Cùng với sự phát triển vững mạnh, ổn định về kinh tế-xã hội, những năm gần đây, TDTT Bắc Ninh cũng được tăng cường đầu tư phát triển nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “dân cường, nước thịnh”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH của quê hương.
![]()
Đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc được thành lập cuối năm 2017 và ra mắt người hâm mộ tại khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh).
TDTT quần chúng ngày càng khởi sắc
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành TDTT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên phong trào TDTT quần chúng không ngừng phát triển với nhiều loại hình hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập, thi đấu thường xuyên, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và thể chất của người dân.
Nhờ đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nên chất lượng cũng như số lượng người tham gia tập luyện TDTT, câu lạc bộ thể thao, các giải thi đấu và số môn thi đấu đều tăng đáng kể. Có được điều đó phải kể đến hướng đi đúng đắn của ngành TDTT trong việc đổi mới cách tiếp cận, phát triển phong trào không chỉ dừng lại ở việc hô hào, gây dựng các phong trào bề nổi mà ngành đã thực sự lấy người dân làm đối tượng, mục đích phục vụ để hướng đến. Điều này được minh chứng bằng việc ngành, các địa phương đầu tư các trang thiết bị TDTT phục vụ miễn phí người dân tập luyện tại các điểm công cộng, giúp người dân vừa được rèn luyện thân thể, vừa có cơ hội giao lưu và tương tác với thiên nhiên trong lành.
Năm 2017, toàn tỉnh tổ chức thành công 766 giải thể thao các cấp (trong đó có 8 giải cấp tỉnh, 4 giải Quốc gia, 2 giải Quốc tế). Có khoảng 2.000 câu lạc bộ, điểm tập TDTT các cấp; số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33%; tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 20%; có 8 liên đoàn, hiệp hội TDTT; 100% số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng. |
Bên cạnh những môn thể thao thu hút số lượng lớn người tham gia tập luyện từ trước như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, dưỡng sinh, đi bộ… giờ đây, một số địa phương còn chú trọng phát triển những môn thể thao dân tộc như kéo co, múa lân-sư-rồng, nhảy bao bố, thả diều, cờ tướng… Đặc biệt vài năm gần đây, những môn thể thao hiện đại dành cho giới trẻ cũng được du nhập và phát triển rộng rãi như tập Aerobic, Dancesport (khiêu vũ thể thao), Belly dance (múa bụng)… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao và góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên.
Nhằm tăng cường sự giao lưu, cọ xát cho mọi người, hàng năm các cấp, ngành, địa phương đều dành khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức các giải thể thao, văn nghệ… song cũng có giải thể thao quần chúng ở cơ sở được tổ chức bằng nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp, hoặc huy động được từ xã hội. Vì thế, thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại hình câu lạc bộ TDTT theo sở thích được thành lập ở khắp các thôn, làng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự túc kinh phí. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 30 cơ sở TDTT ngoài công lập hoạt động cung ứng dịch vụ thể thao. Điều này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, cho thấy mọi người cùng chung sức, chung lòng xây dựng phong trào TDTT, tạo hiệu quả bền vững, chất lượng cho sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng.
Thể thao thành tích lên tầm cao mới
Cùng với những thành tựu đạt được về phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao (TTTTC) luôn được quan tâm, đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống, con người Bắc Ninh. Nhờ đó vị thế TTTTC của tỉnh liên tục được cải thiện về số lượng huy chương trên đấu trường trong cũng như ngoài nước, nhất là thứ hạng qua các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.

Màn đồng diễn dưỡng sinh của hội viên Hội Người cao tuổi tỉnh tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao thành phố Bắc Ninh năm 2018.
Trong tổng số 10 môn thể thao mà ngành TDTT đang đào tạo, gồm: Vật, Karatedo, Cờ vua, Cầu lông, Boxing, Đấu kiếm, Cử tạ, Wushu, Judo và Bóng chuyền nữ, với 235 VĐV đầy đủ các tuyến: Đội tuyển, đội tuyển trẻ và đội tuyển năng khiếu tỉnh. Có những môn đã khẳng định được thương hiệu trong nước cũng như khu vực, như vật, karate-do, boxing. Đặc biệt mới đây ngành đã đưa vào đào tạo môn bóng chuyền nữ, môn thể thao thành tích cao tập thể đầu tiên của tỉnh thu hút được sự quan tâm chú ý rất lớn của người dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT, ngành đã và đang thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh sự nghiệp TDTT của tỉnh ngày càng phát triển theo đúng định hướng. Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, ngành còn tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các giải thể thao phục vụ nhu cầu rèn luyện thân thể và hưởng thụ văn hóa-thể thao của nhân dân”.
Trong năm 2017, TTTTC của tỉnh tham gia 30 giải thể thao Quốc gia và 8 giải Quốc tế, đạt được 222 huy chương các loại (69HCV, 58HCB, 95HCĐ). Trong đó có 1 HCB giải Vô địch Cờ vua trẻ châu Á, 1 HCV và 1 HCĐ tại SEA Games 29; VĐV Đỗ Tú Tùng (cử tạ) xuất sắc giành suất tham dự Olympic trẻ Thế giới năm 2018. |
Xác định đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của tỉnh nên ngoài việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm về sơ sở vật chất, nguồn lực để phát triển TTTTC theo Đề án “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”, công tác quy hoạch đất cho TDTT cũng đã được tỉnh phê duyệt. Theo quy hoạch thì ngoài khu liên hợp TDTT tỉnh với diện tích hơn 100 ha tại khu đô thị mới Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), thì cả 8 huyện, thị xã, thành phố cũng đã quy hoạch hơn 60 ha đất cho 3 công trình TDTT cơ bản (Sân vận động, Nhà thi đấu tập luyện, các công trình thể thao khác). Đến nay, có 3/8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn gồm thành phố Bắc Ninh, Gia Bình, Lương Tài. 5/8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành quy hoạch tổng thể Trung tâm Văn hoá - Thể thao. 112/126 xã, phường, thị trấn có quy hoạch quỹ đất dành cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 640/732 thôn, làng, khu phố có quy hoạch quỹ đất dành cho Nhà văn hóa. Đến năm 2020 diện tích đất tại các huyện, thị xã, thành phố dành cho TDTT sẽ là 769,12 ha. Ngoài nguồn lực của nhà nước, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tham gia công tác xã hội hoá TDTT.
Với hướng đầu tư phát triển hợp lý cùng những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thể thao Bắc Ninh chắc chắn sẽ có những bước tiến vững chắc, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, quê hương.
Ý kiến ()