Đến thăm Hồng Kông đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày trở về với Trung Quốc (1997-2017) để lại trong tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc khó phai. Những ngày ở đây, tôi dành thời gian làm một chuyến hành trình tìm về những địa danh gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi diễn ra sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Càng bất ngờ hơn, thấy Hồng Kông thật gần gũi, thân quen khi đi dạo trên phố Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng.
Từ số nhà 186 Tam Kung...
Tên gọi “Hồng Kông” (xuất phát từ “Hương Cảng”, tiếng Quảng Đông đọc là Hướng Coỏng, có nghĩa là “cảng thơm”). Hồng Kông bao gồm một tập hợp 262 hòn đảo ở Biển Đông, trong đó lớn nhất là 4 cụm đảo: Lạn Đầu, Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới. Vùng nước hẹp tách đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long là bến cảng Victoria, một trong những hải cảng tự nhiên sâu nhất thế giới.
Lần giở những trang tư liệu về Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động ở Hồng Kông, tôi tìm đến số nhà 186 phố Tam Kung - Cửu Long.
Sau cuộc đảo chính phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch (4-1927), những người cách mạng Việt Nam hoạt động trên đất Trung Quốc đã trở thành đối tượng của hoạt động bắt bớ, khủng bố. Không thể tiếp tục ở lại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Hương Cảng hoạt động.
Trước đây, số nhà 186 Tam Kung nằm ở vị trí thuộc giới hạn từ đường Sung Wong Toi đến đường Chung Lung. Tới năm 1969, khi mở Đại lộ Olympic, đường Tam Kung và khu vực xung quanh bị giải tỏa. Ngày nay, phía trái Đại lộ Olympic có Công viên Sung Wong Toi. Trong công viên có một hòn đá lớn ghi 3 chữ Trung Quốc: “Tống Vương Đài” (phiên âm tiếng Anh là Sung Wong Toi). Khu vực này giáp bờ biển, có sân bay, là một làng chài có nhiều ngư dân và công nhân sinh sống. Năm 1941 quân đội Nhật Bản vào Hồng Kông, mở rộng sân bay Kai Tak (sân bay này đóng cửa năm 1998).
Tại Cửu Long, từ ngày 6-1-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn được tiến hành dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị hợp nhất diễn ra khẩn trương, thuận lợi và đạt được sự nhất trí hoàn toàn, trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
... đến nhà tù Victoria
Nhà tù Victoria xây dựng vào năm 1841, mang kiến trúc cổ, là nhà tù đầu tiên của Hồng Kông, nằm tiếp giáp với Trạm cảnh sát Trung tâm và Toà án trung tâm, là tâm điểm của hệ thống chấp pháp Hồng Kông.
Ngày 30-4-1931, mật thám Pháp tại Sài Gòn bắt được một số người “tình nghi cộng sản” trong đó có Nguyễn Thái, sau này được biết là “Thư ký Công hội Nam kỳ”, Xứ ủy viên. Khám trong người Thái, chúng bắt được thư của Nguyễn Ái Quốc viết ngày 24-4-1931. Tiếp đó, mật thám Anh tại Singapore đã bắt được Serge Lefranc, phái viên Quốc tế Cộng sản đi công tác Đông Nam Á. Mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông đã mặc cả những điều kiện có lợi cho cả hai bên để vây ráp, bắt lén Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ (ở địa chỉ: 186 phố Tam Kung - Cửu Long) ngày 6-6-1931. Lúc đó, chúng chưa nắm chắc đó là ai và chỉ biết theo logic đó phải là người quan trọng chống lại nước Pháp.
Thường lệ, ở Hồng Kông nếu có việc bắt bớ thì báo chí sẽ “săn” tin và đưa ngay lên báo. Nhưng chính quyền Hồng Kông trong lần bắt này đã cấm phương tiện thông tin báo chí đưa tin. Cảnh sát Anh sau khi đưa ảnh đối chiếu, đã điện cho Toàn quyền Đông Dương biết “Một người mang tên Tống Văn Sơ - chắc là Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt sáng ngày 6-6”.

Nhà tù Victoria- Nơi từng giam giữ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở Hồng Kông.
