Tháng 3-2024, Đông Tiến (Yên Phong) là xã đầu tiên của cả nước tổ chức “Ngày hội khuyến học”. Tâm huyết với Mô hình Khuyến học mới của xã, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam dành trọn một ngày để thăm hỏi, động viên các tấm gương học tập tiêu biểu. Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Thanh thôn Đông Thái.
Rời xã Đông Tiến, nguyên Phó Chủ tịch nước còn nhắc ông Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Bí thư Huyện ủy Yên Phong: Để sự nghiệp trồng người phát triển mạnh mẽ, rất cần lan tỏa những tấm gương học tập như gia đình cháu Thanh!”.
Kể cũng thú vị, người phụ nữ nông dân mang vẻ đẹp chất phác ấy mới học hết lớp 12, nhưng nhờ Mô hình Khuyến học mới, tình yêu sách cùng khát vọng xây dựng gia đình học tập trỗi dậy khiến chị trở thành người truyền cảm hứng đọc sách lúc nào không hay.
Tôi gặp lại Thanh trong buổi tọa đàm về văn hóa đọc tại thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT (tháng 4-2024). Thanh là khách mời đặc biệt của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người yêu sách và có rất nhiều bài viết truyền cảm hứng về văn hóa đọc. Dự buổi tọa đàm, nhiều cán bộ chủ chốt các cục, vụ, viện nhanh chóng bị cuốn hút bởi lối dẫn chuyện chân chất của người phụ nữ nông dân Kinh Bắc. Tôi để ý, sau bài chia sẻ của Thanh về văn hóa đọc, sau những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt, nhiều người chủ động xin số điện thoại của Thanh, hẹn ngày ghé Đông Tiến tận mục sở thị chuyện học và chuyện đọc nơi đây.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tìm hiểu và rất ấn tượng với Mô hình Khuyến học mới tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong (tháng 3-2024).
Nói Thanh là người phụ nữ nông dân kỳ lạ không hề quá. Mê đọc sách từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thanh phải dậy sớm bắt ốc mang đi bán, dành dụm lấy tiền mua sách. Đọc xong vuốt lại cẩn thận, ghi chép những điều cần thiết ra cuốn sổ tay rồi bán đi mua sách mới. Ham học và ham đọc nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên 20 tuổi chị đã kết hôn. Gia đình chồng khá nền nếp, cũng yêu thích sách nên có cơ hội, Thanh lại sưu tầm nhiều loại sách khác nhau. Tuy nhiên, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ với những lo toan thường nhật khiến việc đọc sách nhiều khi bị lãng quên. May là 2 cậu con trai thương bố mẹ nên rất chăm chỉ học hành.
Mô hình Khuyến học mới và Quỹ Ước mơ lớn tại xã Đông Tiến triển khai từ tháng 3-2019, do ông Cao Văn Hà, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh sáng lập và là Chủ tịch danh dự. Sau gần 6 năm hoạt động, từ một xã có phong trào giáo dục trung bình, Đông Tiến đã vươn lên thành điểm sáng tiêu biểu của tỉnh về phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. |
Mô hình Khuyến học mới và Quỹ Ước mơ lớn xã Đông Tiến khai trương tháng 3-2019 do ông Cao Văn Hà, cựu Giám đốc Sở Xây dựng sáng lập và là Chủ tịch danh dự. Với phương châm truyền lửa, truyền cảm hứng học tập nhanh chóng lan tỏa vào từng ngõ ngách, thấm sâu trong suy nghĩ nhiều người dân, gia đình, dòng họ tại xã Đông Tiến. Chính phương pháp giáo dục mở, đó là “tự học” thông qua “tự đọc” của Mô hình đã giúp nhiều gia đình trong đó có gia đình chị Thanh quản lý hiệu quả việc học của con cũng như việc tự học và tự đọc của cha mẹ.
Tự học và tự đọc, Thanh sớm nhận ra cô con gái út Cao Ngọc Khánh Linh sinh năm 2015 ngoài niềm đam mê đọc sách còn có khả năng tiếng Anh thiên bẩm, chị quyết tâm đồng hành cùng con trên hành trình chinh phục tri thức.
Giữa năm 2021, dịch Covid-19 ập đến làm gián đoạn mọi hoạt động xã hội, nhất là thời điểm toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vẫn với cảm hứng từ Mô hình Khuyến học mới, Thanh quyết tâm cùng con tự học tiếng Anh qua mạng, học trực tuyến qua các kênh uy tín, tham gia nhóm đồng hành chia sẻ phương pháp nuôi dạy con với phụ huynh toàn quốc. Trong cái khó ló cái khôn, chính những ngày tháng thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, mẹ con Thanh đã thành công trong quá trình tự học tiếng Anh. Thanh còn nhận thấy, muốn thành thạo các kỹ năng nhất là nghe và nói, cần tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài. Bởi vậy, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đều đặn sáng thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, hai mẹ con lại bắt xe buýt từ Yên Phong ra Hồ Gươm “luyện” tiếng Anh. Với năng khiếu và niềm say mê học tiếng Anh, lại chăm đọc sách, mới lớp 2, cô bé trường làng ấy đã giao tiếp với người nước ngoài như người bản địa. Sau nhiều cuộc tiếp xúc, con còn được làm quen và có thêm những người bạn mới. Có hôm hàng xóm qua chơi, ngạc nhiên thấy Khánh Linh đeo tai nghe coi máy tính miệng cứ “xì xà xì xồ”, thì ra con đang nói chuyện bằng tiếng Anh với những người bạn tít tận Tây bán cầu.
