Bài 3: Cơ hội để du lịch bứt phá
Mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu, đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 7 nghìn tỷ đồng; đồng thời Bắc Ninh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Bài 1: Đánh thức tiềm năng du lịch
Bài 2: Phát triển du lịch- sáng tạo từ mỗi địa phương
Hình thành tour tuyến liên kết du lịch nội tỉnh
Những điểm du lịch trọng tâm để hình thành tour, tuyến du lịch nội tỉnh.
Thống kê từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, những năm qua, lượng du khách đến tham quan di tích lịch sử văn hoá, trải nghiệm các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tương đối đông, khoảng hơn 10.000 lượt khách mỗi năm, trong đó khoảng 10% là du khách quốc tế. Tuy vậy, lượng khách lưu trú lại khá thấp do các loại hình, dịch vụ du lịch vẫn chủ yếu phát triển đơn lẻ, tính liên kết để thu hút du khách lưu trú dài ngày chưa cao, dẫn tới giá trị từ du lịch còn hạn chế…
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành VH-TT&DL tỉnh xác định liên kết là hướng đi tất yếu, trong đó, trước hết là liên kết các tuyến du lịch nội tỉnh. Hiện tại, ngành du lịch bước đầu hình thành một số tour trọng điểm như: Bên dòng Như Nguyệt (đền Bà Chúa Kho - làng cổ Quan họ Viêm Xá - các di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng Tiến sỹ Kim Đôi - trải nghiệm làng nghề gốm Phù Lãng); Huyền thoại một dòng sông với các điểm đến là: Lăng Kinh Dương Vương - chùa Dâu- chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ - chùa Phật Tích - núi Thiên Thai, đền thờ Lê Văn Thịnh - làng mây tre Xuân Lai - khu di tích Lệ Chi Viên - chùa Đại Bi - đền thờ Cao Lỗ Vương - bến Bình Than. Ngoài ra, còn nhiều tour du lịch trải nghiệm cuối tuần, khám phá làng quê Bắc bộ hoặc các tour chuyên đề theo dòng lịch sử, khám phá chùa cổ, hành trình qua các đền thờ Thủy tổ...
Trong Đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh cũng xác định liên kết xây dựng sản phẩm du lịch OCOP tại 3 địa điểm làng nghề tranh Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành) với làng nghề gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ) và làng quan họ Viêm Xá (phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh). Đây là những địa phương có đầy đủ đặc trưng của làng quê truyền thống Bắc Bộ với đình, chùa, chợ, bến đò, bờ đê; ẩm thực đa dạng… Cộng với việc kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận tiện; có thể liên kết với nhiều điểm du lịch khác có lễ hội, di tích, di sản đặc sắc, từ đó đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch để phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ, tour, tuyến du lịch để tăng sự trải nghiệm cho du khách khi đến thăm.
Đã hàng trăm lần đưa du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm tại làng gốm Phù Lãng và làng tranh Đông Hồ, anh Trần Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Âu Lạc (thành phố Hà Nội) đánh giá ở cả 3 địa phương này, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ, bề nổi các giá trị của làng nghề, dân ca Quan họ, ẩm thực, đình, đền, chùa, làng cổ… Chưa làm nổi bật được chiều sâu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn… đặc trưng, khác biệt của địa phương; chưa có các hạng mục phụ trợ: Bãi để xe, công trình vệ sinh công cộng; điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm chung của làng nghề, các sản phẩm OCOP của tỉnh ở góc độ thương mại. Đây là những hạn chế cần khắc phục để du lịch văn hoá, làng nghề Bắc Ninh phát triển xứng với tiềm năng.
Liên kết vùng và liên vùng
Dân ca Quan họ là điểm nhấn trong liên kết du lịch giữa tỉnh Bắc Ninh với các địa phương khác.
