Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, ngày 6-5 Quốc hội thảo luận tại hội trường nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Buổi chiều, Quốc hội chia tổ thảo luận về: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN &ĐMST); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có 4 lượt ý kiến phát biểu.
Rà soát để tránh chồng chéo với các luật khác

Góp ý vào dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Cần rà soát để tránh chồng chéo với các luật khác, đặc biệt là các luật về đầu tư, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, ngân sách nhà nước… bởi sự thiếu đồng bộ có thể gây khó khăn, lúng túng cho cả cơ quan quản lý và đối tượng thực thi, làm giảm hiệu lực của chính sách.
Điều 25 quy định về xử lý tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung dễ dẫn đến việc các nhà khoa học, tổ chức KHCN ngần ngại đầu tư trang thiết bị hoặc không dám xử lý tài sản sau nhiệm vụ vì sợ sai phạm. Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc thực tiễn này như: Làm rõ "tài sản trang bị" bao gồm những gì? Ranh giới giữa "tài sản trang bị" (mua sắm để thực hiện) và "tài sản hình thành từ nhiệm vụ". Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để xử lý các vấn đề phát sinh về xử lý tài sản trong thực tiễn áp dụng.
Ngoài ra cũng cần có quy định chi tiết về trách nhiệm hạch toán, theo dõi; cơ chế kiểm tra, giám sát; và đặc biệt là quy định về việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản sau khi kết thúc nhiệm vụ KHCN. Đề nghị Ban soạn thảo, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các vấn đề còn băn khoăn, hoàn thiện dự thảo Luật KH,CN&ĐMST để Luật khi được ban hành sẽ thực sự là một công cụ pháp lý sắc bén, hiệu quả, tạo cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển KH,CN&ĐMST và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật và thể chế

Đồng tình về sự cần thiết ban hành dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong và ngoài nước, bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật, thể chế. Đề nghị bỏ Điều 4, nội dung này đã được quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Điểm b, c, d Khoản 4, đề nghị sửa cụm từ “kết quả tự công bố tiêu chuẩn áp dụng" thành "công bố tiêu chuẩn áp dụng". Cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Khoản 3 và Khoản 4 về quy định việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, mức độ rủi ro cao, quy định về đánh giá sự phù hợp với từng nhóm. Điểm c khoản 4: Đề nghị bỏ quy định “kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc yêu cầu quản lý khác theo pháp luật chuyên ngành". Cần xem xét quy định người sản xuất kinh doanh chỉ cần có bản cam kết sản xuất sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật là đủ, không cần công bố hợp quy. Đề nghị viết lại Khoản 2 Điều 6a này theo hướng viết chung trách nhiệm của Chính phủ và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành trong việc quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa… Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để quy định kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn áp dụng với hàng hoá rủi ro thấp và trung bình với tần suất dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp phù hợp.
Bổ sung quy định về cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ

Tán thành với Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đại biểu Nguyễn Như So góp ý vào một số nội dung cụ thể: Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ để bảo vệ kết quả nghiên cứu, không chỉ dừng ở việc cấp bằng sáng chế hay bản quyền mà phải bao gồm cơ chế thương mại hóa, chuyển giao, đảm bảo lợi ích tài chính cụ thể cho các nhà nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, tránh tình trạng “chỉ trên giấy".
Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư gồm các chỉ số: Số lượng công bố quốc tế, bằng sáng chế được ứng dụng thực tế, sản phẩm thương mại hóa, doanh thu từ sản phẩm KH&CN, số doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ và tác động kinh tế- xã hội tạo ra, thay vì chỉ báo cáo hình thức hay dựa trên hồ sơ giấy tờ. Bổ sung chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu cơ bản; hoặc giảm thuế GTGT đối với sản phẩm, dịch vụ KH&CN có ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nước; triển khai mô hình đồng tài trợ công-tư, ví dụ: Nhà nước hỗ trợ 30-50% kinh phí cho các dự án nghiên cứu trọng điểm mà doanh nghiệp cam kết đầu tư và thương mại hóa, tập trung vào các ngành công nghệ lõi như vật liệu mới, sinh học, chip bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, thông qua việc yêu cầu các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng có ít nhất một đối tác doanh nghiệp đồng hành ngay từ khâu đề xuất nhiệm vụ, ràng buộc tỷ lệ kinh phí dành cho hoạt động chuyển giao, thử nghiệm, sản xuất thử trong doanh nghiệp, thay vì tập trung toàn bộ kinh phí cho nghiên cứu hàn lâm.
Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động KHCN&ĐMST

Thảo luận về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), Đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về sự cần thiết xây dựng Luật: Việc xây dựng dự án Luật này là cần thiết để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động KHCN; thu hút đầu tư từ xã hội, nâng cao hiệu quả, tính tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp và tạo cơ chế phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đề nghị đơn vị được giao chủ trì soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu, cân nhắc chỉnh lý, hoàn thiện thêm một số nội dung sau: Một là, tại điểm c khoản 1 Điều 41 dự thảo Luật về thành lập tổ chức và khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài. Đề nghị bổ sung yếu tố bảo đảm về ANQP chặt chẽ hơn.
Hai là, tại Điều 45 dự thảo Luật về công nhận Trung tâm ĐMST, đề nghị bổ sung quy định đối với Trung tâm thuộc cơ quan nhà nước thì không phải thực hiện trình tự, thủ tục để công nhận là Trung tâm ĐMST theo quy định của Điều này mà các cơ quan này sẽ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
Ba là, tại Điều 78 dự thảo Luật về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng miễn giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh khi xin thị thực đối với người lao động nước ngoài nhập cảnh để thực hiện nhiệm vụ KHCN&ĐMST tại Việt Nam; tuy nhiên, cần bổ sung quy định để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể phân loại, xác định được việc người đó xin thị thực vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ nêu trên qua kênh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý KHCN&ĐMST với Bộ Công an... để bảo đảm việc triển khai thực hiện được chặt chẽ, thuận lợi.
Thái Uyên
Ý kiến ()