Đẩy mạnh số hóa mở rộng thị trường tiêu dùng bằng cách sử dụng mạng xã hội, xây dựng trang web và mở cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử; đổi mới sản phẩm, tăng cường liên kết du lịch để quảng bá sản phẩm làng nghề…đã và đang là cách người dân làng nghề truyền thống của tỉnh thực hiện,
Qua số điện thoại được quảng bá trên Website, chúng tôi liên hệ và kết nối với chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở đúc đồng Duy Khang (xã Đại Bái, huyện Gia Bình). Bằng các nền tảng Zalo, Facebook, chúng tôi được chị Huyền giới thiệu về các mẫu mã, sản phẩm mới nhất phục vụ nhu cầu tiêu thụ những ngày cuối năm 2024 như đỉnh, tranh đồng, nội thất đồng… Đặc biệt, để tiện cho những khách ở xa, chị còn quay video ngắn về việc chế tác, hoa văn, mẫu mã sản phẩm để người mua có thêm những cân nhắc trong việc lựa chọn sản phẩm.
Chị Huyền cho biết: “Thời gian gần đây, song song với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, tôi và nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất được chúng tôi tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng.”
Trước kia, các quy trình trong nghề đúc đồng ở Đại Bái đều được làm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và tay nghề cao của người thợ. Hiện nay, người dân Đại Bái dần áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại để tối ưu hóa quy trình. Điển hình, máy thủy lực đưa vào sử dụng trong khâu tạo hình tranh chữ và các sản phẩm cần độ chính xác cao thay thế cho việc dập thủ công. Trong khâu đúc đồng, lò điện cũng dần được dùng để gia nhiệt cho quy trình đúc, giúp kiểm soát nhiệt độ, đảm bảo thành phẩm đạt được độ đồng nhất cao.
Bán hàng online hoặc qua các trang thương mại điện tử giúp nhiều cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ ở Đại Bái nâng cao doanh số, có thêm nhiều khách hàng mới.
Nếu như trước đây, sản phẩm của làng chủ yếu được bán qua các cửa hàng trưng bày tại chỗ, thì nay nhờ vào các kênh thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Facebook và đặc biệt là TikTok, làng nghề đã tiếp cận được đông đảo khách hàng trên cả nước. Theo Bí thư Đoàn xã Đại Bái Nguyễn Thị Liễu: Địa phương có khoảng gần 60 hộ là đoàn viên thanh niên (chiếm khoảng 30%) số hộ làm nghề. Nhóm thợ trẻ nhanh chóng nắm bắt xu hướng bán hàng trực tuyến và xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm qua hình thức livestream, trở thành kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm thủ công của Đại Bái. Những nội dung thú vị, sáng tạo về quá trình sản xuất, câu chuyện và giá trị văn hóa của từng món đồ giúp người mua không chỉ hiểu thêm về sản phẩm mà còn cảm nhận được niềm đam mê và công sức của người thợ làng nghề. Sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử ngày càng tăng, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu bán hàng.
Nhiều người dân làng nghề gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ) cũng đang tích cực đổi mới sản phẩm, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng. Chủ cơ sở sản xuất gốm Minh Tâm, chị Đặng Thị Tâm (36 tuổi) cho hay: “Ban đầu cơ sở của tôi vốn chuyên sản xuất sản phẩm truyền thống như chum, vại, tiểu, quách, tranh, bình gốm. Đến đầu năm 2024, qua học hỏi và nắm bắt nhu cầu thị trường tôi sản xuất thêm các sản phẩm bát, chén, cốc, niêu kho cá bằng gốm. Tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất bát đĩa sao cho đẹp mắt và đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng. Với cách làm mới, các sản phẩm của tôi tạo được sự thu hút lớn đến khách hàng. Từ không gian mạng, chúng tôi có thể cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ... kết hợp giao hàng tận nơi, nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán.” Nhờ các sản phẩm mới, qua các kênh bán hàng trực tuyến như: Zalo, Facebook, Tiktok, chợ online Bắc Ninh… cơ sở sản xuất của chị bán được lượng hàng nhiều gấp 3-4 lần so bán tại nhà và qua các cuộc trưng bày.