Để ngành du lịch phát triển, cuối năm 2023, tỉnh Bắc Ninh ký kết hợp tác toàn diện trên lĩnh vực du lịch giai đoạn 2023-2030 với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trong đó, tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối hợp tác công tư... Sự hợp tác này được triển khai trên cơ sở Bắc Ninh và các địa phương này đều sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn rất đa dạng, giàu giá trị. Đồng thời, cả 5 tỉnh đều có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, với nhiều cơ sở lưu trú quy mô, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch từ trung đến cao cấp... Do đó, cả 5 tỉnh có thể liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Trong đó, chú trọng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh trên cơ sở liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, theo loại hình chuyên đề du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa, trải nghiệm miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển với Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt, sự liên kết hợp tác du lịch nhằm khai thác tiềm năng của thị trường khách từ thủ đô Hà Nội để phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa theo hướng độc đáo; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Bắc Ninh có uy tín trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Cùng với đó, việc hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam triển khai “Tuần lễ trải nghiệm văn hoá xứ Kinh Bắc” trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng được kỳ vọng mang đến những tín hiệu phát triển tích cực. Theo đó, ý tưởng thiết kế mang chủ đề “Văn hoá Kinh Bắc” với các hoạt động quảng bá văn hóa diễn ra trước chuyến bay (trải nghiệm mặt đất); trải nghiệm trên các chuyến bay. Tổ chức các hoạt động quảng bá, hát dân ca Quan họ trên các chuyến bay, lồng ghép mini game hỏi - đáp về văn hoá Kinh Bắc - Bắc Ninh, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Bắc Ninh, trưng bày các ẩn phẩm báo chí có nội dung chuyên biệt về văn hoá Bắc Ninh tại khu vực chờ và trên máy bay, thiết kế sản phẩm lưu niệm… Từ đó, quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Bắc Ninh.
Cơ hội phát triển từ Quy hoạch
Việc liên kết để Bắc Ninh trở thành một điểm du lịch về di sản hấp dẫn, thu hút khách ở lại dài ngày cũng được chú trọng trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cụ thể hơn là Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”.
Khu vực làng Diềm (phường Hoà Long) được quy hoạch trở thành điểm nhất du lịch văn hoá trọng điểm cấp tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Đáp cho biết, để hiện thực hoá mục tiêu Quy hoạch, Đề án, ngành Du lịch tỉnh phối hợp các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng bao gồm phát triển mạng lưới các khu, điểm du lịch từ hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu; tạo sản phẩm du lịch từ các bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các loại hình nghệ thuật dân gian; phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ, làng nghề, nông nghiệp nông thôn; phát triển du lịch trên sông Đuống, sông Cầu, đa dạng các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm.
Theo đó, Bắc Ninh tiếp tục ưu tiên tập trung đầu tư cho các dịch vụ du lịch, dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch của tỉnh để tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch sinh thái và nông nghiệp tăng trải nghiệm cho du khách. Trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành Khu du lịch - vui chơi giải trí - thể thao hiện đại quy mô lớn tầm cỡ quốc gia tại phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), trọng tâm gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa chùa Dạm, núi Dạm, ngòi Con Tên với loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; vui chơi giải trí - thể thao.
Cùng với đó, hình thành 8 khu du lịch cấp tỉnh như: Khu du lịch Miền Quan họ tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh kết nối với Khu du lịch văn hóa - lễ hội đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh), Khu du lịch lịch sử chiến tuyến Như Nguyệt... Xây dựng Khu du lịch văn hoá vui chơi giải trí tổng hợp Đền Đầm - Đền Đô - Tiêu Tương (thành phố Từ Sơn) đạt tầm cỡ khu vực. Tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái và tâm linh tại Khu du lịch văn hóa sinh thái tâm linh Phật Tích (huyện Tiên Du) trên cơ sở mở rộng không gian chùa Phật Tích gắn kết với khu sinh thái rừng phụ cận (Núi Lạn Kha, huyện Tiên Du) kết nối với khu Lăng Kinh Dương Vương - Chùa Bút Tháp - Chùa Dâu qua cầu Kinh Dương Vương đạt tầm vóc là khu lễ hội tín ngưỡng cấp quốc gia. Từ đó, mở ra các tour du khảo đồng quê và tuyến du lịch dọc sông Đuống từ lăng Kinh Dương Vương (thị xã Thuận Thành) đến Khu du lịch Bãi Nguyệt Bàn và phát triển Khu du lịch cộng đồng Cao Đức - Thái Bảo - Vạn Ninh (huyện Gia Bình) với loại hình du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân (homestay).
Thực tế hiếm có địa phương nào mà mỗi vùng quê, mỗi đô thị đều mang nét đẹp, mang giá trị văn hoá, lịch sử từ truyền thống đến hiện đại như các địa phương trong tỉnh. Đó là dư địa, là tài nguyên để mỗi cá nhân, địa phương, các cấp, ngành chung tay phát triển ngành công nghiệp không khói, là cơ sở để du lịch Bắc Ninh cất cánh trong tương lai, trở thành vùng trọng điểm du lịch sôi động của khu vực.
Ngọc-Hoa
Ý kiến ()