Khán giả yêu say Quan họ vẫn mong chờ các sản phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo, hấp dẫn, có sức sống đương đại mạnh mẽ. Mới đây, trên sân khấu Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, chương trình nghệ thuật “Nét son Kinh Bắc” khiến người xem “ồ, à, ố, á” khi mang đến một không khí nghệ thuật mới với những nét tung tẩy thăng hoa, xúc cảm...
Tung tẩy thăng hoa những vũ điệu.
“Nét son Kinh Bắc” mở đầu với “Chuyện tình Quan họ” bằng một màn khai từ đẫm đầy không khí huyền hoặc trên sân khấu ước lệ: Đèn sân khấu tắt phụt, âm thanh của những cơn mưa vần vũ nổi lên, tiếng sấm sét chát chúa, gió rít liên hồi gợi cảm giác rùng mình, ghê sợ trước sức mạnh của các lực lượng siêu nhiên, gửi tín hiệu báo trước những trắc trở, ngang trái... Trong lúc khán giả hồi hộp nín thở chờ đợi đèn sân khấu sáng trở lại thì âm thanh của gió mưa, sấm chớp dịu dần, tan vào hư không, ngay lúc đó hình ảnh giếng làng mờ ảo hiện ra ở trung tâm sân khấu, một câu Quan họ cổ cất lên xa xăm diệu vợi và trong làn hơi nước bốc lên giữa lòng giếng xuất hiện một tiền nhân... Không khí nghệ thuật phần 1 nhuộm một tông trầm với câu chuyện tình buồn vương vấn được minh họa bằng những làn điệu Dân ca Quan họ cổ tha thiết: Thương nhớ trong lòng, Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu, Giăng già, Đêm qua nhớ bạn, Nam nhi, Gọi đò...
Đến phần 2 - “Quai thao xuống phố” là một không gian thể nghiệm hoàn toàn mới. Sân khấu được thay đổi mang tinh thần hội nhập, đưa di sản Quan họ ra khỏi vùng Kinh Bắc, giao thoa, kết nối cùng hơi thở thời đại. Khán giả được thưởng thức vẻ đẹp đầy màu sắc của làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ; của những ngày mưa phùn tháng Giêng diệu vợi pha chút se sắt bảng lảng; của những nỗi niềm Quan họ, khi thổn thức dạt dào, khao khát tung tẩy với Mashup “Guốc mộc - Thành phố miền Quan họ”, lúc lại chìm vào hồi ức thẳm sâu trong “Đêm hè” cùng tiếng đàn đáy, nhịp phách qua diễn xướng hát ru, hát giai ca trù... Mới lạ, ấn tượng nhất là màn múa độc lập “hồn gốm” và hoạt cảnh “Đông Hồ tự truyện”. Màn trình diễn họa tranh sống động biểu đạt đời sống tình cảm gia đình, lột tả cảm xúc, tâm hồn, tinh thần và thông điệp mà nghệ nhân tranh Đông hồ gửi gắm từ ngàn xưa qua các bức tranh: Hứng dừa, Đánh ghen, Tứ bình...
Theo tư tưởng mà tác giả kịch bản, tổng đạo diễn chương trình NSƯT-NS Huỳnh Tú hướng tới thì: “Phần 2-Quai thao xuống phố cũng là một cách nhắc nhở thế hệ trẻ uống nước nhớ nguồn, trong hiện đại có truyền thống, trong hiện tại có cội nguồn. Những nét giai điệu Quan họ thấm nhuần bấy lâu, nay được đẩy lên một cấp độ mới mang tính sáng tạo hơn, có giá trị cao, thuyết phục thẩm mỹ, hướng đến một cái nhìn tốt đẹp về cội nguồn trong giới trẻ”.
Trong khoảng 90 phút, “Nét son Kinh Bắc” với kết cấu 2 phần “Chuyện tình Quan họ”’ và “Quai thao xuống phố” được chăm chút kỹ lưỡng về nội dung, công phu về nghệ thuật. Sự đầu tư cho những màn vũ đạo đương đại, dân vũ là yếu tố hấp dẫn người xem. Nội dung kịch bản được thể hiện khá hiệu quả khi có sự tương tác, hỗ trợ của thiết kế sân khấu, cùng những hình ảnh trình chiếu trên màn hình LED. Điều này không chỉ tạo hiệu ứng sân khấu ấn tượng, mà còn giúp khán giả dễ hình dung về bối cảnh, nội dung câu chuyện...
Chương trình tạo dấu ấn còn bởi đã kéo được cả dàn nhạc dân tộc thường chỉ “hát bè trầm” khuất sau cánh gà cùng tham gia diễn xuất trên sân khấu như một mảnh ghép không thể thiếu của bức tranh nghệ thuật. Không gian sân khấu cũng được xử lý khoáng đạt, vượt thoát khỏi khung viền định hình có sẵn để bung mở sát gần với khán giả. Chính khoảng trống giữa hàng ghế khán giả với sân khấu lại trở thành “đất diễn” biểu đạt tâm trạng chị hai Quan họ nhớ thương khắc khoải, lênh đênh cô đơn trên con thuyền...