Theo tài liệu được lưu giữ thì Nguyễn Ái Quốc bị giam trong ngục Victoria từ ngày 12-6-1931 đến ngày 28-12-1932 (trong đó có thời gian Bác được chuyển sang nhà thương của Nhà tù). Nhà tù Victoria nằm ở số 16 phố Old Bailey, Trung tâm Hồng Kông. Khu vực nhà tù Victoria có 6 nhà giam: A, B, C, D, E, F. Các nhà này đều được xây từ năm 1914, riêng nhà D xây từ năm 1860. Trong tác phẩm:“ Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Hồ Chí Minh viết: “Nhà giam Bác có 3 tầng, mỗi tầng 2 dãy xà lim. Cách xây dựng xà lim không xứng kích thước phổ thông chút nào. Bề cao 3 thước tây, mà bề ngang chỉ hơn 1 thước, bề rộng chỉ vừa 1 người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một cái cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng lờ mờ, bị song sắt và lưới sắt bưng bít. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ 1 gang tay và bọc sắt; ở chỗ cao ngang đầu người có một lỗ tròn phía trong rộng phía ngoài hẹp, như 1 cái loa. Chốc chốc tên lính gác ngục ghé mắt vào lỗ xem xét tình hình người tù trong xà lim”.
Trong ngày bị bắt đưa vào Sở cảnh sát, Tống Văn Sơ đã gặp Hồ Tùng Mậu được thả và trục xuất, kịp đưa mắt ra hiệu. Nhờ đó, Hồ Tùng Mậu, qua Liên đoàn Quốc tế Cứu tế đỏ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản đã đến gặp luật sư Loseby- một luật sư tiến bộ người Anh ở Hồng Kông nhờ giúp đỡ. Việc bắt lén người trái pháp luật bị bại lộ, Sở cảnh sát Hồng Kông buộc phải đồng ý để luật sư vào gặp Tống Văn Sơ. Luật sư đã tìm cách bào chữa và ngăn cản âm mưu của chính quyền Hồng Kông giao nộp Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Không chỉ giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù, về sau này gia đình Luật sư Loseby còn trở thành người bạn lớn, thủy chung của Bác Hồ. Nhiều tư liệu quý giá, hình ảnh gia đình luật sư Loseby đến thăm Việt Nam, gặp Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn là minh chứng sống động về tình cảm của bạn bè quốc tế nói chung và gia đình luật sư Loseby nói riêng đối với Bác Hồ để các thế hệ người Việt Nam trân trọng.
Nhà tù Victoria không giam giữ tù nhân từ năm 2006. Toàn bộ số hiện vật của nhà tù được chuyển về lưu giữ ở Bảo tàng Nhà tù của Sở cảnh sát Hồng Kông. Hiện tại, Nhà tù Victoria vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. (Nhà tù Victoria, Nhà giam của Sở cảnh sát Hồng Kông (nơi giam giữ Bác từ ngày 6-6-1931 đến 12-6-1931), Toà án Hồng Kông nằm gần nhau, trong cùng một khu vực). Hôm tôi đến thăm, công trình đang trong giai đoạn bảo dưỡng nên không được vào bên trong. Tuy chỉ nhìn ngắm từ bên ngoài song chúng tôi cảm nhận được ý thức của chính quyền cũng như người dân Hồng Kông với các di tích. Lối lên nhà tù vẫn giữ nguyên những bậc đá, cảnh quan xung quanh được bảo tồn nguyên vẹn. Người dân sống quanh đây bảo rằng: Nhiều nhà làm phim Hồng Kông và quốc tế đến đây chọn khu vực này làm bối cảnh. Chính sự giao thoa văn hóa Đông Tây đã tạo dựng cho Hồng Kông một nền điện ảnh khá rực rỡ, là một kênh quảng bá văn hóa đặc sắc, hiệu quả để thế giới biết đến vùng đất, con người Hồng Kông.
