Trong các văn kiện đại hội Ðảng và các Nghị quyết hội nghị Trung ương thời kỳ đổi mới, Ðảng luôn nhấn mạnh, xây dựng Ðảng là then chốt, cùng với phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng Ðảng, nhất là trong điều kiện Ðảng cầm quyền, phải chú trọng xây dựng Ðảng về đạo đức, lối sống. Ðây là điểm nhấn trong đổi mới tư duy xây dựng Ðảng.
Ðảng cầm quyền khởi xướng đường lối đổi mới, lãnh đạo và tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới ở nước ta. Ðổi mới không chỉ thay đổi mô hình kinh tế mà còn thay đổi mô hình phát triển xã hội nói chung. Ðổi mới gắn liền với hội nhập, hợp tác song phương và đa phương để phát triển, hợp tác gắn liền với cạnh tranh và đấu tranh. Hội nhập nhưng không tự đánh mất mình, vẫn giữ vững định hướng XHCN, kiên định con đường phát triển XHCN của Việt Nam. Ðây là thử thách lớn nhất đối với năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng ta trong bối cảnh mới của thời đại và thế giới đương đại.
Ðảng ta cầm quyền 70 năm nay, từ sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945. Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang, Ðảng ta thực sự là “con nòi của giai cấp công nhân” “lịch sử Ðảng là cả một pho lịch sử vàng”. Ðảng cách mạng chân chính mà lý do duy nhất để Ðảng tồn tại, chỉ vì dân, phấn đấu, hy sinh cũng vì nhân dân, vì độc lập-tự do-hạnh phúc của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân.
Song trong đổi mới đã gần 30 năm qua, nền kinh tế thị trường đã tác động vào đời sống xã hội, vào đời sống của Ðảng, của đội ngũ cán bộ đảng viên, có tác dụng tích cực lẫn tiêu cực. Tác động ấy đi liền với những phát sinh khi Ðảng đã cầm quyền. Tiền bạc, chức quyền, danh lợi cùng với chủ nghĩa cá nhân đã xâm nhập, thẩm thấu vào các quan hệ giữa con người với Tổ chức. Ðảng ở trong xã hội, Ðảng cũng như con người, là một cơ thể sống, như một lẽ tự nhiên, Ðảng cũng chịu ảnh hưởng từ những tác động đó. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống đã bộc lộ ra một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao. Quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm, thói vô cảm đã ở mức nặng nề. Tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn bởi nó đã trở nên phổ biến, ở mọi nơi, với những mức độ, hậu quả khác nhau. Ðây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Ðảng. Thực trạng này đang đe dọa đến sinh mệnh của Ðảng và sự tồn vong của chế độ như Ðảng đã cảnh báo. Ðây là vấn đề của mọi vấn đề cấp bách trong Ðảng hiện nay. Ðổi mới tư duy về xây dựng Ðảng phải đặc biệt chú ý tình trạng này.
Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu đi liền với những biến dạng, tha hóa về động cơ chính trị, về lý tưởng cách mạng. Nó đi liền với suy thoái tư tưởng, chính trị, sự yếu kém, rệu rã về tổ chức. Cầm quyền mà xa dân cũng tất yếu dẫn đến suy thoái như vậy. Bài học trả giá đau đớn từ Liên Xô, các nước XHCN Ðông Âu là bài học về sự suy thoái đạo đức, lối sống, mất dân chủ, sự thiếu vắng trách nhiệm, lảng tránh trách nhiệm khi cầm quyền. Thực tế và kinh nghiệm cho thấy, không một Ðảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi cơ sở xã hội suy yếu, mất lòng dân, khi suy đồi về đạo đức, lối sống diễn ra trong Ðảng, nhất là ở những cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo.
Suy thoái về đạo đức, lối sống làm mất đi khả năng miễn dich vu seo trước những độc tố mà kẻ thù tiêm nhiễm vào trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị và tổ chức. Bác Hồ đã dự báo sâu xa rằng, đảng Cách mạng, người cách mạng “phải giữ chủ nghĩa cho vững” lại phải “ít ham muốn về vật chất” nếu không sẽ biến chất, hư hỏng và đảng Cách mạng sẽ thoái hóa, thất bại, tan rã. Vào những năm cuối đời, Bác Hồ còn căn dặn “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và ra sức nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính…”. “Phải giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Trong điều kiện Ðảng cầm quyền phải chú trọng xây dựng Ðảng về đạo đức, lối sống của người đảng viên. Chúng ta thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ðó chỉ là điều cần chứ chưa đủ, phải coi trọng xây dựng Ðảng về đạo đức, lối sống, từ đảng viên, người lãnh đạo, các cơ quan lãnh đạo. Một khi đạo đức, lối sống trong Ðảng yếu kém sẽ tác động nguy hại tới chính trị, tư tưởng, tổ chức của Ðảng và cũng dẫn đến suy đồi đạo đức, lối sống trong xã hội.
