Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị.
Mô hình Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh.
Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ của những tính toán khoa học. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương hỗ nhau, giúp người kiến trúc sư (KTS) sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc đạt đến sự cân bằng hoàn hảo. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, mỹ thuật và kiến trúc là hai ngành nghệ thuật tạo hình có mối quan hệ khăng khít với nhau: Kiến trúc khi được mỹ thuật tô điểm sẽ tăng thêm các giá trị của công trình.
Mỹ thuật hướng tới những giá trị tinh thần, còn kiến trúc cũng như vậy, nhưng lại gắn với những giá trị thực dụng, hay nói một cách khác kiến trúc là tổ chức môi trường sống cho con người một cách thẩm mỹ, nó quan tâm nhiều đến công năng sử dụng, đến không gian bên trong và cả không gian bên ngoài.
Trong kiến trúc truyền thống, các cấu kiện kiến trúc bao giờ cũng được kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu chịu lực với yêu cầu làm đẹp, trang trí. Các đề tài trang trí được thể hiện ngay trên các cấu kiện kỹ thuật, chịu lực. Một chiếc đấu được chạm hình đài sen, một chiếc cánh gà được chạm lộng, hay chạm kênh bong hình rồng một cách cầu kỳ, mới nhìn tưởng như được làm thêm cho đẹp. Thực chất đó vẫn là những chi tiết tham gia chịu lực. Các bộ phận kết cấu công trình từ nền đến mái đều mang dấu vết rất sinh động của hoa lá, vân mây, tứ linh, bát bảo. Có thể tách riêng một câu đầu uốn cong, một cánh cửa bức bàn, tự nó đã là tác phẩm điêu khắc và tứ trụ, bồn cây, bình phong, rồng đá uốn lượn bên bậc thềm, cầu đá chênh vênh soi bóng bên hồ nước, với chạm trổ trên gỗ, đắp trát trên gạch, đục đẽo trên đá, sản phẩm đậm nét điêu khắc, giá trị nghệ thuật của công trình kiến trúc được nâng cao lên rất nhiều.
Bắc Ninh đã hoàn thành quy hoạch chung đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030 (Theo Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ). Từng bước xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành vùng đô thị lớn: Văn hiến, văn minh, giầu bản sắc (của văn hoá Kinh Bắc), hiện đại, sinh thái và bền vững, trên nền tảng kinh tế trí thức; có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại; có môi trường sống tiện nghi, trong lành đáp ứng nhu cầu vật chất ngày một cao của nhân dân. Đây là tiền đề cho các đô thị Bắc Ninh phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, hình thành một đô thị có phong cách, đẹp, năng động xứng tầm là đô thị hạt nhân của vùng thủ đô. Rất hiếm nơi nào như trong quy hoạch khu vực đô thị lõi của chúng ta (gồm TP.Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và 3 xã: Hán Quảng, Yên Giả, Chi Lăng của huyện Quế Võ), phần lớn đường chu vi (ba mặt) được bao bọc bởi sông (sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu, sông Đuống và sông Tiêu Tương sẽ được khôi phục lại); và đặc biệt nữa, giữa địa hình bằng phẳng của đồng bằng tạo hóa như để “sót” lại một vài dãy núi không cao lớn nhưng trù phú và thơ mộng như núi Dạm, núi Phật Tích, núi Chè-Dọc. Vùng Đô thị lõi khá đậm đặc các di tích như vậy là yếu tố quan trọng cần được quy họach bảo tồn và phát huy giá trị trong giáo dục và phát triển du lịch, mà người làm kiến trúc và mỹ thuật phải hiểu tường tận để ứng xử sao cho hợp lý trong quá trình đô thị hoá, để làm sao vẫn giữ được bản chất nguyên sơ của vùng đất “sơn thuỷ hữu tình” và “địa linh nhân kiệt” có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến và đã được hội tụ, toả sáng ở bản sắc văn hoá.
Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị . Trong khi kiến trúc, cảnh quan được quan tâm đúng mực thì điêu khắc lại gần như bị lãng quên khi chính nó tạo nên những dấu ấn cho du khách khi đặt chân đến một thành phố. Các tượng đài về danh nhân văn hóa, lịch sử góp phần giáo dục lòng yêu nước, tìm hiểu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông thì những tượng đài điêu khắc đương đại lại tiệm cận nhiều hơn đến đời sống hiện đại, suy tư về nhân tình thế thái, giúp khả năng sáng tạo của người làm nghề tự do bay bổng, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, cái hay, cái đẹp của người dân đô thị. Đây vẫn là một mảng còn mới mẻ với nghệ sĩ và xa lạ với công chúng nên số lượng các tác phẩm còn khiêm tốn nếu không muốn nói là chưa có được mấy ở Bắc Ninh!
