Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội cho mãi tới những năm đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, xã Đông Thọ (Yên Phong) nổi tiếng cả nước với câu ca: “Cày bừa Đông Suất, Mía đường tỉnh Thanh”. Người dân nơi đây vốn hay lam, hay làm lại năng động cùng cơ chế thị trường. Khi cơ giới hóa nông nghiệp thay thế cho “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, người Đông Thọ đã nhạy bén chuyển đổi nghề làm cày bừa sang đồ mộc dân dụng. Đặc biệt, nghề phụ “tóc rối đổi kẹo kéo” vốn chỉ có vài người tranh thủ thời vụ nông nhàn đi làm nay được nhân rộng thành làng nghề “buôn tóc” cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần đắc lực xây dựng hình ảnh nông thôn mới, con người mới nơi đây.
Giàu lên từ tóc
Dẫn chúng tôi về nhà xem tóc, bà Đỗ Thị Trường, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Thọ đồng thời cũng là Doanh nghiệp buôn tóc “có số, có má” dừng lại ở đầu làng, chỉ những dãy nhà cao tầng đã và đang đua nhau mọc lên, nói ngắn gọn: “Tất cả từ buôn tóc mà ra. Thôn Đông Bích có 100% số hộ làm nghề, thôn Bình An có 70 %. Ở hai thôn, số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 8 hộ (rơi vào những gia đình tàn tật, mất khả năng lao động), tỷ lệ khá giàu chiếm 70%”.
Câu chuyện của chúng tôi với bà Trường liên tục ngắt quãng bởi chuông điện thoại. Người dân đi thu mua ở khắp nơi rồi điện thoại về cho các đại lý thông báo số lượng, chủng loại, giá cả để giao dich vu seo tiền qua tài khoản. Người dân quê vốn chân chất, thật thà. Dẫu thương trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng dù là người đi thu mua hay đại lý cũng không thể làm ăn gian dối. Bà Trường bảo: ‘Các cụ dạy: Phi thương bất phú. Nhưng buôn bán mà không giữ chữ Tín thì không bền. Ở làng không bao giờ có chuyện tranh mua, tranh bán, giành giật bạn hàng của nhau. Mỗi hộ chuyên sâu về một chủng loại tóc, người chuyên tóc dài, người tóc rối, người chỉ mua tóc vụn. Giá mua theo thị trường, khéo làm, khéo lựa thì lãi cao”. Ngẫm ra, triết lý kinh doanh thật bình dị mà sâu sắc. Người Đông Thọ ngoài cái giàu về vật chất đã và đang giàu nên về tình người, về đạo nghĩa kinh doanh.
Dạo qua một số đại lý thu mua tóc mới thấy nghề này không hề đơn giản. Tóc được phân ra làm 3 loại. Tóc nóng là tóc cắt cả lọn. Tóc tỉa là tóc cắt tỉa trên đầu (đây là loại tóc có giá trị nhất). Tóc ngắn, tóc rối được thu gom từ các hiệu cắt tóc. Giá mỗi bộ tóc tùy thuộc vào độ dầy, dài, vuông. Những con tóc đẹp, dài có giá vài ba triệu đồng. Tóc ngắn phải qua sơ chế, chỉnh sửa gội sấy cẩn thận. Nhiều chị nói vui: “tóc thật của mình có khi mấy ngày mới gội mà tóc người cứ phải liên tục gội sấy, chải chuốt’.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ tiết lộ: Bao năm qua Đông Thọ chưa bao giờ phải băn khoăn về vấn đề việc làm cho người lao động lúc nông nhàn hay phát triển công nghiệp. Địa phương ngoài nghề mộc truyền thống nay phát triển thêm nghề thu mua tóc, gỡ tóc rối cho các đại lý đã giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động. Thu nhập bình quân đầu người từ nghề phụ hơn 10 triệu đồng/năm. Các tổ chức tín dụng luôn yên tâm khi đầu tư nguồn vốn cho người dân phát triển nghề vì hiệu quả kinh tế cao, tính thanh khoản minh bạch.
Ông Nguyễn Quang Chư, cán bộ văn phòng UBND xã Đông Thọ tiếp lời Chủ tịch Quyết: Đến nay, qua thống kê các tổ chức tín dụng đầu tư vốn cho riêng nghề Buôn tóc khoảng 50 tỷ đồng. Thời buổi kinh tế suy thoái kinh tế, trong khi nhiều mặt hàng đang “ế ẩm” không có đầu ra thì ở Đông Thọ, khách hàng nước ngoài về tận nhà các đại lý nằm chờ mua hàng. Mặc dù được liệt vào danh mục hàng phế liệu nhưng nhiều nhà buôn lớn có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Từng lọai tóc được bà Trường phân loại, đóng hộp cẩn thận trước khi xuất khẩu
Hàng qua sơ chế được các đại lý thu gom để bạn hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc về mua. Bằng công nghệ làm tóc tinh xảo, tùy theo độ dài ngắn, chất lượng từng loại tóc mà họ chế ra những bộ tóc giả, râu giả cho diễn viên, nghệ sĩ và các trung tâm đào tạo thợ làm tóc. Bà Trường quả quyết với chúng tôi: Ngoài đáp ứng nhu cầu nội địa, chắc chắn nước mình cũng phải nhập khẩu những bộ tóc giả có giá vài triệu, thậm chí cả chục triệu.
