Quan họ là linh hồn của Hội Lim. Những câu hát ngọt lịm, mê say thổn thức trong ngày hội xuân Quan họ vùng Lim như khiến cả miền Kinh Bắc-Bắc Ninh "lên men" đằm hương sắc. Nhà thơ Vũ Đình Minh từng thổn thức trong bài thơ Hội Lim những lời gan ruột như sau:
"Nón thúng quai thao em thẹn thùng che má/ Hát đắm say cho đứt ruột gan người/ Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ/ Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi..."
Từ 8 giờ sáng ngày 9-2, tức 12 tháng Giêng, đông đảo du khách gần xa đã nô nức về trẩy Hội Lim
Đến hẹn lại lên, sớm Chủ nhật 9-2, chúng tôi náo nức, thung thăng hòa vào dòng người trảy hội vùng Lim. Núi Hồng Vân ngày khai hội rực rỡ, phấp phới sắc màu của những tà áo mớ ba mớ bảy. Dọc hai bên đường dẫn lối lên chùa Hồng Ân, những phương đình (chòi hát) Quan họ, các liền anh rộn ràng sửa soạn áo the khăn đóng, liền chị sóng sánh trong tà tứ thân, quai thao nón thúng đậm đà nét duyên. Dừng chân tại điểm hát Quan họ của CLB Quan họ xã Hoàn Sơn, các liền chị đang cặm cụi bổ cau têm trầu cánh phượng sẵn sàng mời khách.
Tay vẫn thoăn thoắt thêm vôi, thêm vỏ, liền chị Đào Thị Ý, thành viên CLB Quan họ Hoàn Sơn đon đả mời du khách bằng những nhời Quan họ: "Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng. Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta, miềng trầu là miếng trầu vàng...".
CLB Quan họ thôn Lũng Giang diễn xướng Quan họ trên thuyền trong chiều Hội Lim.
Giữa bốn bề câu hát giao duyên, mời trầu trên đồi Lim, dòng người hân hoan nối nhau vãn cảnh chùa Hồng Ân rồi trở lại đông hội, chen vai tìm đến các điểm hát Quan họ. Say sưa thả mình theo câu hát, lòng vẫn háo hức chờ đến lượt hát giao lưu tặng đông hội những câu Quan họ thiết tha, bà Nguyễn Thị Kim Dung, du khách đến từ Hà Nội hào hứng: Trảy hội Lim năm nay, tôi cùng với hơn 20 thành viên Câu lạc bộ vui ca Hà Nội tập luyện nhiều làn điệu Quan họ như: Trảy hội xuân, Tương phùng tương ngộ... để hát giao lưu cùng đông hội. Với lòng say mê Quan họ, nhiều năm nay chúng tôi đều về hội Lim để được gặp gỡ, học hỏi nghệ nhân, anh hai, chị hai các làng Quan họ. Đến đây, hòa mình vào không khí lễ hội thấy xốn xang, thích thú vô cùng. Những điểm hát ca nhạc Quan họ âm vang, rộn ràng, sôi động, thu hút rất đông khán giả nhưng tôi lại đặc biệt thích các buổi hát canh, hát cổ vì được nghe chị hai, anh hai luyến láy, buông câu, nhả chữ tinh tế, điêu luyện, những tiếng ư hự vang rền của các làn điệu cổ càng nghe càng mê say cuốn hút...
Các liền chị nhí của CLB Quan họ Măng non xã Hoàn Sơn, Tiên Du biểu diễn ở hội Lim.
Những canh hát chay, hát mộc tại gia đình các nghệ nhân luôn hấp dẫn những người mộ điệu, sành Quan họ. Tối ngày 12 tháng Giêng, riêng làng Lũng Giang có 6 điểm hát canh tại Nhà chứa Quan họ số 1 và số 2, tại gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Chiến, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Nhung, gia đình chị hai Nguyễn Thị Đối, gia đình anh hai Nguyễn Hữu Biển. Ở đây, các anh hai, chị hai phô diễn tài năng bằng những làn điệu Quan họ cổ cùng phong cách diễn xướng, cách chơi Quan họ đặc trưng, riêng có của Quan họ vùng Lim.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Thoa, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim phấn khởi: Quan họ Hội Lim năm nay có nét đặc biệt là tục kết chạ giữa làng Lim và làng Tam Sơn (Tp Từ Sơn) vừa được nối lại sau thời gian dài bị gián đoạn. Bởi vậy năm nay, hai làng Quan họ Lũng Giang và Tam Sơn cùng tham gia diễn xướng Quan họ ở cửa đình và hát dưới thuyền. Sắp tới, hai làng kết chạ chúng tôi sẽ cố gắng phục dựng lại tục hát Quan họ hiếu (chèo Chải Hê).
Nhiều đoàn du khách thập phương gặp gỡ, giao lưu ca hát tại hội Lim.