Ở Bắc Ninh hiện nay, quan hệ giữa hai ngành kiến trúc và mỹ thuật đã được coi trọng. Hội đồng nghệ thuật do UBND tỉnh thành lập cho các tác phẩm mỹ thuật xây dựng trong tỉnh không bao giờ thiếu 2 thành phần là kiến trúc sư và hoạ sĩ. Hội đồng đã làm việc nghiêm túc và rất hiệu quả. Và đến bây giờ, xúc tiến việc lập quy hoạch tượng đài trên địa bàn tỉnh đã là một việc làm thực sự cần thiết, tránh được lối mòn mà nhiều nơi đã mắc phải là khi nào cần thì mới “gọi”, chỗ nào đất trống thì đặt vào. Thực tế là hiện nay phần lớn kiến trúc sư chỉ dành cho hoạ sĩ điêu khắc phạm vi nhất định để cộng tác, đúng hơn là để hỗ trợ cho tác phẩm khi có yêu cầu trang trí do kiến trúc đặt ra, và ngược lại các nhà điêu khắc rất ít khi chủ động cộng tác với kiến trúc sư trong các công trình của mình.
Thực tế chẳng thiếu gì những bài học đắt giá, gây tốn kém bao nhiêu công sức, tiền của mà không phải lúc nào cũng sửa chữa sai sót được. Việc kết hợp giữa kiến trúc với mỹ thuật đã được các kiến trúc sư nghĩ đến song chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ với công trình, đôi khi sự phối hợp còn xộc xệch bởi không đồng phong cách, gây phản cảm. Ngay ở Bắc Ninh ta, có thể đơn cử một vài lối kết hợp phổ biến, đó là những ngôi nhà (kể cả trụ sở, nhà biệt thự, nhà công cộng...) được trang trí diêm dúa bằng những hoa văn hoạ tiết châu Âu ở thế kỷ XVIII, XIX... Sự không ăn nhập giữa kiến trúc hiện đại với những hoạ tiết cổ điển chưa được nâng cao, cách điệu không những làm xấu công trình mà còn gây lãng phí tốn kém.
Đấy là chưa kể đến những trang trí loè loẹt trên mặt phố xá mỗi dịp lễ hội, những tấm biển quảng cáo phản cảm… Buổi tối đi trên đường Nguyễn Gia Thiều hay Lý Thái Tổ… (của TP.Bắc Ninh) ta bị nhức mắt bởi những băng trang trí giăng trên đầu với những hoa văn sặc sỡ của những bóng điện đủ mầu xanh đỏ tím vàng. Cũng hoa văn như vậy nhưng nếu chọn mầu nhã nhặn hơn chắc phố xá sẽ đỡ xấu hổ với bạn bè, du khách. Ý tưởng tạo dáng vòi phun nước trên mặt hồ trước cửa Ủy ban, Tỉnh ủy là một ý tưởng hay nhưng hình như nó đặt chưa đúng chỗ. Đây là hồ nước gắn chặt với hai công trình quyền lực cao nhất của tỉnh, khác với hồ nước dành cho giải trí đơn thuần. Chưa kể việc tạo hình chim lạc lại không thể đứng ở đâu để chiêm ngưỡng được. Kể cả việc trên mái sảnh một số công trình trụ sở của cơ quan nhà nước lại có dải băng đen chạy chữ điện chỉ thích hợp với các nơi kinh doanh, cửa hàng, khách sạn… Có lẽ đó là những bài học thực tế nhất về thẩm mỹ cho các chủ đầu tư (trong đó có cả trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư và hoạ sĩ nữa)!
Về lĩnh vực tượng đài, một số địa điểm cũng biến đổi do việc xâm lấn của các công trình xây dựng, các hoạt động buôn bán tự phát… làm giảm chất lượng công trình. Bắc Ninh dựng 3 tượng đài Nguyễn Văn Cừ chỉ cách nhau 20km, dễ gây nhàm chán. Nhìn chung các tác phẩm cũ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt trong mối quan hệ với cảnh quan. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Bắc Ninh mà còn của các đô thị lớn ở nước ta.
Việc kết hợp kiến trúc và mỹ thuật là vấn đề tất yếu trong quy hoạch xây dựng, cần phối hợp chặt chẽ từ các khâu ban đầu là lập quy hoạch cho tới các công trình cụ thể như tượng đài, tranh gốm, biểu tượng ở các nút giao thông… đến công việc thường xuyên là chỉnh trang đô thị. Với Bắc ninh, điều đó thực sự có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp bách. Nó là một công việc phức tạp, cần phải có kiến thức để hiểu thật sâu, thật rộng của nhiều cấp, nhiều ngành khoa học, nghệ thuật, của nhiều kiến trúc sư và hoạ sỹ mà người thiết kế đô thị phải có cây gậy chỉ huy của người nhạc trưởng. Bởi suy cho cùng, bộ mặt đô thị, nông thôn là một bản hoà tấu của tổng thể kiến trúc, quy hoạch, điêu khắc và trang trí mỹ thuật.
Ý kiến ()