Việc kinh doanh phát đạt, một số hộ như: Nhà chị Thuỷ Dũng và anh Tính Huy còn thuê hẳn cửa hàng ở Thái Lan cho tiện giao dịch. Tiếng là nghề thu mua phế liệu nhưng người Đông Bích, Bình An cũng khá thức thời. Họ đi buôn nhưng ăn diện như công chức, giao tiếp với người nước ngoài không cần phiên dịch (sử dụng tiếng bồi - PV). Mỗi lần đối tác đến mua hàng, chủ nhà ra công an xã khai báo nghiêm chỉnh. Ở Đông Thọ nhiều năm liền không xảy ra tình trạng mất an ninh nông thôn hay tranh chấp kinh tế với người nước ngoài.
Định vị Thương hiệu làng nghề
Trước đây, người dân Bình An, Đông Bích có nghề “tóc rối đổi kẹo kéo”. Người đi thu mua cũng chỉ làm ăn cò con chứ có nghĩ gì đến chuyện xuất khẩu “thứ bỏ đi” ấy. Đầu thập kỷ 90, khi một số người đi buôn trên Lạng Sơn tìm được mối hàng, thấy có lãi cao nên người làng bảo nhau đi thu mua tóc, buôn tóc. Bà Trường khoe với chúng tôi: “Hễ nghe thấy ở đâu đó trên đất nước này tiếng rao: Ai bán tóc không? Thì đó là người của Đông Thọ. Toàn xã hiện có hơn 400 hộ dân cả hai vợ chồng đi thu mua tóc”.
Hàng ngày, lực lượng đi thu mua hàng trăm người tỏa về các làng quê, khu phố với phương tiện là chiếc xe máy cũ (có người vẫn đi xe đạp) gắn chiếc loa ở đầu xe với tiếng rao: “Ai bán tóc không? Tóc dài bán nào?”
Vui vì kinh tế phát triển nhưng nghề thu mua tóc cũng lắm gian truân. Bà Trường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ở làng Đông Bích có cặp vợ chồng (xin được giấu tên-PV) đi mua tóc ở Hải Phòng bị chủ nhà đánh rồi vu cho là đi lừa đảo. Khi công an vào cuộc họ mới được giải oan. Có cặp vợ chồng đứng ở hai đầu chợ phiên chào mời người bán tóc, chợ tan, miệng khô vì khát, bụng đói mà chẳng mua được lọn tóc nào. Những hôm đó coi như lỗ vốn. Người đi thu mua chủ yếu lấy công làm lãi.
Cả nước hiện chỉ có hai địa phương duy nhất làm nghề buôn tóc là Thiệu Tổ (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và Đông Thọ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Anh Thụ (một đại gia buôn tóc ở thôn Bình An-PV) thật hóm hỉnh: Người Quan họ có câu “Trăm khúc sông đổ dồn về một bến”. Dường như cơ duyên của người dân nơi đây phải gắn bó với nghề này nên ngoài những kỹ năng sơ chế, tiền vốn nhiều và cả sự chất phác, thật thà trong kinh doanh nên Đông Thọ trở thành điểm tập kết hàng của cả nước. Khách giao thương trong nước cũng như nước ngoài muốn tìm mối hàng đều về cả đây.
Người Đông Thọ năng động và ham làm giàu. Điều này được thể hiện rõ nét ở diện mạo làng xóm cũng như cuộc sống trong mỗi gia đình. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bản thân các bậc phụ huynh đều nhận thức sâu sắc “muốn sự giàu bền vững thì con cái phải được ăn học chu đáo và rèn luyện đạo đức thường xuyên”. Ở nhiều gia đình, bố mẹ xa nhà cả tháng trời nhưng không có tình trạng trẻ em bỏ học hay mải chơi. Thậm chí ngoài giờ học, các cháu còn phụ giúp ông bà ở nhà làm nghề. Cách quản lý con cái chỉ đơn thuần qua chiếc điện thoại nhưng nỗi vất vả, cực nhọc của cha mẹ bươn trải kiếm sống lo cho cuộc sống gia đình là những bài học sâu sắc nhất đối với trẻ em ở đây. Hàng năm tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT chiếm 70%. Địa bàn xã không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm. Hàng năm 80-85% hội viên phụ nữ đạt 4 chuẩn mực: gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ở Đông Thọ thành lập Câu lạc bộ nữ Doanh nhân nhằm tạo ra sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Lực lượng nòng cốt này ngoài hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế còn là hạt nhân tích cực xây dựng nông thôn mới, gia đình tiến bộ.
Đường làng Bình An, Đông Bích đang chuyển mình với nhịp sống phố thị. Nhà cao tầng mọc san sát, lạ mắt. Người dân nơi đây đã và đang nhân cấy thành công nghề mới, cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm nông nghiệp. Lời giải cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn chính là sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân.
Đồng hành cùng công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, gần 20 năm “ăn ra làm nên” từ nghề “buôn tóc”, người dân Đông Thọ đã dần định vị được một chỗ đứng cho làng nghề của mình. Bản sắc văn hóa làng nghề đất Bắc là truyền thống “cha truyền con nối”. Trong tương lai không xa, khi đất nước và cả những người dân sở tại tiếp cận và hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới, Ở Đông Thọ sẽ không chỉ dừng lại ở nghề “buôn tóc” mà sẽ có những sản phẩm thời trang từ tóc phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của mọi người. Chắc chắn là như vậy!!
Tháng 8 năm 2009
Phóng sự dự thi của Đào Khoa- Minh Huyền
Ý kiến ()