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Vì thế tỉnh, ngành thể thao đang rất quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đội bóng phát triển, như: Xây dựng trụ sở Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh; đầu tư kinh phí cho các tuyến tăng cường giao lưu, tập huấn tại các Trung tâm Đào tạo, các đội bóng chuyền tên tuổi trong và ngoài nước. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 232, của HĐND tỉnh ban hành ngày 5-12-2019 thì chế độ dinh dưỡng, tiền thưởng, đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên đều được tăng. Ví như tại giải Vô địch Quốc gia, nếu đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc vô địch sẽ được tỉnh thưởng đến 300 triệu đồng, về Nhì được thưởng 200 triệu đồng, còn đứng ở vị trí thứ Ba là 100 triệu đồng.
“Trước, trong và sau mỗi giải đấu quan trọng, Trung tâm Đào tạo bóng chuyền tỉnh luôn nhận được sự động viên khen thưởng kịp thời về tinh thần cũng như vật chất của tỉnh, ngành, nhà tài trợ và người hâm mộ trong và ngoài tỉnh. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất lớn giúp lãnh đạo Trung tâm, Ban huấn luyện và các VĐV thêm tự tin, quyết tâm giành vị trí, thứ hạng cao ở mỗi giải đấu”- ông Quách Quang Mạnh cho biết thêm.
Đức Quý
Ý kiến ()