Cao Ngọc Khánh Linh từng tham gia nhiều cuộc thi tiếng Anh và đoạt rất nhiều giải cao trong đó có giải Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc tháng 8-2023, cuộc thi thu hút hơn 8 nghìn học sinh tham gia, thời điểm ấy Khánh Linh mới học hết lớp 2. Hiện là học sinh lớp 4 trường làng nhưng con đã thuộc làu nhiều cuốn sách, từ sách thiếu nhi đến sách kinh điển. Trò chuyện với con, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, ví Khánh Linh như “thần đồng” khi con bày tỏ những khát vọng lớn mang tầm vóc của những công dân toàn cầu.
Chị Nguyễn Thị Thanh và con gái Cao Ngọc Khánh Linh (bên phải) -Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2023. |
Nguyễn Thị Thanh có 3 con, con trai lớn lớp 11 là Cao Quý Tài, con trai thứ lớp 6 là Cao Quý Đại. Cả hai đều ngoan ngoãn học giỏi, từng đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh và Trạng nguyên tiếng Việt cấp tỉnh. Nhưng so với Khánh Linh, cả hai anh đều phải “ngả mũ” trước cô em gái “siêu nhân” của mình.
Chồng Thanh là anh Cao Quý Bằng, người đàn ông lao động chân tay, ham đọc sách nên rất tâm lý với vợ con. Hai vợ chồng đương tuổi làm ăn, họ có một cửa hàng vật tư nông nghiệp thu nhập khá ổn nhưng đều đặn thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, anh vẫn vui vẻ cáng đáng việc nhà để động viên vợ con, hoặc bắt xe buýt ra Hà Nội trải nghiệm vốn tiếng Anh; hoặc để vợ con lên đọc sách tại tủ sách họ Cao thôn Đông Thái, nơi chị Thanh xung phong làm thủ thư, truyền cảm hứng đọc sách và xây dựng gia đình học tập đến mọi người cả trong và ngoài xã Đông Tiến.
Tôi đã tận mục sở thị ngôi nhà của Thanh với cơ man là sách các thể loại được sắp xếp, bài trí khoa học như một tiểu thư viện. Thanh nói, bài trí sách bắt mắt cũng là thứ truyền cảm hứng đến người đọc trước hết là các thành viên trong gia đình. Thanh kể, nhiều bữa chồng đi làm về mệt, chị và các con thay nhau đọc sách cho anh, tận hưởng những giây phút tuyệt vời đó, mọi mệt mỏi như tan biến.
Từ sức lan tỏa của Mô hình Khuyến học mới, tháng 3-2024. Đông Tiến trở thành xã đầu tiên trong cả nước tổ chức được “Ngày hội khuyến học” diễn ra trong 2 ngày 23, 24-3 với rất nhiều hoạt động bổ ích thu hút hơn 1 vạn lượt người trong đó có rất nhiều diễn giả về văn hóa đọc khắp trong Nam ngoài Bắc tham gia. GS, TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ, bà rất thăng hoa và xúc động khi chứng kiến chuyện học và chuyện đọc ở Đông Tiến đã len lỏi đến từng ngóc ngách, thấm sâu trong suy nghĩ của người người, nhà nhà về ý thức vươn lên trên con đường học vấn, trong đó có gia đình học tập tiêu biểu Thanh - Bằng. Nâng niu tấm Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam có chữ ký nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chị Thanh xúc động cảm ơn lẫn biết ơn Mô hình khuyến học mới đã tạo ra bước ngoặt lớn trong nhiều gia đình ở Đông Tiến trong đó có gia đình chị về khát vọng vươn lên trong học tập.
Tôi nhớ như in buổi chiều xuân hôm ấy, khi chia tay Đông Tiến, GS,TS Nguyễn Thị Doan hóm hỉnh nhưng rất trí tuệ rằng: Chúng ta có nghề khai thác tài nguyên khoáng sản và nghề khai thác, bồi đắp tài nguyên, trí tuệ của con người. Như vậy, học đã trở thành nhu cầu bức thiết, thành một nghề - “nghề học”. Đông Tiến muốn trở thành làng nghề có “nghề học” thì cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Mỗi người dân Đông Tiến hãy phấn đấu trở thành công dân học tập, không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người để Mô hình Khuyến học mới nơi đây tiếp tục được nhân rộng và lan tỏa.
Thanh Tú
Ý kiến ()