Chiều 12-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật (Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại Tổ 13; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại Tổ 13. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng. Tại phiên thảo luận tổ Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 lượt đại biểu tham gia góp ý kiến.
Cần sửa đổi, bổ sung 5 Luật toàn diện, phù hợp thực tiễn

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 Luật (Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính, Tư pháp người chưa thành niên, Phá sản và Luật hoà giải) một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn. Để hoàn thiện dự thảo luật, theo đại biểu Cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4, Điều 41 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định Chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền như sau: “4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết”. Sửa đổi kết cấu và nội dung Điều 24 Luật Tố tụng hành chính như sau: “Điều 24. Giám đốc việc xét xử: Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Về thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đề nghị sửa lại như sau: “Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) khu vực có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp xã; báo cáo Chánh án TAND cấp tỉnh, đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án TAND tỉnh đề nghị Chánh án TAND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương. Chánh án TAND cấp tỉnh có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án TAND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương”.
Đề nghị tăng số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương
Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu Trần Thị Vân đề nghi cần nghiên cứu tăng số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương từ có ít nhất 3 đại biểu, lên có ít nhất 5 đại biểu. Vì theo đề án sáp nhập tỉnh thành, số lượng tỉnh, thành cả nước giảm khoảng 50% (34 đơn vị cấp tỉnh), trong khi đó tổng số ĐBQH được bầu cơ bản không thay đổi (không quá năm trăm người). Việc giữ nguyên số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương với địa bàn rộng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Nhằm đơn giản hóa về mặt thủ tục đối với hội nghị hiệp thương, đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian, bảo đảm tính dân chủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức cũng như sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu đề nghị: Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi chủ thể tổ chức hội nghiệp hiệp thương ở Trương ương theo hướng: “Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai ở Trung ương, riêng hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương vẫn do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức”. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động bầu cử, đặc biệt là trong công tác kiểm phiếu và tổng hợp kết quả bầu cử để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Cần có bộ quy tắc nội bộ riêng về bảo vệ dữ liệu
Tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 5 như sau: “Trong trường hợp Luật này có quy định khác với Luật chuyên ngành thì áp dụng Luật chuyên ngành”. Cùng với đó, cần xem xét bổ sung quy định các hình thức về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 10) được thừa nhận là sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Theo đại biểu, quy định cấm thuê bên thứ ba (tại khoản 7 Điều 24 và điểm c khoản 2 Điều 25) không khả thi và chưa phù hợp với thực tiễn. Nếu cấm thuê bên thứ ba sẽ hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ. Các công ty nhỏ nếu không dựa vào các nền tảng quảng cáo của các công ty thứ ba thì chi phí quảng cáo rất lớn, gây ra những khó khăn, có thể dẫn đến mua dữ liệu trái phép để tiết kiệm chi phí. Đề nghị bổ sung quy định cơ quan nhà nước xử lý dữ liệu lớn cần có bộ quy tắc nội bộ riêng về bảo vệ dữ liệu, đánh giá định kỳ, mã hóa phân quyền truy cập, khôi phục dữ liệu khi xảy ra sự cố. Việc thực hiện đánh giá tác động (Điều 45, 46), chỉ định/thuê Tổ chức/Chuyên gia bảo vệ dữ liệu (Điều 39, 40, 41), đầu tư công nghệ bảo mật... sẽ tạo ra gánh nặng chi phí không nhỏ. Mặc dù có quy định miễn trừ cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu (Điều 68), nhưng cần xem xét các chính sách hỗ trợ lâu dài hơn, đặc biệt cho các ngành thiết yếu nhưng có nguồn lực hạn chế.
Bảo vệ quyền công dân, chủ quyền số quốc gia

Khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) là một yêu cầu cấp bách từ thực tiễn nhằm thiết lập một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền công dân, chủ quyền số quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thời đại số, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Cần xem xét thấu đáo tính khả thi và hợp lý của quy về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tại khoản 2 Điều 4 dự thảo quy định: Mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là một quy định nghiêm khắc về mặt hình thức, nhưng trên thực tế lại tiềm ẩn nhiều bất cập, khó triển khai. Bởi, với các doanh nghiệp mới thành lập, chưa phát sinh doanh thu trong năm liền trước thì quy định này hoàn toàn không có cơ sở áp dụng; hoặc doanh thu không phản ánh đúng năng lực tài chính thực tế của doanh nghiệp…Cho nên việc áp dụng cơ chế xử phạt cứng nhắc, không dựa trên năng lực thực tế là chưa phù hợp, gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.
Đại biểu cũng kiến nghị, Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh quy định liên quan đến mã hóa, giải mã dữ liệu cá nhân theo hướng: Không bắt buộc mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân mà cho phép các tổ chức, cá nhân xử lý dữ liệu được lựa chọn, thiết kế các biện pháp bảo vệ kỹ thuật phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động và mức độ rủi ro của từng trường hợp. Cách tiếp cận này không những bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuân thủ, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời xem xét, đánh giá kỹ lưỡng việc yêu cầu mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải có tối thiểu một chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tại khoản 2 Điều 39 để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Bảo vệ DLCN cần được áp dụng như thông lệ quốc tế

Cũng đóng góp ý kiến vào Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN), Đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: DLCN là loại dữ liệu đặc biệt, gắn liền với quyền con người, quyền riêng tư theo quy định của Hiến pháp, quyền nhân thân của chủ thể dữ liệu, cho nên các yêu cầu, điều kiện trong quá trình xử lý để bảo vệ DLCN mang tính nguyên tắc đặc thù, cần được ưu tiên áp dụng tương tự như thông lệ quốc tế. Việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ DLCN tại Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết hạn chế thiếu thống nhất, rải rác trong các quy định hiện hành. Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ DLCN ở cả môi trường truyền thống (giấy tờ, hồ sơ, tài liệu...) và môi trường điện tử là rất cần thiết, phù hợp với thực tế và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu. Nếu chỉ quy định môi trường điện tử sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xâm phạm DLCN.
Tại Điều 46 dự thảo Luật về chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định giữa Luật Dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong kỷ nguyên mới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục: Rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới bảo đảm phù hợp, thống nhất, tương thích với quốc tế và không tạo rào cản về thủ tục hành chính; nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật rõ hơn nữa để triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm công tác quản lý nhà nước, huy động được các nguồn lực bảo vệ DLCN, gắn trách nhiệm bảo vệ phù hợp với vai trò của từng lực lượng, giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước, tăng tính chủ động và tăng hiệu lực, hiệu quả bảo vệ DLCN.
Thái Uyên
Ý kiến ()