Ngoài ra, để đông đảo khách trong và ngoài tỉnh biết đến làng nghề, cơ sở của chị kết nối với các xưởng gốm khác liên kết và mở Hợp tác xã dịch vụ du lịch bảo tồn văn hoá Việt để đón khách du lịch với những mức giá, hoạt động phù hợp với nhiều đối tượng. Khách du lịch vừa có cơ hội trải nghiệm làng nghề, mua và giới thiệu sản phẩm. Ước tính, mỗi năm có khoảng 15.000 lượt khách du lịch đến thăm và trải nghiệm, mua sắm tại cơ sở gốm.
Các tour du lịch làng nghề đưa du khách đến gần hơn với các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Sự linh hoạt trong việc áp dụng số hóa vào quảng bá và bán hàng đã giúp các làng nghề tiếp cận được với nhu cầu đa dạng của khách hàng. Không chỉ có những sản phẩm truyền thống, mà còn có các sản phẩm được cải tiến, phù hợp hơn với thị hiếu hiện đại. Từ những video ngắn giới thiệu quy trình sản xuất, khách hàng có thể cảm nhận được công sức và niềm đam mê của những người thợ lành nghề, tạo nên mối liên kết gần gũi và gia tăng sự tin tưởng. Với một số làng nghề, việc giới thiệu văn hóa làng nghề kết hợp với du lịch trải nghiệm cũng đang là một phương thức hiệu quả để tăng cường giá trị thương hiệu, làm sâu sắc thêm dấu ấn văn hóa cho mỗi sản phẩm.
Việc áp dụng số hóa và chuyển đổi số vào các làng nghề truyền thống đã mang lại những kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của các sản phẩm thủ công trong bối cảnh hiện đại. Nhờ vào các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như: Facebook, Zalo, Shopee, Tiki hay TikTok, các sản phẩm từ làng nghề không chỉ còn giới hạn trong phạm vi địa phương mà đã có thể vươn xa, tiếp cận đến hàng triệu người tiêu dùng khắp cả nước. Thời gian qua, nhiều sở, ngành, địa phương đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân, các làng nghề truyền thống tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như: Sở Công Thương triển khai hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Nâng cấp, kết nối Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn) với hệ thống Sàn thương mại điện tử hợp nhất của Việt Nam (sanviet.vn) nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp địa phương nâng cao hiệu quả giao dịch, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua thương mại điện tử. Tập huấn, hướng dẫn trải nghiệm thực tế, livestream bán hàng tại các gian hàng, quảng bá sản phẩm địa phương trên nền tảng thương mại điện tử. Cổng thông tin điện tử các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục riêng về các sản phẩm OCOP và tăng cường các hoạt động tuyên truyền về sản phẩm đặc thù địa phương; \phối hợp xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tổ chức được việc quản lý chất lượng sản phẩm theo tem, nhãn hiệu sản phẩm; Tỉnh Đoàn Bắc Ninh triển khai Cuộc thi “Sắc màu OCOP và sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh”… Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống qua nền tảng công nghệ số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online. Số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất trong làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...
Thời gian tới, để phát huy tối đa tiềm năng của chuyển đổi số, tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh, cần có sự phối hợp từ các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư cho các cơ sở sản xuất thay đổi công nghệ, kết nối cung cầu trên các sàn TMĐT, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, tham gia chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm; tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng công nghệ cho người dân làng nghề. Điều này không chỉ giúp các hộ sản xuất chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa sản phẩm làng nghề ra xa hơn nữa. Khi các làng nghề phát triển bền vững trong thời đại số, không chỉ người thợ mà cả cộng đồng đều được hưởng lợi, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thanh Tùng
Ý kiến ()