Như một cuộc biểu dương lực lượng Quan họ, Hội Lim trở thành không gian phô diễn rực rỡ và sinh động những tinh hoa văn hóa của Dân ca Quan họ Bắc Ninh- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh. Trong ngày hội, Quan họ cả vùng kéo về ca hát đông vui náo nhiệt. Không chỉ có Quan họ vùng Lim mà đông đảo nghệ nhân, liền anh, liền chị các làng kết bạn, kết chạ từ thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang xuôi xuống, từ Hà Nội, thành phố Từ Sơn ngược về. Từng đoàn, từng nhóm, từng cặp đến hội để được gặp gỡ, ca đôi lối đôi câu, vui xuân, vui hội, vui bầu, vui bạn. Nhiều liền anh liền chị dẫn theo các "liền em" của mình đi hội để quen dần với nghề chơi. Có những cặp anh hai, anh ba, chị tư, chị năm nổi tiếng với chất giọng đẹp, hát hay, có nhiều bài mới, bài lạ thì bọn Quan họ nơi khác cũng "đánh đường" tìm đến xin được học hỏi để thỏa ước mong.
Những cuộc ca xướng diễn ra trước cửa chùa, cửa đình, trong lán trại, ven sườn đồi, bồng bềnh trên thuyền, vọng vang những canh hát chay hát mộc ở nhà chứa Quan họ, trong các gia đình nghệ nhân... Hàng trăm làn điệu mê say, thổn thức được liền anh, liền chị ca lên giãi bày tình cảm, nỗi lòng với đủ trạng thái, cung bậc cảm xúc thương quý, trân trọng ân nghĩa, nhớ nhung hẹn ước, khắc khoải chờ mong... Những lời ca, điệu hát không đơn thuần là âm nhạc mà còn là tiếng lòng, lời tâm tình của những người con Kinh Bắc, trao gửi nỗi nhớ niềm thương, gắn kết những người yêu Quan họ lại với nhau tạo thành một cộng đồng vững mạnh cùng nhau gìn giữ và phát triển di sản văn hóa quê hương.
Các bà, các chị làng Lim têm trầu cánh phượng mời du khách.
Tiên Du hiện có 9 làng Quan họ gốc và hiện có 29 làng Quan họ thực hành được UBND tỉnh công nhận. Cùng với hoạt động truyền dạy, Tiên Du đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá Quan họ. Ngoài những địa điểm sẵn có như đình, đền, chùa, nhà văn hóa... huyện đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng 3 nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ gốc, hoàn thiện xây mới 6 phương đình (chòi) hát Quan họ, đồng thời chỉnh trang, tu sửa quảng trường đồi Lim. Từ đó, hình thành đa dạng không gian diễn xướng, tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB Quan họ mở rộng giao lưu, diễn xướng giữa các cộng đồng, góp phần thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Xuân này, trảy hội Lim, du khách còn trầm trồ bởi tương lai của Quan họ đang được chuyển tiếp cho lớp liền anh, liền chị nhí ngày càng tài năng, duyên dáng. Hồn nhiên, rạng ngời trong trang phục Quan họ với giọng hát trong ngần, nối tiếp giá trị văn hoá quý báu của cha ông, liền chị nhí Nguyễn Bích Ngọc, 12 tuổi, thành viên Câu lạc Quan họ măng non xã Hoàn Sơn chia sẻ: Em được các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội truyền dạy Quan họ từ nhỏ nên bây giờ có thể ca được gần 60 làn điệu Quan họ lời cổ và 10 bài Quan họ lời mới. Suốt từ trong Tết, chúng em đã luyện tập kỹ nhiều làn điệu Quan họ để biểu diễn phục vụ du khách tại Hội Lim như: Lý cây đa, Vào chùa, Người ơi người ở đừng về, Ngồi tựa mạn thuyền, Tìm trong chiều Hội Lim, Tình quê Quan họ... Em mong giới thiệu và lan tỏa vẻ đẹp của di sản văn hóa Quan họ tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế".
Hàng ngàn, hàng vạn du khách gần xa nô nức trảy hội, trong đó có biết bao người vì mê Quan họ mà đến, vì nhớ Hội Lim mà về. Vượt gần 2 nghìn km từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Bắc để được hòa mình trong không gian hội Lim mênh mang thơ nhạc, bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ xúc động: Lần thứ 2 đến với Hội Lim, tôi rất háo hức và hứng thú. Đến hội Lim, tôi cùng 16 thành viên trong CLB Quan họ Mười Nhớ được thỏa ước mong. Quý nhất là chúng tôi được tiếp cận học hỏi văn hóa, lối chơi, cách đối nhân xử thế, nói năng, thưa gửi của người Quan họ. Cảm ơn Ban Tổ chức đã ưu tiên dành riêng cho CLB Mười Nhớ một không gian để chúng tôi giao lưu, quảng bá màu sắc Quan họ phương Nam với đông hội...
Chiều hội Lim vẫn bồng bềnh câu hát trên thuyền rồng, những trai tài gái sắc vẫn miệt mài lúng liếng mắt mê lòng người nơi đông hội. Câu giã bạn thiết tha, dùng dằng nhớ thương người ở, vấn vương kẻ về, cùng hò hẹn nhớ lại về Hội Lim…
Ghi nhanh của Nhóm PV VH-XH
Ý kiến ()