Vùng đất trũng bờ hữu Lục Đầu Giang đột khởi dãy núi thấp, đỉnh cao nhất khoảng 100 mét, tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Người xưa đặt tên núi là Thiên Thai để sánh với cõi tiên cõi phật. Thiên Thai nghĩa là Đài Trời. Ngắm Đài Trời tơ tưởng chốn thần tiên:
Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy chim loan phượng ăn xoài bể Đông.
Lại có khách đề thơ thế này:
Thiên Thai chân giục bước mau
Xé toang mây phủ hiện màu non tươi
Đường lên đến đỉnh đài trời
Ngất ngây, ngây ngất một đời chửa qua...
Thiên Thai thơ mộng thế, nhưng người dân nơi đây mấy nghìn năm áp mặt leo núi mà chỉ có hai người đến được cõi thần tiên. Đó là Cao Doãn và Lê Văn Thịnh.
Làng Gủ ôm trọn chân núi Thiên Thai có năm xóm là: Gủ Thấp, Gủ Vọt, Gủ Hương, Gủ Cao và Gủ Nội. Thời thuộc Hán dân cư còn thưa thớt. Tương truyền làng Gủ có ông Nguyễn Tín là người thông hiểu thi thư, mang điều hiếu đễ, chăm làm việc thiện, giúp người già, cứu người nghèo. Một hôm Nguyễn Tín nằm mơ thấy một người cổ quái, mặc áo xanh, tay cầm cờ xanh, từ ngoài đi thẳng đến giường bảo:
Ngày mai có khách đến nhà, chính là phúc tinh giáng thế, trời gửi vào nhà ngươi đấy. Ngươi hãy dọn dẹp nhà cửa đón khách quý, chớ có coi thường.
Nguyễn Tín chợt tỉnh giấc, lấy làm lạ. Hôm sau ông sai dọn dẹp nhà cửa, trưng bày đồ quý chờ khách. Chờ mãi đến tối sẩm chỉ thấy mẹ con người ăn mày gõ cửa. Nguyễn Tín thấy đứa bé khôi ngô, mắt sáng như sao thì tin lời thần nhân báo mộng, giữ mẹ con họ lại đối đãi chu đáo. Cao Doãn được Nguyễn Tín dạy bảo, học một biết mười, thông minh khác người. Cao Doãn còn học cả võ nghệ, binh thư, Nguyễn Tín yêu mến gả con gái là Đào cho. Đào vốn là tiên nữ giáng trần. Khi trước bà Trương Thị Hạnh nằm mơ cưỡi rồng bay lên trời hái được quả đào tiên ăn mà mang thai, nên đặt tên là Đào. Hơn mười tuổi Đào đã có dáng dấp tiên nga. Đào cùng học văn chương, binh pháp với Cao Doãn nên tài thao lược không kém là bao.
Thái thú Tô Định nhà Hán là kẻ bạo ngược, tham tàn. Nghe tin Đào nương xinh đẹp, hắn đòi về làm thiếp. Tín công hết sức thoái thác. Tô Định liền sai quân đến bắt giết. Vợ chồng Cao Doãn cả giận, kêu gọi dân chúng chống lại. Mọi người căm giận quân Hán theo về chật đất Thiên Thai. Trưng nữ Vương lúc đó cũng đang tiến quân về vây phủ thành Luy Lâu, liền cử người liên lạc với Cao Doãn. Cao Doãn kéo quân hưởng ứng. Trưng vương cả mừng nói: Trời vì vua mà sinh người hiền tài phò tá. Rồi cử Cao Doãn làm đại tướng tiên phong. Quân Tô Định chỉ quen cướp bóc hại người, nghe tin quân Hai Bà đến sợ vỡ mật tranh nhau chạy trốn. Tô Định cũng chui qua lỗ rào ra sông Dâu cướp thuyền con chạy thoát.
Mấy năm sau nhà Hán cử Mã Viện đem quân sang rửa nhục. Vợ chồng tướng Cao Doãn lại ra trận, nhưng thế không địch nổi giặc mạnh phải lui quân về căn cứ ở Tản Viên. Mã Viện sai quân đuổi gấp. Quyết không sa vào tay giặc, Hai Bà nhảy xuống sông tự vẫn. Đào nương dẫn quân chạy về miền biển bị giặc đuổi kịp, bà cũng nhảy xuống biển tự vẫn. Cao Doãn phá được vòng vây chạy vào Thiên Thai, nghe tin Đào nương tự tận cũng đi vào núi mà hoá.
Dân làng Gủ thương mến vợ chồng tướng tài Doãn công - Đào nương lập miếu thờ. Đến thời Sĩ Nhiếp chính thức ban tặng chữ Thượng đẳng phúc thần cho Doãn công - Đào nương để dân làng thờ tự mãi mãi.
