Cuối tháng 10, lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh có buổi đối thoại thẳng thắn, cởi mở với đại diện Hội phụ huynh học sinh hơn 70 trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn nhằm giải đáp những thắc mắc về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách năm học 2017-2018.
Buổi đối thoại thể hiện rõ thái độ cầu thị, biết lắng nghe tiếng nói người dân, dám nhận trách nhiệm trước nhân dân của lãnh đạo thành phố (TP), vì mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Những vấn đề nóng
Năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp UBND TP Bắc Ninh tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ huynh học sinh những vấn đề liên quan. Hai năm trước, đối thoại tổ chức đầu năm học, năm nay làm muộn hơn, theo ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh, là để lắng nghe sâu hơn, thiết thực thực hơn ý kiến phụ huynh học sinh về con em họ sau gần 2 tháng thực học.
Khác những hội nghị thông thường, buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP với đại diện Hội phụ huynh học sinh diễn ra rất sôi nổi, bởi những vấn đề sát sườn liên quan trực tiếp đến con em họ đã được đưa ra phân tích một cách nghiêm túc, giúp người dân có cái nhìn khách quan, tổng thể về bức tranh giáo dục của TP Bắc Ninh.
Là trung tâm tỉnh lỵ, giáo dục TP Bắc Ninh đã hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện và trên thực tế nhiều năm nay, giáo dục TP luôn vững vàng vị thế Lá cờ đầu của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của TP nói chung, ngành GD-ĐT cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề nóng nếu không được giải quyết tích cực, kịp thời sẽ trở thành những vấn đề bức xúc của xã hội.
Theo yêu cầu của UBND TP, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng GD-ĐT, đã thành thật trước nhân dân nhiều vấn đề nóng của ngành GD-ĐT TP Bắc Ninh, đó là: Cơ sở vật chất phòng học và đội ngũ giáo viên bộ môn của hầu hết các trường TP còn thiếu, kể cả trường chuẩn Quốc gia. Nghịch lý là mấy năm nay, biên chế giáo viên không tăng, nhưng số học sinh các cấp tăng nhanh, dẫn đến rất nhiều trường phải đối mặt với áp lực quá tải cả về số lớp và số học sinh/lớp (có trường Mầm non tới 65 đến 70 trẻ/lớp, cao gấp hơn 2 lần quy định của Bộ GD-ĐT). Còn khoảng cách lớn về chất lượng giáo dục giữa các trường trung tâm với các trường ven đô. Vấn đề dạy thêm học thêm còn tràn lan, các khoản thu trái quy định dịp đầu năm học chưa được giải quyết dứt điểm… cũng là những vấn đề nóng gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân…
Được lãnh đạo UBND TP khuyến khích, nhiều vấn đề bức xúc đã được các đại biểu đề cập thẳng thắn và đề nghị có giải pháp tháo gỡ.
Đại diện Hội phụ huynh học sinh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại.
Ông Nguyễn Văn Khanh, đại diện Hội phụ huynh học sinh Trường Mầm non Khắc Niệm dẫn chứng: Tình trạng quá tải về số trẻ/lớp tại Khắc Niệm rất đáng lo ngại. Một phòng học 30 m2 mà phải “nhồi” hơn 60 em. Số lượng như vậy, trên diện tích như vậy các cháu chỉ có thể ngồi học, còn… nằm (ngủ bán trú) là rất khó khăn. Đây cũng là lý do nhiều trẻ đến tuổi ra lớp nhưng bố mẹ chưa chịu cho ra.
Đại diện Hội phụ huynh học sinh Trường TH Vạn An thì than thở: Tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực trường học đang ở mức báo động, đề nghị TP phải khẩn trương vào cuộc. Vì nếu không được giải quyết, thì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng khó mà… yêu nghề nếu cứ phải công tác ở một nơi ô nhiễm như vậy.
