Ngày 18/3, toàn quốc xác định thêm 10 bệnh nhân mắc dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch vẫn tiếp tục được triển khai với sự đồng lòng của các ngành, các cấp và người dân cả nước. Đặc biệt, công tác chuẩn bị để đón và cách ly các hành khách về Việt Nam từ các vùng dịch được tăng cường.
Thực hiện nghiêm quy định cách ly
Hành khách nhập cảnh đang chờ để về khu cách ly tập trung. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác gồm đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các lực lượng chức năng đã trực tiếp kiểm tra từng khu vực trong việc phòng chống dịch COVID-19, cũng như việc phân luồng hành khách tại nhà ga T2 (sân bay quốc tế Nội Bài) để đưa về hành khách về từ vùng dịch đến khu cách ly y tế tập trung.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan kiểm dịch y tế, công an cửa khẩu, hải quan và cảng vụ hàng không phối hợp với đơn vị vận chuyển của quân đội thật chặt chẽ trong cung cấp thông tin chuyến bay hạ cánh, số lượng hành khách; đồng thời công an cửa khẩu và kiểm dịch y tế cần phân công lực lượng hợp lý, linh hoạt để rút ngắn thời gian hành khách xếp hàng không, không để hành khách phải chờ đợi.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong ngày 18/3, số chuyến bay từ các nước về các cảng hàng không của Việt Nam là 102 chuyến với 8.001 khách. Đến 17 giờ 30 phút ngày 18/3, lượng khách đi về từ các nước vào ngày 19/3 là 7.308 khách, con số này tiếp tục được cập nhật trong đêm 18/3 |
Để chuẩn bị cho việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Sở đã vận động 7 khách sạn tiếp nhận người cách ly. Các khách sạn tiếp nhận người cách ly dựa trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ theo các quy định của ngành y tế. Theo đó, những đối tượng này phải được ngành y tế sàng lọc, cách ly và có kết quả lần đầu âm tính. Nhân viên các khách sạn được chọn nhận người cách ly phải được cách ly và tuân thủ quy trình phòng dịch của ngành y tế như phun thuốc khử trùng, vật dụng đồ ăn sử dụng 1 lần; phải đeo găng tay, không tiếp được tiếp xúc với người cách ly…
Theo rà soát, 7 khách sạn này có năng lực tiếp nhận 1.308 chỗ. "Để triển khai việc cách ly tại khách sạn, đề nghị Sở Y tế ban hành quy trình tiếp nhận, vận chuyển, phục vụ ăn uống... Nếu được Sở Y tế cho phép, các đơn vị kinh doanh vận chuyển du lịch cũng sẽ tham gia", ông Hải cho biết. "Toàn bộ chi phí ở khách sạn sẽ do người cách ly chi trả theo biểu giá khách sạn và hoàn toàn tự nguyện. Việc này cũng sẽ góp phần giảm chi phí từ ngân sách dành cho cách ly", ông Hải cho biết.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nghiên cứu và khảo sát, đã có 9 khách sạn, resort, trung tâm dã ngoại đăng ký tham gia tham gia làm điểm cách ly COVID-19 theo 2 hình thức: Thứ nhất là nhân viên cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly theo hình thức có trả phí; thứ hai là cho mượn cơ sở lưu trú để làm địa điểm cách ly tập trung.
Cũng trong ngày 18/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định thành lập khu cách ly tập trung phòng chống bệnh COVID-19 tại Khu nhà ở cho học sinh sinh viên ở Pháp Vân-Tứ Hiệp và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Trên bình diện toàn quốc, hiện nay, Bộ Quốc phòng được giao đảm trách công tác cách ly phòng bệnh trên cơ sở phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương trong cả nước. Bộ Quốc phòng đã xây dựng các kịch bản cách ly khi dịch bùng phát với quy mô lớn hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, quân đội thành lập 140 điểm cách ly trên cả nước, tương đương với năng lực tiếp nhận 44.718 trường hợp cách ly. Từ thời điểm ngày đầu chống dịch đến nay, quân đội đã tổ chức cách ly 21.309 trường hợp nghi ngờ, hơn 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Hiện trong các quân khu đang thực hiện cách ly 6.986 người. Đến nay, lực lượng quân đội có thể sẵn sàng tiếp nhận thêm gần 40.000 người cách ly.
“Quân đội đảm bảo phương án cách ly, có thể tổ chức thêm các điểm khác, sẵn sàng dự phòng 20.000 chỗ trong những trường hợp cần thiết,” Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên khẳng định.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Văn phòng Chính phủ, sáng 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, hiệp đồng các đơn vị, các lực lượng bằng nhân lực, cơ chế, công nghệ… để phát hiện nhanh nguồn bệnh, đặc biệt từ những người nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua, những người tiếp xúc để cách ly, hỗ trợ y tế kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng lưu ý, người Việt Nam đang học tập, lao động và sinh sống tại nước ngoài cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại. Trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam trở về Tổ quốc; thực hiện nghĩa cử cao đẹp với đồng bào theo đúng tinh thần chỉ đạo “đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu”.
