Thấm thoắt 2 thập kỷ trôi qua, ngoảnh nhìn lại quá trình kiến thiết ấy mới thấy hết nỗ lực, tầm nhìn chiến lược của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay Bắc Ninh kiến thiết lên một đô thị hiện đại. Người dân Bắc Ninh hôm nay kiêu hãnh, tự hào về mảnh đất nhỏ bé nhưng ẩn chứa một nội lực phi thường, bởi hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S này hội tụ được nhiều Tập đoàn kinh tế toàn cầu đến đầu tư, tạo thế và lực mới cho tỉnh, đưa quy mô nền kinh tế vươn lên đứng trong top đầu cả nước.
Bài 1: Hiện thực hóa quyết tâm chính trị
Những quyết sách đột phá
Trong bộn bề công việc sau những ngày tái lập tỉnh, lãnh đạo cùng cả triệu người dân Bắc Ninh xác định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội theo hướng CNH, HĐH. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, đa nghề… đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp. Ngay từ đầu, định hướng phát triển KCN - Đô thị được thể hiện trong Quyết định số 48/1998/QĐ-VB năm 1998 của UBND tỉnh v/v phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010. Định hướng đó còn được khẳng định trong Nghị quyết số 12-NQ/TU năm 2000; Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2001 và Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2006 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 4-5- 2001 về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các KCN, CCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa”. Chủ trương lấy phát triển các KCN làm khâu đột phá, tạo động lực chính để thúc đẩy quá trình CNH, là nhân tố, là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển, tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. Khẳng định chắc chắn Bắc Ninh đi đúng hướng, đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kiểm tra máy in lazer trước khi xuất xưởng tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Tiên Sơn).
Trong những bước đi đầu tiên sau tái lập tỉnh, tuy phát triển công nghiệp được coi là mục tiêu cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, nhưng phát triển ngành công nghiệp gì là chủ yếu, công nghệ thuộc thế hệ nào, tiêu chuẩn ra sao?... thì chưa được định hình một cách rõ ràng. Bắc Ninh động viên phát triển tất cả những yếu tố mà tỉnh đang có, tiếp nhận tất cả những doanh nghiệp có thiện chí về với tỉnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm tiến tới hoàn thiện các chính sách phát triển. Khởi đầu giai đoạn 1997- 2000, phát triển công nghiệp mới quan tâm nhiều đến số lượng để tạo diện mạo mới cho bước đệm tới tương lai. Tỉnh có sáng kiến về phát triển mô hình công nghiệp như liên kết làng nghề - CCN - KCN; KCN - đô thị… nhằm đa dạng các hình thức đầu tư phát triển hạ tầng, tạo lực thu hút các doanh nghiệp từ Hà Nội và các tỉnh khác, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cho họ nhận thấy nhiều lợi thế khi đến với Bắc Ninh.
Tới chiến lược “Trải thảm đỏ”
Từ năm 2000- 2006, công nghiệp Bắc Ninh được quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, tỉnh thực hiện chiến lược “trải thảm đỏ” nhằm tạo làn sóng đầu tư mới vào các KCN tập trung. Trong giai đoạn này chủ yếu là những dự án nhỏ, quy mô vốn thấp, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp... Công nghiệp điện tử chỉ có 2 dự án của Canon chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào các KCN Bắc Ninh (130 triệu USD/896 triệu USD). Suất đầu tư bình quân chỉ là 1-2 triệu USD/ha và khoảng 3 triệu USD/dự án. Việt Nam ra nhập WTO (năm 2006), tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh tăng trưởng nhanh, Canon mở rộng đầu tư nhà máy tại KCN Tiên Sơn, Tập đoàn Foxconn đầu tư vào KCN Quế Võ, các doanh nghiệp FDI khác cũng lần lượt góp mặt. Tiếp đến, các KCN VSIP, Yên Phong... bắt đầu xây dựng hạ tầng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2007, Samsung quyết định đầu tư dự án tại KCN Yên Phong I với số vốn đầu tiên là 670 triệu USD đã chính thức mở ra thế và lực mới, đòi hỏi một tư duy mới về phát triển công nghiệp của Bắc Ninh.