Trong nhiều ý kiến bức xúc được nêu ra, các đại biểu tập trung phản ánh vấn đề thu chi mập mờ, sai quy định, rõ nhất là tại Trường TH Vệ An, hiện các ngành chức năng của UBND TP đang triển khai thanh tra toàn diện. Tiếp đến là vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan. Ông Bạch Bá Tùng, đại diện Hội phụ huynh học sinh phường Vệ An thẳng thắn không ủng hộ việc dạy thêm đại trà trong các nhà trường, mà chỉ nên dạy thêm, hoặc bồi dưỡng 2 đối tượng học sinh từ yếu lên trung bình hoặc học sinh chuẩn bị tham gia các cuộc thi. Trên địa bàn TP vẫn còn hiện tượng giáo viên ép học sinh phải học thêm tại nhà riêng.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là việc dạy Tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, nhiều ý kiến đánh giá cao vì đây là giải pháp tốt giúp nâng cao kỹ năng nghe nói của cả giáo viên và học sinh TP, nhưng chi phí cho mỗi tiết học cao, không phù hợp điều kiện vùng nông thôn. Cũng có ý kiến băn khoăn về đội ngũ giáo viên nước ngoài, nguồn gốc thế nào, ai thẩm định trình độ? Hơn nữa đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc theo quy định của Bộ GD-ĐT… Có phụ huynh thậm chí còn nói thẳng, từ năm học này, ngân sách nhà nước có khoản chi thuê bảo vệ, vậy tuyển bảo vệ cũng phải đạt … chuẩn, nghĩa là phải trong độ tuổi lao động (dưới 60 tuổi) mới đủ sức khỏe làm việc…
Quyết tâm chính trị của thành phố Bắc Ninh
Thay mặt chủ tọa, ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh lắng nghe và cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các phụ huynh học sinh. Cho rằng những ý kiến xác đáng sẽ giúp lãnh đạo TP điều hành hiệu quả hơn đối với các sự nghiệp GD-ĐT vốn là điểm sáng trong bức tranh KT-XH của TP nhiều năm qua.
Trước khi giải đáp từng ý kiến, kiến nghị, ông Lưu Đình Thực thông báo để người dân được rõ: TP luôn quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT. Năm 2017, một trong những quyết tâm chính trị của Đảng bộ TP là xây mới và sửa chữa 13 trường học với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Năm 2018, phấn đấu xây mới và sửa chữa 18 trường học trên địa bàn, đấy cũng là quyết tâm chính trị của TP trong năm 2018.
Việc đầu tư cơ sở vật chất sẽ ưu tiên những trường khó khăn trước như MN Khắc Niệm, trường này sẽ được khởi công đầu năm 2018 với diện tích gấp gần 10 lần hiện nay bảo đảm giá trị sử dụng lâu dài. Sở dĩ cơ sở vật chất được tăng cường nhưng chưa thể đáp ứng được do số học sinh các cấp tăng trưởng quá nóng trong mấy năm trở lại đây. Thử làm một con số: Một năm, số học sinh 3 cấp của TP (MN, TH, THCS) tăng khoảng 3 nghìn em, tương đương 6 trường học, nhưng mấy năm nay khối TH và THCS chỉ tăng 1 trường (TH Trần Quốc Toản), biên chế giáo viên thì không tăng, ngay Trường TH Trần Quốc Toản mới thành lập thì toàn bộ giáo viên cũng không được tuyển mới và chuyển từ các trường TH khác về, do vậy áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp là tất yếu, nhân dân cũng nên chia sẻ khó khăn với lãnh đạo TP.
Về vấn đề thu chi sai quy định, kể cả vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan, UBND TP đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT cung cấp đường dây nóng để đông đảo nhân dân biết và phản ánh. Trên thực tế, từ đầu năm học đến nay có 4 trường bị tố lạm thu, các trường này đã có văn bản giải trình và nhận trách nhiệm trước Phòng GD-ĐT và UBND TP.
Vấn đề dạy Tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, theo ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh, là nhằm mục tiêu xây dựng TP Bắc Ninh trở thành thành phố học Ngoại ngữ trong tương lai. Thừa nhận việc thuê giáo viên người nước ngoài phải trả thù lao, chưa phù hợp với điều kiện học sinh vùng nông thôn, nhưng đây là chương trình tự nguyện, có phiếu hỏi. Về lâu dài, sẽ chỉ đạo có giải pháp thu, chi phù hợp để mọi học sinh đều được thụ hưởng chương trình bổ ích này.
Riêng đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh là người ngoại quốc, thẩm quyền không thuộc UBND TP mà do Sở GD-ĐT thẩm định, cấp phép do vậy phụ huynh có thể yên tâm về nguồn gốc và năng lực của họ.
Trong không khí cởi mở, cơ bản những ý kiến kiến nghị của phụ huynh học sinh được giải đáp thỏa đáng. Nhiều phụ huynh hiểu đúng bản chất đã chia sẻ và hiến kế với lãnh đạo TP những giải pháp trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả hoạt động GD-ĐT thời gian tới.
Được biết, sau buổi đối thoại cuối tháng 10, bước tiếp theo, UBND TP Bắc Ninh sẽ tổ chức họp với hơn 70 Hiệu trưởng các trường MN, TH và THCS cùng bàn giải pháp giải quyết những ý kiến, kiến nghị của phụ huynh học sinh về những vấn đề nóng đang đặt ra với ngành GD-ĐT, TP Bắc Ninh và từng cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Ý kiến ()