Chiến thắng 30 - 4 - 1975 kết thúc cuộc chiến đấu ròng rã 30 năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều nhà hoạt động chính trị đánh giá ở thế kỷ XX, sau chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên bang Xô Viết đánh bại phát xít Đức, thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý.
Ảnh: K.T
Bằng cuộc chiến đấu anh dũng của mình, nhân dân Việt Nam không những mang lại độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, mà còn đem lại niềm tin lớn lao về sức mạnh của công lý, sức mạnh của một dân tộc dù nhỏ, còn nghèo nhưng nếu biết đoàn kết, quyết tâm thì có thể đánh bại bất cứ kẻ xâm lược nào, dù là đế quốc số I thế giới để bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền sống của mình. Đối với mọi người dân đất Việt, nhất là thế hệ hôm nay, cần nhớ và hiểu lịch sử nước nhà. Năm 1945, tranh thủ thời cơ phe Đồng Minh đánh thắng Phát xít, phong trào đấu tranh trong nước chín muồi, Bác Hồ và Đảng ta đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau gần 100 năm thực dân Pháp đô hộ, Việt Nam từ đó đã trở thành một nước độc lap. Nhưng thực dân Pháp rắp tâm trở lại hòng đặt ách thống trị ở Việt Nam, mặc dù khi đó ở nước Pháp, một Chính phủ gồm cả những người kháng chiến lên cầm quyền. Chính quyền của Trung Hoa dân quốc, đảng của Tưởng Giới Thạch cũng lăm le xâm chiếm nước ta. Trong nước thì nạn đói hoành hành… Để tránh xảy ra chiến tranh, tốn của mất người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao lần tìm cách thương lượng với Pháp (tạm ước 14-9-1946) thỏa thuận Phong-ten-nơblô), thậm chí chúng ta còn sẵn sàng “tham gia Liên hiệp Pháp”. Nhưng như Bác Hồ đã tuyên bố “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”, vì vậy phải toàn quốc kháng chiến, đó là điều ta không muốn. Những nam tháng chiến đấu hết sức gian khổ, lực lượng kháng chiến Việt Nam ngày càng lớn mạnh về chính trị cũng như về quân sự. Thắng lợi Điện Biên Phủ lịch sử đã làm cho thế giới bắt đầu biết đến dân tộc Việt Nam. Điều quan trọng hơn là thắng lợi lịch sử đó đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ la tinh. Nhiều nước theo gương Việt Nam đã cầm vũ khí để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Có thể nói, phong trào giải phóng dân tộc sôi sục trong những thập niên 50-60 của thế kỷ trước là có sự đóng góp và cổ vũ của Việt Nam. Cho đến nay, đất nước An-giê-ri rất xa chúng ta, nhân dân An-giê-ri đều xem nhân dân Việt Nam là những người bạn chiến đấu thân thiết, như những “người anh, người chị” thân yêu. Tuy nhiên, do điều kiện quốc tế lúc bấy giờ có những diễn biến phức tạp, không thật sự thuận lợi, nhân dân ta đành chấp nhận giải phóng một nửa đất nước, để rồi tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn đất nước.
Mỹ-nước lớn đã từng liên minh với ta chống Phát-xít mà nhân dân ta mong muốn có quan hệ tốt. Nhưng từ năm 1950 Mỹ đã đứng về phía thực dân Pháp, giúp đỡ vũ khí, tài chính cho Pháp và khi Pháp thua Việt Nam ở Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chính Mỹ đã nhảy vào miền Nam-Việt Nam thay chân thực dân Pháp. Họ đã dựng lên một chính quyền tay sai dưới chiêu bài “Quốc gia” chống lại “Cộng sản”.
Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân kiên trì đấu tranh chính trị và pháp lý, đòi đối phương phải thi hành nghiêm Hiệp định Giơ-ne-vơ để sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã không những không tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ mà còn dùng mọi chiến lược, chiến thuật chiến tranh (trừ dùng bom nguyên tử), từ “chiến tranh đặc biệt” đến “chiến tranh cục bộ” “Việt Nam hóa chiến tranh”… nhằm khuất phục nhân dân Việt Nam.
