Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT, người lao động trong doanh nghiệp và việc cải cách chính sách BHXH là những nội dung quan trọng, có tác động trực tiếp đến hằng triệu người. Việc cải cách chính sách tiền lương và BHXH sẽ được xem xét và quyết định tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa 12) và đang nhận được sự quan tâm của xã hội.
Cải cách chính sách tiền lương phù hợp với sự phát triển
Những năm qua, việc cải cách tiền lương được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm bảo đảm đời sống, động viên cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người lao động yên tâm công tác, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền lương vẫn còn những hạn chế nhất định. Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay là cần thực hiện cải cách nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… Mục đích cao nhất của đề án là tạo ra động lực mới, đặc biệt là đối với những người có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc góp phần tăng năng suất lao động.
Đây là vấn đề lớn nên nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chị Hoàng Thị Lý, giáo viên Mầm non ở Gia Bình cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên việc trả lương được thực hiện theo quy định và luôn ổn định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thu nhập của giáo viên mầm non còn thấp. Việc các cấp, các ngành đưa ra phương hướng cải cách chính sách tiền lương là điều cần thiết và đáp ứng mong muốn của nhiều người”. Anh Trần Đình Tân, là công nhân tại 1 công ty thuộc KCN Quế Võ cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi biết hiện nay Nhà nước đang xem xét Đề án cải cách chính sách tiền lương, trong đó nêu rõ quan điểm “Tiền lương phải là thu nhập chính”. Đây là quan điểm rất đúng đắn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho công chức, viên chức, người lao động; giúp bảo đảm, nâng cao đời sống động viên mọi người yên tâm công tác, lao động, sản xuất”.
Theo Đề án cải cách được trình, sẽ có hệ thống bảng lương mới thay thế bảng lương cũ. Bảng lương mới sẽ được xây dựng đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Đáng chú ý, thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Như vậy, so với hệ thống bảng lương hiện hành, hệ thống bảng lương mới sẽ không còn bảng lương cho chuyên gia cao cấp; bảng lương của cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Đề án cũng chỉ rõ, đối với những công việc thừa hành, phục vụ (lái xe, tạp vụ...) sẽ thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động, hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức như trước.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Đề án nêu định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp. Theo Đề án, tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành trong doanh nghiệp sẽ được tách bạch; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Để thực hiện nội dung cải cách trên, Đề án nêu giải pháp hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để có cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm…
Thay đổi chính sách, hướng tới Bảo hiểm Xã hội toàn dân
BHXH là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, tác động đến nhiều người, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác an sinh xã hội. Chính vì tầm quan trọng của chính sách BHXH, những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện chính sách bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Cùng với cả nước, chính sách BHXH tại Bắc Ninh được triển khai thực hiện hiệu quả suốt những năm qua. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, công tác BHXH trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mới, đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi chính sách BHXH, BHYT. Năm 1998, toàn tỉnh mới chỉ có 441 đơn vị, với 26.557 người tham gia BHXH, thì đến nay, số đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 5.996 đơn vị với số người tham gia BHXH, BHYT là hơn 1,2 triệu người. Bắc Ninh cũng là tỉnh có nhiều chính sách ưu việt, nhân văn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Việc thực hiện tốt chính sách BHXH không chỉ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động mà còn tạo sự ổn định, đóng góp tích cực vào chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song việc thực hiện chính sách BHXH của cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục những bất cập cũng như tạo điều kiện ngày càng nhiều người tham gia BHXH, đưa chính sách này thực sự đi sâu vào cuộc sống, hiện nay các cấp, ngành hữu quan đang trình phương án cải cách chính sách BHXH. Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh, việc cải cách chính sách BHXH là nhu cầu tất yếu và có ý nghĩa trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập hiện nay. Cải cách chính sách BHXH sẽ hoàn thiện về cơ chế chính sách, giúp việc triển khai thực hiện hiệu quả đồng thời tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người dân tiếp cận, thụ hưởng chính sách ưu việt BHXH.
Theo Đề án được trình sẽ có nhiều đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH, trong đó nổi bật là sẽ có những chính sách phù hợp để cho ngày càng nhiều người dân tham gia BHXH. Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả. Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường. Với mô hình BHXH đa tầng này, mọi đối tượng trong độ tuổi lao động và người cao tuổi đều có thể tham gia, không có giới hạn.
Đề án quy định người lao động tham gia BHXH trên 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Bên cạnh đó, đề án cũng nêu việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với ngân sách Nhà nước. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH…
Với nhiều cải cách mang tính cách mạng, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách BHXH sẽ tạo ra bước ngoặt, tác động mạnh mẽ đến công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.
Ngọc Đăng
Ý kiến ()