Phó Thủ tướng mong muốn, các công dân khi nhập cảnh chia sẻ khó khăn khi trở về nước trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Mọi công dân cần thực hiện nghiêm quy định kiểm dịch, nhập cảnh và cách ly. Sự hợp tác chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt của người được cách ly, là sự động viên “quý báu nhất” đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 18-3, liên quan đến thông tin các khu cách ly tập trung ở Hà Nội quá tải do phải đón số lượng lớn người nước ngoài về nước, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được kiểm soát rất tốt. Thành phố Hà Nội có đầy đủ kiều kiện, nhân lực, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để phòng, chống kiểm soát dịch. Những thông tin các khu cách ly tập trung ở Hà Nội quá tải do phải đón số lượng lớn người nước ngoài về nước là không chính xác. Thành phố Hà Nội luôn sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để đón những người Việt Nam ở nước ngoài về với quê hương trong giai đoạn này, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất. Về việc xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, nếu xác định được cụ thể cá nhân, hay tổ chức nào, sẽ chuyển thẳng cơ quan Công an để điều tra xử lý nghiêm theo quy định. |
Nhiều mô hình mới, cách làm hay
Trong ngày 18-3, có một số thông tin tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Tâm An" là tên gọi một robot do Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, Trưởng đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh (Bệnh viện Trung ương Huế) chế tạo với mong muốn đem lại sự bình an cho những người bệnh từ tâm thiện của bản thân. Robot có sứ mệnh giảm áp lực công việc cũng như đảm bảo sức khỏe cho những nhân y tế trong mùa dịch COVID-19 đang bùng phát.
Robot Tâm An có thể tiếp xúc trực tiếp, phục vụ cho người bệnh. Ảnh: Mai Trang
Nhỏ gọn, dễ sử dụng, có thể điều khiển từ xa bằng giọng nói, trao đổi thông tin giữa người bệnh và hướng dẫn viên bên ngoài là những thế mạnh dễ nhận thấy từ robot quản gia phục vụ này.
Robot "Tâm An" với cấu tạo đơn giản, cải tiến từ 2 bộ phận chính là xe đồ chơi trẻ em lắp chíp tự động điều khiển và thùng chứa 4 ngăn nhỏ gọn, có thể thực hiện tốt vai trò của mình. Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50 - 60 kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh. Robot này được chế tạo bằng những bộ phận dễ tìm kiếm như mô tơ, ắc quy, loa, màn hình quan sát Camera kết nối internet bằng wifi… Sau khi vật phẩm được đặt trong thùng chứa, robot "Tâm An" được điều khiển phủ sóng cao tầng 2.4 Ghz thông qua bộ điều khiển trên máy tính bảng, camera kết nối giúp người điều khiển có thể theo dõi được hành trình của robot; đồng thời giao tiếp, theo dõi bệnh nhân, người bị cách ly thông qua nhân viên y tế đặc biệt này. Với bộ phận cảm biến, robot có thể di chuyển mọi hướng, linh hoạt tránh vật cản, "luồn lách" lối đi hẹp dễ dàng với kích thước nhỏ gọn của mình. Khi tiếp cận gần đến bệnh nhân, robot sẽ phát âm thanh báo nhận đồ.
Còn tại Nghệ An, đoàn viên, thanh niên xã Tân Thanh, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã tổ chức chương trình đổi phế liệu lấy khẩu trang cho người dân để phòng chống dịch COVID-19. Đoàn thanh niên các xã trên địa bàn huyện Yên Thành và huyện Đô Lương đã chủ động mượn xưởng may tư nhân để tự sản xuất gần 1.800 chiếc khẩu trang phát miễn phí cho bà con. Hưởng ứng chương trình “Hành trình thứ hai của lốp xe”, cán bộ Đoàn cùng đoàn viên, thanh niên thị xã Thái Hòa đã tái chế các lốp xe qua sử dụng kết hợp nhiều nguyên vật liệu khác tạo thành những bồn rửa tay, vừa hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong mùa dịch COVID-19. Ưu điểm của những bồn rửa tay này là rẻ, bền, đẹp và rất thuận tiện để di chuyển.
Để tuyên truyền phòng chống dịch, 35/35 đơn vị Đoàn cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập các đội phản ứng nhanh. Tính đến ngày 15/3, các đội phản ứng nhanh đã phát miễn phí hơn 160.000 khẩu trang y tế, gần 11.000 lọ nước sát khuẩn và hàng ngàn bánh xà phòng rửa tay. Đặc biệt, đội phản ứng nhanh khối các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đã sản xuất thành công dung dịch rửa tay với chi phí rẻ có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn, phòng các bệnh truyền nhiễm, an toàn cho sức khỏe người sử dụng để phát miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại Nghệ An, ngay khi có thông báo về việc khai báo y tế toàn dân bắt đầu từ ngày 10/3, với phương châm “gõ cửa từng nhà tuyên truyền khai báo y tế”, các đội phản ứng nhanh đã kịp thời đến từng hộ gia đình trực tiếp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc khai báo y tế toàn dân và hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai báo y tế; đặc biệt là đối với những người đi làm ăn xa trở về địa phương, những người đi từ vùng có người nghi nhiễm và nhiễm dịch bệnh.
Xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị du khách nước ngoài
Gần đây, một số phương tiện thông tin, báo chí có phản ánh về việc do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh COVID-19 từ khách du lịch là người nước ngoài, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ trong ngày 18/3 có văn bản số 2052/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý thông tin báo nêu về việc ứng xử với khách du lịch nước ngoài. Để kịp thời chấn chỉnh, giữ gìn hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát về tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhất là tại các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt, đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tới 22 giờ ngày 18/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 76 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn. Trong số 59 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ ổn định, hai ca nặng đang được tích cực điều trị. Riêng tại Hà Nội, với 4 ca công bố tối 18/3, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 của Thủ đô là 20 người. Trên thế giới, tính đến 10 giờ 20 phút ngày 18/3, thế giới ghi nhận 198.419 trường hợp mắc COVID-19 tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7.987 người tử vong. Trung Quốc có 80.894 ca mắc, 3.237 ca tử vong tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 164 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 117.525 ca mắc, 4.750 người tử vong. |
Ý kiến ()