Bài học làm người được bắt đầu từ niềm tin. Có câu châm ngôn đại ý rằng “Người mất chữ tín dẫu có đi khắp thiên hạ cũng không gặp được điều tốt”. Quả vậy, trong ứng xử giữa con người với nhau quan trọng nhất là giữ chữ tín. Có người dành cả cuộc đời, thậm chí lấy cả tính mạng của mình ra bảo đảm chỉ để thực hiện một lời hứa với ai đó. Bởi họ coi việc giữ chữ tín là danh dự, nhân phẩm của mình nên không thể thất hứa.
Nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ nhân vật Quan Vân Trường trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng của La Quán Trung. Bởi ông là người nhân nghĩa, giữ chữ tín hàng đầu. Nhân vật gian hùng Tào Tháo khi bắt được ông đã dùng đủ mọi thứ danh, lợi, tình dụ dỗ ông ở lại giúp mình thực hiện mưu đồ làm bá vương thiên hạ nhưng đều bị ông khẳng khái từ chối. Bởi ông luôn đau đáu một lòng phò tá Lưu Bị để thực hiện lời thề máu trong lần kết nghĩa vườn đào giữa ba nhân vật anh hùng: Lưu Bị- Quan Vân Trường - Trương Phi rằng ba anh em “Có vinh cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tuy không cùng sinh nhưng sẽ cùng chết bên nhau”. Chính bản lĩnh, tấm lòng cương trực, luôn giữ vững nhân - nghĩa - lễ - trí - tín trong cốt cách bậc quân tử “giàu sang không quyến rũ; nghèo khó chẳng chuyển lay; uy vũ không khuất phục” của Quan Vân Trường (còn gọi là Quan Vũ) đã khiến Tào Tháo nể phục, đành thả ông ra, để ông trở về phò tá Lưu Bị. Chính hành động anh hùng tiết nghĩa ấy của Tào Tháo khiến người đời nể phục ông. Dù là kẻ thù bên kia chiến tuyến nhưng họ vẫn nể phục nhau ở tấm lòng trung nghĩa, biết giữ chữ tín.
Trong quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm, cộng đồng, gần như lúc nào chúng ta cũng đối diện với việc giữ lời hứa hay thất hứa. Nhiều người coi lời hứa của mình chỉ là “Lời nói gió bay”, vừa hứa hẹn với ai như đinh đóng cột điều gì đó, vậy mà sau đó họ quên ngay, không thèm thực hiện, không thèm nhớ. Họ đâu biết rằng “Một lần mất tín, vạn sự mất tin”. Lần sau sẽ chẳng ai tin tưởng họ nữa.
Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cần phải sống thật thà, không được dối trá. Sống gần hết đời người rồi ngẫm ra người xưa dạy thật chí lý “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Câu chuyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu” là bài học sâu sắc mà ai cũng biết. Cậu bé chăn cừu, vì muốn mọi người chú ý đến mình nên đã nhiều lần hô to: “Mọi người cứu giúp tôi với, có đàn sói đang tấn công, ăn thịt đàn cừu của tôi”. Đến khi mọi người chạy lại để giúp mới biết mình bị mắc lừa. Cậu bé cứ tưởng trò đùa của mình hay nên thỉnh thoảng lại lấy ra đùa trêu mọi người. Đến một ngày có đàn sói từ đâu kéo đến tấn công đàn cừu của cậu thật, cậu tri hô mọi người đến cứu giúp nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng nữa vì nghĩ cậu lại lừa dối họ. Và đàn cừu của cậu đã bị chúng xơi sạch, ngay cả cậu bé cũng suýt mất mạng. Lúc này cậu bé mới hối hận thật sự nhưng đã quá muộn. Tôi đã mua tặng con mình cuốn truyện ngụ ngôn ấy và nhiều lần nhắc con mình về bài học này.
Quả thực hứa hẹn với ai điều gì đó rất dễ, nhưng thực hiện thì rất khó. Một người đàn ông thời trẻ có thể dễ dàng thốt ra những lời mật ngọt với cô gái rằng: “Anh yêu em, anh muốn cưới em để cả đời được ở bên em chia sẻ ngọt bùi, chăm sóc cho em”. Năm tháng qua đi, khi người vợ của anh dần thêm tuổi, vẻ đẹp tàn phai sau khi sinh nở, sau những thăng trầm lo toan cuộc sống cùng anh, liệu anh có còn giữ được lời hứa lúc ban đầu? Hay ra ngoài thấy những cô gái khác trẻ trung, xinh đẹp, hấp dẫn hơn vợ mình, người ấy lập tức “Có mới nới cũ”, trở mặt với người bạn đời của mình để đi theo nhân tình mới ?!