Xây dựng Ðảng về đạo đức, lối sống là cốt lõi của xây dựng Ðảng về văn hóa, trong đó nổi bật là văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử trong Ðảng Cộng sản cầm quyền. Ðạo đức, lối sống cùng với năng lực tạo nên nhân cách, phẩm giá của mỗi người, của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mỗi tổ chức Ðảng và trong toàn Ðảng, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo đạo đức, lối sống, nhân cách của Ðảng.
Khi xác định “Ðảng là đạo đức, là văn minh” Bác Hồ đã thấy rõ tầm quan trọng của đạo đức, lối sống, coi đó là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng. Bác Hồ còn nhấn mạnh “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ”. Như vậy, Bác Hồ đã đưa yếu tố đạo đức vào trong chính trị, quan niệm chính trị gắn liền với đạo đức và văn hóa. Nếu đào tạo cán bộ là “công việc gốc” của Ðảng thì việc giáo dục, rèn luyện cán bộ hàng ngày, phải lấy đức làm gốc, tài là quan trọng, có đức phải có tài, nhưng đức là gốc, là hàng đầu, tài phải được bảo đảm bởi đạo đức. Phải có đạo đức, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách nhiệm, có lòng chân thành, có đức bao dung, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại đến uy tín, thanh danh của Ðảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, khí tiết, trong sáng, chính trực, không có gì mờ ám, khuất tất. Bác Hồ đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong “Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”. Người căn dặn cán bộ, đảng viên “ham học, ham làm, ham tiến bộ”, không ham tiền tài, không ham danh vọng, địa vị, quyền chức. Những cán bộ đó, nếu không làm chủ được, dễ rơi vào hư hỏng, thậm chí tội lỗi. Cho nên, người có đạo đức gương mẫu là người có đức hy sinh, có lòng vị tha, nhân ái, không vị kỷ, vụ lợi, vượt qua những cám dỗ tầm thường cá nhân chủ nghĩa.
Tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, chia rẽ, bè phái, cục bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng, kèn cựa địa vị, ham danh lợi, chức quyền làm suy yếu tổ chức, làm tổn thương đến quan hệ đồng chí trong Ðảng, uy tín thanh danh của Ðảng trong con mắt đánh giá của nhân dân… Cũng vì thế đạo đức trong Ðảng bị suy giảm. Không có đạo đức thì tổ chức Ðảng không thể trong sạch, vững mạnh, không có sức chiến đấu. Ðể tình trạng như vậy tư tưởng chỉ còn là hình thức hoặc bị hình thức hóa. Chính trị dù có đúng đắn cũng không có sức mạnh để thực hiện. Trong những tình huống phức tạp, không có những giá trị đạo đức ràng buộc, chính trị sẽ mất phương hướng và sai lầm.
Xa dân, quan liêu, tham nhũng và những suy đồi khác không được kiểm soát, không bị lên án, chậm phát triển, chậm sửa chữa đến mức không còn khả năng để sửa chữa là bài học phản diện về sự đổ vỡ thể chế và chế độ, về sự tan rã của các Ðảng Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và Ðông Âu, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa cảnh báo.
Rõ ràng xây dựng Ðảng về đạo đức, lối sống cách mạng, nhất là khi Ðảng cầm quyền trong nền kinh tế thị trường và hội nhập Quốc tế là rất cần thiết, rất cấp bách, phải đặt lên hàng đầu. Nó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Ðảng. Không có bảo đảm đạo đức thì nỗ lực xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức không thể thành công, không thể phát huy được tác dụng trong Ðảng và trong xã hội.
Ðặt ra xây dựng đạo đức, lối sống trong Ðảng là đạo đức, lối sống cách mạng: cần, kiệm, liêm chính và những nguyên tắc sống, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Ðòi hỏi đạo đức lối sống trong Ðảng là hành động, hướng tới nhân dân, vì nhân dân, vì thành công của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Xây dựng Ðảng về đạo đức lối sống để làm cho Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng, để hình tượng Ðảng thực sự xứng đáng trong niềm tin cậy và mong đợi của nhân dân. Có đạo đức trong sáng thì chính trị đúng đắn, sáng suốt, kiên định; Tư tưởng khoa học, tiên tiến, hiện đại; Tổ chức thống nhất, chặt chẽ; Ðề cao dân chủ, pháp quyền, luật Ðảng, luật nước nghiêm minh, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Ý kiến ()