Trước tình hình đó, để bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được và không thể để đất nước bị chia cắt, nhân dân ta đã phải tiếp tục chiến đấu để giành cho được độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Quân đội ta với sự đồng tâm hợp lực của toàn dân đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi tương quan lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta, Đảng đã chủ trương đi vào “đánh và đàm”, huy động cả ba mặt trận đấu tranh là chính trị, quân sự, ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ đi vào thương lượng để kết thúc chiến tranh, bảo đảm cho nước ta giành được quyền dân tộc cơ bản.
Đảng ta, nhân dân ta quyết đánh giành thắng lợi một đế quốc hùng mạnh như đế quốc Mỹ mà cả thế giới “khiếp sợ”, không thể không có hy sinh to lớn. Lúc đó nhiều nước bạn không tin rằng Việt Nam có thể thắng đế quốc My. Có người khuyên ta nên kiềm chế, sợ chiến tranh lan rộng, có người khuyên chúng ta “trường kỳ mai phục”. Nhưng Đảng ta, Bác Hồ đã đánh giá đúng cục diện tình hình và tương quan lực lượng giữa ta và địch, kiên quyết thực hiện các chủ trương của Đảng với ý thức “biết phát động chiến tranh và cũng phải biết kết thúc chiến tranh”. Tháng 4-1975, khi ta giành được thắng lợi hoàn toàn cũng có người bất ngờ”.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Biết bao liệt sĩ mà mộ phần còn rải rác khắp các miền của Tổ quốc, nằm trên đất bạn hay ở một nơi xa xôi nào đó, gia đình, người thân chưa biết, mong mỏi đi tìm. Ngày nay chúng ta có cuộc sống hòa bình, tươi đẹp, phồn vinh xin ai chớ vô tình lãng quên quá khứ đau thương, mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc.
Thắng lợi to lớn, vĩ đại đó, do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Đảng đã đánh giá đúng tình hình, đề ra những chủ trương đúng, táo bạo và thực hiện một cách kiên quyết và thông minh. Đó là sự hy sinh gương mẫu của biết bao đảng viên, bộ đội cụ Hồ từ cấp cao nhất đến cơ sở đã tạo một niềm tin tuyệt đối trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc. Trong những năm tháng đó, khắp nơi “bom rơi, đạn trút”, đấu tranh diễn ra trong ngục tù “chuồng cọp”, lẫn trên bàn đàm phán kéo dài như vô tận. Thế nhưng mọi người đều có một niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân mình, tin Đảng, tin ở thắng lợi cuối cùng. Niềm tin của cả một dân tộc tạo nên sức mạnh vô biên. Và suy đến cùng, trong mọi cuộc chiến đấu, niềm tin, là yếu tố quyết định nhất. Tất cả những thử thách to lớn vừa qua cũng như cả lịch sử hang nghìn năm của dân tộc đã chứng minh sức sống mãnh liệt, ý chí quyết tâm, đoàn kết một lòng của dân tộc ta trước những khó khăn thách thức tưởng chừng không thể vượt qua.
Bốn mươi năm qua, từ khi chiến tranh chấm dứt, nhân dân ta bước vào một cuộc đấu tranh mới, đó là hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Đường lối “đổi mới”-một chủ trương đúng, kịp thời của Đảng nhân dân ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng của những năm 80 thế kỷ XX và từng bước thu được những thành tựu đáng kể, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nổi bật là nước ta từ phải nhập hàng triệu tấn lương thực, nhiều vùng phải cứu đói, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn, các nước châu Phi và nhiều nước khác khâm phục.
Cuộc đấu tranh xây dựng, phát triển đất nước, thật sự là cuộc cách mạng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng để có ngày mai tươi sáng cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Đây là cuộc thử thách lớn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi phải có niềm tin vững chắc, quyết tâm cao hơn bao giờ hết. Đòi hỏi cán bộ, đảng viên thấy rõ trách nhiệm của mình, đoàn kết vươn lên bứt phá, nâng tầm lãnh đạo của Đảng, để giải quyết thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra trước toàn thể dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau cam kết giữ vững niềm tin, tiếp nối bước đi của ông cha, của các đồng chí đi trước xây dựng đất nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, vững mạnh với một xã hội tốt đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, mỗi người chúng ta đều thấy trong lòng một niềm vui xúc động sâu sắc, một niềm tin tràn ngập đối với Đảng và Bác Hồ đã mang lại cuộc sống vinh quang hôm nay. Mọi người hãy nâng cao trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc, với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để có cuộc sống hạnh phúc ngày nay.
Ý kiến ()