Ông Yoo Young Bok, Nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) từng chia sẻ, mục tiêu của Tập đoàn khi triển khai dự án tại Bắc Ninh kết hợp với hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh để xây dựng Khu tổ hợp CNTT Samsung (KCN Yên Phong) trở thành “cứ điểm” hàng đầu của Tập đoàn Samsung trên thế giới”. Thực hiện các cam kết đầu tư, Công ty triển khai Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thu hút nhiều cán bộ là những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, đây là cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Công ty và địa phương. Công ty luôn nỗ lực triển khai dự án theo đúng tiến độ và các thỏa thuận cam kết đầu tư, đồng thời mong muốn tiếp tục có sự hợp tác, giúp đỡ của địa phương.
Như cam kết của Tập đoàn Samsung, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày hồi tháng 3- 2017, dự kiến đến tháng 1- 2020 sẽ khánh thành đi vào hoạt động, quy mô sử dụng nguồn lao động chất lượng cao khoảng 4.000 người. Hi vọng sẽ tạo những đột phá mới trong lĩnh vực điện tử và viễn thông của Việt Nam.

KCN Quế Võ là một trong những KCN đầu tiên được lấp đầy diện tích.
Nổi bật nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Số lượng và chất lượng các dự án, nhất là dự án FDI tăng mạnh, tỷ suất đầu tư đạt gần 14 triệu USD/dự án và khoảng 9,03 triệu USD/ha. Từ 2008 đến nay cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông tại Bắc Ninh. Các dự án SEV II, SEV III, rồi đến Samsung Display 1, 2, 3... lần lượt hiện hữu tại các KCN, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn trong nước và khu vực.
Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh nhớ lại: Những ngày đầu bắt tay xây dựng KCN Tiên Sơn, Quế Võ nhiều người còn mơ hồ, chưa định hình được một KCN là như thế nào? Và một tỉnh công nghiệp thì sẽ ra sao? Những thắc mắc, băn khoăn đó nhanh chóng được giải đáp bởi sự hiện hữu của những nhà máy, xí nghiệp hiện đại, con em nông dân đã trở thành công nhân, kỹ sư làm chủ dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến ngay trên chính mảnh ruộng của quê mình. Và cứ thế từ KCN đầu tiên là Tiên Sơn, rồi đến Quế Võ I, II, Đại Đồng-Hoàn Sơn, Yên Phong I, II, VSIP… cho đến hôm nay đã định hình vóc dáng của 16 KCN tập trung. Trong đó, 13 khu được cấp Giấy CNĐT cho 16 dự án hạ tầng KCN với tổng diện tích quy hoạch 5.700 ha, 10 KCN đi vào hoạt động. Việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN theo đúng trình tự, tạo mặt bằng có hạ tầng tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI ngày một tăng.
Với một tầm nhìn tương lai, những hoạch định chiến lược được Đảng bộ, chính quyền và cả triệu người dân Bắc Ninh chung sức, đồng lòng quyết tâm sắp xếp lại cơ đồ, xây dựng quê hương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy thế nên những chủ trương, quyết sách của các thế hệ lãnh đạo tỉnh từng bước đi vào cuộc sống. Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh tiến hành cuộc cách mạng CNH, HĐH, cơ cấu sắp xếp lại sản xuất, rũ mình loại bỏ phương thức làm ăn cũ, tự tin đối diện cùng thời cuộc để đi lên. Hàng nghìn ha đất được quy hoạch xây dựng các KCN, CCN, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hàng loạt các chính sách, quy định cởi mở, hấp dẫn, tạo hình ảnh một Bắc Ninh thông thoáng, thân thiện đã cuốn hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư dựng nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Bắc Ninh đều phải thốt lên rằng “Bắc Ninh đất lành chim đậu”.
(Còn nữa)
Bài 2: Hòa cùng biển lớn
Ý kiến ()