Múa độc lập “Hồn gốm”.
Phải thừa nhận, sau một thời gian dài lặp đi lặp lại những chương trình, kịch mục Quan họ với một tông màu na ná, đơn điệu, tưởng chừng đang “làm mòn” cảm hứng người nghệ sĩ, thì “Nét son Kinh Bắc” khiến khán giả ngỡ ngàng, bừng tỉnh cảm xúc.
Một chương trình nghệ thuật thành công với sự tham gia sáng tạo của nhiều thành phần: Tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chuyên nghiệp cùng các bộ phận yểm trợ khác... Xuyên suốt quá trình chuyển hóa từ ngôn ngữ kịch bản văn học chuyển sang ngôn ngữ dàn cảnh của đạo diễn, ngôn ngữ diễn xuất của diễn viên, đến khi chương trình được kết cấu thành hình hài trên sàn tập và chạy những lượt “diễn mộc” đầu tiên rồi sau đó đem ra tổng duyệt trước Hội đồng nghệ thuật trước khi công diễn phục vụ khán giả... là cả một chặng sáng tạo liên hoàn, công phu, nhịp nhàng, uyển chuyển.
Thể nghiệm mang lại nhiều giá trị. Nếu không dám mạnh dạn đổi mới, không tìm tòi sáng tạo làm sao phát triển, làm sao chạm được đến công chúng đương đại?! Thể nghiệm không chỉ thu hút khán giả, mà còn kích thích, đánh thức khát khao nghệ thuật từ phía người nghệ sĩ, giúp họ được thử sức, được làm mới mình, được thỏa khát vọng sân khấu. Dù vất vả, áp lực và đôi khi phải gồng mình nhưng các nghệ sĩ, diễn viên múa, diễn viên ca, các nhạc sĩ, nhạc công của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đều rất nỗ lực và hứng khởi. Với họ được thử sức với tác phẩm mới là cách giúp họ thực sự làm nghệ thuật, sống với nghệ thuật.
Bằng góc nhìn của một tác giả có 15 năm gắn bó và say mê sáng tạo dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật về Quan họ, NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc cho rằng: Thực tế, không phải bây giờ Quan họ mới đổi mới mà từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam về thu âm để phát sóng thì đó đã là một sự phát triển Quan họ. Suốt từ đó đến bây giờ, Quan họ vẫn không ngừng được tìm tòi, sáng tạo phát triển. Vấn đề đặt ra là đổi mới như thế nào để vẫn giữ được chất Quan họ, để không “gieo vừng ra ngô”...
Đánh giá cao hướng đổi mới ở “Nét son Kinh Bắc”, NSƯT Lê Khánh Toàn khẳng định: Đây là chương trình được dàn dựng tốt, có sự tiếp nhận, kế thừa chất liệu truyền thống Quan họ cổ để phát triển, đưa ra những nét mới, đồng thời khai thác thể hiện được nét đẹp văn hóa vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc. Hướng tiếp cận và cách ứng xử này rất cần thiết để Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đến được với giới trẻ, tiếp cận được công chúng đương đại hôm nay”.
Phá cách mới mẻ, trẻ trung hiện đại nhưng vẫn giữ được chất truyền thống là một thành công không thể phủ nhận ở “Nét son Kinh Bắc”. Tạm lướt qua những hạt sạn về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và một vài phần xử lý hơi quá sức diễn viên, chương trình đã chạm được vào ngóc ngách cảm xúc và đọng lại dư âm trong lòng khán giả. Sự thành công của chương trình được minh chứng qua những tràng pháo tay nồng nhiệt, không ngớt từ phía hàng ghế khán giả khi tiết mục còn chưa kết thúc và các nghệ sĩ vẫn đang thăng hoa trong vũ điệu...
Có lẽ bao nhiêu sự miêu tả, bao nhiêu ngôn từ ngợi ca cũng không bằng tận mắt, tận tai, tận tâm thưởng thức. Nét son Kinh Bắc mới chỉ mở màn đêm diễn đầu tiên, hãy để các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ tiếp tục kể cho quý vị nghe chuyện tình, chuyện đời cùng những nỗi niềm của người Kinh Bắc trong những đêm diễn sắp tới. Đến xem và cảm nhận vẻ đẹp tinh tế, hoa mỹ của những làn điệu Dân ca Quan họ đã được đẩy lên một cấp độ mới, dầy thêm, cùng với khả năng hòa nhập của di sản trong thế giới nghệ thuật đương đại sống động ra sao...
Ghi chép của Thanh Lâm
Ý kiến ()