Thực hiện Năm ATGT 2015 với chủ đề: “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, Bắc Ninh đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chung, kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí, góp phần đáng kể vào nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh.
Kết quả trên khẳng định sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các tập thể và cá nhân có trách nhiệm. Báo Bắc Ninh số Xuân 2016 có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh-người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo đảm ATGT về những thành tích cũng như giải pháp trọng tâm, dài hơi.
Cho những cung đường luôn bình yên.
Phóng viên: Nhiều năm lại đây, Bắc Ninh liên tục giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí. Ðó là kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm ATGT. Vậy đâu là yếu tố then chốt thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thái: Phải nói rằng, công tác bảo đảm TT ATGT trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các cấp ngành, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội. Ban ATGT tỉnh thường xuyên tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết theo nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, Chính phủ yêu cầu, đồng thời Ban ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan thành viên, các địa phương và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm TT ATGT chung. Tập trung trọng tâm vào khu vực nông thôn, dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết, các đợt cao điểm…
Từ sự chỉ đạo quyết liệt đó, nhiều chuyên đề, nhiều đợt cao điểm được ngành chức năng thực hiện có hiệu quả như chuyên đề về tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia, hiểm họa TNGT do rượu, bia gây ra; Chuyên đề kiểm soát tải trọng phương tiện, tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô; Chuyên đề về công tác tổ chức giao thông, cải tạo đường thông, hè thoáng. Ðặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa giao thông và giáo dục ATGT trong trường học, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về TT ATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.
PV: Mặc dù TNGT giảm nhưng trật tự ATGT chưa mang tính ổn định. Theo ông, giải pháp nào là trọng tâm để duy trì giảm TNGT một cách bền vững?
Ông Nguyễn Ngọc Thái: Ðây là một thách thức lớn trong nhiệm vụ bảo đảm TT ATGT không chỉ của riêng Bắc Ninh mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Bởi TNGT đang khiến cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên thiếu an toàn. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo tại bất cứ khoảnh khắc nào khi tham gia giao thông thiếu ý thức, trách nhiệm. Ðáng suy ngẫm là ở chỗ mặc dù không ngừng nỗ lực kiềm chế và đã kéo giảm đáng kể TNGT, nhưng TNGT vẫn còn tồn tại như một thực tế đau lòng và phi lý nhất. Ðiều đó nhắc nhở chúng ta rằng nhiệm vụ bảo đảm ATGT thực sự lâu dài và khó khăn, đòi hỏi mỗi cá nhân, tập thể phải luôn ý thức và hành động không mệt mỏi bằng tinh thần và trách nhiệm công dân cao nhất, cùng chung tay xây dựng một xã hội giao thông an toàn, thân thiện, chứ không chỉ ỷ lại cho ngành chức năng, các cấp lãnh đạo. Ðây mới thực sự là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì giảm TNGT một cách bền vững.
PV: Thời điểm cuối năm nhất là dịp Tết, lễ hội đầu xuân, trật tự ATGT luôn diễn biến phức tạp. Theo ông, biện pháp nào để trật tự ATGT được ổn định, bảo đảm an toàn cho khách thập phương về Bắc Ninh du xuân, trảy hội?

Diễu hành, hưởng ứng Tháng cao điểm ATGT năm 2015.
Ông Nguyễn Ngọc Thái: Bước vào những tháng cuối năm 2015 và xuân 2016 với đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi lại giữa các vùng miền sẽ nhộn nhịp, phương tiện giao thông tăng nhanh cùng với những sự kiện lớn trong nước và quốc tế như Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 12 diễn ra vào mùa xuân 2016, Năm APEC 2017… Vì vậy trong dịp Tết cổ truyền và mùa lễ hội xuân 2016 trên địa bàn tỉnh TT ATGT sẽ diễn ra phức tạp hơn các năm trước. Ðể duy trì an toàn cho những cung đường mùa xuân cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn của các cấp, ngành để thực hiện các biện pháp trọng tâm trong bảo đảm TT ATGT đó là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm TT ATGT, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất ATGT. Siết chặt kỷ cương thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TT ATGT. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TT ATGT trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho người thực thi công vụ, xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải và nhóm người tham gia giao thông khác. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo đảm TT ATGT, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương nơi diễn ra những lễ hội lớn như Hội Lim, hội Ðền Ðô, hội Kinh Dương Vương, hội Bút Tháp, chùa Dâu, Ðền Bà Chúa Kho... Tổ chức phân luồng, tuyến kịp thời, phù hợp với từng đợt cao điểm, từng lễ hội.
PV: Xin ông cho biết kế hoạch trọng tâm bảo đảm ATGT năm 2016?
Ông Nguyễn Ngọc Thái: Năm ATGT 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” sẽ được thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TT ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, giảm tối thiểu 5% về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2015. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2016 và có sự duy trì về sau. Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; tuyệt đối tránh hình thức, triệt để thực hành tiết kiệm. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TT ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm TT ATGT như nâng cao hình thức xử phạt nguội, ứng dụng công nghệ trong xử phạt, theo dõi TNGT... từng bước tạo nền nếp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chung.
PV: Là người gắn bó với công tác bảo đảm trật tự ATGT nhiều năm, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo đảm trật tự ATGT chung để xây dựng một xã hội giao thông an toàn thân thiện?
Ông Nguyễn Ngọc Thái: ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Thông điệp này đã tồn tại trong tôi suốt những năm tháng làm công tác bảo đảm TT ATGT. Bởi vì bản thân tôi đã chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh vì TNGT, những đứa trẻ bơ vơ, ngơ ngác khi bố mẹ tử vong bất ngờ do TNGT. Những bậc cha, mẹ đau lòng khi mất con chưa thành niên vì TNGT… Vì thế, những người làm công tác bảo đảm trật tự ATGT phải gắn bó, trách nhiệm với công việc của mình mới mong làm giảm nỗi đau TNGT trong xã hội. Ðó cũng là động lực giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Ðiều mong mỏi của tôi là ngày càng ít đi và giảm được thật nhiều những vụ TNGT. Bản thân tôi và những người làm công tác bảo đảm trật tự ATGT rất mong có sự chung tay, góp sức tích cực hơn nữa của mỗi tập thể, cá nhân trong cộng đồng, vì một xã hội giao thông an toàn, thân thiện, không TNGT.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Ý kiến ()