Tôi thường tự hỏi, tại sao người xưa lại có thể yêu nhau thủy chung như thế? Như câu chuyện tình của bố mẹ tôi vậy. Hai người quen biết và yêu nhau trong chiến tranh. Trước khi chia tay mẹ tôi để đi vào Nam chiến đấu trong chiến trường B khắc nghiệt, hai người còn chưa một lần cầm tay. Vậy mà mẹ tôi đã chờ đợi bố tôi suốt 5 năm ròng trong khi không nhận được một lá thư, một tin tức từ người yêu. Thực ra bố tôi đã nhiều lần gửi thư và thiếp chúc mừng về cho mẹ và gia đình, nhưng mẹ tôi không nhận được vì chiến tranh thư từ bị thất lạc. Vậy mà mẹ vẫn một lòng chờ đợi bố trở về để được cùng nhau nên nghĩa vợ chồng. Tất cả vì một lời hẹn ước trước lúc chia tay: “Khi anh trở về, mất mát của cải vật chất lớn bao nhiêu anh cũng không tiếc, chỉ tiếc nếu em đi lấy chồng…”. Và mẹ đã nhận lời chờ đợi bố khi tuổi xuân trôi đi. Trong làng ngoài xã có nhiều người trai trẻ giàu có, có địa vị xã hội đến dạm hỏi mẹ tôi đều từ chối. Đến bà ngoại cũng nhiều lần sốt ruột giục: “Con xem ưng ai thì đồng ý đi để u lo, chứ nó đi biền biệt như thế, lại chẳng có tin tức gì… Biết đâu lại nhỡ nhàng cả tuổi xuân con gái”. Nhưng mẹ tôi vẫn kiên định “Con đã hứa với anh ấy rồi, nhất định con sẽ chờ đợi, đến bao giờ hòa bình lập lại nếu anh ấy về dẫu có bị thương cụt tay, cụt chân con vẫn lấy, còn nếu anh ấy hi sinh lúc ấy hẵng hay”. Thấy con gái một lòng kiên quyết như vậy, bà ngoại tôi cũng đành chịu. Thế rồi Trời, Phật, tổ tiên run rủi phù hộ bố đã trở về lành lặn, hai người đã tổ chức đám cưới khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.
Hơn 40 năm chung sống, trải qua bao thác ghềnh trong cuộc sống, nhưng bố mẹ tôi vẫn cùng nhau đi đến cuối cuộc đời, nuôi dạy các con, gánh vác công việc gia đình, dòng họ, chăm sóc, chia sẻ cùng nhau khi đau ốm, hoạn nạn. Ngẫm lại, bố mẹ tôi đã dành cả cuộc đời để thực hiện lời hứa với nhau hồi tuổi trẻ “Muốn được cả đời chia ngọt, sẻ bùi cùng nhau”.
Không chỉ trong tình nghĩa vợ chồng - mối quan hệ đặc biệt ta cần cố gắng giữ trọn lời hứa với nhau, mà trong tình bạn, tình đồng nghiệp, làng xóm,… cũng nên làm vậy. Nếu đã hứa hẹn với ai điều gì thì nên cố gắng thực hiện. Trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này, ta đã gặp và kết duyên với bao người, nhưng thử hỏi cuối cùng ta còn lại được mấy người bạn tri kỷ. Người ta thường kết bè nhiều chứ bạn thật sự có được mấy người? Nhiều khi tôi nuối tiếc, đau buồn vì qua năm tháng đã rơi rụng, mất đi nhiều người bạn từ thuở hàn vi. Người xưa nói chẳng sai, người ta thường dễ chơi được với nhau lúc gian khó nhưng lại khó ở bên nhau lúc hiển vinh. Ngay cả vợ chồng, anh em họ hàng cũng vậy, thường khi nghèo khó thì dễ gần gũi, chia sẻ với nhau, nhưng đến khi giàu sang, hiển đạt lại thành xa cách, thật đáng buồn. Tất cả cũng chỉ vì lòng người đổi thay, họ không còn giữ được chữ tín với nhau nữa. Mỗi khi gặp phải những người thất tín, tôi lại nhớ đến những câu chuyện của người xưa, tình bạn tri kỷ giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ thật thấm thía. Trên đời chỉ cần một người bạn hiểu ta, sẵn sàng sống chết vì ta cũng đủ. Mấy ai được như thế kia chứ.
Để xây đắp và duy trì một mối quan hệ tốt, dẫu là bố mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm, đều phải giữ được chữ tín với nhau. Mà chữ tín ấy nói thì dễ nhưng thực hiện được người ta cần phải tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày trong từng ý niệm, lời nói, hành động. Chỉ khi ta coi việc giữ chữ tín như giữ danh dự, nhân phẩm của mình thì mới thực hiện được. Trong kiếp phù sinh ngắn ngủi này, thà một lần ta giữ chữ tín để có được một tri âm tri kỷ còn hơn kết giao với cả đám người nhưng chẳng có ai tin tưởng, sống chết vì ta.
Khôi Nguyễn (thành phố Bắc Giang)
Ý kiến ()