Dạo phố Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng trên đất Hồng Kông
Vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Thủy) ở Trung tâm Hồng Kông, du khách Việt Nam sẽ giật mình khi thấy con đường có tên Hà Nội (Ha noi Road). Con đường nhỏ, nhưng nằm ngay khu vực sầm uất và nhộn nhịp nhất. Ở Tsim Sha Tsui còn có đường Hải Phòng (Hai phong Road) nối với đại lộ Nathan rộng lớn và đường Sài Gòn (Sai gon Road). Đường Hải Phòng nằm ở phía nam Công viên Cửu Long. Được xây dựng từ năm 1865, đường Hải Phòng cùng với đường Nathan là hai con đường đầu tiên ở đây. Con đường ban đầu mang tên Elgin nhưng đến năm 1909 đổi thành Hải Phòng (tên theo thành phố cảng ở Việt Nam để tránh nhầm lẫn với Đường Elgin trên Đảo Hồng Kông. Trong lần đổi tên này nhiều con đường được đặt tên theo các thành phố có buôn bán với Hồng Kông, trong đó có hai con đường khác được đặt tên theo các địa danh Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn. Đây là một trong những đường duy nhất ở Hồng Kông không được đặt tên theo các địa danh ở Trung Quốc hay Anh quốc. Tuy là những phố nhỏ nhưng mật độ cư dân buôn bán, sinh hoạt lúc nào cũng tấp nập và nhộn nhịp.

Địa danh Tống Vương Đài-Nơi được giới nghiên cứu đánh giá là địa điểm trước đây Bác Hồ từng sống, làm việc và tổ chức Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Là nơi giao thoa văn hóa Đông Tây, Hồng Kông nổi tiếng hút khách du lịch không phải bởi có kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, mà bởi sự choáng ngợp của những công trình đồ sộ do con người xây dựng nên như: Disneyland, Sky 100, khu văn hóa tâm linh Đại Nhĩ Sơn, các khu mua sắm, vui chơi giải trí vô cùng hấp dẫn Causeway Bay, Lan Quế Phường…
Cảng Victoria trước đây (khi Hồng Kông là thuộc địa Anh), là một trung tâm thương mại quốc tế nổi tiếng. Với địa hình tự nhiên của một cảng nước sâu, Victoria không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn là mắt xích, huyết mạch cho sự phát triển kinh tế và du lịch. Trên bến cảng có tuyến Phà Star Ferry ra đời từ năm 1888 làm nhiệm vụ trung chuyển người dân hiện vẫn hoạt động tốt, trở thành một nét đẹp biểu tượng cho Hương Cảng. Chuyến du lịch Hồng Kồng sẽ vô cùng thiếu sót nếu ai đó chưa một lần ngồi trên bến phà này để ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời bên hai bờ eo biển Hồng Kông-Cửu Long. Buổi tối hàng ngày, tại bến cảng Victoria sẽ có màn trình diễn “bản giao hưởng âm thanh, ánh sáng” kéo dài 15 phút miễn phí dành cho khách du lịch. Đứng ở khu vực bến cảng, Đại lộ Ngôi sao- nơi ghi dấu những người nổi tiếng có công giúp Hồng Kông trở thành “Hollywood của phương Đông”, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ khung cảnh ấn tượng và hoành tráng này. Với những dấu tay, những cột mốc điện ảnh, bức tượng bằng kích cỡ người thật của huyền thoại Lý Tiểu Long, mang đến cho du khách sự hấp dẫn, quyến rũ của ngành điện ảnh Hồng Kông. Vào ban ngày, du khách có thể đi thuyền tham quan hay tham gia những buổi tập Thái cực quyền-môn võ dưỡng sinh đặc trưng của người Hồng Kông.
Ngắm Hồng Kông từ ô cửa tàu điện, từ đường phố, bến cảng hay trên cáp treo... bạn sẽ không khỏi trầm trồ về vẻ đẹp, sự đồ sộ của những tòa nhà cao tầng với nhiều kiểu kiến trúc đặc sắc. Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện đại, đa sắc màu khiến thành phố này trở nên sầm uất và dường như không có một phút nào ngơi nghỉ. Đèn trang trí dọc những khu phố, từ các biển hiệu cửa hàng vô cùng lộng lẫy. Dạo chơi ở các tuyến phố đi bộ về đêm, bạn có thể bắt gặp những món ăn Việt Nam ở một số nhà hàng nhỏ hay thưởng thức các món phở, cơm... gần gũi với văn hóa Việt. Ở Hồng Kông, bất kỳ khu phố nào cũng đều cho bạn cảm giác thích thú cả về thị hiếu mua sắm lẫn ẩm thực, bạn dường như quên đi cảm giác mệt mỏi khi bị cuốn vào không khí năng động của thành phố này.
Hồng Kông tháng 7-2017
* Một số tư liệu lịch sử trong bài viết được tác giả tham khảo từ các tư liệu lịch sử và tài liệu công bố trên mạng Internet.
Ý kiến ()