Người xưa có câu: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ... tôi may mắn được sinh ra ở Kim Đôi - một làng nhỏ ven sông Cầu. Một làng vừa gần sông, có hai chợ ở hai đầu, lại nằm ngay cạnh Quốc lộ 1A. Có thể nói là một vùng đất địa linh. Chính nhờ vậy, suốt chiều dài trên 300 năm, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 Kim Đôi có tới 25 vị Tiến sỹ nho học. Họ Nguyễn 18 vị, trải dài suốt 13 đời liên tục. Có nhà cả 5 người con kế tiếp nhau đều đậu Tiến sỹ, cùng làm quan một triều. Xứng đáng với lời ban tặng của vua Lê Thánh Tông: Kim Đôi Gia Thế - Chu Tử Mãn Triều...
Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê như thế, vừa tự hào vừa thấy rõ trách nhiệm nặng nề là nối bước cha ông, đám hậu sinh chúng tôi từ nhỏ đã chăm chỉ học hành và cần cù lao động. Mơ ước và khát khao...
Thuở nhỏ, vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn sông Cầu đổ về, dòng sông cựa mình, xiên xiết chảy. Rằm tháng Bảy là thời điểm con nước to nhất, lòng sông mở rộng, lũ dâng cao mấp mé mặt đê. Dân làng cùng nhau gánh đất đắp thành con trạch, ngăn không cho nước chảy vào làng. Đuốc lửa, tiếng trống hộ đê thúc giục. Cả làng hầu như không ngủ. Sức người bền bỉ và hồng phúc địa linh đã khiến làng tôi luôn trụ vững trong các mùa mưa bão...
Sau mỗi mùa mưa lũ, quà quý mà sông Cầu ban tặng cho làng tôi là những lớp phù sa màu mỡ. Một bãi ải kéo dài vài cây số đã hình thành. Nơi đó là bạt ngàn dâu xanh, vàng thắm những mùa hoa cải, xanh mơn mởn đủ các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ. Và tuyệt vời hơn là những luống cà chua chín hồng. Những quả cà chua ăn sống ngon ơi là ngon, ngọt ngào và thơm mát. Chao ôi là nhớ... những đám rau rệu non mơn mởn, những ruộng rau khúc xanh rì, những luống ngô khoai biêng biếc ven sông. Chao ôi là nhớ...dáng bà tôi, mẹ tôi, các cô chú làng tôi ngày đêm cày cuốc, chăm sóc đủ các loại cây và rau trên bãi ải. Đó cũng là nguồn sống đáng kể cho dân làng, nhất là trong những năm mất mùa lúa, đời sống vô cùng khó khăn.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dáng bà dáng mẹ cần cù trên bãi ải ven sông vẫn đậm nét trong tâm hồn tôi. Khúc sông Cầu cong cong chạy qua làng với con đê mềm mại, như một vòng tay ôm, che chở cho dân làng qua bao mùa bão lũ. Hai bên triền đê miên man là hoa cỏ may. Những khóm hoa cỏ may mọc kín lối đi, găm đầy gấu quần, cứa vào đôi chân nghe ran rát. Những đàn trâu bò thong dong gặm cỏ, con nào con nấy bụng căng tròn. Chao ôi là nhớ thương...
Mặt đê xưa nhỏ và thấp, khấp khểnh, gồ ghề đầy những ổ trâu ổ ngựa nhưng cũng không ngăn được bọn trẻ chúng tôi lên đó thả diều. Những cánh diều no gió bay cao vút trên nền trời xanh thẳm, chở theo bao nhiêu là khát vọng thuở thiếu thời... Men theo bờ đê, từng cánh đồng lúa rộng bát ngát như một bức tranh khổng lồ với những ô, thửa đều tăm tắp vàng ươm, những bông lúa nặng trĩu. Hương lúa mới thơm ngan ngát, nhè nhẹ. Tôi hít hà hương vị của quê hương, lòng chợt dâng lên một cảm xúc ấm áp lạ kì.
Nhà tôi nằm sát chân đê, vào những đêm thanh vắng, nằm trong nhà nghe dưới sông Cầu vọng lên tiếng xà lan trầm đục, tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ. Lúc thủ thỉ như trò chuyện, lúc lại như đang chơi trò con trẻ. Khi ấy tôi như cảm nhận được rõ từng hơi thở, nhịp đập của quê mình. Những ngày nước cả, tôi thường theo bố ra đê ngắm những chiếc ca nô, xà lan, thuyền lớn, thuyền bé… tấp nập ngược xuôi và gửi vào đó bao nhiêu là khát vọng.
Cuộc sống của dân làng tôi khi ấy còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề dủi tôm cá, hàng xay hàng xáo và trồng trọt. Họ nương tựa vào thiên nhiên để sống và ước mơ… Những buổi chiều tà, khi ánh hoàng hôn buông xuống, cả làng chìm trong một khung cảnh yên bình, với tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng gọi nhau í ới của những người nông dân trở về sau một ngày làm việc vất vả...
