Bắc Ninh, với vị trí địa chính trị là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, diện tích, dân số phù hợp, hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện, kinh tế, văn hóa phát triển, thích hợp để thí điểm triển khai “Tỉnh an toàn giao thông” (ATGT). Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ Công an và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về thí điểm xây dựng “Tỉnh ATGT” đã đạt nhiều kết quả nổi bật, dần hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn, hạnh phúc nhân dân.
Trên dưới đồng lòng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15-3-2023 về xây dựng “Tỉnh ATGT”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 24-3-2023 về xây dựng “Tỉnh ATGT” với các mục tiêu chính: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực, thay đổi diện mạo, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Làm giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân khi tham gia giao thông; khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc giao thông; Thiết lập trật tự, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hình thành đặc trưng “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh - Kinh Bắc; Phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mật độ phương tiện; kịp thời khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông vận tải; Huy động lực lượng, phương tiện, kinh phí phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Bắc Ninh tập trung các nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai bằng hình thức trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh đến các chi bộ, khu phố, thôn xóm và trực tuyến với 260 điểm cầu, 16.600 đại biểu và trên 300.000 người dân nghiên cứu, học tập trực tiếp. 100% các ban, sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo cấp dưới thực hiện; thành lập Tổ Thường trực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức quán triệt đến từng chi bộ, khu phố, thôn xóm, đoàn thể… Các ban, sở, ngành, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự ATGT; bổ sung vào quy chế quản lý cán bộ nội dung xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách... Các địa phương, cơ sở xây dựng và duy trì nhiều mô hình bảo đảm ATGT…
Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị chức năng ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 87 và Kế hoạch số 71. Tiêu biểu, UBND tỉnh ban hành Công điện số 1070/CĐ-UBND ngày 13-4-2023 về việc mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 14-12-2023 về ban hành Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực tế, kịp thời chỉ đạo giải quyết triệt để những vướng mắc nảy sinh...
Công tác tuyên truyền về xây dựng “Tỉnh ATGT” gắn với xây dựng Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, bao trùm các nhóm đối tượng... Trong đó, nhận diện và tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng có tỷ lệ TNGT, vi phạm giao thông cao (công nhân, lao động ngoại tỉnh, lái xe...). Đồng thời, đã ưu tiên các giải pháp đảm bảo TTAGT đối với nhóm học sinh, sinh viên để hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh bền vững, lâu dài thông qua xây dựng mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”.
Nâng tầm ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông
Nghị quyết số 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, và nhân dân trong tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả 6 bộ tiêu chí về ATGT; xây dựng thành công nhiều mô hình tự quản về TTATGT như: “xếp hàng đón con”; “cổng trường an toàn giao thông”; “nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm TTATGT đối với học sinh, sinh viên.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Trung tâm Chỉ huy Công an tỉnh.
Các cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT, nhất là công tác xử lý vi phạm TTATGT. Do đó, chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm được nâng lên rõ rệt, kiểm soát quyết liệt, hiệu quả đối với vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn..., xây dựng thành công văn hóa “đã uống rượu, bia, không lái xe”, góp phần phòng ngừa, làm giảm TNGT trên các tuyến giao thông. 100% điểm đen TNGT được khắc phục, giải quyết một cách triệt để; triển khai lắp đặt 100% gờ giảm tốc từ ngõ ra đường chính; các điểm nóng, điểm phức tạp về TTATGT đều được chỉ đạo giải quyết kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên; tích cực ủng hộ, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT. Kết quả quan trọng nhất là TNGT được kiềm chế và làm giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Cụ thể, tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm trước 16% số vụ, 19,7% số người chết, 19,1% số người bị thương.
Vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Những kết quả đạt được qua 1 năm xây dựng “Tỉnh ATGT” đã cho thấy tác động tích cực từ chủ trương của Đảng đối với đời sống xã hội. Để tiếp tục nhân lên những ưu việt của chủ trương này, theo Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ Phó thường trực Tổ Thường trực xây dựng Tỉnh ATGT: Trong thời gian tới, cần kiên định mục tiêu, giữ vững và phát huy kết quả đạt được và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh ATGT”, Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh, coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật, trước mắt cần xác định đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng “Tỉnh ATGT”, xây dựng văn hóa giao thông là nhiệm vụ quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân từ đó triển khai thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả; có kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện hằng tuần, hằng tháng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, coi đây là việc làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết… Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, đồng thời khuyến khích, động viên các cấp, ngành hữu quan, các tổ chức, cá nhân có những sáng tạo trong xây dựng mô hình, nhất là trong các dòng họ, khu phố, khu công nghiệp, trường học… để tiếp thu, nghiên cứu, áp dụng vào thực tế. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATGT, trong thực hiện Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh; không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm. Người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các qui định về bảo đảm ATGT vì sự an toàn cho chính mình và xã hội, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Vân Giang
Ý kiến ()