Hơn một nghìn năm sau làng Gủ có vợ chồng Lê Thành - Trần Thị Tín giỏi nghề thuốc cứu người. Họ lại hay làm việc thiện, dân khen: Tích thiện chi gia, tất hữu dư khương (Nhà chứa thiện sẽ nhiều phúc). ít lâu sau bà Tín nằm mơ thấy sao sa vào bụng rồi có thai. Ngày 11 tháng Hai năm Canh Dần (1050) sinh một trai, đặt tên là Thịnh. Đứa bé thông minh từ nhỏ, hơn mười tuổi đã thông hết kinh nghĩa. Lớn lên Lê Văn Thịnh đi dạy học, giáo hoá ở nhiều nơi. Năm ất Mão (1075) vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác sĩ, Lê Văn Thịnh tham dự và đỗ đầu. Làm quan trong triều nhưng Lê Văn Thịnh vẫn không quên giúp đỡ dân quê việc làm ăn và giáo hoá kinh nghĩa. Nhiều nơi đã dựng nhà tưởng nhớ ngay khi Lê Văn Thịnh còn sống người đời suy tôn ông là Trạng Gủ. Trong triều, uy tín của Trạng Gủ ngày một tăng. Năm 1084 vua cử Trạng Gủ đi sứ Bắc đòi đất Quảng Nguyên. Nhà Tống không muốn trả đất nói:
- Đất đai nào trước đây quân ta đã đánh chiếm thì nên trả lại cho Đại Việt, còn những đất đai mà bọn lại mục của họ tự đem dâng nộp để theo ta thì không thể trả lại.
Trạng Gủ bình tĩnh tranh biện:
- Đất thì có chủ, bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không thể tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm thì vương pháp cũng không dung. Lẽ nào các ông không biết điều đó mà cố tình phạm vương pháp để tiếng xấu muôn đời sao.
Nhà Tống cứng họng buộc phải trả nước ta toàn bộ 3 động 6 huyện đã chiếm từ trước.
Nhân công trạng này vua Lý phong Trạng Gủ làm Thái sư Thái phó dạy vua kinh nghĩa. Thời ấy vua trẻ ham chơi, lập hành cung Dâm Đàm hưởng lạc, bỏ bê chính sự. Thái phó nhiều lần can ngăn và trách phạt vua. Một lần có kẻ cận thần xúi bẩy vua, kết tội Thái phó hoá hổ giết vua đoạt ngôi, nên Trạng Gủ bị định tội chết. Thái hậu ỷ Lan gỡ cho thành tội đi đày Thao Giang.
Năm 1098 Trạng Gủ về quê, đến Đình Tổ thì hoá. Dân Đình Tổ thờ làm thành hoàng. Hiện đình Đình Tổ có câu đối cổ:
Đông nhạc giáng thần, vi lương sứ, vi sư, vi tướng, quán cổ nguy khoa truyền Lý sử
Nam triều hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm.
Từ xưa làng Gủ có ngôi đình lớn, tục gọi là đình Cả. Hội làng tổ chức vào ngày mồng Sáu tháng Hai âm lịch là ngày sinh của Doãn công. Năm xóm sau này có đình riêng, nên gọi là Ngũ đình nội. Lại có năm làng khác cùng thờ Trạng Gủ gọi là Ngũ đình ngoại. Tất cả đều chung ngày hội ở đình Cả, nên gọi là Hội Thập Đình. Đây là lễ hội lớn của cả vùng Thiên Thai.
Trước ngày chính hội làng làm lễ mộc dục. Ngày chính hội cả chín làng rước ngai thánh về đình Cả công đồng. Phân công lễ tế như sau:
- Bảo Tháp làm chủ tế và tả văn. Chủ tế phải chọn người có bố mẹ song toàn, đức hạnh cao. Tả văn do tiên chỉ làm. Rước văn do lý trưởng dẫn đầu. Tiên chỉ phải làm cỗ đãi đoàn rước văn.
- Yên Việt làm đông xướng.
- Hương Vinh đọc văn.
- Đông Cao làm tây xướng.
Tế xong thì ăn uống tại đình Cả, rồi rước ngai thánh về từng đình của mỗi làng. Đoàn rước gồm cờ, chiêng, trống, long đình, nhang án, ngựa thờ, kiệu và bát cống.
Ngày nay tham gia lễ hội Thập Đình gồm 13 thôn của 5 xã 1 thị trấn là các thôn: Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Cứu Sơn, Hiệp Sơn, Nội Phú, Phú Minh, Nghĩa Thắng, Huề Đông, Địch Trung, Chi Nhị và Chi Xá.
Đền thờ Lê Văn Thịnh hiện nay ở thôn Bảo Tháp theo truyền ngôn là Dinh Trạng thời xưa. Đền nằm ở thế đất đẹp nơi sườn thấp núi Thiên Thai. Khi xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm dân làng hoá gia vi tự, gọi là chùa Thiên Thư. Sau làng làm thêm nội tự chùa, trả dinh Trạng làm đền thờ. Trong đền thờ có một di vật quý là con rồng đá đầu rắn, thân hình to lớn, miệng cắn chặt vào thân mình. Tương truyền tượng này do Thái hậu ỷ Lan bí mật sai người làm và chôn xuống đất vườn nhà Trạng Gủ như một lời nhắn với hậu thế về nỗi oan Trạng Gủ sinh thời phải gánh chịu.
(*) Theo Thần phả và tư liệu địa phương ở Bảo Tháp.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ -An Bình-Thuận Thành
Ý kiến ()