Tôi không chỉ yêu làng mình bởi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có mà còn tự hào về truyền thống khoa bảng-Làng Tiến sĩ. Làng tôi trước đây còn có tên gọi dân gian là làng Dủi Quan. Có tên gọi đó là do dân làng sống bằng nghề dủi tôm dủi cá nhưng vẫn có nhiều người đỗ đạt làm quan. Tạo nên kỳ tích về khoa cử của làng, phải kể đến hai dòng họ: Phạm, Nguyễn với 25 vị Tiến sỹ nho học. Họ Nguyễn ở Kim Đôi là dòng họ duy nhất tại Việt Nam có tới 13 đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có chín anh em, chú cháu cùng làm quan đại thần một triều và được Vua Lê Thánh Tông ban cho tám chữ vàng: “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều” (dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều). Hai vị Tiến sĩ là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Nhân Phùng còn được tham gia Hội Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông làm chủ hội, được khắc tên vào bia Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội. Với truyền thống khoa cử rực rỡ ghi danh bảng vàng, nhà thờ Tổ họ Nguyễn và Di chỉ họ Phạm Kim Đôi vinh dự được Nhà nước công nhận là hai di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia . Không phải làng quê nào ở Việt Nam cũng có được vinh dự lớn lao đó.
Tôi còn được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: bà Tổ Hoàng Thị Hay - người mẹ có năm con đỗ Tiến sỹ cùng triều rất quan tâm đến việc học hành: “Con đi học xa, áo chưa rách đã bảo người nhà may sẵn cho, sợ bị cảm lạnh mà tổn hại đến việc học. Thức ăn chưa hết đã bảo người nhà mang đến, sợ bị đói mà tổn hại đến việc học. Các con cảm động vì tình nghĩa giáo huấn của cha mẹ nên dốc lòng tu chí về nghiệp học mà thành danh”.
Trên 600 năm qua, truyền thống hiếu học khoa bảng luôn được người làng Kim Đôi giữ gìn và phát triển. Các thế hệ con cháu “làng Tiến sĩ” vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, làng có rất nhiều người là Cử nhân, Kỹ sư, Bác sỹ, Tiến sỹ và Thạc sỹ. Ngày giỗ Tổ, họ Nguyễn tổ chức lễ vinh danh con cháu là Thạc sĩ, Tiến sĩ. Điển hình như ông Nguyễn Việt Huyến - Tiến sĩ Hóa học; Nguyễn Sỹ Thuận và Nguyễn Thị Diệu Thư là Tiến sĩ Tin học. Ngoài ra còn có nhiều người có trình độ Thạc sĩ các chuyên ngành quản lý kinh tế, sử học, hóa học, kiến trúc... cùng rất nhiều người đỗ Cử nhân. Dưới ánh hào quang rực rỡ của các thế hệ tiền nhân, con cháu họ Nguyễn chúng tôi vẫn viết tiếp những trang vàng rực rỡ của cha ông; xứng với đôi câu đối treo trước cổng nhà thờ “Kim bảng thạch bi truyền vọng tộc; Hiên xa tứ mã xứng cao môn”.
Năm 2007, làng Kim Đôi, xã Kim Chân vốn thuộc huyện Quế Võ được sáp nhập về thành phố Bắc Ninh. Năm 2019, làng Kim Đôi trở thành khu phố Kim Đôi, phường Kim Chân. Sự thay đổi này là mốc son quan trọng góp phần không nhỏ vào sự phát triển mọi mặt của làng quê, rõ rệt nhất là về cơ sở hạ tầng. Con đê xưa giờ thành đường Như Nguyệt, cao sừng sững, rộng thênh thang, trải nhựa đen bóng, lấp lánh ánh đèn cao áp. Hai bên làn đường xe cộ qua lại tấp nập, rộn ràng như đại lộ. Những rặng hoa muồng hoàng yến vàng rực, những rặng hoa ban tím ngát, cây chuỗi ngọc xanh mướt cắt đều tăm tắp. Con đường dẫn về làng tôi bây giờ dài rộng, sạch bong với đèn đường cao áp sáng trưng. Những mái nhà cao tầng mọc san sát, xen lẫn những mái ngói đỏ tươi quần tụ, đầm ấm. Những chùm hoa giấy đủ màu sắc rực rỡ như mặt trời buổi sớm. Quê hương đã trải qua bước ngoặt lớn với quá trình đô thị hóa, mở ra những cơ hội phát triển mới. Sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng phong phú nhiều ngành nghề khác nhau, người dân không chỉ làm ruộng mà còn làm việc cho các công ty, nhà máy, thành lập các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng, quán ăn, dịch vụ cũng phát triển, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sự đổi mới của khu phố tôi nói riêng và phường Kim Chân nói chung diễn ra hàng ngày, quả đúng như lời của một nhà thơ làng tôi đã viết:
Những ngôi nhà như chỉ có trong mơ
Những chiếc hồ phổng phao đài phun nước
Đường quá đẹp và cây thì xanh mướt
Em quá xinh và trẻ đến không ngờ…
Và đây nữa: Nhà em nay ở phố nào/Bên chẵn hay lẻ?... Lối vào toàn hoa...
Quê hương ven sông Cầu của tôi-Làng Tiến sỹ lừng lẫy vẻ vang trong lịch sử khoa bảng Việt Nam thời nho học, một khu phố mới hiện đại đang hình thành, lung linh trên vùng đất địa linh nhân kiệt xa xưa. Một nốt son đỏ tươi, nồng ấm trên bản đồ thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa...
Nguyễn Hương Thảo
Ý kiến ()